Gỡ Rối Tơ Lòng

Có nên nói cho em biết sự thật?

Friday, 15/09/2017 - 08:28:08

Nhưng tôi là một nhân viên xã hội. Từ quan điểm của một người làm công tác xã hội, tôi nghĩ em trai tôi cần phải biết sự thật rằng cậu ấy chỉ là con nuôi. Nhưng tôi lại cho rằng mình không có quyền làm như vậy trong khi bà già vẫn còn sống. Bà già cấm tiệt, lập luận rằng "đã giấu thì giấu cho luôn."

Cha mẹ chồng không thích tới nhà con dâu thì tính sao đây? (Getty Images)

 Tâm sự với Cô Ba Little Saigon

Có nên nói cho em biết sự thật?
Khi người ta lớn, dường như người ta bớt ích kỷ hơn, phải không Cô Ba? Tôi nay gần 60, còn em trai tôi thì 56. Gia đình chỉ có hai chị em nên thỉnh thoảng qua lại cũng vui lắm. Nhất là từ khi ông già qua đời rồi, chỉ còn mỗi mình bà già lụm khụm đi tới đi lui. Mỗi lần thấy hai chị em tôi tới thăm, bà già rất mừng.
Nhưng như tôi nói ở trên, khi người ta lớn, người ta trở nên "vị tha" hơn là "vị kỷ," đúng không Cô Ba? Thiệt ra em trai tôi không phải con ruột của ông bà già. Ba Má tôi nhận nuôi cậu ấy từ lúc mới được vài tuần tuổi, thông qua một tổ chức hợp pháp. Ba Má tôi cấm tôi không được nói cho cậu ấy biết. Ba Má tôi muốn cậu ấy nghĩ rằng gia đình tôi là gia đình "ruột" của cậu ấy, không muốn chia sẻ cậu ấy với ai hết.
Nhưng tôi là một nhân viên xã hội. Từ quan điểm của một người làm công tác xã hội, tôi nghĩ em trai tôi cần phải biết sự thật rằng cậu ấy chỉ là con nuôi. Nhưng tôi lại cho rằng mình không có quyền làm như vậy trong khi bà già vẫn còn sống. Bà già cấm tiệt, lập luận rằng "đã giấu thì giấu cho luôn."
Nhưng, lại nhưng nữa, tôi nghĩ đợi Ba Má tôi chết hết rồi mới nói ra sự thật thì ai có thể giải thích cho cậu ấy mọi điều mà câu ấy muốn biết? Và ai có thể tiết lộ với cậu ấy về cha mẹ ruột của cậu ấy? Tôi chắc là em trai tôi sẽ rất giận dữ, cho nên tôi muốn "mang theo bí mật này xuống mồ."
Tôi nghĩ đúng hay sai? Tôi có nên nói ra sự thật sau khi Má tôi chết không?

Cô Ba trả lời:
Thân chào "người chị có lòng vị tha" ở North Dakota, tất cả những cân nhắc của chị cũng chính là câu trả lời của tôi. Nên, chị à. Phải cho cậu ấy biết sự thật. Và ngay bây giờ, khi mẹ chị vẫn còn sống, để bà có thể trả lời tất cả những câu hỏi của cậu ấy. Còn chuyện cha mẹ ruột của cậu ấy ra sao, như thế nào, đó là là một vấn đề khác. Chúc chị sớm làm điều mà chị cho là đứng, chị nhé.

Bị quá khứ ám ảnh
Cháu vừa qua tuổi 30 được vài tháng, nhưng nhìn cháu, ai cũng tưởng cháu 40. Có lẽ vì khuôn mặt của cháu lúc nào cũng đau đớn và khắc khổ. Cháu có một "quá khứ" không may mắn, nhiều biến động, nhiều bất hành và đầy thất vọng.
Cháu nói vậy có nghĩa là cuộc sống hiện tại của cháu tương đối ổn định. Nhưng cháu vẫn không thể nào quên được quá khứ. Cháu muốn gạt bỏ hết, xóa sạch hết, bôi trắng hết, để không phải nhớ lại những điều khiến cháu muốn giận dữ và nổi điên lên. Cháu muốn tha thứ cho chính mình, cho người khác, và thậm chí cho Chúa Phật nữa.
Tha thứ thì dễ rồi, nhưng làm sao quên được? Sao mà khó quên thế? Cô Ba ơi, giúp cháu với, cho cháu một lời khuyên để cháu có thể nhìn thẳng tới phía trước mà không bao giờ ngoái đầu lại phía sau. Cháu chân thành cảm ơn Cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Cháu N. ở thành phố Fullerton thân mến, nếu cháu muốn cô Ba giúp để cháu được "mất trí nhớ," cô Ba không thể giúp được. Những gì mà cháu đang trải qua và viết trong thư, là điều bình thường cháu ạ. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải và bất cứ ai cũng có thể đau đớn như cháu. Vấn đề là trong khi một số người không dành nhiều thời giờ để nghĩ lại quá khứ, thì một số người khác chỉ biết đắm chìm trong quá khứ mà không rút chân ra được.
Cháu N. à, cuộc sống còn nhiều điều đáng quý hơn và đáng làm hơn. Đừng phí thời giờ cho "một quá khứ không may mắn, nhiều biến động, nhiều bất hành và đầy thất vọng," theo như thư cháu viết cho cô Ba. Đừng để tiếng khóc đè nặng xuống tiếng cười. Đừng tự chôn mình trong căn phòng (hay ngôi mồ) chất chứa toàn đau thương.
Mạnh mẽ đứng lên, mở cửa và bước ra ngoài. Cháu phải nhìn thấy bên ngoài kia đẹp biết bao: công viên đầy người đi bộ, bãi biển đầy người tắm nắng, siêu thị đầy người mua sắm. Cháu phải là một trong những người đó.
Cháu đừng nói với cô Ba là "không thể làm được" nhé. Vì cô Ba từng trải qua một quá khứ còn tệ hơn cháu nhiều, nhưng cô Ba vẫn vượt qua được. Một khi cô Ba có thể làm được thì tất cả mọi người đều làm được. Cô Ba thân chúc cháu vui tươi hơn, lạc quan hơn, nhìn thấy cuộc đời này có nhiều màu hồng hơn.


Có nên mời lơi cha mẹ chồng đến dự tiệc?
Tôi là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, có chồng được 26 năm và có một cô con gái 25 tuổi. Cháu P. vừa tốt nghiệp đại học và gia đình tôi có ý định tổ chức một buổi tiệc nhỏ tại nhà, mời vài người bà con cũng như bạn hữu tới ăn mừng cho cháu.
Vấn đề làm tôi bực bội, thậm chí nổi điên, là thái độ của cha-mẹ chồng. Năm nào cũng vậy, nhân dịp sinh nhật, hoặc ngày lễ July 4th, hoặc một sự kiện đặc biệt nào đó, nếu chúng tôi tổ chức tại nhà chúng tôi và mời ông-bà tới tham dự, ông-bà đều từ chối. Còn nếu chúng tôi tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà ông-bà, thì ông-bà hài lòng ra mặt.
Đối với tôi, đó là điều vô lý hết sức. Tại sao sinh nhật của chồng tôi (hoặc của tôi, hoặc của cháu P.) mà phải tổ chức ở nhà ông-bà? Mấy tuần trước, khi ông-bà được mời tham dự buổi lễ tốt nghiệp của cháu P., ông-bà từ chối thẳng thừng.
Cô Ba ơi, "tức nước vỡ bờ," tiệc tùng lần này tôi quyết định không mời cha mẹ chồng tới nhà nữa. Nhưng chồng tôi lại khác, anh ấy muốn "mời lơi" một tiếng dù biết rằng ông-bà sẽ không tham dự. Tôi không thích "mời lơi." Họ là ông-bà, là cha-mẹ, có phải người dưng đâu mà "mời lơi." Cháu P. cũng khó chịu, nói rằng nếu ông-bà không quan tâm thì không cần phải mời. Cô Ba ơi, suy nghĩ của tôi là đúng hay sai? Tôi có nên "mời lơi" theo ý chồng tôi không?

Cô Ba trả lời:
Thân chào chị H. ở Wisconsin, vì không biết lý do tại sao cha mẹ chồng chị không thích tiệc tùng với gia đình chị ở bên ngoài nhà của họ, nên tôi không thể đoán được tâm lý tình cảm của họ ra sao. Tuy nhiên, tôi cho rằng chị có quyền có cảm xúc trên, và theo quan điểm của tôi, chị nên hỏi họ vì sao không thích tham dự những sự kiện trọng đại tại nhà gia đình chị. Phép lịch sự tối thiểu là nếu không muốn tới, họ phải đưa ra lý do, vì họ là ông-bà, là cha-mẹ chứ không phải người dưng nước lã.
Lần này, chị cũng không cần phải trừng phạt họ làm chi, nhất là khi chồng chị yêu cầu chị cứ "mời lơi." Dù sao họ cũng là cha mẹ của anh ấy. Chị cứ gởi thiệp mời cho họ, biết đâu họ sẽ tham dự. Còn nếu họ vẫn từ chối, đó là vấn đề của họ, không phải vấn đề của chị. Thân chào chị và chân thành chúc mừng cháu P. tốt nghiệp đại học.


Lần này thật sự yêu
Cháu 31 tuổi, và phải thú thực với cô rằng cháu thuộc loại phụ nữ "lắm mối tối nằm không." Cô Ba ơi, cháu có số đào hoa, có hàng chục mảnh tình vắt vai, nhưng rồi chẳng có mảnh nào đậu lại. Mối tình nào cũng chỉ vài tuần, vài tháng, sau đó đường ai nấy đi. Cháu được cầu hôn ba lần và đính hôn một lần, nhưng rồi "phe kia" bất ngờ tuyên bố rút lui. Bạn bè cháu gọi đùa cháu là "kẻ hẹn hò hàng loạt," nhưng vì hễ cháu thấy không phù hợp là cháu dứt liền, không hơi đâu mất thì giờ để đeo đuổi một mối tình chẳng đi tới đâu.
Cô Ba ơi, cháu gặp gỡ và hẹn hò với người này bốn tháng rồi. Một tâm trạng hết sức lạ lùng xâm chiếm tâm hồn cháu. Cháu yêu anh ấy và nghĩ rằng lần này cháu tìm thấy đúng đối tượng. Anh ấy cũng nói với cháu như vậy. Nhưng đám bạn cháu không tin rằng lần này cháu "nghiêm túc," và họ đưa ra bằng chứng rằng cháu cũng thổ lộ "yêu" rất nhiều người trước đó. Họ chọc cháu rằng "ba bảy hăm mốt" mà thôi.
Cháu không phải loại người dễ tự ái, cũng không phải típ người nghe theo lời thiên hạ, nhưng lần này thì khác, cháu cảm thấy bực bội vì cháu yêu anh ấy thực sự mà. Cháu có nên gây sự với đám bạn cháu không? Hay là cháu mặc kệ họ muốn nghĩ gì thì nghĩ?

Cô Ba trả lời:
Cháu "đang yêu" ở Pennsylvania thân mến, cứ yêu thôi và cứ vui lên. Cháu không cần phải thuyết phục người khác rằng "đây là tình yêu đích thực của tôi." Đôi khi càng lớn tiếng, người ta càng không tin, cháu ạ. Một ngày nào đó, khi mối quan hệ của cháu và người ấy phát triển mạnh mẽ, những người chung quanh sẽ tự nhận ra điều đó. Thân chúc cháu hạnh phúc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT