Bình Luận

Công và tội

Monday, 06/04/2020 - 05:16:10

Đại tá Brett Crozier, hạm trưởng chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đang là mục tiêu phê phán của dư luận báo chí Mỹ,


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Đại tá Brett Crozier, hạm trưởng chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đang là mục tiêu phê phán của dư luận báo chí Mỹ, đa số cho là ông có công trong hành động gửi cho báo chí phổ biến tờ Phiếu Trình báo động của ông lên Bộ Trưởng Hải Quân Thomas Modly xin khẩn cấp di tản 5,000 thủy thủ đang có mặt trên chiến hạm vào tuần lễ cuối cùng của tháng Ba 2020.
Crozier cực lực phủ nhận là ông không gửi cho báo chí tài liệu đó; với trên 30 năm thâm niên quân vụ, dĩ nhiên ông biết chỉ riêng việc tiết lộ bí mật quân sự cũng đã đủ là tội nặng, tội hình sự, mà có thể, ông phải đối diện -nếu ông tiết lộ bí mật quân sự, trong đòi hỏi di tản hàng ngàn binh sĩ ra khỏi môi trường tập trung, thuận lợi cho con vi khuẩn corona tấn công.
Ngay câu mở đầu Phiếu Trình, ông viết, “Nếu được chỉ định, chiến hạm USS Theodore Roosevelt sẽ lập tức gọi toàn bộ thủy thủ cơ hữu xuống tầu, mở máy ra khơi, sẵn sàng tấn công và đánh tan bất cứ địch thủ nào dám khiêu khích Mỹ hoặc đồng minh của chúng ta...”.
Với 40 chiếc khu trục oanh tạc cơ tối tân nhất thế giới, và trang bị một hỏa lực khiếp đảm chiếc Theodore Roosevelt có khả năng hủy diệt toàn bộ khả năng quân sự của một nước mang tầm vóc trung bình như Iraq hay Việt Nam.

Tuy nhiên khả năng đó đã bị phủ nhận -chính chiến hạm Theodore Roosevelt đã góp mặt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng không thực hiện được khả năng lý thuyết đó.
Trở lại với Đại Tá Hạm Trưởng Crozier và tờ Phiếu Trình của ông; ông viết tiếp, “Con virus cũng có thể là mục tiêu tấn công; tuy nhiên trong chiến tranh, chúng ta được phép quyết định hy sinh tính mạng để chiến thắng; nhưng chúng ta không đang trong thời chiến, tôi không muốn để bất cứ một thủy thủ nào gục ngã trong cuộc đại dịch này.”
Trong lập luận đó ông yêu cầu bộ trưởng Hải Quân di tản toàn bộ 5,000 thủy thủ -trừ quân số cần thiết để đưa chiếc chiến hạm đến căn cứ hải quân Guam.



Đại Tá Brett Crozier, trước và sau ngày bị tước quyền hạm trưởng.

Ông trình bày vấn đề: chỉ riêng việc tập trung 5,000 thủy thủ trong lòng con tầu, chiếc T.R. (Theodore Roosevelt) đã vi phạm quy điều của CDC (Center for Disease Control) ấn định việc ly cách giữa người này với người khác, và chính Hải Quân cũng có huấn thị NAVADMIN 083/20 ấn định việc tập họp đông người trong một khoảng không gian nhỏ hẹp.
Huấn thị của Hải Quân còn quy định việc trị bệnh cho những người có thể đã bị lây vi khuẩn coronavirus là 14 ngày ly cách hoàn toàn.

Việc đó không thực hiện được trong một chiếc chiến hạm.
Ông cho là cuộc sống chung đụng của 5,000 người trên một con tầu là quá gần, mà chiếc T.R. lại không có đủ phòng thí nghiệm để nhanh chóng thử nghiệm toàn bộ 5,000 thủy thủ; và cũng không đủ khoảng trống để ly cách những thủy thủ có triệu chứng chớm bệnh.
Hôm thứ Ba, 31 tháng Ba, 2020, San Francisco Chronicle là tờ nhật báo đầu tiên phổ biến bản Phiếu Trình của Đại Tá Crozier; trước đó một ngày chủ bút tờ SF Chronicle đã gửi bản sao cho Quyền Bộ Trưởng Hải Quân Thomas Modly, để xin ông này nhận định về bản tin họ viết.
Modly không trả lời, nhưng ngày hôm sau, sau khi tờ SF Chronicle đăng Phiếu Trình của Đại Tá Crozier, ông Modly lên truyền hình CNN trả lời phỏng vấn của đài này.
Modly nói, “Tôi biết về lá thư (Phiếu Trình) của Đại Tá Crozier sáng thứ Ba, tôi cũng biết là giới chức hải quân trung gian đã nhận được và đang cật lực giải quyết vấn đề suốt tuần lễ vừa rồi để di chuyển thủy thủ đoàn ra khỏi chiến hạm T.R. và giải quyết nhu cầu họ sống ly cách tại Guam, trong khách sạn, hoặc trong lều vải.”
Ông Modly nói thêm, “Tôi không bất đồng quan điểm với Đại Tá Hạm Trưởng T.R., chúng tôi chỉ đang thứ tự giải quyết vấn đề; chúng ta cấp tốc di dời để bảo vệ thủy thủ, nhưng chúng ta không liệng bỏ chiến hạm T.R., vì nó có nhiều giá trị khác với một chiếc du thuyền bị nhiễm trùng Corona. Nó lại còn có nguyên cả một khối động cơ nguyên tử để di chuyển con tầu trong một thời gian dài, còn có nhiều chiến đấu cơ, và nhiều vũ khí khác nữa.”

Để kết thúc cuộc phỏng vấn truyền hình, Modly nói, “Tôi rất quan tâm đến vấn đề này, tôi còn rất e ngại nữa, và chúng tôi đã thực hiện mọi bước thích hợp và cần thiết.”
Thủy thủ đoàn ca ngợi vị hạm trưởng của họ là đã vì họ mà hy sinh một binh nghiệp đang vô cùng hứa hẹn.
Đô đốc hồi hưu James Stavridis -nguyên Tổng Tư Lệnh Quân Lực Đồng Minh của khối NATO gởi cho tờ Chronicle một bản email; ông viết, “Chuyện tương tự như chuyện vừa xảy ra, sẽ còn tiếp tục, vì không một chiến hạm nào đủ chỗ cho anh thủy thủ này ngủ cách anh thủy thủ kia vài thước.”
Ông đô đốc hồi hưu này không thảo luận vấn đề dưới góc cạnh chiến tranh, không thảo luận việc hải quân có khả năng bị tê liệt vì con vi khuẩn Corona hay không.

Mark Cancian, một vị đại tá hải quân cũng hồi hưu sau 37 năm quân vụ, nêu lên vấn đề đó; ông Cancian nói, “Hải quân phải tìm cho ra cách giải quyết vấn đề lây lan của nạn đại dịch Corona, nếu không tìm được giải pháp, hải lực không còn là sức mạnh giúp Hoa Kỳ khống chế tình hình quân sự thế giới nữa.”
Ông Cancian hiện giữ vai trò cố vấn cho Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược (Center for Strategic and International Studies think tank), cơ sở đặt tại Washington, D.C.
Quyền Bộ Trưởng Hải Quân Modly tỏ ra tin tưởng là ông ta đã phản ứng kịp thời sau khi thử nghiệm những thủy thủ sống gần cận ba thủy thủ vướng bệnh corona. Ông hãnh diện nói, “Việc vừa xảy ra với chiến hạm T.R. chứng minh là chúng ta có khả năng nhanh chóng giải quyết vấn đề đại dịch Corona, và khả năng đó giúp chúng ta duy trì sự có mặt của chiến hạm Mỹ trên khắp
mọi đại dương của thế giới.”
Ông không hiểu ông nói gì, và ông cũng không hiểu nguy cơ tê liệt của Hải Quân Mỹ, do con coronavirus gây ra.
Chiến hạm T.R. đến Guam hôm thứ Sáu mùng 3 tháng Tư; ngay chiều hôm đó số bệnh nhân corona tăng từ 3 người lên 25 người, và ngày hôm sau, quân trấn Guam báo cáo con số bệnh nhân nhập viện là 36 người. Nói cách khác, tình hình đang trầm trọng hơn, chứ không giảm bớt.
Người viết bài báo này cầu mong là Đại Tá Crozier không bị trừng phạt thêm nữa. Ông có công, chứ không có tội; việc cất chức hạm trưởng của ông cũng đã đủ bất công rồi. Thử tưởng tượng tình trạng của chiến hạm T.R. trong giả thuyết ông không làm lớn vấn đề, không đăng báo tờ PT của ông, để thủy thủ lâm bệnh corona phải tản thương bằng máy bay, để con vi khuẩn corona có mọi thuận tiện để thẳng tay tàn sát 5,000 thủy thủ sống chật chội trên chiến hạm.
Công của ông Crozier không chỉ là cứu sống những thủ thủy ông chỉ huy, mà còn là nêu lên vấn đề sự chật chội không thể tránh trên chiến hạm và nguy cơ lây lan.
Ông Cancian nói đúng, “Hải quân phải tìm cho ra cách giải quyết vấn đề lây lan của nạn đại dịch Corona, nếu không tìm được giải pháp, hải lực không còn là sức mạnh giúp Hoa Kỳ khống chế tình hình quân sự thế giới nữa.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT