Thế Giới

Cơ quan Âu Châu khuyến cáo về nguy cơ từ rác không gian

Monday, 21/01/2019 - 07:30:45

Trước nguy cơ này, ESA đã lập ra Chương Trình Nhận Thức Tình Trạng Không Gian (Space Situational Awareness), nhằm liên tục cung cấp dữ liệu thực tế và chính xác về môi trường vũ trụ, đặc biệt là các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng trên Trái Đất và trên quỹ đạo.


Rác trên không gian gây nguy hiểm trên đường bay của các vệ tinh và phi thuyền. (Dotted Yeti/Shutterstock.com)

PARIS - Các mảnh thiết bị nhân tạo trôi nổi trên quỹ đạo đang trở thành mối nguy hiểm không chỉ đối với các vệ tinh nhân tạo mà cả đối với con người trên Trái Đất. Ngày 4 tháng 10, 1957, vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1 được đưa lên quỹ đạo, mở đầu cho thời đại chinh phục không gian của con người. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhân loại tìm được chỗ mới để… xả rác! Khi việc nghiên cứu không gian được đẩy mạnh thì quá trình làm ô nhiễm vòng quỹ đạo quanh Trái Đất cũng tăng tốc theo.

Báo cáo mới đây của Cơ Quan Không Gian Âu Châu (ESA), có trụ sở tại Paris, Pháp, cho thấy, số lượng, khối lượng và thể tích tổng cộng các vật thể bị bỏ lại trong vũ trụ tăng lên khá nhanh. Điều này dẫn tới sự gia tăng số lượng các vụ va chạm tình cờ giữa các thiết bị trên quỹ đạo và các mảnh rác bay lượn trên đó.
Trái Đất bị nhiều rác không gian vây quanh, bao gồm các vệ tinh đã ngừng hoạt động, các mảnh vỡ hỏa tiễn còn lại sau khi thực hiện các nhiệm vụ có phi hành đoàn, và cả những mảnh vụn nhỏ còn lại sau vụ nổ và va chạm của những thiết bị khác nhau. Những mảnh rác cả nhỏ lẫn lớn đều rất nguy hiểm. Những mảnh rác lớn chiếm khá nhiều chỗ trong không gian và có nguy cơ vỡ ra thành nhiều mảnh. Trong khi đó, những mảnh rác nhỏ thì khó theo dõi, định vị, khiến phi thuyền hay vệ tinh khó vượt qua chúng một cách an toàn.

ESA ước tính, hiện tại trên quỹ đạo có hơn 750 triệu mảnh rác không gian có kích thước lớn hơn 1 centimét. Chúng có thể va chạm với các vệ tinh nhân tạo bất kỳ lúc nào, phá hủy hoặc làm thay đổi đường bay của vệ tinh. Thậm chí một va chạm nhỏ cũng rất nguy hiểm, vì vậy, Trạm không gian quốc tế ISS thường phải thay đổi vị trí, nhằm tránh bị va chạm với các mảnh rác nhỏ.

Trước nguy cơ này, ESA đã lập ra Chương Trình Nhận Thức Tình Trạng Không Gian (Space Situational Awareness), nhằm liên tục cung cấp dữ liệu thực tế và chính xác về môi trường vũ trụ, đặc biệt là các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng trên Trái Đất và trên quỹ đạo.

ESA coi va chạm với rác không gian là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất, có thể dẫn tới việc phá hủy phi thuyền. Để giảm nguy cơ va chạm đến mức thấp nhất, các phi công điều khiển các chuyến bay không gian buộc phải nhận biết mọi trở ngại tiềm tàng trên đường bay.

Tuy nhiên, họ không thể dự đoán được khi nào rác vũ trụ xuất hiện và xuất hiện ở đâu. Với tốc độ khai thác không gian như hiện nay, một số nhà khoa học dự đoán sau khoảng 10 năm nữa, xác suất để một vệ tinh nhân tạo bay đến mục tiêu sẽ thấp như xác suất trúng xổ số!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT