Người Việt Khắp Nơi

Cuộc hội ngộ đầy cảm động sau 35 năm của thuyền nhân trại Sikiew

Monday, 04/07/2016 - 10:51:38

Nhưng rồi số phận lại buộc họ vào một thử thách nghiệt ngã khác. Có những người không bị làm mồi cho cá, cho cướp biển thì bị bắt vào những trại tị nạn.

Bài THỦY NGÂN

WESTMINSTER - Sau biến cố lịch sử năm 1975, dưới chính sách cai trị tàn bạo của cộng sản đã đẩy bao gia đình ở miền Nam Việt Nam trở nên nghèo khổ cùng cực. Khiến người dân bất chấp hiểm nguy, dong thuyền ra biển để tìm kiếm tự do. Nhưng rồi số phận lại buộc họ vào một thử thách nghiệt ngã khác. Có những người không bị làm mồi cho cá, cho cướp biển thì bị bắt vào những trại tị nạn.

Linh Mục Peter Prayoon Namwong, vị ân nhân người Thái gốc Việt, đã giúp đỡ cho người Việt tị nạn trại Sikiew trong 40 năm qua. (Sikiew Reunion 2016 Facebook)


Tại Thái Lan có một trại tị nạn gọi là Sikiew, họ bị giam giữ ở đó vào những năm đầu thập niên 80 và chờ đợi trong vô vọng. Bởi nơi đây vốn dĩ là trại tù, được lập ra để giam giữ người vi phạm luật pháp, không phải là nơi thích hợp để gọi là nhà. Những người tị nạn phải sống cực khổ trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Bởi chính phủ Thái hoàn toàn không muốn duy trì sự tồn tại của những nơi này, một gánh nặng thật sự đối với họ. Nhờ có những vị ân nhân nặng lòng với người Việt tị nạn, như Linh Mục Peter Prayoon Namwong, mà cuộc sống trong trại Sikiew được cải thiện, trẻ em được tiếp tục học hành, và nhiều người đã được đi định cư ở nước thứ ba. Linh Mục là người Thái gốc Việt, sinh sống lâu đời tại Thái Lan, đã cưu mang giúp đỡ cho những người Việt tị nạn 40 năm qua.


Những người Việt tị nạn của trại Sikiew sau 35 năm gặp nhau vui mừng choàng vai bá cổ. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học là những nạn nhân đầu tiên bị ảnh hưởng trong thời gian “chờ đợi vô vọng” ở trong trại. Nhưng nhờ có sự ra đời của những lớp học “tình thương,” những hoạt động vui chơi thể thao, văn nghệ, sinh hoạt đội nhóm đã giúp cho họ lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống và tạm quên đi cái khổ cực trong trại.


Những người muôn năm cũ đang ôn lại những chuyện xưa. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Và cũng chính từ những ký ức tốt đẹp về mái trường đặc biệt này mà họ đã có sự kết nối lại với nhau sau nhiều năm xa cách. Ban đầu chỉ là những cuộc gặp mặt quy mô nhỏ giữa những người bạn học trong trại nhưng sau đó lớn dần lên. Và như hôm thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016 vừa qua trại tị nạn Sikiew đã có buổi họp mặt kỷ niệm 35 năm tại Mile Square Park, thành phố Fountain Valley với số lượng người tham dự lên đến vài trăm, quy tụ từ nhiều nơi trên thế giới. Đây là lần đầu tiên cuộc họp mặt được tổ chức quy mô, hết sức chu đáo và bài bản. Họ có hẳn một website và một group công khai trên trang xã hội Facebook để kết nối và cập nhật thông tin chi tiết về trại Sikiew và về cuộc họp mặt cho những ai quan tâm đều có thể theo dõi.


Góc bán những đĩa nhạc và nón để gây quỹ giúp đỡ người Việt tị nạn còn kẹt lại Thái Lan. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Buổi họp mặt được tổ chức ngoài trời từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều với các hoạt động sinh hoạt vui chơi, ăn uống, ca hát. Trao đổi với phóng viên, ông Châu sống tại Fountain Valley, một cựu thuyền nhân từng sống trong trại tị nạn Sikiew chia sẻ, “Tôi ở (trong trại Sikiew) năm 82-83. Giữa năm 84 tôi đi (Mỹ). Mình nhớ lại cuộc sống vất vả nhất, cùng cực nhất, mình sống trong bốn bức tường, không được đi ra ngoài. Giờ qua đây giống như con chim được bay nhảy vậy. Tôi cũng gặp lại nhiều người quen chứ, nhưng phải mất một thời gian mới nhận ra được vì 35 năm rồi. Có những người khi đi cũng còn trẻ, sang đến đây đã làm ông nội bà nội rồi.”


Thành viên trong ban tổ chức có anh Tài trưởng ban đứng phía ngoài cùng bên phải. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Trưởng ban tổ chức, anh Đỗ Đình Tài, cho biết, “Trại Sikiew này không phải trại tị nạn bình thường mà nó là trại tù. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc không được phép vô thăm những người ở trong trại. Lý do là lúc đó, cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, chính phủ Thái không muốn người tị nạn từ Việt Nam, Lào, Campuchia qua nước của họ nữa. Cho nên những người tới đất Thái sau ngày đó bị bắt bỏ tù, chứ không phải những trại tập trung dành cho người tị nạn.



Lối vào nơi họp mặt có căng bảng chào mừng họp mặt trại Sikiew 2016, có logo kỷ niệm của trại Sikiew sáng thứ Bảy. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


“Cho nên điều kiện lúc đó ở trại tị nạn 6 tháng là đi được, nhưng tụi này ở tới 2 năm, họ nhốt lại, già trẻ lớn bé gì cũng nhốt hết, không biết ngày nào được đi, không biết ngày nào được thả ra. Cho nên những cựu quân nhân lập những nhóm tự trị, những ban đại diện cho cộng đồng, ban vệ sinh, lập trường học từ lớp 8 lớp 9. Thì những người trẻ như tụi tôi 14 tuổi cái kinh nghiệm đi vượt biên rất là hãi hùng. Nhưng nhờ cái trường học làm cho những đứa trẻ tụi tôi bình thường lại, học từ sáng tới chiều, làm những hoạt động trong trường, học bài này nọ nên được cân bằng tâm lý. Cho nên những anh em trong ban tổ chức đa số học cái trường đó, trường đó gọi là Our School. Chính phủ Thái không muốn trong trại đặt tên trường tên Việt, cái gì họ cũng không chịu hết.

“Tôi là nhóm đầu tiên, sau ngày 15 tháng 8,1981 thì chính phủ của họ có chính sách sau đó nhốt hết. Tụi tôi tới một tháng sau, họ đưa lên cái trại Sikiew tháng 10, 1981. Tụi tôi ở đó tới hai năm. Sau đó tụi tôi đi, đầu năm 1983, dân số trại lên tới mười sáu, mười bảy ngàn người, lúc đó họ cho đi. Rồi mấy năm sau họ đóng lại lần nữa. Nghe nói năm 86-87 họ đóng lại, những người sau đó bị cưỡng bức hồi hương.

“Tụi tôi rất là vui mừng, mấy anh em gặp nhau họ rất là vui vẻ, sau 35 năm gặp lại rất là mừng rỡ. Tôi nhận ra được mấy người đi chung ghe ngày xưa với tôi nữa. Được bốn người, cái ghe mình bị chìm, cũng tưởng là sắp chết rồi, 35 năm gặp lại nhau rất là mừng, có cơ hội nói lại chuyện cũ. Ở trên trại, không ai nói về chuyện đó, ở mấy năm trong trại mà không ai muốn nhắc chuyện đó.”


Ba người bạn cũ vui mừng gặp lại nhau sau 35 năm từ trái qua có anh Phương từ Washington DC, chị Đào từ Bắc Cali, chị Lawen Nguyễn từ Maryland tại Mile Square Park sáng thứ Bảy. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Về buổi hội ngộ, anh Tài cho biết, “Cái này tụi tôi chuẩn bị một năm rồi. Tháng 7 năm ngoái tới giờ. Đây là lần đầu tiên có quy mô như vầy. Mấy lần trước làm nho nhỏ, hai ba chục người, những người bạn thân của mình. Sau đó, tụi tôi nghĩ sao mình không làm cái lớn hơn, có nhiều thời gian chuẩn bị cho những người ở bên nước khác họ qua đây. Số lượng người tham dự ước lượng 600 người, những người trong trại lấy nhau, rồi con cái họ nữa lên số lượng có thể lên đến cỡ đó, khắp nơi trên thế giới luôn.”

Anh cũng nói về một vị khách đặc biệt, “Tụi tôi có mời được Cha Linh Mục Prayoon Namwoong Prayoon. Ông là người Thái nhưng gốc gác tổ tiên là người Việt 300 năm rồi. Hồi xưa mấy người Công giáo này bị truy đuổi nên họ dọn qua cái làng bên Thái. Họ ở đó, giữ truyền thống nói tiếng Việt, đọc Kinh tiếng Việt mỗi tuần. Bốn-mươi năm trước ông nghe người Việt tới trại Sikiew, tới xin ông trưởng trại vô đó làm lễ, tại không ai được vô hết. Ông trưởng trại cho vô, ông linh mục lập tức làm những việc thiện nguyện liền. Ông giúp từ đó đến nay 40 năm rồi. Ông giúp đổi tiền, giúp thư tín, giúp mua đồ. Nhờ ông linh mục mà cuộc sống trong trại đỡ cực hơn, đỡ chờ đợi lâu. Ông giúp tất cả mọi người bất kể tôn giáo. Cho nên mấy anh em hùn lại lấy tiền mua vé máy bay mời ông qua đây.”

“Mục đích tụi tôi gặp nhau vui vẻ và còn dư bao nhiêu tiền là đưa cho ông (Cha Prayoon). Những cái nón tụi tôi bán gây quỹ đưa cho ông để giúp mấy người (tị nạn bị ở lại) bên đó. Họ lớn tuổi, già rồi, bệnh hoạn, bệnh viện nó không có chữa cho tại họ ở lậu, họ sống cù bơ cù bấc, rất là khổ mấy chục năm. Họ cần gì là chạy tới kiếm ông linh mục, cho nên ông vẫn còn dính líu tới dân Việt tới giờ.”

Chị Thái Thị Hồng Đào sống Bắc California chia sẻ, “Chị ở B8 Sikiew năm 82 đến năm 84. Lúc đó chị 15 16 tuổi, bây giờ 49 rồi. Chị gặp rất là đông, lớp 8A. Vui quá luôn, có những bạn thân thì nhận ra liền.”
Chị Lawen Nguyễn đến từ Maryland, một thành viên trong ban tổ chức, vừa tay bắt mặt mừng chị Đào và cho chúng tôi hay, “Tụi này tổ chức ra cái họp mặt cho lớp thôi, rồi sau đó mọi người theo dõi, năm nay anh Tài tổ chức 35 năm.”

Anh Võ Thành Phương từ Washington DC cho biết, “Anh ở đó (trại Sikiew) đầu năm 82 cho tới cuối năm 83. Lúc đó khoảng 18 tuổi. Bạn bè lâu gặp lại nhau rất là vui, mình không thể ngờ được.”

Trong dịp họp mặt này, trại Sikiew bán đĩa nhạc, nón có logo kỷ niệm 35 năm của trại để gây quỹ ủng hộ cha Peter Namwong trong kế hoạch giúp đỡ cho những người Việt tị nạn còn kẹt lại ở Thái Lan. Gần đây, sau nhiều nỗ lực của nhiều cá nhân và các tổ chức nhân quyền trên thế giới, như tổ chức Voice của Trịnh Hội, giúp cho khoảng 100 người Việt tị nạn ở Thái đã được tái định cư ở Canada.

Sau buổi pinic tại công viên hôm thứ Bảy, trong ngày Chủ Nhật nhóm tị nạn trại Sikiew còn có buổi thăm Thầy Thích Huệ Minh (chùa Sikiew ngày xưa) nay sống tại chùa Phổ Hiền ở Monterey Park vào buổi sáng.
Chiều cùng ngày, nhóm có buổi dạ tiệc tại nhà hàng Majestic, Santa Ana. Trong buổi tiệc có bán vé xổ số để tiếp tục gây quỹ gửi tới Linh mục Prayoon Namwong giúp cho những người Việt tị nạn bị kẹt lại tại Thái đang cần được chăm sóc y tế. Một nghĩa cử cao đẹp của những người Việt tị nạn của trại Sikiew giúp đỡ nhau trong cơn khốn khó, luôn nhớ đến nhau dù cách xa muôn phương. (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT