Thế Giới

Cơn bão mạnh nhất trong 30 năm đánh vào Thái Lan

Friday, 04/01/2019 - 09:48:11

Đến chiều thứ Sáu, cơn bão đã chậm lại và đang hướng đến tỉnh Surat Thani. Cơ quan khí tượng Thái Lan cho biết "bão dự kiến sẽ hạ cấp thành áp thấp nhiệt đới,” và khuyên người dân nên đề phòng nguy cơ lũ quét.

BANGKOK – Vào ngày thứ Sáu, bão Pabuk đã đổ bộ vào miền nam Thái Lan, khiến ít nhất 1 người chết và gây nhiều thiệt hại. Bão Pabuk đổ bộ vào Pak Phanang, tỉnh Nakhon Si Thammarat, đem theo gió mạnh và sóng lớn.
Các viên chức phòng chống thiên tai Thái Lan cho biết, 1 người đã chết sau khi một thuyền đánh cá bị lật trong gió mạnh gần bờ biển Pattani. Một người khác mất tích, 4 người còn lại trên thuyền an toàn. Giông gió cũng làm cây cối và cột điện gãy đổ, gây thiệt hại cho xe cộ và nhà cửa.
Đến chiều thứ Sáu, cơn bão đã chậm lại và đang hướng đến tỉnh Surat Thani. Cơ quan khí tượng Thái Lan cho biết "bão dự kiến sẽ hạ cấp thành áp thấp nhiệt đới,” và khuyên người dân nên đề phòng nguy cơ lũ quét.

Phụ nữ Ấn thứ ba vào đền thiêng bất chấp bạo động
KERALA – Một phụ nữ thứ ba đã đi vào ngôi đền thiêng ở bang Kerala, gây lo ngại sẽ bùng lên căng thẳng cùng bạo lực giữa phe phản đối và ủng hộ. Bang Kerala của Ấn Độ đang chứng kiến làn sóng biểu tình bạo lực sau khi hai phụ nữ hôm thứ Tư đi vào đền Sabarimala dưới sự hộ tống của cảnh sát. Ngôi đền thiêng của người Hindu này đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng, từ khi Tòa án bang Kerala hủy bỏ lệnh cấm phụ nữ từ 10 tới 50 tuổi bước chân vào đền hồi tháng 9, 2018.
Trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ và phản đối việc phụ nữ được vào đền Sabarimala đang căng thẳng, một phụ nữ Sri Lanka vào tối thứ Năm cũng đã bước vào ngôi đền, theo thông tin từ cảnh sát Kerala. "Bà ấy đi vào ngôi đền tối qua. Người phụ nữ này 47 tuổi, là một người sùng đạo. Chúng tôi biết và theo dõi tình hình,” viên chức cảnh sát thông báo hôm thứ Sáu. Vào buổi sáng, tình hình ở đền Sabarimala vẫn bình thường, nhưng nhiều người lo ngại thông tin người phụ nữ thứ ba vào đền sẽ châm ngòi cho làn sóng bạo lực mới.
Hàng ngàn người theo Ấn Độ giáo bảo thủ, bao gồm cả nhiều phụ nữ, đã ngăn cản phụ nữ bước chân vào đền Sabarimala vào nhiều tuần sau phán quyết của tòa án. Một số người còn ném đá vào cảnh sát và tấn công các nhà báo nữ đưa tin về sự kiện. Hành động mang tính lịch sử của hai phụ nữ hôm 2 tháng 1 làm dấy lên xung đột giữa phe ủng hộ và phản đối. Bạo động đã khiến 1 người chết, ít nhất 15 người bị thương cùng 1,369 người bị bắt.

Lại tìm thấy kim khâu trong nho xanh tại Úc
MELBOURNE – Theo truyền thông Úc, cảnh sát tại tiểu bang Victoria của nước này đang mở cuộc điều tra, sau khi một hai vợ chồng sống tại Melbourne thông báo với nhà chức trách rằng họ phát hiện kim khâu bên trong nho xanh vào tối ngày 31 tháng 12, 2018.
Cặp vợ chồng Skender Hasa và Shams Alsubaiy cho biết, họ đang ăn tráng miệng sau bữa tối thì Alsubaiy bị kim khâu đâm vào ngón tay khi đang lấy một trái nho. Hai người cắt trái nho này ra và tìm thấy một cây kim bên trong. Họ cũng cắt tất cả số nho còn lại và tìm thấy thêm một cây kim nữa. Hasa và Alsubaiy đã nhanh chóng thông báo với cảnh sát về sự việc.
"Tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi nghĩ rằng chuyện này đã kết thúc và được giải quyết,” ông Hasa nói, nhắc đến cuộc "khủng hoảng dâu tây" tại Úc vài tháng trước. Ông Hasa cho biết ông mua số nho này tại một cửa hàng của Woolworths, một trong những hệ thống chợ lớn nhất tại Úc.
Hãng Woolworths cũng đã xác nhận thông tin này và cho biết đang hợp tác với cơ quan điều tra. Sự việc xảy ra vào gần 2 tháng sau khi cuộc "khủng hoảng dâu tây" tại Úc tạm thời khép lại, với việc cảnh sát bắt giữ bà Trịnh Mỹ Út gốc Việt được cho là người đã nhét kim khâu vào các trái dâu tại nông trại nơi bà ta làm việc.
Vụ khủng hoảng khiến ngành trồng dâu của Úc điêu đứng khi nhiều cửa hàng ngừng mua loại trái cây này, và các nước ngoài cũng ngừng nhập cảng. Người trồng dâu sau đó phải chấp nhận bán phá giá hoặc đổ bỏ lượng dâu dư thừa.

Luật sư của công dân Mỹ bị Nga bắt nộp đơn xin tại ngoại cho thân chủ
MOSCOW – Một luật sư của ông Paul Whelan, công dân Hoa Kỳ bị truy tố tại Nga về tội gián điệp, vào hôm thứ Năm cho biết ông đã nộp hồ sơ tại tòa để phản đối việc giam giữ ông Whelan mà không cho đóng tiền tại ngoại.
Ông Whelan, 48 tuổi, cư dân Michigan và là giám đốc một hãng an ninh, bị bắt tại Moscow vào ngày 28 tháng 12, vì tội hoạt động gián điệp. Gia đình ông bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng ông đến Nga để du lịch. Luật sư của ông Whelan tại Nga, ông Vladimir Zherebenkov, cho biết ông Whelan bị truy tố và bị giam tại nhà tù Lefortovo từ khi bị bắt đến nay. Ông Zherebenkov cho biết ông đang yêu cầu tòa án cho phép ông Whelan được đóng tiền tại ngoại.
Trong khi đó, hãng tin Rosbalt của Nga dẫn một nguồn tin ẩn danh nói rằng, ông Whelan bị bắt tại phòng khách sạn với một thiết bị điện toán có chứa các thông tin mật. Theo đó, vào ngày bị bắt, ông Whelan đã gặp một công dân Nga, người ông đã quen biết trong thời gian dài và cố gắng thuyết phục người này thu thập thông tin về nhân viên của các cơ quan tình báo Nga.
Ông Whelan đã nhận một thiết bị điện tử chứa danh sách nhân viên của một cơ quan Nga. Các đặc vụ liên bang Nga xông vào phòng ông Whelan tại khách sạn Metropol vào 5 phút sau đó và bắt giữ ông. Nếu bị kết tội đối với cáo trạng gián điệp, ông Whelan sẽ phải đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm.

Nhạt phản đối tàu Trung Quốc hoạt động gần đảo san hô
TOKYO - Chính phủ Nhật Bản đã gởi lời phản đối chính thức đến Bắc Kinh, sau khi một tàu thăm dò của Trung Quốc được xác định đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Nhật, xung quanh đảo san hô Okinotorishima, điểm cực nam của lãnh thổ Nhật.
Tuy nhiên, lời phản đối của Nhật có thể sẽ bị phớt lờ, do Trung Quốc trước đây từng thực hiện các cuộc thăm dò tương tự, đồng thời nói rằng Okinotorishima chỉ là một bãi đá và sẽ không xuất hiện trên mặt nước nếu không được gia cố.
Bắc Kinh cho rằng Okinotorishima là nơi không thể cư trú và không thể được coi là đảo. Do đó, Tokyo không có quyền tuyên bố rằng khu vực 400,000 cây số vuông xung quanh đảo san hô này là vùng EEZ của Nhật.
Theo Tokyo, tàu thăm dò Trung Quốc xuất hiện trong vùng EEZ xung quanh đảo Okinotorishima vào ngày 18 tháng 12. Theo hiệp ước Liên Hiệp Quốc về Luật hàng hải, việc thăm dò trong vùng EEZ cần phải có sự chấp nhận của nước sở tại, và Tokyo nói rằng nước này hoàn toàn không cấp phép cho tàu Trung Quốc hoạt động.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại Vụ Trung Quốc Lu Hao hôm 2 tháng 1 nói rằng, theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, rặng san hô Okinotorishima không được coi là đảo, do đó, tàu Trung Cộng không ở trong vùng EEZ của bất kỳ nước nào.
Theo giới phân tích, Nhật Bản không muốn nước khác tiếp cận các mỏ methane hydrate mà họ tìm thấy trong khu vực. Trong khi đó, tàu thăm dò Trung Quốc ngoài việc tìm tài nguyên còn có thể phục vụ cho mục đích quân sự, bao gồm việc lập bản đồ các vùng nước sâu để hạm đội tàu ngầm hoạt động.

Úc: Tài xế tâm thần lái xe gây tai nạn rồi dùng dao tự sát
SYDNEY – Một người đàn ông đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng vì bị đâm vào bụng, sau một chuỗi các vụ tấn công tại khu vực ngoại ô phía nam Sydney vào trưa thứ Sáu. Cảnh sát cho biết vụ rối loạn bắt đầu khi họ tìm cách chận một chiếc 4WD không bảng số trên xa lộ Hume lúc gần 3 giờ chiều. Chiếc 4WD lao vào xe cảnh sát rồi bỏ chạy.
Sau đó, tài xế 24 tuổi cướp một xe tải nhỏ của một cửa hàng và lái xe va quẹt vào nhiều xe hơi khác, trước khi gây ra một tai nạn liên quan đến nhiều chiếc xe trên đường West Botany, thuộc thành phố Rockdale.
Một người qua đường, được cho là trong độ tuổi 20, đã bị tay tài xế 24 tuổi đâm vào bụng khi hắn bỏ xe tải và định cướp một xe hơi khác. Tay tài xế, vốn từng có vấn đề tâm thần, đã cướp một chiếc taxi và lái xe chạy ngược chiều trên đường Forest, thuộc thành phố Arncliffe.
Khi bị cảnh sát chận đường, nghi can bước xuống xe, rút dao tự đâm vào ngực và chết tại hiện trường. Nạn nhân bị đâm đã được phẫu thuật tại bệnh viện St George và được thông báo là đang trong tình trạng ổn định. Nhà chức trách Úc khẳng định sự việc không phải là hành động khủng bố.

Chính trị gia Đức bị lộ tin cá nhân trong vụ tấn công điện toán
BERLIN – Nhiều chính trị gia Đức, bao gồm cả Thủ Tướng Angela Merkel, đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công điện toán, sau khi hàng trăm hồ sơ chứa thông tin cá nhân của họ bị tiết lộ trên Twitter.
Vào ngày thứ Sáu, ký giả người Đức Michael Gotschenberg đưa tin rằng, thành viên của mọi chính đảng tại Đức, ngoại trừ đảng cực hữu AfD, đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công điện toán vào vài ngày trước Giáng Sinh, khi một trương mục Twitter đăng hàng trăm hồ sơ lên mạng.
“Những người đứng sau vụ này đang muốn phá hoại nền dân chủ của chúng ta,”Bộ Trưởng Tư Pháp Katarina Barley nói. “Những tay hacker sẽ bị xác định và động cơ của chúng sẽ bị điều tra.”
Các thông tin bị rò rỉ trên mạng bao gồm hình thẻ ID, thư từ, hóa đơn, thông tin thẻ tín dụng, số điện thoại, và địa chỉ nhà. Không có hồ sơ chính trị nào bị tiết lộ, nhưng theo phóng viên Gotschenberg, ảnh hưởng của sự việc là số lượng thông tin bị công bố quá nhiều.
Các hồ sơ này được đăng lên mạng vào vài ngày trước Giáng Sinh, bởi 1 trương mục Twitter có 16,000 người “follow,” nhưng chúng không được chú ý cho tới chiều thứ Năm vừa qua. Hiện chưa rõ tổ chức này đứng sau vụ tấn công điện toán này. Nhà chức trách Đức cho biết Trung tâm phòng thủ điện toán quốc gia đã điều tra sự việc, và các mạng điện toán của chính phủ không bị tấn công.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT