Hôm Nay Ăn Gì

Cơm chiên rau củ quả Việt

Monday, 07/09/2020 - 07:40:53

Năm đó, hình như năm 1986, có một trận lụt rất lớn kéo qua miền Trung, theo như nhận xét của những người co kinh nghiệm thì trận lụt đó chỉ thua lụt năm Thìn - 1964 đúng một tấc nước


(Tom/ Viễn Đông)

 


Bài TOM

Năm đó, hình như năm 1986, có một trận lụt rất lớn kéo qua miền Trung, theo như nhận xét của những người co kinh nghiệm thì trận lụt đó chỉ thua lụt năm Thìn - 1964 đúng một tấc nước, sức chảy của nó không mạnh bằng nhưng mức độ ngâm nước của nó dai dẳng hơn, và khi nước rút đi, toàn bộ lúa ở các cánh đồng đều chuyển sang mau đen, phải nói là đói rạt đói rều. Nhưng cũng trận lụt đó, thằng Nhỏ được bà ngoại chiên cho dĩa cơm chiên rau củ quả, cái vị ấy cho đến bay giờ tôi (tuy ăn có vài muỗng nhưng) vẫn còn nhớ, khác lạ so với nhiều lần trước của tôi.

Năm đó tôi mười tuổi, thằng Nhỏ lên tám, nhưng nhỏ lại ốm yếu, nhỏ xíu. Từ lúc ba, bốn tuổi nó đã lẽo đẽo theo tôi đi chơi, vì ngoài tôi ra, nó không còn ai để chơi. Cha của nó suốt ngày đi làm gạch, ông làm các công việc nặng nhọc như đào lớp đất thịt bỏ đi, sau đó gánh nước đổ vào cái hố mình vừa đào, rồi dùng cây mai (một loại thuỗng bằng gỗ, có hình dẹp giống mái chèo nhưng ở mũi có bọc thép mỏng, mài bén) xén xuống đất, lấy từng mai đất sét mỏng dính hất qua phía dối diện, cứ như vậy xén cho đến khi nào hết hố đất, ước chừng mỗi hố dất khoảng năm khối đất. Hồi dó người ta làm cật lực để có cái ăn, một người đàn ông xén đất mỗi ngày không được một hố thì bị trừ lương, không có lúa để ăn.


(Tom/ Viễn Đông)

Mẹ thằng Nhỏ mất sớm, nghe đâu bà mất do nhiễm trùng dưới chân. Bà đi chợ về, dẫm phải một cái gai lưỡi long (tức gai xương rồng dẹp), do bà đi chân không, thời đó hiếm ai ở quê có dép để mang. Ban đầu tưởng không có gì, sau đó một tuần, chỗ vết gai sưng tấy lên, rồi sưng dần cả bàn chân, sưng lên bắp chân, thâm tím, nghĩa là chừng nửa tháng sau, ba thằng Nhỏ mới đưa bà đi bệnh viện thì đã quá muộn, bà nằm viện chừng nửa tháng thì mất. Cho đến bây giờ, ở tuổi bảy mươi hơn, mỗi khi nói về bệnh viện, cha thằng Nhỏ lại khóc vì lúc đó bệnh viện quá sơ sài, vợ ông nằm viện cả nửa thang mà không có gì ngoài mấy viên thuốc kháng sinh, cuối cùng chết đau đớn…

Lại nói về thằng Nhỏ, lúc mẹ nó qua đời, nó chỉ mới có mấy tháng tuổi, nghĩa là tôi được hơn hai tuổi, trong trí nhớ mang máng của tôi cho đến giờ là mẹ tôi có bế tôi ra chỗ ngã ba đường làng rồi đứng đó, có một đám tang đi qua, có một đứa nhỏ mặc đồ tang trắng được bế trên tay, và chừng nửa năm sau thì mẹ tôi dắt nó về chơi với tôi, đặt nó tên Nhỏ, gọi toi là Lớn, cho nó ở lại ngủ trưa với tôi, rồi dần dà, chơi thân, có nhiều bữa nó ở lại cả ban đêm để ngủ với tôi. Trong ký ức của tôi, tôi vẫn còn nhớ như in lúc nó được ba tuổi, có nhiều đêm nó làm tôi giật mình vì khóc nấc lên kêu mẹ, rồi đòi mẹ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi không hiểu một đứa trẻ vài tháng tuổi có ký ức gì về mẹ mình hay không và tại sao lúc hai, ba tuổi thằng Nhỏ lại hay khóc gọi mẹ giữa khuya, hay là nó mơ thấy mẹ nó về.

Và dường như tôi tin vào khả năng thứ hai nhiều hơn. Bởi có lần thằng Nhỏ bị ba nó đánh thì chạy sang nhà tôi (lúc này nó đã lớn, chừng mười hai tuổi, tôi không gọi nó bằng mày tao nữa mà phải gọi nó bằng cậu, vì cha nó là anh em chú bác với ông ngoại tôi, nó gọi bà ngoại tôi bằng bác, gọi mẹ tôi bằng chị. Nhưng tôi chỉ gọi khi có người lớn, bình thường thì hai thằng gọi nhau mày tao quen miệng rồi), ba no tiếp tục vác roi sang nhà tôi để tìm nó, nó chạy ra bụi chuối, trốn biệt ở ngoài đó, bà tôi gọi gì cũng không vào. Cả nhà thắp đèn đi tìm cũng không thấy. Cuối cùng, bà tôi vờ tắt đèn đi ngủ, cũng không thấy nó vao. Cho đến gần khuya, nó lọ mọ vào nhà, chui tọt vào giường tôi ngủ, than đói bụng, vậy là bà dậy lục cơm cho nó ăn. Bà hỏi nó đi đâu mà gọi mãi không thấy, nó nói là nó sợ quá và mệt quá, chui vào giữa các cây chuối ngồi ngủ, đến khuya thì gặp mẹ nó về đánh thức, bảo nó vào nhà mà ngủ. Vậy là nó chui vào nhà ngủ. Bà nghe vậy thở dài, còn mẹ tôi thì buồn xo.

Kể xong, tự dưng nó khóc, hỏi gì nó cũng không nói, bà tôi dỗ chi cũng không nín, vậy là bà hỏi, “Con có ăn cơm chiên củ quả không, bác chiên cho con?”


(Tom/ Viễn Đông)

Thằng Nhỏ hỏi lại, “Bác chiên giống như hồi nước lụt được không?”

Bà tôi ngớ người một lúc rồi nhớ ra, “À, được, cái thằng này…”

Chắc là lúc đó, bà nhớ tới gương mặt của thằng Nhỏ lúc nước lụt, trước đó hai năm. Nhà thằng Nhỏ làm bằng tranh, vách đất, cha nó dùng đất bùn trộn với rơm để trét lên mấy tấm vách đan bằng tre. Mùa nắng, nhà tranh vach đất mát rượi, nền nhà xanh um bởi màu đất bùn trộn với tro, muối cho nước vào dằm nhuyễn, sau đó đợi khô dùng đầm để đầm tới đầm lui, đến khi nào nền khô hẳn thì ở. Nền nhà bằng đất lên màu xanh tựa xi măng nhưng có độ đàn hồi, luôn giữ trạng thái mát mẻ chứ không khô rốc. Lụt vào, nhà thằng Nhỏ bị ngập lòi chỏm nóc tí xíu, cha nó đưa nó sang nhà tôi ở từ khi nước mới lớn. Đến khi nước vào nhà thì ông dọn chuồng heo, chuồng ga và cõng bà nội nó sang nhà tôi ở lại.

Đến khuya, thằng Nhỏ than đói bụng, bị cha mắng, bà ngoại tôi la cha nó, xong bà xuống chiên cơm, một dĩa cơm chiên có cà bằm nhỏ, măng tây, khoai tây, bắp, đậu tây, một ít muối tiêu và mấy lát lạp xưởng bà mua từ Đà Nẵng về cất để dành, chiên sắp chín thì bà đập thêm cái trứng gà vào, dùng vá đảo đều cho trứng chín quyện với cơm.

Bà bưng dĩa cơm lên thơm lựng, đương nhiên là tôi từng được ăn nhiều lần nhưng thấy vậy, máu ham ăn của tôi nổi lên, tôi lấy muỗng xúc ăn chung với nó, tôi to con, ăn nhanh, nó vừa ăn vừa khóc, hỏi sao khóc, nó chỉ tôi, “Mi ăn hết của tau!” rồi lại khóc, nói tiếp, “Mi ỷ mi to con, mi có mẹ, mi ăn hết của tau!”

Lần đó, có thể nói là lần đầu tiên trong đời tôi bị nghẹn trong lúc ăn cơm, cảm giác muốn khóc khi thấy gương mặt thảm của thằng Nhỏ…

Trở lại chuyện dĩa cơm chiên năm nó mười hai tuổi, tức lúc thằng Nhỏ ngủ ngoài bụi chuối vào. Bà vừa chiên xong thì cha nó chạy qua, xách ngược tay, lôi nó về nhà. Bà năn nỉ gì cha nó cũng lôi đi, bà sang nhà, hỏi ra mới biết là mẹ kế nó vừa mất hai chục ngàn đồng, chỗ bà cất tiền chỉ có mỗi nó biết. Thằng Nhỏ bị đánh đòn, nó khóc, hỏi gì nó cũng không nói. Sau đó bà tôi bưng cơm sang dỗ nó ăn, nó lắc đầu.

(Tom/ Viễn Đông)

Sáng hôm sau, nó đi bụi, đi biệt, hình như cha nó cũng không đi tìm, chỉ có tôi và mẹ tôi đi tìm nó khắp nơi nhưng không được. Mãi cho đến khi nó trở về, tức mấy chục năm sau, thì cha nó đã lập bàn thờ cho nó, nghĩ nó đã mất. Nhưng số nó may, nó đi lang thang một ngày một đêm, lạc ra bờ biển, mệt quá, nó nhổ rau muống biển nhai, nhai xong nằm ngủ, khuya thấy đau bụng, mò ra bờ biển. Ai dè, gặp tàu vượt biên, vậy là họ tóm nó lên tàu (vì sợ nó gặp biên phòng khai ra thì chết). Nó sang trại tị nạn, được đưa sang Mỹ, được gia đình người Mỹ nhận nuôi, cho đi học. Khi nó về quê, gặp tôi lại thì nó đã là kỹ sư hàng không loại xuất sắc.

Nó rủ tôi ra thăm mộ bà, nó thắp nhang và khấn, “Bác ơi, thằng Lớn nó vẫn cứ xưng mi tau với con, còn con thì không biết chiên cơm như bác được. Thương bác!”

Hai chữ “thương bác” của nó khiến cho tôi có cảm giác như đang ngửi thấy mùi cơm chiên của bà. Cái mùi quyện giữa muối bột, lạp xưởng, các loại rau củ quả thái hat lựu và cơm nguội chiên nóng. Mùi của thời gian làm cay sống mũi…!

Xin cầu chúc quí vị an lành, chân cứng đá mềm và nhớ dành một ít cơm nguội để chiên, nếu không có rau củ quả thì chiên với một chút muối bột, hương vị cơm chiên lạ lắm, không cao sang mỹ vị gì nhưng sâu lắng, gợi nhớ xa xăm! Tôi gọi đó là cơm chiên rau củ quả Việt!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT