Sức Khỏe

Con tôi bịnh! Lúc nào nên gặp bác sĩ?

Friday, 28/07/2017 - 07:51:52

Nên hỏi bác sĩ trong những lần khám bệnh tổng quát về những điều cần làm khi có chuyện khẩn cấp, nên đi bệnh viện nào và gọi ai. Nên học cách cứu thương, cấp cứu tim mạch CPR và để sẵn những số phone cần thiết của bác sĩ, bệnh viện, pharmacy, trung tâm ngộ độc (Poison Control Center)... ngay gần điện thoại.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Cha mẹ nào cũng lo sợ khi con mình bị bệnh, nhất là những trẻ quá nhỏ, dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, không phải bệnh nào cũng là khẩn cấp, cần được khám và chữa ngay. Đa số các bậc cha mẹ đều lo lắng, nhiều khi đến hoảng hốt, khi con bị sốt cao nhưng không biết rằng khó thở mới là triệu chứng đáng sợ hơn. Vậy thì khi nào mới cần đem em bé khi khám bệnh ngay?

Cần gọi cho bác sĩ của bé

Không phải lúc nào cũng cần gọi bác sĩ. Tuy nhiên, nên gọi khi bé có những triệu chứng sau:
- Không chịu ăn: Nếu em không chịu ăn hoặc bú sữa nhiều lần liên tiếp hay bú và ăn rất ít.
- Không chơi như bình thường: Em bé trở nên lờ đờ, không hoạt động như bình thường hay ngủ li bì không thức dậy được. Em bé cũng có thể khóc không dỗ được hoặc rất khó chịu, khóc lóc cả ngày.
- Vùng rốn hay bộ sinh dục em bé bị sưng đỏ, chảy nước hay chảy máu.
- Sốt: Nếu em chỉ sốt nhẹ, không cần phải hoảng hốt. Tuy nhiên, nếu em bé nhỏ hơn 3 tháng, cần gọi cho bác sĩ ngay. Nếu em lớn hơn 3 tháng và nhiệt độ đo dưới lưỡi dưới 102 độ F, chỉ cần cho em bé uống nhiều chất lỏng và nghỉ ngơi. Nên gọi bác sĩ khi em quấy khóc nhiều hoặc lờ đờ (như trên). Nếu nhiệt độ đo dưới lưỡi cao trên 102 độ F, có thể cho em uống Tylenol hay Motrin. Gọi bác sĩ nếu nhiệt độ không xuống bớt sau khi uống thuốc hoặc kéo dài quá 1 ngày.
- Tiêu chảy: Phân chảy nước nhiều và đi nhiều lần trong ngày
- Ói: Nếu em bé chỉ lâu lâu bị sựa nhẹ, không cần phải gọi. Nên gọi bác sĩ khi em bé ói nhiều lần hoặc ói rất mạnh, có vòi.
- Bị mất nước: Nếu em bé không đi tiểu trong 6 giờ hay lâu hơn hoặc cái thóp trên đầu em bị lõm xuống, có thể em bị mất nước trong người. Khóc không ra nước mắt hay miệng khô không có nước miếng cũng có thể là triệu chứng mất nước, nên gọi bác sĩ.
- Bón: Nếu bị bón liên tiếp vài ngày nên gọi bác sĩ.
- Cảm: Nên gọi bác sĩ khi em bé bị cảm nhiều đến bị khó thở, ra nước mũi đặc mầu vàng, xanh lá cây hay xám, hoặc ho nặng.
- Tai có vấn đề: Gọi bác sĩ nếu em bé có vẻ không phản ứng với tiếng động hoặc chảy mủ tai.
- Nổi mẩn đỏ: Gọi bác sĩ khi em nổi mẩn trên một vùng da lớn, có vẻ bị nhiễm trùng hoặc mẩn đỏ thình lình nổi lên và có sốt kèm theo.
- Mắt ra ghèn: Gọi bác sĩ khi một hay hai mắt bị hồng, đỏ, ra ghèn.
Hãy tin và linh tính của mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình cần gọi bác sĩ, nên gọi ngay. Sau giờ làm việc, bạn có thể gọi những đường dây 24 giờ của văn phòng bác sĩ, nhà thương hay công ty bảo hiểm y tế.

Khi nào nên tìm cấp cứu

Nên tìm cấp cứu khi:
- Chảy máu không cầm được
- Ngộ độc
- Làm kinh
- Khó thở
- Chấn thương đầu
- Thình lình bị mất năng lượng hoặc không cử động được
- Mê man không trả lời, không phản ứng
- Bị đứt da hay phỏng nặng
- Đi tiểu ra máu, đi cầu ra máu hay tiêu chảy nặng
- Đau càng lúc càng nhiều hay đau rất nhiều
- Da trên người hay mặt tái xanh, tím hay xám

Nên hỏi bác sĩ trong những lần khám bệnh tổng quát về những điều cần làm khi có chuyện khẩn cấp, nên đi bệnh viện nào và gọi ai. Nên học cách cứu thương, cấp cứu tim mạch CPR và để sẵn những số phone cần thiết của bác sĩ, bệnh viện, pharmacy, trung tâm ngộ độc (Poison Control Center)... ngay gần điện thoại.

Chuẩn bị những câu trả lời

Bác sĩ thường định bệnh của trẻ em dựa trên lời kể bệnh của cha mẹ. Vì vậy bạn nên chuẩn bị để trả lời những câu hỏi nhiều khi rất chi tiết của bác sĩ hay nhân viên y tế. Những câu hỏi này thường gồm có:
- Triệu chứng bệnh của em: Tại sao bạn đem em đi khám? Bạn có thắc mắc lo lắng gì ngay lúc này?
- Bệnh sử của em: Em có những dị ứng nào? Em có chích ngừa đầy đủ không? Em có những bệnh kinh niên nào không? Lúc mang bầu và khi em mới sinh ra có những bất thường gì không?
- Chuyện ăn uống và bài tiết của em bé: Có gì thay đổi trong chuyện ăn uống và bài tiết của em bé không? Có đi tiểu thường, có tiêu chảy không?
- Nhiệt độ của em bé: Em có bị sốt không? Sốt cao bao nhiêu? Có lấy nhiệt độ của em không?
- Thuốc men: Nên kể tất cả những thuốc em bé đã uống hay nhét hậu môn, kể cả những thuốc mua tự do không có toa. Nên cho biết tên thuốc và liều lượng cùng thời gian uống thuốc.
Trả lời đầy đủ những câu hỏi này là bạn đã giúp cho bác sĩ và nhân viên y tế định bệnh cũng như tìm cách chữa trị cho em bé.
Bệnh sử giúp bác sĩ định bệnh đến hơn 50%. Sau đó mới đến khám bệnh và những thử nghiệm máu hay chụp quang tuyến. Nhiều người chở con đến khám bệnh nhưng không hề biết bệnh sử vì không phải là người thường xuyên săn sóc em. Điều này sẽ làm trở ngại việc định bệnh rất nhiều. Người thường xuyên săn sóc em bé nên dẫn em đi khám bệnh hoặc viết ra câu trả lời cho những câu hỏi kể trên.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT