Người Việt Khắp Nơi

Cuộc chiến bảo vệ di sản văn hóa của người Hmong tại Việt Nam

Sunday, 10/02/2019 - 10:09:17

Chính quyền Hà Giang tuyên truyền rằng phát triển ngành du lịch là cách thức hay nhất để giúp người Hmong thoát khỏi tình trạng nghèo kém triền miên, và chính quyền của tỉnh này đã đặt chỉ tiêu biến huyện Đồng Văn trở thành tâm điểm thu hút du khách vào năm 2030.


Dinh thự họ Vương đang là một địa điểm du lịch. (Hình: Du Lịch Hà Giang)

ĐỒNG VĂN - Trong một bài phóng sự đầu năm 2019 âm lịch, hãng thông tấn AFP đã nói đến tình trạng người sắc tộc thiểu số đang bị chế độ cộng sản cướp dần những di sản văn hóa, truyền thống đã có hàng trăm năm. Dưới đây là bản chuyển ngữ từ bài phóng sự mang tựa đề “The battle for Hmong heritage in Vietnam.”
*
Ông Vương Duy Bảo quan sát dinh thự họ Vương, một di tích còn lại của người thiểu số Hmong đang bị đẩy ra ngoài lề của xã hội Việt Nam. [Người Hmong được báo chí trong nước gọi là người  Mèo]. Ông nói rằng các quan chức địa phương đã cướp mất dinh thự của họ Vương của ông.

Dinh thự bằng gỗ này còn nhiều dấu vết lịch sử: Hoa cây thuốc phiện được khắc trên các cột trụ, cho thấy nơi đây từng một thời là nơi sản xuất thuốc phiện; và bức tường bằng sắt với kim loại được nhập cảng dưới thời đô hộ Pháp.

Dinh thự được xây vào năm 1903 bởi ông nội của ông Bảo [báo chí trong nước gọi là Vua Mèo] nhờ tài sản xuất phát từ việc buôn bán thuốc phiện. Ông Vương Duy Bảo là một công chức nay đã về hưu. Ông nói rằng các quan chức tại tỉnh Hà Giang ở miền Bắc nước Việt đã lấy dinh thự này của gia đình ông và nay không muốn trả lại.
 

Ông Vương Duy Bảo (Báo Lao Động)

Ông nói với AFP trong lúc có mặt tại dinh thự, nơi được sử dụng làm bảo tàng viện để thu tiền du khách [ở xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn], “Người Hmong ở khắp nơi trên thế giới đều công nhận dinh thự này thuộc về gia đình chúng tôi... thành thử chúng tôi không thể nào đánh mất nó.”

Gia đình ông cũng như phía nhà nước đều công nhận dinh thự là một kho tàng về kiến trúc, vì trong lịch sử thì người Hmong là dân du mục, rất hiếm khi ở lâu tại một địa điểm nào để xây dựng nhà cửa trao truyền lại cho các thế hệ sau.

Ông Vương Duy Bảo đã sống ở Hà Nội nhiều năm, đến khi về quê hương thì khám phá các quan chức địa phương đã chiếm mất dinh thự. Họ bác bỏ chủ quyền dinh thự thuộc về ông Bảo, nói rằng ông không thể chứng minh chủ quyền bằng giấy tờ hợp lệ.

Ông nói rằng sự yêu cầu giấy chủ quyền là điều phi lý, vì dinh thự được xây trên mảnh đất của gia đình trước khi nhà nước có hệ thống cấp giấy tờ hành chánh. Ông nói rằng trong sử sách viết về địa phương này đều liên kết dinh thự với gia đình họ Vương của ông, có cả những tấm ảnh cho thấy điều đó, kể cả ảnh được trưng bày trong bảo tàng viện.

Đối với đa số người Hmong, họ lo sợ nhà cầm quyền cộng sản muốn chiếm giữ di sản của người Mèo chỉ nhằm mục đích thu tiền của khách du lịch.

Riêng đối với Vương Duy Bảo, cuộc chiến giành lại tài sản của gia đình không chỉ là một cuộc chiến cho cá nhân ở tại Việt Nam, mà là cuộc chiến cho văn hóa của cả sắc tộc Hmong trên khắp thế giới.

Ông Bảo tin rằng di sản văn hóa của người Hmong là thuộc về người Hmong, không thể nào bị chiếm giữ bởi bất cứ chính quyền nào. Người Hmong đã gìn giữ văn hóa của họ ở mọi nơi mà họ sinh sống, từ Trung Quốc, đến California, Minnesota, đến Lào và Thái Lan.

Tại Việt Nam, người Hmong hay người Mèo đã bị gạt ra ngoài sự phát triển kinh tế trong thập niên qua, và hơn 60 phần trăm trong khoảng một triệu người Hmong ở Việt Nam đang sống dưới mừng nghèo khó.
Từ lâu người Hmong đã bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, một phần vì người Hmong được cơ quan tình báo CIA của Mỹ chiêu mộ trong cuộc chiến chống cộng sản Lào trong thời chiến Việt Nam.

Trong suốt mấy thập niên qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã áp đặt chính sách tái định cư và hội nhập người Hmong vào xã hội người Kinh. Phần lớn của chính sách này đã không mấy thành công.

Bà Ngô Tâm, một nhà nhân chủng học, từng viết trong cuốn “The New Way: Protestantism and the Hmong in Vietnam” (tạm dịch “Con Đường Mới: Kháng giáo chủ nghĩa và người  Hmong ở Việt Nam) rằng, “Hơn mọi sắc tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người Hmong đã bị đẩy ra ngoài lề xã hội bởi chính những chương trình được nói là để phát triển văn hóa của người Hmong.”

Chính quyền Hà Giang tuyên truyền rằng phát triển ngành du lịch là cách thức hay nhất để giúp người Hmong thoát khỏi tình trạng nghèo kém triền miên, và chính quyền của tỉnh này đã đặt chỉ tiêu biến huyện Đồng Văn trở thành tâm điểm thu hút du khách vào năm 2030.

Các quan chức đã khánh thành một loạt địa điểm du lịch mà họ gọi là “làng văn hóa truyền thống,” nơi mà du khách có thể xem những ngôi nhà bằng gỗ hoặc chụp hình họ vác giỏ tre như các nông dân Hmong vẫn vác trên lưng để mang cây cỏ hoặc bông hoa từ ngoài đồng về nhà.

Người Hmong địa phương được khuyến khích mặc những y phục truyền thống và xây cất nhà theo lối xưa. Dân tộc Hmong cũng bị yêu cầu rút ngắn thời gian dành cho lễ an táng, lễ kết hôn. Những lễ này thường kéo dài nhiều ngày. Đây là dịp vui chơi với những tiệc rượu được xem là trịnh trọng đối với người Hmong.
“Thỉnh thoảng chính quyền đã áp đặt tư tưởng của họ, nhưng chúng tôi chống lại bằng cách không tuân theo,” ông Vang My Sinh, một người Hmong ở Hà Giang, nói với AFP.

Ông nói tiếp, “Chúng tôi luôn luôn đề cao tinh thần cộng đồng, chúng tôi cùng xây dụng và bảo tồn mọi thứ với nhau. Không có gì có thể tách rời chúng tôi.”
Tinh thần đó quả là mạnh mẽ.

Quân đội cộng sản từng được điều động để dẹp tan một cuộc phản kháng của người Hmong vào năm 2011. Một số người đã kêu gọi quyền tự chủ cho người Hmong.

Trong những năm gần đây, người Hmong đã nhắm tới tôn giáo có tổ chức và đón nhận Kháng Giáo  Protestant. Điều đó càng làm cho chính quyền cộng sản quan tâm hơn.

Tại Hà Giang, một số người Hmong đã sẵn sàng tuân theo quy định của nhà nước, nhằm cải thiện đời sống của họ.

Bà Va Thi May, một người bán khoai nướng ở một quán vắng bên lề đường, nói với AFP, “Gìn giữ truyền thống cho chúng tôi, cho con cháu chúng tôi là điều tốt, và ngay cả cho du khách, vì họ đến đây với sự hiếu kỳ và tiền cho chúng tôi.”

Thế nhưng các sắc tộc thiểu số thường không hưởng được lợi nhuận trong chính sách phát triển ngành du lịch của nhà nước.

Tại Sapa ở miền bắc, người địa phương nói rằng hầu hết các khách sạn là do người Kinh làm chủ. Những khách sạn này hốt nhiều tiền, trong khi phụ nữ và trẻ em sắc tộc thiểu số sống bằng nghề bán hàng rong với các món hàng rẻ tiền từ Trung Quốc.

Lấy lại dinh thự của người Hmong có thể là một bước nhỏ trong tiến trình hồi phục lịch sử của người Hmong, đồng thời giúp cho chính quyền địa phương thu lợi từ du khách.

Đối với một số người, sự việc mất dinh thự nằm trong một vấn đề rộng lớn hơn.
Ông Sebastian Rumsby, người đang theo đuổi bằng tiến sĩ tại trường đại học University of Warwick , đã nghiên cứu về sự phát triển của Thiên Chúa Giáo trong sắc tộc Hmong. Ông nói về dinh thự bị lấy mất tại Đồng Văn, “Đây là một trong nhiều thứ khiến cho người Hmong cảm thấy bị gạt qua bên lề và chắc chắn làm tăng thêm sự bất mãn của họ.

Ông Vương Duy Bảo hy vọng rằng sự việc lấy lại dinh thự của cha ông để lại sẽ giúp góp phần vào sự phục hồi của người Hmong.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT