Chuyện Nước Pháp

Cuộc chạy đua tranh cử sôi động

Monday, 20/02/2017 - 11:10:28

Phe Hữu lên tiếng ngay, phản đối ông ứng cử viên tổng thống này vì mục đích bầu cử mà tuyên bố bừa bãi. Không ai dám nói thế như ông đã dám nói. Quá mạnh miệng!

Bài NGỌC DIỄM

Hai nhân vật trong ảnh đang là đầu đề bàn luận của thiên hạ trời Tây, nhất là nhà chính trị tuổi trẻ tài cao Vòng Tay Học Trò trong bài viết tôi đã nhắc tới. Không riêng gì Việt Nam ta với nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng làm chúng ta ngạc nhiên vì mối tình chênh lệch “năm em 20 anh mới sinh ra đời, ngày em 40 anh mới vừa 20” mà chính dân Pháp cũng rất bất ngờ khi biết rõ câu chuyện hy hữu này. Họ viết bình luận khá nhiều xoay quanh đôi phu thê quá đặc biệt.


Hai ứng cử viên tổng thống tương lai, một nữ và một nam.


Ông Macron mới đây khi đi thăm thủ đô Alger của nước Algérie, thuộc địa cũ của Pháp, đã tuyên bố một câu xanh dờn làm mọi người xôn xao bàn tán. Đó là phát biểu cho rằng làm như vậy (đi đô hộ, chinh phục – nói trắng ra là hành động cướp nước người khác) là phạm tội ác chống lại nhân loại (crime contre lhumanité)! Ồ! Phải chi tổ tiên ông biết điều như thế thì làm gì có bao nhiêu thảm cảnh tàn sát, cướp bóc, đồng hóa, cai trị dân bản xứ gây nên chiến tranh kinh niên rùng rợn khổ não và nhiều hệ lụy sau này không ai ngờ được! Cho Việt Nam nói riêng, cho Algérie y chang.

Ngày 15 tháng Hai năm nay, ông Macron đã tuyên bố trên đài truyền hình xứ Algérie rằng sự chinh phục (colonisation) nước này như thế là một vụ giết chóc kinh hoàng chống lại thế giới. Nếu được xem như là thảm sát nhân loại, thì sẽ bị đưa ra Toà Án Quốc Tế. Điều này quả thật gây ép-phê chấn động tâm lý giới chính trị gia nước Pháp trước tiên.

Phe Hữu lên tiếng ngay, phản đối ông ứng cử viên tổng thống này vì mục đích bầu cử mà tuyên bố bừa bãi. Không ai dám nói thế như ông đã dám nói. Quá mạnh miệng!

“Thật không xứng đáng là ứng cử viên gì cả.” đó là lời bình của ông cựu Thủ Tướng Fillon, đang ngất ngư vì vụ điều tra phu nhân không đi làm mà vẫn có jốp. Ủy ban điều tra không hề muốn đóng hồ sơ này chút nào như nghi phạm mong muốn để rảnh tay lo vận động tranh cử.

Năm 2016, tờ báo Cái Chấm (Le Point) đã ghi lại bài phỏng vấn của Emmanuel Macron (E.M.) cũng về chủ đề này. Ông nói rằng, “Trong nước Algérie đã có nạn tra tấn nhưng cũng có sự xuất hiện thành hình một quốc gia tân tiến với nền văn minh và sự giàu có của nó với giới trung lưu, đó là sự thật từ nền đô hộ mà ra. Vừa có sự văn minh, vừa có sự man rợ độc ác.”

Báo chí và chính khách đã hoang mang vì lời nói vừa tố cáo vừa khen ngợi này để rồi sau cùng họ chỉ giữ lấy yếu tố tốt đẹp nhất là sự khai hoá văn minh. Ông E.M. trở lại với lời tuyên bố trên báo Cái Chấm. Ông nói, “Tôi không bao giờ ca tụng sự đô hộ, đó là điều không thể chấp nhận được. Tôi luôn luôn chống lại sự kiện khải hoàn ca cho nền văn minh đô hộ, giờ đây tôi nói thẳng ra điều đó vì nó man rợ lắm.”

Kỳ này, ông đi xa hơn trong biện chứng. Ý kiến ông là kết án sự man dại và độc ác của cuộc chinh phục xứ người bằng hành động giết chóc rùng rợn, sự đồng hóa, khai thác tài nguyên đem về mẫu quốc. Thật sự là thế, một hành động man rợ đúng nghĩa. Họ (chúng ta, người Pháp) phải xin lỗi các nước đó.

Thế nhưng chưa có chính phủ Pháp nào công khai đứng ra xin lỗi cả, dù Sarkozy và Hollande (hai vị tổng thống nhiệm kỳ cũ và hiện giờ sắp hết hạn) cũng phát biểu tương tự như ông E.M. rằng đô hộ nước khác là không tốt. Trong 132 năm bị đô hộ, người dân xứ Algérie đã lãnh đủ bao nhiêu tàn khốc độc hại của thực dân Pháp (trong khi Việt Nam là 100 năm bị chiếm đóng).

Tuy nhiên, ông Hollande không hề nói đến sự thống hối hay cần phải xin lỗi dân tộc nước Algérie. Năm 2015 có vị thứ trưởng quốc phòng về Cựu Chiến Binh đã đến nước này đặt vòng hoa tưởng niệm cuộc tàn sát khủng khiếp dân chúng tỉnh Sétif vào tháng 5 năm 1945. Chúng ta liên tưởng đến nạn đói năm Ất Dậu này 1945 cũng làm chết hàng triệu người miền Bắc! Hậu quả của chiến tranh đô hộ và đồng lõa với Nhật Bản lúc đó. Quả thật, ông E.M. đã dùng đến Tòa Án lương tâm cá nhân để khẳng định hành vi man rợ “Thảm sát chống nhân loại” là đúng thế. Có quốc gia nào giết người của một quốc gia khác nhiều đến thế mà không bị kết tội chăng, dù chuyện đã xảy ra trong quá khứ.

Ông cho rằng phải đặt hai loại lịch sử quá khứ này song song với nhau để tìm được sự hoà hoãn, cân bằng giữa hai nước hầu đạt được mối giao hảo hoàn mỹ. Những người được gọi là “Chân Đen, Pieds-noirs – khoảng một triệu người gốc Âu Châu sinh ra tại Algérie từ năm 1830 là thuộc địa của Pháp thành độc lập năm 1962 phải ra đi về mẫu quốc” sẽ suy nghĩ khác ông. Dĩ nhiên, nhưng mọi sự đều nên đưa tới sự thông cảm lẫn nhau, có phần lỗi của nước thống trị đối với nước bị trị.

Dư luận của phe Hữu và cực Hữu nghe thấy đều bực tức và gầm lên rằng vị ứng cử viên tài năng E.M. cầm đầu đảng Tiến Tới là kẻ chửi bới kết tội cả tổ tiên mình. Thật đáng xấu hổ! Cuộc biện luận chung quanh đô hộ - dĩ vãng “oai hùng” của nước Pháp gây nên đại tội chống nhân loại và ngược lại là vinh quang chói lọi vẫn còn chưa chấm dứt.

Chúng ta (VN) là người của nước bị đô hộ đã thấy hết hậu quả cực kỳ khủng khiếp của nó, nên chúng ta thấy rõ ông E.M. bày tỏ lý trí đúng đắn bênh vực kẻ bị hại. Than ôi, xin lỗi là điều vô cùng khó khăn cho người kiêu kỳ sợ mất mặt bầu cua.

Riêng về bà Marine Le Pen phe cực Hữu, thanh thế của bà “có vẻ” càng ngày càng lên cao như máy bay du lịch cất cánh tới hàng ngàn fít. Bà Le Pen được báo chí ngoại quốc cho rằng bà sẽ thắng cử và được bầu làm tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2022. Điều này rất khả dĩ và có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong nước, có bốn lý do sâu sắc đi ngược lại vấn đề hệ trọng này. Các quan sát viên công bình nhận định rằng chiến thắng của bà Le Pen hầu như là không thể có được vì:

- Thứ nhất, bà Le Pen sẽ rớt đài ở vòng hai (vòng loại thực thụ) với 37% số phiếu bầu mà thôi theo các cuộc thăm dò ý định cử tri.

- Thứ hai, bà ta như thế đã đụng vào trần cấm thủy tinh trên đầu vì số phiếu bầu tỉnh thành và vùng sẽ không dành cho phe cực Hữu khi có sự rút lui ngoạn mục của các ứng cử viên phe Tả chống lại bà (điều này đã diễn ra năm 2015).

- Thứ ba, từ năm 2009 đến nay dân chúng (70% người được hỏi ý kiến) không hề tin tưởng ở bà này sẽ làm được gì cho đất nước Pháp quốc.

- Thứ tư, hệ thống bầu cử đặc biệt của Pháp theo chế độ Đa Số Cử Tri và Đa Số Quốc Hội sẽ không bao giờ cho đảng Mặt Trận Quốc Gia thắng cử.

Có thể đóng hồ sơ Le Pen? Không, họ sẽ đạt được ít nhất 1/4 tổng số phiếu bầu cho mỗi tua. Tuy gia đình Le Pen có nhiều xì-căng-đan (14 vụ kiện vì trốn thuế, cha con lục đục, thuộc hạ dằn co với nhau) nhưng do tình thế yếu kém hư hỏng và chia rẻ của cả hai phe Tả-Hữu bà này vẫn có nhiều hy vọng được bầu. Thời thế tạo... gian hùng đội lốt minh quân là vậy. Đến vòng hai, bà Le Pen sẽ có cơ hội thắng cử nếu phe Tả với Hamon hay E.M. đậu và tranh với bà thì phe Hữu sẽ ngã sang cực Hữu. Nhiều bình luận dù sáng suốt cách mấy cũng phải chờ đợi thời thế chín muồi để dự đoán cho đúng kết quả vào ngày 7 tháng Năm năm nay. (ntnd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT