Hoa Kỳ

Con Hun Sen đến Mỹ tính "giao lưu" nhưng bị biểu tình gay gắt

Sunday, 24/04/2016 - 11:21:52

Ông Lowenthal nói, “Tôi phẫn nộ vì chuyện một người chỉ làm công việc của họ lại bị tấn công tàn bạo. Tôi cũng tức giận vì sự có mặt không đúng lúc của Hun Manet mang thứ bạo động này tới một cuộc biểu tình ôn hòa.”

Biểu tình chống Hun Manet, con của lãnh tụ Hun Sen, nhân dịp Manet đến Long Beach, California ngày 9 tháng Tư vừa qua. (VOA Khmer)


NAM CALIFORNIA - Chuyến viếng thăm Long Beach của Hun Manet, một tướng Cam Bốt, vào giữa tháng Tư tháng này được coi là một cơ hội để nối lại nhịp cầu với những người tị nạn. Họ đã thoát khỏi Cam Bốt cách đây bốn chục năm, trong lúc xảy ra một cuộc diệt chủng do nhà cầm quyền cộng sản chủ xướng.
Nhưng chuyến thăm này khơi lại những vết thương cũ, hơn là chữa lành những mối chia rẽ ở Cambodia Town, gây ra những cuộc biểu tình cũng như một cuộc đối đầu ác liệt làm xáo trộn cộng đồng này.
Tướng Manet là con trai cả của thủ tướng Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer Đỏ. Ông Manet được nhiều người Mỹ gốc Cam Bốt xem là kẻ thừa kế một chính phủ nhiều lần bị tố cáo gian lận bầu cử và vi phạm nhân quyền. Tin tức về chuyến viếng thăm được dự trù của ông Manet tại Long Beach ở Nam California và Lowell, Massachusetts, hai nơi trong số những khu vực có đông người Cam Bốt nhất tại Hoa Kỳ, đã được chào đón bằng những lời tố cáo từ các giới chức công cộng và các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Trong tuần qua, ông tướng này hủy bỏ những kế hoạch tham gia một cuộc diễn hành mừng năm mới của người Cam Bốt ở Long Beach, sau khi hàng trăm người dự định tổ chức những cuộc biểu tình, theo các nhà hoạt động địa phương cho biết. Ông đã tham gia vào một sự kiện tương tự ở Massachusetts vào đầu tuần này, nhưng được chào đón bởi hàng chục người chống đối kêu gọi ông hãy “cút về” Cam Bốt.
Tình trạng náo loạn làm nổi bật lên sự chia rẽ sâu sắc, giữa nhà cầm quyền Cam Bốt và cộng đồng di dân Cam Bốt ở Mỹ. Những người này còn bị hằn in những vết sẹo bởi di sản tàn sát của Pol Pot, người từng lãnh đạo Cam Bốt.

Long Beach là nơi sinh sống của khoảng 22,000 người Cam Bốt, có dân số Cam Bốt đông nhất ở Mỹ. Những người tị nạn đến đây trong thập niên 1970, để thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ. Chế độ này đã tiêu diệt hơn một triệu người, trong một cuộc nội chiến đẫm máu do cộng sản gây ra. Những người tị nạn đã lập ra một khu vực thương mại sống động, giữa những dãy cửa hàng ở khu trung tâm Long Beach.

Nhưng không giống như những nhóm di dân khác trong khu vực Los Angeles, họ đã gặp phải những khó khăn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng một số di dân Cam Bốt bị mức tỷ lệ cao của bệnh tâm thần, có liên quan đến bạo lực mà họ đã chứng kiến. Tỷ lệ nghèo túng nơi những người Cam Bốt vẫn còn cao hơn so với những di dân Á Châu khác, và bạo động băng đảng là một vấn đề xảy ra định kỳ trong cộng đồng của họ.

Cộng đồng này đang vươn lên. Long Beach đã chính thức gọi khu vực này là Cambodia Town, nơi có các nhà hàng thu hút những khách sành ăn đến từ khắp vùng.

Thái độ thù ghét đối với chính phủ Cam Bốt vẫn mạnh. Cách đây nhiều năm, một người trong cộng đồng Cam Bốt hải ngoại đã bị kết tội chủ mưu một cuộc tấn công gây chết người, tại một số công sở ở Cam Bốt trong một nỗ lực lật đổ chính phủ Hun Sen

Thời điểm tệ hại nhất trong chuyến thăm của ông Manet đã xảy ra ở bên ngoài nhà hàng La Lune Restaurant ở Long Beach. Theo một nhà điều tra tư nhân cho biết, chính ông đã bị xô té xuống đất, và bị một vết bầm nghiêm trọng nơi cột xương sống, vào hôm 9 tháng Tư, khi ông đang tìm cách trao cho ông Manet một đơn kiện, thay mặt cho một người đàn ông ở Long Beach đang bị chính phủ Hun Sen của Cam Bốt giam giữ.

Điều tra viên Paul Hayes nói rằng ông đã bị vệ sĩ của Hun Manet đánh bất tỉnh, và trong một thời gian ngắn ông mất cảm giác ở tay chân. Các nhà lập pháp và các lãnh tụ cộng đồng ở Cambodian Town đều lên án vụ tấn công này. Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal (Dân Chủ-Long Beach), thành viên ủy ban Ngoại Giao Hạ Viện, nói rằng vụ này chứng minh rằng sự hiện diện của Manet ở đây chỉ gây ra hoảng loạn và rối ren tại Cambodia Town.

Ông Lowenthal nói, “Tôi phẫn nộ vì chuyện một người chỉ làm công việc của họ lại bị tấn công tàn bạo. Tôi cũng tức giận vì sự có mặt không đúng lúc của Hun Manet mang thứ bạo động này tới một cuộc biểu tình ôn hòa.”

Ông Hayes, 59 tuổi, cư ngụ ở Compton, nói rằng ông đến nhà hàng trên đường Atlantic Avenue vào lúc khoảng 5 giờ chiều, cách mấy tiếng đồng hồ trước khi ông Manet theo dự trù xuất hiện trong một bữa tiệc. Ông Hayes thông báo cho mấy nhân viên cảnh sát rằng ông dự định trao cho Manet hồ sơ một vụ kiện dân sự. Đơn kiện đã được nộp trước đó trong tháng này, nhân danh một cư dân Long Beach đang bị giam giữ tại Cam Bốt, vì vai trò của ông ấy trong các cuộc biểu tình bầu cử.

Mãi cho tới 8 giờ 30 tối thì ông Manet mới đến. Vào thời điểm ấy, khoảng 100 người biểu tình đã đến ở bên ngoài nhà hàng. Khi ông Manet tới gần lối vào, hai bên có những người đàn ông Cam Bốt mặc âu phục, mà ông Hayes tin là các vệ sĩ, ông Hayes liền chìa phong bì ra và gọi tên ông tướng Manet.
Sau đó, một người nào đó chụp lấy ông.

Trong lúc còn đeo nẹp cổ trong nhà ở Compton, Hayes nói rằng chắc chắn vệ sĩ riêng của Manet đã tấn công ông.

“Họ đối xử với ông theo cách thức mà họ đối xử với người Cam Bốt tại đất nước của họ,” Keith Rohman nói. Ông Rohman là chủ tịch của Public Interest Investigations, công ty ở trung tâm thành phố Los Angeles được thuê để trao giấy tờ tòa án cho Manet.

Hồ sơ vụ kiện mà ông Hayes tìm cách trao cho Manet là có liên quan đến một vụ án nhân quyền nổi tiếng.

Meach Sovannara, một cư dân Long Beach và là giám đốc truyền thông cho Đảng Cứu Quốc Cam Bốt, đã bị bắt và bị buộc tội kích động một cuộc nổi dậy, vì vai trò của ông trong các cuộc biểu tình bầu cử ở Phnom Penh trong năm 2014, theo hồ sơ tòa án cho biết. Sovannara đã bị kết án 20 năm tù giam trong nhà tù Prey Sar ở Cam Bốt.

Đeo lon trung tướng, ông Manet trông coi những binh lính có trách nhiệm đàn áp những người biểu tình ở Cam Bốt, trong đó có một vụ làm cho ông Sovannara bị bắt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT