Đời Sống Việt

Cô ơi!... cô có biết hay không?...

Wednesday, 13/07/2016 - 07:18:06

Khi mọi xôn xao mừng rỡ của sự hội ngộ sau nhiều năm xa cách đã lắng xuống, tôi trở về chỗ ngồi cũ, mà hồi nãy tới giờ ít khi được ngồi yên chỗ, vì cứ một lát lại đứng dậy vì có nhóm học sinh khác mời ra chụp hình...

Viết cho gia đình SNA

Phượng Vũ

"Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song...”
Có lẽ bài hát Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân đã lột tả được phần nào không khí nôn nao nhộn nhịp vui tươi và tưng bừng của việc chuẩn bị chào đón Đại Hội Sương Nguyệt Anh toàn thế giới lần thứ 10 chủ đề: “Phượng Đỏ Trường Xưa”, được tổ chức vào ngày 2 tháng 7 năm 2016 tại Orange County, California.

Trang Face book và email của Thanh Huyền từ Paris luôn cập nhật tin tức từng ngày để chào đón các bạn từ khắp thế dớ , nhất là từ Việt Nam về tham dự ĐH:

“Chỉ còn 3 tuần nữa là Đại Hội SNA, danh sách tham dự đã đúc kết với hơn 300 thành viên đến từ VN, Úc, Pháp, Canada và các tiểu bang của Mỹ. 3 cấp lớp đông nhất là s76, s78, s81 . Chưa bao giờ ĐH SNA tổ chức tại hải ngoại lại có số thành viên SNA tham dự đông như vậy. Vì thế BTC cũng bắt đầu run và chắc chắn không tránh khỏi những sơ suất trong suốt thời gian chuẩn bị (10 tháng) cho tới ngày tiền ĐH, ĐH, hậu ĐH... Tổ chức ĐH lần này tại 1 hôtel lớn của Mỹ, có sức chứa tới 600 người, nên chúng ta sẽ rất thoải mái đi lại trong phòng họp.”

Thầy trò hát bài tâm ca Sương Nguyệt Anh


Lần này nghe tin nhiều em nộp visa xin đi Mỹ dự ĐH bị rớt, vì dạo này visa xin vô Mỹ hơi khó! Giờ chót, trước ĐH 1 tuần Minh Hằng email:

“Cô ơi, có thể em và Tới cùng đi chung chuyến bay qua Mỹ, nếu chiều nay em đậu interview...”
Sáng hôm sau, nhận được email khác:
“Em vừa phỏng vấn visa xong, đậu. Giờ em xem coi máy bay nào rẻ là đi . Bên đó lạnh không cô? Em chưa chuẩn bị đồ gì hết."

Vậy đó, mà 1 tuần sau vừa xuống máy bay hôm trước, hôm sau đã có hình trên facebook: “Nhận ra ai hông các thần dân s82. Hội ngộ tại quán Cây Dừa California”.
Còn TH trước ĐH 1 tuần đã bay từ Paris qua Virginia để rong chơi, ngày nào Facebook cũng có hình họp mặt vui chơi với bạn bè SNA ở vùng đông bắc Hoa Kỳ. Sau đó bay xuống nam CA với hình bánh xèo trên facebook “Chu choa ơi cái bánh xèo O.C. sao nó to thế này!”

Chiều ngày tiền ĐH trên Facebook kèm theo hình ảnh
“Nail nail nail . Đi làm đẹp chuẩn bị cho đại hội Sương Nguyệt Anh, California. Ăn dim sum, xem vàng trong khu Phước Lộc Thọ. Réunion hơn 320 người đến khắp nơi trên thế giới sẽ bắt đầu chiều nay tới tối mai. Nôn nao tìm lại bạn 40 năm xa cách.”

Đúng là như người ta thường nói “Chuẩn bị Tết, vui hơn là Tết”, không khí chuẩn bị, nôn nao đón chờ ĐH có thể vui hơn, cũng như ngày Tiền ĐH mọi người tha hồ vừa ăn vừa tám chuyện. Tha hồ hò reo mừng rỡ, hú lên cả đám rồi kéo nhau đi chụp hình đủ chỗ, từ trong phòng cho tới ngoài sân. Tự do đi tìm thầy cô cũ để hỏi thăm và mời ra chụp hình hết kiểu này tới kiểu kia. Do đó các cô bỗng nhiên biến thành "Người Mẫu" vì hết lớp này tới lớp kia, "Cô ơi! Chụp hình chung với lớp em nha” - “Tụi em học cô năm 77, 78, 79 nè! Cô nhớ không?"- “Hồi đó tụi em thương cô, nhưng sợ cô lắm”, chợt 1 em ngân nga giọng Trung: “ Sợ thì sợ mà thương thì cứ thương.”

Không khí chung quanh thật tưng bừng thoải mái. Qua rồi những ngày tháng thấy thầy cô phải rón rén cúi đầu, bước chậm qua. Một em học sinh khi đứng chụp hình chung với tôi đã nói:

- Bây giờ thì em có thể ôm eo cô để chụp hình, chứ ngày xưa lúc học cô, em sợ cô lắm, nhất là những hôm chưa làm bài xong, chỉ luôn đứng xa ngưỡng mộ thôi!

Một em khác dạn dĩ hơn, vừa thấy mặt là chạy ào lại ôm và thật tự nhiên “cho em hun lên má cô 1 cái cho đã, bù lại ngày xưa tới gần cô là thấy run.” Câu hỏi "Cô còn nhớ em không?" và 2 chữ “Ngày xưa” rồi “Hồi đó” như một điệp khúc rân rân khắp nơi... Mỗi thầy cô đều có thế giới riêng của mình với bao kỷ niệm xưa với học trò cũ, tha hồ mà tâm tình. Mỗi em có một cách biểu hiện riêng, có em mừng reo hớn hở, có em vẫn còn khoanh tay cúi đầu,"Dạ thưa cô!" Tuy bây giờ đa số các em đền là những người thành đạt trong xã hội: bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư..., nhưng tề tựu về đây các em thấy mình như trở về với vị trí "học trò" ngày xưa. Ôi bao nhiêu tiếng cười nói quanh đây, "Cô ơi, cô vẫn như xưa.”, lại lao xao những tiếng khác "Ôi! Ở ngoài cô đẹp hơn trong hình nhiều." (Tôi im lặng để các em tha hồ nói dối cho vui!) - "Em nhớ ngày xưa dáng cô cao hơn bây giờ", " Dạ, để em giới thiệu ông xã em cho cô biết mặt. Anh ơi! chụp hình em với cô đi, lẹ lên" - "Ủa! Sao cô giáo và học trò nhìn thấy không có gì khác biệt hết vậy?"- "Anh sao hay thắc mắc lôi thôi quá, chụp lẹ lên đừng để cô chờ"...

Thấy có mấy em mặc áo dài mini theo thời trang mới của Saigon, trông cũng dễ thương, tôi bèn hỏi thăm:
-Ở đâu mà mấy em đã có áo dài mini thời trang mới nhất của Saigon để diện vậy?
- Nhỏ Minh Hằng mới từ Saigon đem qua giùm đó cô!
Đúng là thời đại internet liên lạc quá nhanh, mấy em ở Úc, MH ở Saigon mới có visa tuần rồi; vậy mà bây giờ ở Mỹ các em đã có áo dài mini mặc dự tiền đại hội rồi.

Khi mọi xôn xao mừng rỡ của sự hội ngộ sau nhiều năm xa cách đã lắng xuống, tôi trở về chỗ ngồi cũ, mà hồi nãy tới giờ ít khi được ngồi yên chỗ, vì cứ một lát lại đứng dậy vì có nhóm học sinh khác mời ra chụp hình...

Có một em ngồi cạnh tôi cách 1 ghế trống của ai bỏ giỏ đó rồi đi, tôi ngồi nói chuyện với chị Tuyết Anh, thỉnh thoảng thấy em nhìn tôi cười cười, tôi cũng cười cười đáp lại. Em cũng không dời qua chiếc ghế trống, nhìn tôi em không nói gì nên tôi nghĩ chắc em không là học trò tôi. Tôi cứ đi rồi quay về chỗ cũ thấy em ngồi y đó vẫn không nói gì cho đến khi mọi chuyện lắng vào yên tĩnh. Bỗng nhiên em nhìn tôi thật lâu rồi hỏi bằng một giọng thật nhẹ nhàng:
-Cô ơi! cô có biết hay không?
Tôi hỏi lại như 1 phản xạ:
-Biết gì?
- Biết là...biết là em thương cô nhiều nhất không?
Câu trả lời của em làm tôi ngạc nhiên đến sững người, có thể vì em nói nhỏ quá, nên tôi nghe lầm chăng? Tôi không thể tin vào lỗ tai của mình, nhưng giọng em vẫn rủ rỉ:

- Hồi học cô em thương cô nhiều nhất trong tất cả các thầy cô em đã học. Khi nào cô cười, trông cô thật dễ thương, nhưng hiếm khi em thấy cô cười. Em thương cô nên rất siêng học và học giỏi môn cô, em không bỏ sót 1 giờ học phụ đạo nào của cô, dù là trưa phải ở lại sau giờ học, hay đi học thêm vào cuối tuần, ngồi dưới sàn nhà (terrace), nhưng tụi em vẫn đi đông như thường. Cô còn nhớ không cô?
Tôi bối rối gật đầu:

- Nhớ chứ, mấy em hồi đó sao siêng học thiệt, nên làm cô siêng dạy.
Lời nhắc nhở kỷ niệm xưa của em đã làm xới tung cả một vùng ký ức gian khổ của tôi thời đó. Sau 75, ai cũng cực hết, nhưng hoàn cảnh tôi có phần đặc biệt, chồng đi cải tạo, một nách 2 con thơ, tài sản bị cướp sạch trên đường di tản về Saigon. Dạy SNA buổi sáng, buổi chiều còn phải luân phiên vô chăn heo, tắm heo, buổi tối có khi còn phải vô trường trực đêm... Hoàn cảnh long đong như vậy "đời có gì vui?" nên em thấy tôi hiếm cười là phải rồi.

Sự ít nói và lặng lẽ của em làm tôi chợt nhớ đến học sinh lớp chủ nhiệm NAN. Em đến nhà thăm tôi, nhưng không nói năng chi, nên tôi cứ phải gợi chuyện để hỏi em, và em chỉ trả lời ngắn gọn. Đến lúc tôi phải buột miệng hỏi:
- Sao em đến thăm cô, mà không thấy em nói gì cả?
Em ngước mắt nhìn tôi, lặng lẽ nói:

- Em đến thăm cô, được nhìn thấy cô, ngồi gần bên cô. Với em vậy là đã đủ rồi! Tại sao lại cần phải nói hả cô?
Đúng là Tình Thương thật, không cần nhiều lời...
Bất chợt Minh Hằng ở đâu xuất hiện, cười toe, cắt đứt dòng ký ức của tôi:
- Em nè cô! Em kiếm cô hồi nãy tới giờ, nghe nói cô kiếm em. Xin lỗi tại kẹt xe, em tới quá trễ.
- Nghe mấy bạn nói là em đi shopping ở Los, cô tưởng em mê shopping quá, rồi quên về đây luôn chứ!
- Cô ơi! Mấy nhỏ bạn chở đi shopping, thấy nhiều đồ đẹp mê luôn. Tụi nó mua áo đầm, mua giày rồi bắt em thay tại chỗ luôn. (Rồi em quay một vòng) Cô coi đẹp hông cô?

- Đẹp lắm, áo có bông dễ thương. Em mới qua Mỹ có 1 ngày mà đi quá xá luôn
- Tụi em vui quá, quên ngủ luôn cô ơi! Xuống phi trường là tụi nó chở đi liên miên. Tối qua em ngủ có vài tiếng...

Tôi thấy niềm vui trên mắt trên môi cười các em vì bạn cũ quá lâu ngày mới gặp nhau, rồi được gặp thầy cô “thân ái” ngày xưa, nên tưng bừng tíu tít như thuở còn đi học, giống như ý bài thơ trong cuốn đặc san SNA mới phát hành hôm nay:
"Lá thay mấy độ, cô vẫn xuân
Mai nở bao mùa, trò chưa già,
Bên nhau họp mặt quây quần vui,
Tám cứ rân trời, cười quên thôi"

Nói tới đặc san SNA là phải nhớ tới công lao và tâm huyết của Bích Nga, cả bao nhiêu tháng trời ròng rã lo sao cho bài vở phong phú, hình ảnh đẹp trong cuốn báo nhỏ xinh (dễ cầm, dễ mang đi). Từ đó mọi người sau hội ngộ, mới có món quà lưu niệm tinh thần mang về “ấp ủ” dư âm Đại Hội “Phượng Đỏ, Trường Xưa”. Do đó mọi người cần phải cám ơn và hoan hô Bích Nga nha!

Ngay cửa ra vào, một đám mấy em bu lại lăng xăng lo phát áo T- Shirt có hình hoa Phượng, huy hiệu của trường SNA và yêu cầu mặc vào ngay, kể cả các thầy cô. Rồi cao hứng các em rủ nhau cùng hát bài “Tâm Ca Sương Nguyệt Anh” do thầy DT Thông sáng tác từ lâu. Các em bắc ghế cho thầy đứng trên cao để điều khiển ban hợp ca “tả pí lù” vừa hát, vừa hô thật to mỗi khi đến câu “Là nữ sinh Sương Nguyệt Anh”. Có lẽ không có trường trung học nào, có riêng cho mình bài “Tâm ca” như trường SNA: “...Ta noi gương thiên tài văn chương Sương Nguyệt Anh, không nhơ danh ta là nữ sinh Sương Nguyệt Anh..." Không khí thật tưng bừng vui nhộn!

Tối về, trong không gian thinh lặng, những cảm xúc được các em chào đón trong mừng rỡ, yêu thương, khen ngợi... từ từ lắng xuống và trỗi lên trong tim tôi là câu hỏi nhỏ nhẹ: "Cô ơi! cô có biết hay không?"- "Biết gì?"- "Biết là... biết là em thương cô nhiều nhất không?" làm lòng tôi xao động! Người ta thường nói "thời gian sẽ xóa nhòa tất cả", nhưng đôi khi đâu đó trên cuộc đời này, có những tình cảm, hình như không đi theo quy luật ấy. Cám ơn em đã "bao dung" không làm khó trí nhớ tôi với câu hỏi thông lệ của các em "Cô ơi! còn nhớ em không?". Chung quanh em các bạn sôi nổi líu lo, ân cần thăm hỏi, rồi đòi chụp hình... nhưng em thì không. Các bạn tíu tít nói cười, chạy ùa tới ôm mừng rỡ... nhưng em thì không. Em vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn ngồi đợi để rồi chỉ buông ra 1 câu hỏi nhẹ nhàng, nhưng làm nặng trĩu lòng tôi. Tôi nhớ đã đọc được đâu đó, "ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rất dai dẳng..." Tôi cảm thấy mình có lỗi đối với em, hình như tôi đã “phụ” em theo một cách nào đó dù là vô tình . Đôi khi những tình cảm chưa một lần thổ lộ, có khi còn đẹp hơn nhiều so với những lời chót lưỡi đầu môi. Tối nay, em đã tặng tôi món quà quý giá nhất mà đồng tiền không thể mua được. Em ơi! Nếu có kiếp sau, tôi sẽ trở lại với cái nghề đi dạy này, dù nó có nghèo khổ, vất vả tới đâu vì tôi đã được "nhận quá nhiều" từ các em học sinh thân yêu của tôi.

Người ta thường nói những tình thương thầm lặng khiến đời sống con người thăng hoa, cám ơn em đã cho tôi sự "thăng hoa" đó tối nay. Làm sao tôi không xúc động cho được. Và bỗng nhiên tôi cảm thấy hình như đoạn "đối thoại" cảm động đó quen quen.... Tôi nhớ ra rồi, nó ở trong bài hát "Bông Hồng Cài Áo": "Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?" - "Biết gì ?" - "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?" Cảm giác lâng lâng vì được yêu thương như áng mây trôi bềnh bồng đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm... với lời em nói nhẹ nhàng, nhưng thấm sâu: " Cô ơi! cô có biết hay không?"- "Biết gì?"- "Biết là... biết là em thương cô nhiều nhất không?". Xin cám ơn đời, cám ơn em, cám ơn các em học sinh thân yêu của tôi đã cho tôi thấy cuộc đời này có nhiều ý nghĩa hơn.

Phượng Vũ
Orange County, Nam California
(7/2016).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT