Người Việt Khắp Nơi

Công nhân Việt đình công vì 5 người Việt bị công ty Đài Loan sa thải

Wednesday, 22/05/2019 - 08:00:08

Chiều thứ Ba, Cục Lao Động Đài Loan đã có cuộc họp kéo dài một tiếng để lấy ý kiến của 50 người biểu tình. Tuy nhiên, Phương cho biết cô và bốn người lao động Việt Nam vẫn không được gọi tên và giao việc ngày thứ Tư.


Hàng chục công nhân Việt Nam dự biểu tình đêm thứ Hai, 20/5, bênh vực năm người bị sa thải, phản đối lệ phí cho môi giới và yêu cầu hãng tôn trọng thỏa thuận ký ngày 3/5. Qua ngày thứ Tư, năm người bị sa thải vẫn chưa được làm việc lại. (Sỹ Nguyên/BBC)


ĐÀI BẮC - Trong tuần qua, năm nữ công nhân Việt Nam tại công ty sản xuất thực phẩm Mỹ Đề bị cho nghỉ việc vì đã cầm đầu biểu tình hồi đầu tháng Năm. Sự việc năm người này bị sa thải đã khiến hàng chục người lao động Việt tại công ty đình công để phản đối.

Công ty Mỹ Đề chuyên làm về bánh mì, bánh kem ở quận Tịch Chỉ, Thành Phố Tân Bắc (New Taipei). Vào chiều thứ Hai, 20/5, người quản lý công ty Mỹ Đề đã mời năm nữ lao động Việt Nam lên văn phòng.
Tô Thị Phương, một trong năm phụ nữ bị sa thải, kể lại với BBC tại London, "Ông chủ mời vào một phòng kín nói rằng là công ty bị cắt giảm đơn hàng, nên sẽ sa thải năm người về Việt Nam. Trong vòng hai tiếng phải về ký túc xá chuẩn bị đồ đạc tư trang đến chỗ môi giới ở."

Cô Phương cho biết họ buộc phải ký vào một tờ giấy cho họ đổi công ty hoặc về Việt Nam.
Phương cho rằng việc sa thải họ ngay lập tức là không thỏa đáng vì cô nhận thấy nhiều nhân viên vẫn phải làm tăng ca đến 16 tiếng đồng hồ.

Đáng chú ý trước đó, cô và bốn người lao động này đã bị ông chủ và bên môi giới nói rằng họ đã "cầm đầu cuộc biểu tình hôm 3/5."

Vào ngày 3/5, Phương cùng nhiều công nhân đã đình công đòi quyền lợi vì lý do "lao động Việt Nam bị phạt quá nặng, thậm chí đến gần một tháng lương. Tiền tăng ca thì thấp, tính tăng ca như ngày thường. Ngày lễ hầu như không được tính và không được nghỉ."

Hôm 3/5, trước đại diện của Bộ Lao Động Đài Loan, công ty Mỹ Đệ đã hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho mỗi công nhân Việt bằng tiền mặt khoảng 20,000 Đài tệ ($635)/tháng vào ngày 15/5.

Tuy nhiên đến 15/5, công ty ký chi phiếu trong khi đó nhiều công nhân Việt phàn nàn rằng họ không biết tiếng, không có thời gian và không có tài khoản ngân hàng để nhận tiền.

Tối hôm 20/5, sau khi năm nữ lao động Việt bị buộc nghỉ việc, hàng chục công nhân Việt Nam khác đang làm việc tại công ty này đã đồng loạt ngưng làm và tổ chức đình công để tỏ thái độ ủng hộ năm người đồng hương. Họ yêu cầu phía công ty thực hiện cam kết bồi thường tiền cho người lao động Việt Nam như đã thỏa thuận hôm 3/5.

Anh Nguyễn Đức Thi, một công nhân, kể lại với đài RFA tại Hoa Thịnh Đốn, “Khi đó thì em đang làm việc trên xưởng thì công ty nói cho 5 người này về nước trong khi đó công việc em làm từ 12 giờ tối đến 5 giờ chiều (ngày hôm sau) em chưa được nghỉ giải lao, chưa được đi ăn cơm gì hết mà bảo là không có việc để cho 5 người về nước. Khi em xuống văn phòng thì bảo em bỏ việc.”

Phương cho biết phía công ty Mỹ Đề không đưa ra tuyên bố hay lời giải thích nào, thậm chí đe dọa "đuổi về nước" những người tham gia đình công tối đó.

Vì vậy sáng thứ Ba, 21/5, khoảng 50 công nhân Việt Nam đã tổ chức biểu tình, họp báo trước Bộ Lao Động Tân Bắc ở Bản Kiều.

Ông Liêu Vũ Huy, Trưởng Phòng Phục Vụ Lao Động Nước Ngoài, Cục Lao động TP. Tân Bắc, xuất hiện ở cuộc biểu tình của công nhân và phát biểu cho rằng cơ quan này đang giám sát việc làm của công ty Mỹ Đề.
Trong video clip quay trực tuyến trên Facebook, ông Huy đại diện Bộ Lao Động Tân Bắc đã đến đối thoại ôn hòa với người biểu tình.

Một thông dịch viên đã nói lại với các công nhân Việt Nam, "Đây là Cục Lao Động Thành Phố Tân Bắc. Đã nghe tin về vấn đề, đã liên hệ chủ và môi giới. Cục Lao Động sẽ tiếp tục điều tra. Cục Lao Động sẽ không chấp nhận những hành vi sai phạm của chủ hay môi giới."

Chiều thứ Ba, Cục Lao Động Đài Loan đã có cuộc họp kéo dài một tiếng để lấy ý kiến của 50 người biểu tình. Tuy nhiên, Phương cho biết cô và bốn người lao động Việt Nam vẫn không được gọi tên và giao việc ngày thứ Tư.

Sau cuộc biểu tình, những công nhân người Việt tập trung với nhau lại và tiến hành đăng ký thủ tục để thành lập một nghiệp đoàn tại công ty này để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Nếu đăng ký thành công thì đây được xem là nghiệp đoàn đầu tiên của người Việt tại một công ty trên đất Đài Loan.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT