Thể Thao

Copa America: Mexico-Uruguay, trận gay cấn nhất trong hai ngày cuối tuần

Monday, 06/06/2016 - 08:03:56

Có những trận banh đôi bên thắng thua rất đương nhiên, rất “hợp lý” dưới con mắt người xem khách quan chẳng thiên vị đội nào. Lại có những trận xem xong dễ cảm thấy bực mình. Trận này là một!


Cầu thủ Jose Maria Gimenez của Uruguay đang bị Andres Guardado của Mễ Tây Cơ nắm quần trong trận đấu của giải Copa America diễn ra ở sân Glendale, Arizona ngày Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016. (Nelson Almeida/ Getty Images)
 

Mexico-Uruguay, trận gay cấn nhất trong hai ngày cuối tuần
Bài THANH NGUYỄN

Trận giữa Costa Rica với Paraguay

Nói gì thì nói, ở bất kỳ một giải quốc tế nào thì rốt cuộc người ta cũng thường có những “đối tượng đáng chú ý nhất,” tức là những đội có khả năng nhất để đoạt giải. Trong giải Copa America này thì chả mấy ai nhắm vào hai đội Costa Rica và Paraguay, tuy Paraguay từng đoạt giải Copa America vào năm 1953 và 1979 và năm 2010 đã lọt vào tứ kết Wolrd Cup ở Nam Phi , nhưng hiện nay đứng hạng 39 theo bảng xếp hạng của FIFA. Costa Rica hiện đứng hạng 25.

Nhưng vì hai đội này thuộc nhóm A trong đó có Mỹ, và Mỹ là đất gia chủ để mọi người đến đấu kỳ này cho nên Mỹ đương nhiên muốn “mở mày mở mặt” với thế giới bóng đá! Có điều là thua Colombia là đội mạnh nhất trong nhóm A vào hôm 3/6 cho nên Mỹ hiện không có điểm nào còn Colombia được 3 điểm, đứng đầu nhóm. Nếu chẳng may mà hôm thứ Bảy một trong hai anh Paraguay và Costa Rica thắng thì đội đó có 3 điểm và tùy theo số bàn thắng để người ta xếp vào hạng nhất hay hạng nhì trong nhóm.

Phúc đức làm sao cho đội Mỹ, và đen đủi làm sao cho cả hai đội Costa Rica với Paraguay là đôi bên lại hòa nhau, mỗi anh chỉ được 1 điểm, vì thế mà đội Mỹ đỡ lo cho trận với Costa Rica vào thứ Ba 7/6. Bởi chừng đó mà Mỹ thắng được Costa Rica thì chưa đến nỗi bị loại; tuy Costa Rica, hạng 25 thì đương nhiên không thuộc loại để cho Mỹ dễ “xơi tái” một khi mình đứng hạng thứ 29 theo FIFA!

Trận đấu nào của đội nào trong một nhóm cũng đương nhiên ảnh hưởng đến đội khác là vậy! Anh nào cũng chỉ mong có mỗi điều căn bản là đội ngang hoặc kém điểm mình nó càng thua hoặc cùng lắm là càng hòa thì càng tốt; với điều kiện là mình đừng để thua! Bởi vậy mà sau ngày thứ Ba 7/6 tới đây thì người ta cũng đã có thể biết được hậu vận của đội Mỹ!

Trận giữa Haiti với Peru và giữa Brazil với Ecuador

Cũng theo cách nhìn ở trên mà ở hai trận trong ngày thứ Bảy 4/6 thì trận Peru thắng Haiti 1-0 không khiến người ta chú ý bằng trận Brazil hòa Ecuador 0-0. Bởi trong nhóm B chỉ có hai đội cao cấp nhất là Brazil hạng 7 theo FIFA và Ecuador hạng 13. Mà đôi bên hòa nhau thì tức là mỗi anh chỉ được 1 điểm. Tất nhiên còn những trận sắp tới nữa, thế nhưng so với nhóm A chẳng hạn thì rõ ràng là bắt đầu cuộc đua thì cả Brazil lẫn Ecuador hẵng cứ dưới điểm anh Colombia ở nhóm A cái đã!

Rồi vì ngày Chủ Nhật 5/6 có 2 trận của nhóm C giữa Venezuela với Jamaica và giữa Mexico với Uruguay, Venezuela thắng Jamaica 1-0, Mexico thắng Uruguay 3-1, thì lại rõ ràng là Brazil kém thế so với Colombia ở nhóm A, Peru ở nhóm B, Venezuela và Mexico ở nhóm C!

Trận giữa Venezuela với Jamaica và Mexico với Uruguay ngày Chủ Nhật

Trong cả hai trận này, đội nào thua cũng nhức nhối ngang ngửa như nhau! Trước hết là đội Jamaica hạng 46 đấu với Venezuela hạng 74. Đôi bên giáp trận ở sân Soldier Field tại Chicago bên Illinois. So với trận sau đó trong ngày bên Arizona thì thời tiết lý tưởng ở mức 79 độ F, tuy nắng chan hòa trên sân vào lúc xế trưa khi trận đấu mở màn. Khán giả đi xem trên sáu mươi nghìn người có dư.

Chả biết huấn luyện viên của hai đội có rỉ tai nhắn nhe gì cầu thủ đội mình hay không nhưng trọng tài người Peru cầm còi cho trận đấu vẫn được tiếng là rất hào phóng trong việc ban phát thẻ vàng cũng như thẻ đỏ! Cầu thủ Jamaica trông cao to, vạm vỡ, khỏe mạnh hơn cầu thủ Venezuela. Mà đội Jamaica thì không phải thứ thường vì nó đã vào chung kết với Mexico trong giải Concacaf Gold Cup năm 2015 chứ không đâu xa, tuy thua Mexico 1-3 kỳ đó!

Phút thứ 15, vừa xong một đợt Venezuela công hãm khung thành Jamaica nhưng chả lấy gì làm nguy hiểm thì cầu thủ của Jamaica từ cấm địa của mình chuyền banh ra ngoài xa cho đồng đội. Nhưng vì chuyền không chính xác, hay đúng hơn là do bất cẩn, lại để banh lọt vào chân đối phương. Nhận được món quà bất ngờ thì đám cầu thủ Venezuela lại đưa banh trở lại hướng khung thành địch trong khi đám cầu thủ Jamaica đã dãn ra khá xa, chờ đợi cú banh lẽ ra đã được chuyền đi êm xuôi.

Và thế là trong khi hàng phòng ngự Jamaica sơ hở, tay Martinez của Venzuela sút lọt qua giữa hai chân thủ môn Jamaica, làm bàn thắng đầu tiên và duy nhất của trận đấu! Người xem cứ đinh ninh là ở phút sớm sủa đó thì Jamaica có thể lật ngược thế trận mấy hồi, thế nhưng phút thứ 29, cũng rất sớm sủa, tay Austin của Jamaica lại đi tranh banh rồi đá chạm chân cầu thủ Venezuela mà xem ra thì mỗi bên đều chia nhau phần lỗi. Austin đá trúng quả banh trước rồi tay kia mới cùng lúc dang chân ra nhưng lãnh đế giày của Austin, ngã lăn ra, trông co quắp như sắp tắt thở, nhưng kịp thời đứng giậy tỉnh queo sau khi trọng tài đuổi Austin ra khỏi sân với cái thẻ đỏ!

Hiệp 1 kết thúc với Venezuela giữ nguyên bàn thắng, và hiệp 2 cũng vậy, tuy Jamaica đôi ba lần có cơ hội gỡ hòa nhưng cuối cùng vẫn để hụt!

Mở đầu hiệp 2, người ta thấy huấn luyện viên Winfried Schaefer đội Jamaica đã bị đuổi lên khán đài, không được đứng hay ngồi ở bìa sân. Hóa ra là sau hiệp 1 ông ta bước ra sân đôi co với trọng tài về vụ thẻ đỏ trước đấy và trọng tài cấm ông ta ra bìa sân ở hiệp 2.

Trận giữa Mexico với Uruguay

Có thể đánh giá không sai là trận đầy bi kịch, gay cấn nhất, trong tất cả 6 trận kể từ hôm khai mạc giải này. Tuy cũng chẳng cần tường thuật dài dòng vì càng nhìn lại thì càng cảm thấy như chẳng có ra làm sao cả! Có những trận banh đôi bên thắng thua rất đương nhiên, rất “hợp lý” dưới con mắt người xem khách quan chẳng thiên vị đội nào. Lại có những trận xem xong dễ cảm thấy bực mình. Trận này là một!

Sân University of Phoenix Stadium tại thành phố Glendale nơi ngoại vi thủ phủ Phoenix của Arizona là một sân vĩ đại, có chỗ cho trên 63,000 người, và hôm nay đông cỡ đó. Trời nóng 115 độ F cho nên người ta kéo mái cho che hết cả sân đấu lẫn khán đài! Dưới cái vòm khổng lồ có hệ thống điều hòa không khí đó, tiếng reo hò không ngớt của ngần ấy khán giả nghe vang rền từ đầu đến cuối như dòng thác Niagara chứ chẳng nói ngoa!

Cầu thủ Alvaro Pereira của Uruguay, áo xanh, nhảy lên cản trái banh do Herrera của Mexico đánh đầu hụt, nhưng chính Pereira lại rủi ro đánh đầu lọt lưới đội mình. (Norman Hall/ Getty Images)

Mà rừng khán giả với màu áo trắng xen kẽ màu áo đỏ và xanh lá cây, tức màu cờ Mexico, thì không thể nói là không có phối hợp với nhau trước! Đứng ngoài trông vào tưởng chừng như một trận đấu đang diễn ra bên Mexico với khán giả bản xứ! Đấy là một hậu thuẫn tinh thần cực kỳ thuận lợi cho đội Mexico!

Điềm gở đầu tiên cho đội Uruguay là khi chào quốc ca Uruguay thì người ta cho phát thanh nhầm với quốc thiều nước Chile! Hết còn chỗ nói!

 Điềm gở thứ hai là chân ướt chân ráo mới vào trận, phút thứ 3, từ một quả banh chuyền từ ngoài cánh trái cấm địa Uruguay, cầu thủ Herrera của Mexico nhào lên đánh đầu nhưng hụt. Hậu vệ Pereira của Ururgay theo kèm Herrera nhào lên để cản banh thì lại cản đúng nhưng khiến banh văng vào khung thành phe mình! Tức là hẵng thua 1 bàn trắng cái đã!

Phút thứ 45, chưa kịp dứt hiệp thì Vecino của Uruguay bị cái thẻ đỏ!

Vào hiệp 2, Uruguay chuyển đội hình thành 3-4-2 với 9 người ngoài thủ môn Musclera, sẵn sàng để hở tuyến hậu vệ cho có đủ lực lượng giữa sân và tiền đạo để tìm cách gỡ. Phút thứ 72, Guardado của Mexico bị cái thẻ đỏ. Lực lượng đôi bên cân bằng. Liền ngay đó, từ cú đá tự do trước cấm địa Mexico, phát sinh từ việc Guardado đốn ngã cầu thủ Uruguay, hậu vệ Godin của Uruguay đánh đầu lọt lưới, gỡ hòa 1-1 cho đội mình!

Đến lượt Mexico tìm cách tấn công. Phút thứ 84, Mexico hưởng cú phạt góc bên cánh trái cấm địa Uruguay. Hậu vệ Godin cứ tiếp tục xô đẩy cầu thủ Uruguay thế nào đó, trọng tài phạt cảnh cáo thẻ vàng. Cả một đám cầu thủ Uruguay nhào đến đôi co với trọng tài thay vì lo tập trung để phòng vệ cú phạt góc kia. Kết quả, phòng thủ sơ hở, Marquez của Mexico làm bàn! Uruguay bắt đầu đá rời rạc. Phút thứ 91, Mexico lại áp đảo khung thành Uruguay và Herrera lại đánh đầu làm thêm một bàn nữa. Trận đấu kết thúc với Mexico thắng Uruguay 3-1!

Đội Uruguay không gặp ngày? Hẳn là như vậy, vì ngay cả huấn luyện viên Oscar Tabarez bị thương nơi hai chân sao đó mà từ đầu đến đuôi đành phải ngồi nơi khán đài với cặp “can” để chống khi cần di chuyển!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT