Chuyện Nước Pháp

Cuộc đời đặc biệt của nữ hoàng thanh lịch kỳ cựu

Wednesday, 07/12/2016 - 08:20:04

Bà gốc gác dân thường, thật không ngờ lại sinh quán ở tại một quận nhỏ cách nơi tôi cư ngụ khoảng hơn 100 cây số (bà sinh ra ở Longwy, thuộc tỉnh Meurthe-et-Moselle nơi có thành phố lớn Nancy).


Bà Geneviève de Fontenay, vừa về hưu trí đầu năm nay, 84 tuổi

bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM
Người Pháp ai cũng biết bà là người cầm đầu những cuộc thi hoa hậu rầm rộ thu hút khán thính giả trên đài truyền hình hàng năm. Điều này đã kéo dài rất lâu cho đến khi vào đầu năm nay, 2016, bà tuyên bố giải nghệ để về hưu (chưa thật sự) lúc đã hơn 80 cái xuân xanh! Hình ảnh quen thuộc của một phụ nữ đứng tuổi hay đội chiếc nón đen có viền trắng trên đầu cùng với bộ trang phục thanh nhã xuất hiện luôn luôn hàng năm với nụ cười duyên thân ái chính là bà này.

Bà gốc gác dân thường, thật không ngờ lại sinh quán ở tại một quận nhỏ cách nơi tôi cư ngụ khoảng hơn 100 cây số (bà sinh ra ở Longwy, thuộc tỉnh Meurthe-et-Moselle nơi có thành phố lớn Nancy). Cái tên De Fontenay thật ra là vì phu quân của bà lấy nó làm biệt hiệu dưới thời chống Đức quốc xã chiếm nước Pháp khi ông tham gia vào du kích chiến, chứ họ thật của bà theo tên chồng là Poirot. Họ không hề có gia tộc quý phái nào liên hệ đến vua chúa Pháp.

Thời xa xưa ấy, cách đây 80 năm, bên Tây cũng chưa có phương pháp ngừa thai như bên Ta và các gia đình cũng đông con phát khiếp. Tôi có nhiều bà bạn cũng như láng giềng thân quen kề bên đều cho biết nhà họ ai cũng có đến 5 hay 6 anh chị em là bình thường! Sau thế chiến thứ hai 39-45 mới đến thời kỳ từ từ có các phương tiện ngừa thai xuất hiện và những thế hệ sau càng ngày càng có ít con, chỉ còn 1 cho đến 2 (là lý tưởng với 1 gái 1 trai) và tối đa là 3. Kỳ dư, hoặc là gia đình không theo trào lưu ngăn ngừa, hay dòng dõi người Á Rập hoặc Phi Châu nhập cư đông con sẽ được nhiều trợ cấp của Quỹ gia đình; chung quy thì số con bình quân là 2 người cho cả nước. Pháp là quốc gia có mức độ phụ nữ sinh con rất khá trong cộng đồng Âu Châu.

Người phụ nữ nói trên được dân chúng thân quen hay gọi là “Người đàn bà với chiếc nón, la dame au chapeau” sinh ra trong 1 gia đình có 10 đứa trẻ (năm 1932) và giữ vai vế trưởng nữ. Năm 17 tuổi bà lên Paris theo học ngành quản lý khách sạn nhưng rồi đổi thay có bằng cấp về trang điểm thẩm mỹ. Sau đó vài năm, bà gặp ông chồng tương lai đang làm tổng đại diện trong Ủy Ban tổ chức thi Hoa Hậu. Lúc ấy, bà đã được bầu làm hoa hậu thanh nhã năm 1957 và từng làm người mẫu. Bà được lãnh chức phụ tá cho ông (đã có vài phu nhân trước rồi) và sau cùng họ có 2 người con trai. Một đã mất năm 1983 và người còn lại cùng làm việc tiếp tục với bà sau khi ông bố qua đời trong sự nghiệp tổ chức các cuộc thi người đẹp nhất. Bà lãnh lương khoảng 5 ngàn đồng Âu kim hàng tháng cho đến năm 2017 theo bản ký kết với công ty Miss France từ lâu lắm rồi trong vai trò nữ phó giám đốc điều hành. Do cá tính đặc sắc, bà không chạy theo mốt thời trang thay đổi vù vù như chong chóng mà cứ giữ nguyên cách ăn mặc thời xưa với chiếc nón đội đầu vĩnh cửu và quần áo chỉ có 2 màu là đen và trắng. Vì vậy mà có cái biệt hiệu La Dame au chapeau, và nó tiếp diễn từ năm 1957 đến nay là được 60 năm tính đến sang năm 2017! Thật khó mà tìm thấy một nhân vật trung thành với nguyên tắc ăn mặc vừa đơn sơ vừa thanh lịch đã trở thành dấu ấn hình tượng khó quên cho mọi người. Về chiếc nón không bao giờ rời khỏi đầu của bà, lý do là ông chồng đã phán quyết rằng đầu bà quá nhỏ so với toàn thân thể nên phải làm cân bằng lại bằng cách dấu đầu trong cái nón. Bà nghe theo lời khuyên quý báu của ông, không ngờ rằng nó đã biến thành điểm lạ làm bà khác người. Loại nón này hình dạng bình thường với vành tròn nhỏ rất thông dụng trong giới bình dân cho cả nam lẫn nữ trông thật tao nhã ở Tây phương.

Vào năm 2002, bà được thưởng huy chương 'Sự cống hiến xứng đáng' cho quốc gia nhân dịp tổ chức một kỳ thi hoa hậu. Tuy vậy, sóng gió bất ngờ đã hất tung bà ra khỏi những buổi diễn hành của các nữ thiên thần nhan sắc trẻ đẹp. Kỳ đó, báo chí cả nước xúm nhau làm rùm beng vụ thay đổi có một không hai này vì ai cũng tưởng bà là độc quyền cầm duy nhất. Bao nhiêu thập niên đã trôi qua rồi còn gì và hình ảnh của quý phụ đội nón luôn luôn gắn liền với chiếc vương miện lóng lánh màu sắc kim cương do bà đặt lên đầu tân hoa hậu hàng năm!

Chúng ta lùi vào thời điểm ấy xem sao. Thì ra, nhiều sự việc xấu xa (scandales) đã xẩy ra - theo ý bà là không thể chịu được - trong những cuộc bầu hoa hậu khiến bà quyết định tách ra khỏi ông chủ tiệm Endemol Miss France vào đầu năm 2010. Năm sau, bà tổ chức Miss Nationale - Người đẹp quốc gia, 2011 cạnh tranh với Hoa hậu Pháp. Một cô gái tóc vàng tuyệt đẹp lên ngôi Miss Nationale năm ấy nhưng cô suýt bị truất phế khi bà bị kiện bởi ông giám đốc cùng phe cho rằng có sự lạm dụng tên gọi cuộc thi. Bà bị tòa án bắt phải đổi tên mới là Miss Prestige Nationale (Hoa hậu quyến rũ quốc gia) kể từ năm 2012.

Về cung cách nói năng bên cạnh lề lối ăn mặc thanh lịch của vị nữ giám đốc chuyên môn về các hoa hậu Pháp, ai cũng biết tính thẳng thừng của lời phát biểu đôi khi thành quá đà. Mặc cho khuynh hướng thiên tả (bà đã từng ủng hộ và kêu gọi bầu cử cho nữ ứng cử viên TT đảng Cộng Sản, và sau này cho ông Hòa-Lan) bà vẫn xỏ xiên ông TT phe tả hiện nay Francois Hollande là cùng loại với mấy con sên dính như keo (limace). Một lần khác, bà lỡ lời nói rằng xứ Algérie vẫn còn là của Pháp (thuộc địa cũ như VN) làm dậy sóng bất bình.
Khi ký giả đài truyền thanh phỏng vấn và hỏi thẳng lý do vì sao bà về hưu, cá tính đặc sắc của cựu Hoa Hậu thanh lịch nổi dậy và bà hỏi ngược lại rằng “Bộ tôi có gương mặt của một người sắp sửa về hưu sao chứ?” Thì ra, tự ái (lớn như cái đình) bị chạm đến, bà mới bày tỏ nỗi niềm. Hóa ra, từ khi tách khỏi tổ chức Miss France quá kỳ cựu danh chính ngôn thuận đầy tiền bạc lợi lộc trong đó kể cả đài truyền hình tư nhân TF1 hậu thuẫn, bà đã lâm vào thế yếu toàn diện. Chẳng những phải bỏ tiền túi ra tổ chức mà vẫn thiếu thí sinh dự thi (bị xem là thứ yếu bên cạnh Miss France), lại thêm nữ giám đốc mới đố kỵ với bà vì ai cũng thưa hỏi bà chứ chẳng biết đến người kia là ai (Christiane Lillio)! Bà đành phải công nhận sự thất bại của mình trước Miss France, và nói rằng nhường chỗ luôn cho vị chức trách mới để khỏi phải bị ghen ghét là tốt lắm. Chúng ta hãy chú ý nghe lời phát biểu kế tiếp của bà là nhận xét rất buồn bã về phái nữ 'khả ố' ngày nay : “Họ bán thân hoàn toàn cho tiền bạc và luôn luôn sẵn sàng cởi hết đồ, không còn gì là xứng đáng cho thanh danh phụ nữ như lúc xưa vào thời đại của tôi nữa. Có những cô gái khoe ngực giả chứa đầy họoc mon (kích thích tố), bộ mông lồ lộ, đú đa đú đởn và dám dùng cả thuốc phiện, ma túy...; làm sao mà đến đỗi này hiện giờ?” Rồi bà kết luận: “Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình vì một nước Pháp truyền thống đặc sắc có văn hóa của tiền nhân danh tiếng để lại chứ không cho một nước Pháp quái tượng (bà gọi là France People), tôi đâu phải là hạng người ngừng tay khi còn đầy đủ sức khỏe và còn sống nhăn ra đó”. Bà sẽ tiếp tục có mặt khắp nơi để ký tên tặng người hâm mộ cá nhân mình trong những dịp có tổ chức liên hệ đến. Phải lắm, bà thuộc về thế hệ của những danh ca (như Annie Cordy, Line Renaud) và văn sĩ (Jean d'Ormesson) tất cả đều ngoài 80 tuổi mà vẫn còn làm việc bình thường. Thống kê khoa học cho biết số người trên 100 tuổi ngày càng tăng lên nhiều, nên những danh nhân mới 8 bó vẫn còn đến 20 năm nữa để tha hồ làm việc. Thật đáng chiêm ngưỡng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT