Đạo và Đời

Cuộc đời và công hạnh của Đại Sư Khenpo Tsultrim Lodro

Wednesday, 19/07/2017 - 08:18:20

Các giáo lý của Khenpo được minh chứng với các lý luận logic chặt chẽ và các bằng chứng khoa học vững chắc, vừa cập nhật mà lại vừa dễ hiểu. Các cuộc thảo luận về Pháp của ngài rất hấp dẫn và dễ tiếp cận, và luôn được công chúng và giới trí thức học viện hoan nghênh đón nhận.

 




Nhân dịp ngài Tiến Sĩ Phật học Khenpo Tsultrim Lodro từ Tây Tạng sẽ đến Little Saigon thuyết giảng vào chiều thứ Năm, ngày 27 tháng 7, tại hội trường Nhật Báo Người Việt, thành phố Westminster, do Viet Nalanda Foundation tổ chức, chúng tôi trích đăng một bài viết của Konchog Osal Drolma chuyển dịch Việt ngữ từ tập sách Anh ngữ giới thiệu về cuộc đời và các công hạnh của ngài. Muốn biết thêm về buổi giảng xin liên lạc ông Bùi Kính ở số (714) 615-7646.

Ngài là một học giả khiêm tốn và tinh tế, và cũng là một người tu theo Phật Pháp với sự cống hiến và chứng ngộ đích thực; tuy nhiên nếu muốn miêu tả chính xác hơn thì là ngài còn là một dũng sĩ chưa từng bao giờ rời bỏ trọng trách đảm đương Phật Pháp của mình.

Khenpo Tsultrim Lodro chào đời tại miền Đông Tây Tạng, nay Trung Quốc gọi là Hạt Luduo, tỉnh Tứ Xuyên. Ngài là một Tiến Sĩ Phật Học và cũng là Phó Viện Trưởng Đại Học Viện Ngũ Minh Khoa Học Phật Giáo Larung ở Serthar. Ngài nổi tiếng là một đạo sư đương thời thuộc dòng Nyingma và là nhà thúc đẩy phát triển văn hóa Tây Tạng.

Trong thời đại nhiễu nhương này, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập diệt hơn hai ngàn năm, thì sự hiện hữu của Ngài là một ánh sáng chói ngời ngay giữa bóng tối, tỏa rạng và thắp lên hi vọng cho rất nhiều người.

Tiểu sử

Khenpo Tsultrim Lodro sinh năm 1962. Khi còn là một cậu bé, ngài đã cực kỳ thông minh và sáng dạ. Khi lên bảy tuổi, ngài bắt đầu học tiếng Hoa trong Trường Tiểu học Kasha của địa phương. Cùng thời gian đó, ngài đã tự học tiếng Tạng và nhanh chóng tinh thông về ngữ pháp và thơ ca, là một kỳ công mà hầu hết mọi người khó có thể đạt được. Thầy giáo và bạn học cùng lớp của ngài đã đánh giá rất cao về ngài. Cộng đồng địa phương cũng rất ấn tượng về tài năng thiên bẩm của ngài và rất kính trọng ngài.

Khi lớn lên, ngài khát khao trở thành một tu sĩ Phật giáo và tâm nguyện truyền bá giáo Pháp cho tất cả chúng sinh của ngài ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đầu năm 1984, ở tuổi 22, Khenpo đã từ chối lời mời làm thư ký cho Hội Đồng Quận 3 của Hạt Luhuo và đã thọ giới tu sĩ tại Đại Học Viện Phật giáo Larung nổi tiếng ở Serthar. Ngài đã được Đức Khenchen Jigme Phuntsok Rinpoche, một vị Tiến Sĩ Phật Học và cũng là một trong những tấm gương sáng vĩ đại của thế hệ của ngài, huấn luyện thật sát sao. Khenpo sau đó đã tuần tự thọ nhận các Biệt Giải Thoát Giới, Bồ Tát Giới và Mật Giới.

Tại Đại Học Viện Phật Giáo Larung, bất kể cuộc sống có khó khăn thế nào chăng nữa thì vị Khenpo trẻ tuổi luôn coi đó là một sự gia trì. Ngài ngày đêm nghiên cứu giáo Pháp Kinh điển và Mật điển, thông tuệ từng loại một mà không gặp một chút khó khăn nào. Sau nhiều năm nỗ lực và thi đỗ hết các kỳ thi khắt khe ở mức độ này đến mức độ khác, cuối cùng ngài đã được chính Đức Pháp Vương Jigme Phuntsok Rinpoche long trọng tán dương và trao bằng Tiến Sĩ về Tam Tạng Kinh Điển. Sau đó, để đạt được sự chứng ngộ nội tại, Khenpo bắt đầu thực hành Mật điển tối thượng của dòng Nyingma.

Năm 1987, Khenpo hộ tống Đức Pháp Vương Jigme Phuntsok Rinpoche trong một chuyến hành hương thánh tích đến ngọn núi Ngũ Đài Sơn thiêng thiêng. Chuyến đi này đã trở thành một nguyên nhân cát tường để Đức Pháp Vương có dịp đón nhận bốn loại đệ tử người Trung Hoa, bao gồm tăng, ni, cùng các hành giả cư sĩ nam và nữ. Trong chuyến đi đó, Khenpo đã đóng nhiều vai trò, vừa là người phiên dịch, thư ký, đầu bếp và là thị giả của Đức Pháp Vương. Ngài đã hết lòng phục vụ đạo sư của mình và lưu tâm đến từng chi tiết. Vào ban ngày, ngài làm các công việc buổi sáng thường ngày và nấu các bữa ăn; vào ban đêm, ngài giúp rửa bát và dọn giường. Khi có thời gian rảnh rỗi, ngài tập trung thực hành thiền định và lập các giới nguyện vĩ đại và hồi hướng liên tục theo Đại Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền.

Từ 1991 đến 2013, Khenpo giữ trọng trách quan trọng là Hiệu trưởng Văn Phòng Học Vụ tại Đại Học Viện Ngũ Minh Khoa học Phật giáo Larung. Trong suốt 21 năm, ngài đã hàng ngày cống hiến trong việc giảng Pháp và làm công việc của một Hiệu trưởng, và do đó đã dìu dắt được một số lượng lớn các tăng sĩ xuất chúng – là những người đã thành tựu trong Phật Pháp và đã sẵn sàng với những chuẩn bị để truyền bá giáo Pháp.

Năm 1984, Đức Pháp Vương Jigme Phuntsok đã chỉ định Khenpo đến dạy Phật Pháp tại Singapore, và do đó ngài đã chính thức bắt đầu truyền Pháp ra nước ngoài.

Trong những năm gần đây, vô số các cách thức giết hại và giết mổ động vật đã xuất hiện trong các vùng sắc tộc của người Hán tại Trung Quốc. Chứng kiến rất nhiều cảnh tàn nhẫn này, Khenpo đã quyết tâm phải làm một điều gì đó về việc này. Kể từ năm 1997, ngài đã tổ chức các hoạt động phóng sinh hàng năm tại Trung Quốc Đại lục. Đồng thời, Khenpo đã tận tâm thúc đẩy bảo vệ sự công bằng thiên bẩm của mọi chúng sinh, kêu gọi từ bỏ giết hại và giết mổ động vật cũng như thúc đẩy việc chăm sóc và bảo vệ động vật. Với sự quan tâm nghiêm túc đến các phương pháp tiếp cận đã được “khoa học chứng minh,” ngài đã chỉnh đổi mỗi một thủ tục phóng sinh sao cho phù hợp. Do đó, trong suốt hai thập niên qua, ngài đã cứu thoát hàng tỷ sinh mạng của động vật và ngài được mọi người gọi là “Khenpo Phóng sinh.”

Kể từ năm 2003, Khenpo đã đến thăm nhiều trại chăn nuôi gia súc và các vùng nông nghiệp ở Tây Tạng, giảng dậy về các tri kiến và thực hành cơ bản của Phật Giáo Tây Tạng. Ngoài ra, ngài thúc đẩy việc từ bỏ giết hại động vật và cùng lúc khuyến khích bảo vệ động vật. Khenpo cũng ủng hộ tầm quan trọng của giáo dục, chế độ ăn chay, bảo vệ môi trường, đạo nghĩa gia đình và các giá trị đạo đức cơ bản. Đồng thời, ngài kêu gọi các tăng sĩ ở các tu viện địa phương phải luôn ghi nhớ trong tâm nhiệm vụ truyền bá giáo Pháp cho chúng sinh và nhấn mạnh sự cần thiết để mỗi tu viện phải thiết lập một trung tâm nhập thất, một học viện Phật giáo và một trường tiểu học. Tất cả các lời giảng dạy và khuyến nghị này của ngài đã gây tác động lớn trong các cộng đồng ở địa phương.

Trong năm 2005, trong nỗ lực bảo tồn văn hóa Tây Tạng và thúc đẩy việc sử dụng tiếng Tạng, Khenpo đã mời các chuyên gia và học giả trong các lãnh vực liên quan cùng hợp tác để biên soạn một cuốn từ điển Hoa - Tạng - Anh toàn diện. Khenpo đảm nhận trách nhiệm tổng biên tập và đã tổ chức hơn 30 hội thảo để hoàn chỉnh việc biên soạn cuốn từ điển này trong suốt một thập niên. Kết quả là “Từ điển Hoa - Tạng - Anh Mới” được xuất bản với ứng dụng từ điển được cài đặt trên hệ thống Android và kho ứng dụng của Apple. Ngoài ra, các cuốn từ điển “Hoa - Tạng - Anh Mới với hình minh họa” và “Các cụm từ tiếng Tạng Truyền thống với hình minh họa” cũng được xuất bản.

Trong năm 2007, Khenpo đã lập một trường tiểu học gọi tên là Jiang Da, nằm trong một thung lũng hẻo lánh ở khu vực biên giới giữa Quận Serthar và Quận Luhuo. Với hơn 700 học sinh nội trú đến từ những trang trại và các khu vực miền núi xa xôi hẻo lánh, Trường Tiểu học Jiang Da đã làm thay đổi tai tiếng của địa phương trước đây là không có một ai trong cộng đồng đã từng học xong chương trình tiểu học tại đây.
Trong năm 2012, để ngăn chặn bệnh AIDS không lan rộng trong cộng đồng địa phương Tây Tạng, Khenpo đã khởi xướng các khóa tập huấn cho các tình nguyện viên phòng chống AIDS. Ngài đã lập Hiệp hội Phòng chống AIDS “Vì Lợi ích cho Tất cả” để nâng cao kiên thức về phòng chống bệnh AIDS và cấm sử dụng ma túy.

Kể từ năm 2014, sau 16 năm gián đoạn, Khenpo lại một lần nữa ra nước ngoài giảng Pháp. Ngài được mời đến để nói chuyện tại các nước và các quận hạt thuộc các nước như Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Đài Loan, Hồng Kông, Anh, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan và Úc. Trong những chuyến viếng thăm này, Khenpo cũng được các trường đại học danh tiếng thế giới nhiệt thành thỉnh mời giảng Pháp, như trường Đại Học Oxford, Đại Học Harvard, Đại Học Virginia, Đại Học George Washington, Đại Học California Berkeley, Đại Học Sidney, Đại Học Toronto, Đại Học Auckland, v.v. cũng như các công ty công nghệ cao hàng đầu trên thế giới như Google. Ngài đã tạo sự hứng khởi cho những cuộc trò chuyện và thảo luận sâu rộng với các chuyên gia và các học giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, triết học, tâm lý học, v.v.. Với sự tập trung vào khoa học và Phật giáo, các chủ đề như tâm và tinh thần, thiền và giác ngộ, cái chết và luân hồi đã được khám phá.

Các công đức và thành tựu của Khenpo còn sâu rộng hơn thế nữa; nhưng với thái độ và phong cách rất khiêm tốn của ngài, còn có rất nhiều điều vượt ngoài những gì mà chúng ta biết.

Tinh thông về kiến thức phương Đông và phương Tây

Trong thời gian học tập tại Đại Học viện Phật giáo Larung, Khenpo đã thọ nhận đầy đủ giáo pháp trân quý nhất về kinh điển và mật điển từ sư phụ của ngài – Đức pháp vương Jigme Phuntsok Rinpoche. Ngài cũng thể hiện sự xuất sắc nổi trội giữa một số lượng lớn các tu sĩ trong Đại Học viện bởi khả năng xuất chúng của ngài về giảng dạy, tranh biện và khả năng trước tác về các chủ đề Phật Pháp khác nhau. Ngài cũng được sư phụ của ngài – Pháp Vương Jigme Phuntsok Rinpoche đánh giá cao về những tài năng và thành tựu của mình.

Kể từ năm 1990, Khenpo đã nghiên cứu sâu rộng các lãnh vực học thuật phương Tây như khoa học, triết học và tâm lý học. Phòng của ngài luôn đầy ắp các tác phẩm thuộc nhiều thể loại và chủ đề khác nhau trong cả hai thời kỳ cổ đại và hiện đại. Do đó Khenpo đã giành được sự ngưỡng mộ rất lớn trong lòng mọi người.
Pháp danh “Tsultrim Lodro” của Khenpo - do chính Pháp Vương Jigme Phuntsok trao cho - vốn là pháp danh của Đấng Toàn Tri và Tôn Quý Longchenpa. Đấng tôn quý Longchenpa, cùng với các ngài Tông Khách Ba và Sakya Pandita được xem là các hiện thân về thân - ngữ - tâm của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Đấng Tôn Quý Longchenpa cũng được coi là vị Phật thứ hai của Tây Tạng sau ngài Liên Hoa Sanh.

Thông qua việc ban tặng Pháp danh này cho Khenpo, chúng ta có thể hiểu được phần nào về sự tán dương và kỳ vọng của Đức Pháp vương dành cho ngài.

Làm lợi lạc tất cả chúng sinh với lòng bi mẫn

Trong một tiểu blog của mình, Khenpo viết, “Thầy của tôi đã từng nói với tôi rằng, Lý do và giá trị duy nhất của cuộc đời của chúng ta là trưởng dưỡng tình yêu thương và ban tặng tình yêu thương cho chúng sinh! Tôi không bao giờ quên được câu nói này của ngài trong cuộc đời của tôi, và tôi hi vọng sẽ không quên nó trong các đời vị lai.”

Trong suốt hai thập niên qua, vì giới nguyện từ bi vô bờ bến của ngài đối với tất cả chúng sinh mà Khenpo Rinpoche đã đi đến hầu hết tất cả mọi nơi trên Tây Tạng, Trung Quốc Đại Lục và nhiều quốc gia trên thế giới. Thính chúng của ngài bao gồm công chúng, cả những người sơ tu lẫn các hành giả đã thực hành theo Phật giáo lâu năm, cũng như các chuyên gia và học giả trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Khenpo thực sự quan tâm đến sức khỏe tâm trí của công chúng. Để giúp đỡ những con người hiện đại, những người luôn bị mắc kẹt trong những thử thách tinh thần do lối sống phi tâm linh bởi chủ nghĩa duy vật gây ra, Khenpo đã đến thăm nhiều trường đại học, các cơ sở kinh doanh và các doanh nghiệp để tổ chức các hội thảo và chia sẻ trí tuệ Phật giáo.

Sự phân tích sâu sắc của ngài về nguyên nhân của những đau khổ tinh thần hé mở mối quan hệ thực sự giữa dục vọng, ích kỷ, bám chấp và khổ đau. Khenpo dạy mọi người phương cách ứng dụng Phật Pháp và thiền (Zen) để hóa giải các cảm xúc ô nhiễm và sự xáo trộn của cảm xúc, và làm thế nào để tìm ra được chân lý của cuộc đời, qua đó giúp đạt được thành công trên con đường theo đuổi hạnh phúc rốt ráo.
Khenpo thường xuyên khuyến khích các hành giả Phật giáo tận tâm thực hành Phật Pháp với một thái độ thực tế, không hão huyền, và với một phương pháp tiếp cận cặn kẽ từng bước một: đầu tiên, thiết lập tri kiến đúng đắn; thứ đến, trưởng dưỡng tâm xả ly xuất thế cùng với bồ đề tâm; sau đó trực ngộ tánh không; và cuối cùng, thành tựu mục đích của Phật giáo Đại Thừa.

Các giáo lý của Khenpo được minh chứng với các lý luận logic chặt chẽ và các bằng chứng khoa học vững chắc, vừa cập nhật mà lại vừa dễ hiểu. Các cuộc thảo luận về Pháp của ngài rất hấp dẫn và dễ tiếp cận, và luôn được công chúng và giới trí thức học viện hoan nghênh đón nhận.

Quan trọng hơn và khác biệt với các vị thầy giảng Pháp khác, các bài giảng của ngài không chỉ nhấn mạnh đặc biệt về tầm quan trọng của việc hiểu biết Phật Pháp mà còn của việc thực hành Phật Pháp. Bất kể khi nào ngài dạy lý thuyết, ngài cũng đưa ra các chỉ dẫn thực hành trong đời sống hàng ngày.
Khenpo thường xuyên trăn trở về thực tế là Phật giáo hiện đại dần dần rơi vào chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa thương mại và chủ nghĩa hình thức. Do đó, đi ngược lại với dòng chảy của sự thực hành Pháp theo khuynh hướng hiện tại, ngài thành tâm thúc đẩy những người học Pháp cải thiện cuộc sống của mình thông qua sự nghiên cứu có hệ thống và sự thực hành đích thực, với mong muốn mạnh mẽ là đưa sự nghiên cứu và thực hành Pháp trở lại theo đúng đường.

Thành tựu trong các công hạnh của Ngài

Ngoài các hoạt động truyền bá giáo Pháp của mình, Khenpo đã trước tác nhiều tài liệu Phật Pháp. Một trong các tác phẩm của ngài, một loạt tác phẩm có tiêu đều “Ánh sáng Trí Tuệ” với hơn một triệu ngôn từ được xem là một kiệt tác đã vượt qua sự thử thách của thời gian. Từ lý thuyết đến thực hành, loạt tác phẩm này đi theo các bước tiến chặt chẽ, thảo luận so sánh về cả Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Khenpo đã lấy các nội dung chính yếu từ vô vàn Kinh điển, Mật điển và Luận giải, tổng hợp và viết súc tích lại thành các từ ngữ và cách diễn đạt dễ hiểu. Ngài cũng chú tâm đến nhu cầu tâm lý của độc giả đương thời. Một loạt tác phẩm của ngài được công chúng nhiệt thành đón nhận. Các tác phẩm của ngài là một ngọn hải đăng, rọi sáng con đường dẫn đến giải thoát rốt ráo cho những người tu theo Phật Pháp.

Khiêm tốn và Nghiêm túc trong Hành xử; Thực dụng và Thực tế trong Hứa nguyện

Đức hạnh cao quý và trí huệ thâm sâu của Khenpo đã làm ngài dần dần nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ to lớn từ các đại sư và đạo sư thành tựu của các dòng truyền thừa khác nhau, cũng như từ một số lượng rất lớn những người môn đồ của đạo Phật tại cả Trung Hoa và nước ngoài. Do đó, ngài đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của Đại học viện Phật Giáo ở Serthar và tại địa phương Tây Tạng, theo dấu chân của sư phụ của ngài – Pháp vương Jigme Phuntsok.

Tuy nhiên, Khenpo vẫn giữ nguyên sự khiêm nhường và trang trọng trong các hành vi của ngài, và duy trì một thân thế khiêm tốn về công đức cũng như mức độ chứng ngộ của ngài. Trong cuộc sống cá nhân của ngài, ngài thích một cuộc sống giản đơn như một tu sĩ bình thường, không hề lo lắng nhưng mãn nguyện.
Một số đại sư nổi tiếng đã từng xác nhận rằng Khenpo là một Lạt Ma tái sanh, hay là một tulku, và rất nhiều lần đã thỉnh mời đăng quang cho ngài tại các tu viện của họ. Tuy nhiên, Khenpo đã chân thành từ chối tất cả các lời đề nghị của họ. Theo cùng nguyên tắc đó, Khenpo đã nhắc nhở các đệ tử của mình hãy noi theo Pháp thay vì chỉ theo một vị thầy; tránh chú tâm đến các năng lực siêu nhiên hay vô số ảo tưởng; tránh bị ô nhiễm bởi danh vọng, thành công hay những xa xỉ thế tục; và duy trì một thái độ thuần tịnh và trong sáng đối với việc học Pháp, và Khenpo coi đó là con đường đúng đắn để thực sự thành tựu như một người tu.
Do đó, Khenpo là một tấm gương cho chính các bài giảng của ngài và đã cống hiến mọi nỗ lực của ngài để truyền bá giáo Pháp và mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Giáo pháp và các hành xử của ngài là những ví dụ cổ điển về một hành giả Đại thừa. Ngài là một vị thầy đích thực, là người dũng cảm lưu giữ ánh sáng đạo Pháp trong “thời kỳ Mạt pháp” này.

Tuy thế, để đáp lại mọi vinh dự và tán dương, ngài thường trả lời rằng, “Tôi chỉ là một người thầy dạy Pháp.”

Pháp nhũ của Khenpo

Khám phá và thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại không phải là nghệ thuật hay khoa học, mà thực sự là nhận ra được sự vô minh và điên đảo của chính mình, cũng như nhận ra các nguyên tắc và phương pháp để hóa giải các vấn đề đó. Chỉ có thông qua cách này chúng ta mới có thể đạt được giải thoát và hạnh phúc rốt ráo.

Đức Phật đã từng nói: Các giác quan của con người về nhìn, nghe và ngửi là không chính xác, cũng như các giác quan về vị nếm, xúc chạm, và ý thức cũng là không chính xác. Nếu các giác quan của chúng ta đều là đúng đắn hoàn hảo thì con đường giác ngộ sẽ mang lại lợi lạc cho ai đây?

Ai ai cũng có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi mọi sự như đang chống lại anh ta. Tuy nhiên, mọi sự xảy ra đều có lý do nhất định và một số lý do chắc chắn phải đến từ chính bản thân mình. Do đó, suy ngẫm nhiều hơn về lỗi lầm của chính bản thân mình sẽ là một phương cách để đạt được tâm bình an.

Để thành tựu bất kỳ điều gì, trước tiên tâm cần phải vẽ lên một kế hoạch. Sau đó thân và ngữ là các phương tiện để thực hiện dựa trên kế hoạch đó. Rõ ràng, ở đây, tâm chỉ huy toàn bộ quá trình. Do đó, huân tập, thay đổi và điều phục tâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc đời.

Cuộc đời, về bản chất, là một cuốn sách mở của chân lý. Mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta đều đang thông báo về chân lý này – về bản tánh huyễn ảo của mọi hiện tướng, cho dù chúng là các điều kiện sống khác nhau (sinh, già, bệnh, chết), hay những dễ chịu và đau khổ trong đó. Tuy nhiên, chúng ta thường không bao giờ để tâm đến những thực tế này, do đó chúng ta vẫn còn mê lầm và lạc lối cho đến tận ngày hôm nay.

Thông thường, trước khi chúng ta biết được điều đó, chúng ta đã đi đến hết cuộc đời. Chúng ta không thể quay lại, nhưng chúng ta phải đi theo số phận. Tại thời điểm này thời điểm chúng ta lìa đời, chúng ta tiến lên phía trước với trạng thái tâm như thế nào thì việc ấy thực sự phụ thuộc vào việc chúng ta đã thực hành tâm linh như thế nào, vì đó là tất cả nguồn sức mạnh của chúng ta.
(Trang web của Khenpo Tsultrim Lodro: www.luminuouswisdom.com)














Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT