Thế Giới

Có phải chiến tranh Mỹ-Tàu khó tránh khỏi ở Biển Đông? Mỹ cần thức tỉnh vì đang thua

Monday, 05/11/2018 - 02:06:17

Vào cuối tháng 10, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Wei Fenghe thề quyết rằng bất cứ nỗ lực nào để “tách Đài Loan khỏi Trung Cộng” đều sẽ dẫn tới việc các lực lượng võ trang Trung Cộng phải “hành động với bất cứ giá nào.”


Một quân nhân Phi Luật Tân đang thủ sẵn khẩu súng đại liên trong cuộc thao dượt chung giữa Hải Quân Phi Luật Tân và Hải Quân Hoa Kỳ để sẵn sàng tác chiến tại Biển Đông. (Getty Images)

Mới đây Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình nói về việc “chuẩn bị cho chiến tranh và sẵn sàng chiến đấu.” Lời tuyên bố với ngôn ngữ hiếu chiến đó là ví dụ mới nhất từ Bắc Kinh, gây lo sợ về sự bùng nổ chiến tranh với Hoa Kỳ ở hai nơi có thể xảy ra biến động: Đài Loan và Biển Đông.

Vào cuối tháng 10, ông Tập Cận Bình nói với các cấp chỉ huy quân đội ở tỉnh Quảng Đông hãy “tập trung chuẩn bị chiến đấu trong chiến tranh.” Giới truyền thông của nhà nước cộng sản đã phân phát những lời ông phát biểu, sau chuyến thăm bốn ngày ở miền nam .

Trong khi đó ông Ben Hodges, một thiếu tướng Mỹ hồi hưu, nói với hãng thông tấn Al Jazeera rằng có lẽ Mỹ sẽ có chiến tranh với Trung Cộng trong vòng 15 năm, vì một “mối quan hệ căng thẳng và việc cạnh tranh gia tăng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với những cuộc tranh cãi gay gắt ở cả hai phía, hai vấn đề đã có từ lâu giữa Bắc Kinh, Hoa Thịnh Đốn, và những nơi khác, đã trở thành những điểm có thể bùng nổ. là Biển Đông bị tranh chấp, và Đài Loan mà Trung Cộng vẫn xem là một tỉnh phản loạn.

Đài Al Jazeera đã nói chuyện với các chuyên gia Mỹ-Trung Cộng. Những người này nhận thấyi rằng một cuộc xung đột toàn lực có thể xảy ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ hội để đôi bên thương thuyết, thỏa hiệp, và giữ cho mối quan hệ hiềm khích giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh không nhất thiết bùng nổ thành chiến tranh.

Bà Bonnie Glaser, một cựu cố vấn cho Ngũ Giác Đài, nói với Al Jazeera, “Cả hai phía đều đang chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng sẽ phải có một giới lãnh đạo hét sức ngu ngốc ở cả hai nước mới đi tới hậu quả chiến tranh giữa Mỹ và Trung Cộng.”

Những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm đối phó và thích nghi với thế lực gia tăng của Trung Cộng, về kinh tế và quân sự, đã thay đổi dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Ông đánh thuế vào hàng hóa nhập cảng của Trung Cộng, và tố cáo Bắc Kinh buôn bán không công bằng và ăn cắp tài sản trí tuệ.
Trong tháng 10 vừa qua, Phó Tổng Thống Mike Pence phát biểu tại một viện nghiên cứu có khuynh hướng bảo thủ, nói về những vụ tấn công mạng điện toán, vấn đề Đài Loan, quyền tự do hàng hải và nhân quyền, trong một bài diễn văn về chính sách nhấn mạnh một cách tiếp cận sắc bén của Mỹ đối với Trung Cộng, trong cuộc chiến thương mại gay gắt.

Ông Pence nói rằng Trung Cộng đang thực hiện một nỗ lực tinh vi, để gây ảnh hưởng trên các cuộc bầu cử chống lại phe Cộng Hòa của ông Trump, nhằm trả đũa các chính sách mậu dịch của Tòa Bạc Ốc. Ông thề quyết tiếp tục phanh phui “ảnh hưởng và việc can thiệp đầy ác ý” của Bắc Kinh.
Trung Cộng đang thiết lập những dàn hỏa tiễn chống tàu thủy và chống máy bay, trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Pence cũng tố cáo Bắc Kinh bắt nạt các nước nhỏ hơn và làm cho Đài Loan mất ổn định, bằng cách gây áp lực ép ba nước ở Mỹ Châu La Tinh phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc.
Đã có những hậu quả trong thế giới thực tế.

Trong tháng Chín, chiến hạm USS Decatur đang chạy gần rạn san hô Gaven Reef ở Biển Đông, khi một chiếc khu trục hạm Trung Cộng tiến tới gần trong vòng 45 mét, và buộc tàu Mỹ phải thao tác để tránh đụng chạm, theo phía Mỹ cho biết.

Hoa Thịnh Đốn đã điều động những tàu chiến tới tham gia những cuộc “diễn tập tự do hàng hải” xuyên qua Biển Đông và Eo Biển Đài Loan, để cho thấy đó là vùng biển quốc tế và chống lại việc Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, cũng như củng cố các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Chính phủ Trump đã đạt được hai thỏa thuận về vũ khí với Đài Loan, công lại trị giá hơn $1.7 tỷ
Trong tháng Chín, Hoa Thịnh Đốn áp đặt những biện pháp chế tài trên quân đội Trung Cộng, trừng phạt việc họ mua các phản lực cơ chiến đấu và hệ thống hỏa tiễn từ Nga.

Trung Cộng phản ứng bằng cách đình hoãn những cuộc đàm phán quân sự cao cấp, hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, và thực hiện những cuộc tập trận bắn đạn thật, với những chiếc oanh tạc cơ và máy bay chiến đấu tại Biển Đông.

Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng bị làm cho chậm lại bởi cuộc chiến thương mại. Tuy vậy mức tăng đó vẫn đang mở rộng nhanh gấp hai lần so với Mỹ, và chính phủ Bắc Kinh đang đổ thêm tiền vào những công nghệ mới, như điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, và trí thông minh nhân tạo.
Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế cho biết, Trung Cộng đã tung ra tàu ngầm, chiến hạm, và những tàu khác từ năm 2014, nhiều hơn so với số lượng tàu thuyền hiện đang phục vụ trong hải quân của Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan, và Anh Quốc cộng chung lại.

Các phân tích gia nhớ lại những cuộc khủng hoảng chính trị trước đây giữa Mỹ và Trung Cộng. Trong năm 2001, một chiếc máy bay gián điệp của Mỹ bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam, sau khi đụng độ với một chiếc máy bay chiến đấu của Trung Cộng. Vào năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton hồi đó cử các tàu hàng không mẫu hạm đến Eo Biển Đài Loan, vì những cuộc bắn thử hỏa tiễn của Trung Cộng.
“Có một loạt vấn đề có thể dẫn đến một cuộc xung đột Mỹ-Trung Cộng,” Gregory Poling, một chuyên gia về Á Châu và luật biển tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế, nói với đài Al Jazeera.

“Biển Đông là nơi gai góc nhất. Nó nằm ngay tại chính giữa thế ưu đẳng của Hoa Kỳ trong khu vực này, trật tự quốc tế mà Hoa Thịnh Đốn đã xây dựng từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, và Trung Cộng sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng và thách thức trật tự dựa trên luật lệ này.”

Biển Đông rộng chừng 1.7 triệu cây số vuông, và chứa hơn 200 hòn đảo nhỏ, đá tảng và rạn san hô, hầu như người ta không thể ở được.

Đây là lộ tuyến ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và có một số làn đường vận chuyển tấp nập nhất thế giới.

Brunei, Trung Cộng, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan, và Việt Nam đều dính líu vào một loạt phức tạp gồm những vụ tranh chấp lãnh thổ dựa trên lịch sử xảy ra ở đó.

Khu vực mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, rộng nhất, bao gồm tất cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - và hầu hết Biển Đông.

Cuộc tranh chấp đã làm tăng cường độ của việc cạnh tranh chính trị và quân sự trên toàn khu vực, giữa quyền lực gia tăng của Trung Cộng đang mở rộng tầm hoạt động hải quân, và Hoa Kỳ, một nước từ lâu đóng vai trò thống trị và đang tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Phi Luật Tân, và các nước khác. “Hoa Thịnh cần thức tỉnh và nhận ra rằng mặc dù Biển Đông đang yên tĩnh, nhưng chúng ta đang thua. Mỗi ngày vị thế của Trung Cộng trở nên mạnh hơn, vị thế của những nước khác đòi chủ quyền trở nên yếu hơn, và họ phải đặt câu hỏi về uy tín của Hoa Kỳ nhiều hơn mỗi ngày,” ông Poling nói.
Người ta cũng nói về Đài Loan, coi đó là một thùng thuốc súng.

Vào cuối tháng 10, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Wei Fenghe thề quyết rằng bất cứ nỗ lực nào để “tách Đài Loan khỏi Trung Cộng” đều sẽ dẫn tới việc các lực lượng võ trang Trung Cộng phải “hành động với bất cứ giá nào.”

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên Đài Loan tự trị, thông qua chính sách “một nước Trung Hoa” từ năm 1949, và thề quyết đưa hòn đảo này vào dưới sự cai trị của Bắc Kinh - bằng võ lực nếu cần.
Hoa Kỳ có nghĩa vụ giúp đỡ Đài Loan với những phương tiện để tự vệ, chiếu theo theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan năm 1979 của Quốc Hội Mỹ.

Bất chấp việc gia tăng sức mạnh quân sự, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, và lối ngôn từ nẩy lửa, ông Glaser nói rằng những đầu óc lạnh hơn có thể sẽ thắng thế ở Bắc Kinh và Hoă Thịnh Đốn - ngay cả khi các tàu chiến chạy sát ngang qua nhau và “các phi công bay nhanh” thực hiện những pha bay sát sườn liều lĩnh.

Ông Glaser nói, “Trong vòng 20-25 năm tới, tôi sẽ không nhất thiết mong đợi một cuộc chiến tranh nóng, hay thậm chí một cái gì đó giống như Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga Sô. Tuy nhiên một cuộc tranh đua kéo dài, dữ dội, giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ không kết thúc với chính phủ Trump.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT