Người Việt Khắp Nơi

Cộng đồng người Việt khánh thành Saigon Square ở Canada

Monday, 10/09/2018 - 06:48:19

Cô Hà giải thích, “Vì vậy, chúng tôi không muốn quên đi danh xưng đó. Chúng tôi đã chọn tên Sài Gòn để tự nhắc nhở rằng Sài Gòn luôn luôn ở trong trái tim Việt Nam của chúng tôi.”

Những người trong cộng đồng người Việt cùng các thân hữu hỗ trợ cộng đồng đang chụp hình lưu niệm trong buổi lễ khánh thành Công Trường Saigon. (Spirit of Vietnam Radio/Twitter)

OTTAWA - Cộng đồng người Việt tại Ottawa, thủ đô của nước Gia Nã Đại, và những người ủng hộ cộng đồng đã reo mừng, khi một công trường mới mang tên Saigon Square đã được chính thức khánh thành vào chiều thứ Bảy vừa qua, ngày 8 tháng 9, 2018.


Theo tin của đài CBC, công trường này nằm ở góc đường Somerset và đường Preston, phía trước trung tâm giải trí Plant Recreation Center. Saigon Square được mô tả chỉ là một phần nhỏ trong một dự án lớn hơn mà cộng đồng người Việt tị nạn tại Ottawa muốn thành lập trong tương lai.

Thị Trưởng Jim Watson (giữa, áo đỏ) đang dự buổi khánh thành Saigon Square tại thủ đô Ottawa vào ngày thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018. (Spirit of Vietnam Radio/Twitter)

Cộng đồng người Việt tị nạn tại Ottawa đang hy vọng đến một ngày nào đó họ sẽ xây được một bảo tàng viện, để tưởng niệm hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam được đón nhận vào Canada theo qui chế dành cho người tị nạn, vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Mặc dù đã được bắt đầu hơn mười năm trước, dự án đó vẫn còn thiếu hàng triệu Mỹ kim và nằm ngoài tầm tay của cộng đồng.

“Hiện giờ chúng tôi vẫn đang gây quỹ,” cô Nguyễn Quyên Hà nói với đài CBC của Canada. Cô hiện là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Canada Gốc Việt tại Ottawa.

Từ bấy lâu nay cộng đồng này đã đi gây quỹ ở các thành phố trên khắp Canada và thậm chí ở cả Hoa Kỳ, cố gắng vận động để người Việt hải ngoại chú ý đến dự án tốn kém $4.3 triệu đồng Gia kim (gần $3.3 triệu Mỹ kim). Nhưng cho đến nay cộng đồng người Việt tại Ottawa vẫn chưa quyên góp được một triệu đồng đầu tiên.


Bà Agnes Trần (bên phải) đã bảo trợ chị ruột đến Ottawa là bà Jackie (trái). Cô Therese (giữa) con của Agnes, đã chào đời tại Canada. (Amanda Pfeffer/CBC)

Có mặt trong buổi khánh thành Saigon Square, Thị Trưởng Jim Watson của Ottawa nói rằng với sự hỗ trợ của cộng đồng và với miếng đất đã được quy hoạch, ông hy vọng một tòa nhà của dự án sẽ sớm được xây trên lô đất mà hiện nay đang là một khu vườn của cộng đồng lúc.

Tuy còn nhiều thử thách, công trường Saigon Square là một bước đầu tiên đáng mừng cho cộng đồng người Canada gốc Việt, đài CBC nhận xét. Cộng đồng đã đến đây để đón mừng tin vui này vào ngày thứ Bảy.
CBC ghi lại ý kiến của những người tham gia buổi lễ khánh thành, và cho biết danh xưng Saigon đã được chọn để luôn luôn ghi nhớ tên của thành phố Sài Gòn, thủ đô của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước khi toàn Việt Nam bị cộng sản xâm chiếm vào năm 1975, đưa đến một cuộc khủng hoảng tị nạn với khoảng 1.4 triệu người phải rời bỏ đất nước.

Cô Hà giải thích, “Vì vậy, chúng tôi không muốn quên đi danh xưng đó. Chúng tôi đã chọn tên Sài Gòn để tự nhắc nhở rằng Sài Gòn luôn luôn ở trong trái tim Việt Nam của chúng tôi.”

Giây phút lịch sử của buổi khánh thành công trường Saigon Square. (Spirit of Vietnam Radio/Twitter)



Cộng đồng người Việt tại đây hy vọng dự án sẽ được hoàn tất, vì đó là cách phù hợp nhất để ghi lại hành trình tìm tự do của các thuyền nhân Việt Nam, và về tình cảnh của họ từng đánh động lương tâm người Canada, khiến cho nước này mở lòng để chấp nhận khoảng 50,000 người tị nạn, và cho đến nay chương trình bảo lãnh thân nhân vẫn được duy trì.

Bà Jackie Phụng Trần được cô em là bà Agnes Trần bảo lãnh, trong khoảng thời gian khi Thị Trưởng Marion Dewar của Ottawa lập ra dự án Project 4000, nhằm đưa 4,000 người Việt tị nạn đến Ottawa.

Bà Jackie nói với CBC, “Chúng tôi đi tìm tự do.” Bà nhắc tới một bức tượng được dựng lên ở Saigon Square, gần khối đá ghi tên công trường và ngày khánh thành. Bức tượng cho thấy một phụ nữ đang bồng con chạy thoát, nói lên ý tưởng đi tìm tự do của hàng triệu người tị nạn cộng sản.

Ông Lê Thế Bình Phương được 17 tuổi khi ông thoát khỏi Việt Nam, bằng một phương tiện như hàng ngàn người vượt biển khác, trên một chiếc ghe ọp ẹp.

Ông nói rằng hiện giờ ông là thành viên của một nhóm tư nhân mới đây bảo lãnh những người tị nạn, trong số đó có những người Syria mới đến.

Ông Phương nói với CBC, “Chúng tôi cảm thông kinh nghiệm của người tị nạn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT