Tiêu Thụ

Có nên mua hàng rồi trả lại? (bài 3)

Friday, 18/04/2014 - 09:25:49

Lần trước chúng ta đã đề cập đến hai hình thức gian dối từ phía những khách hàng không lương thiện khi trả lại sản phẩm đã mua. Giới chủ nhân còn khám phá ra nhiều mánh khóe khác, không những vượt ra khỏi ranh giới luân lý đạo đức mà còn rõ ràng vi phạm pháp luật. Những hình thức đó, xin kể tiếp như sau

Eric Trần

 
Lần trước chúng ta đã đề cập đến hai hình thức gian dối từ phía những khách hàng không lương thiện khi trả lại sản phẩm đã mua. Giới chủ nhân còn khám phá ra nhiều mánh khóe khác, không những vượt ra khỏi ranh giới luân lý đạo đức mà còn rõ ràng vi phạm pháp luật. Những hình thức đó, xin kể tiếp như sau:

3. Gian lận bằng ngân phiếu (Check Fraud): Qua hình thức này, kẻ gian mua một món đồ với 1 ngân phiếu không có tiền bảo chứng, rồi trả lại món hàng trước khi chủ hàng lấy được tiền từ ngân phiếu. Với cách này, kẻ gian phải tính toán kỹ về thời gian.

4. Hoán đổi giá tiền – Một thí dụ điển hình là kẻ gian mua cùng lúc 2 món đồ với giá tiền khác nhau, sau đó đương sự hoán đổi nội dung, cho hàng rẻ vào bao bì đắt, rồi mang đi trả lại. Rốt cuộc, đương sự lấy lại tiền theo giá cao. Còn chính món hàng thì vẫn giữ tại nhà, sau đó mang rao bán trên mạng Internet hoặc bán cho người trung gian chuyên mua đồ ăn cắp.

Những chuyên gia phụ trách ngăn ngừa thất thoát tại các cửa hàng bán lẻ cho biết các hình thức gian lan giá cả đang trong chiều hướng gia tăng. Cô Kristy Schafer thuộc Shopko, một công ty bán lẻ hàng gia dụng và thuốc men có nhiều chi nhánh tại Hoa Kỳ, tường thuật, “Kẻ gian lấy mã số UPC của một món hàng rẻ tiền hơn, dán đè trên mã số của một sản phẩm đắt tiền, nhờ đó đương sự có thể mua được món hàng theo giá rẻ. Nhưng khi trả hàng, y lại lột cái mã số giá rẻ đi, lộ ra cái mã số đắt tiền, để nhờ đó lấy tiền lại theo giá cao hơn.”

Những kiểu cách gian lận như thế đòi hỏi kẻ chủ mưu phải có một số kiến thức kỹ thuật về mã số UPC. Cũng có thể họ lấy được các mã số UPC giả xuyên qua các cuộc trao đổi qua mạng Internet, hoặc qua các trung tâm thâu thập hàng ăn cắp.

5. Trả lại hàng ăn cắp – Hàng ăn cắp dĩ nhiên không có biên nhận. Đối với những cửa hàng phóng khoáng, hào sảng nhận lại cả những món hàng không biên nhận, thì đây chính là chỗ làm ăn cho bọn gian. Họ sẵn sàng nhận những cái thẻ mua hàng, gọi là store credit. Bởi vì những cái thẻ này ruốt cuộc có thể bán qua mạng với một giá rẻ hơn, để người mua có thể cầm đến mua hàng tại những cửa tiệm liên quan.

6. Biên nhận giả - Kẻ gian làm biên nhận giả bằng nhiều hình thức với mục tiêu tối hậu là có được một cái biên nhận để trả hàng. Đây là cách đối phó của giới giang hồ đối với đòn tự vệ của các cửa hàng nạn nhân khi họ đòi hỏi phải có biên nhận mới nhận lại hàng. Sở dĩ nhiều cửa hàng phải rút lại cách xử sự hào phóng trước đây – nhận hàng trả lại không cần biên nhận, là vì số hàng ăn cắp rồi đưa đến trả lại mỗi lúc một nhiều.

“Đòi biên nhận? No problem!” Các tay anh chị có đủ tài năng để in ra những biên nhận giả, hoặc mua biên nhận từ những tổ chức làm ăn qua Internet, truy lùng các tấm biên nhận từ các thùng rác cửa hàng hoặc trong bãi đậu xe.

Nhưng tất cả các trò đó không thể qua mắt các chủ nhân cửa hàng. Họ biết cả, và luôn luôn tìm cách đối phó, chẳng hạn như thuê mướn các công ty kỹ thuật cao để làm những biên nhận với loại mực, giấy đặc biệt không thể giả mạo được, và sẵn sàng truy tố tội ăn cắp nếu phát giác thủ phạm.

Bên cạnh việc huấn luyện nhân viên ở bộ phận nhận hàng trả về cách nhận biết những trường hợp gian lận, giới chủ hàng còn phát triển nhiều kỹ thuật nhận dạng các trường hợp trả hàng gian dối, đồng thời thiết lập hồ sơ những khách hàng hay trả hàng bằng cách xem ID, bằng lái xe mỗi lần trả hàng để từ đó đối chiếu và nhận dạng.

Ông Kevin Thomas, thuộc công ty Office Depot, phát biểu, “Chúng tôi đã thành công trong việc phát giác nhiều trường hợp trả hàng gian dối ngay khi người khách hàng có mặt. Nhiều trường hợp khác được phát giác khi khách hàng đã ra về. Nhưng với bằng lái xe còn lưu lại, không khó khăn gì để truy tìm, nếu xác nhận đương sự chủ tâm gian lận.”

Từ góc nhìn của một khách hàng chân chính, một mặt chúng ta chia sẻ với giới chủ hàng những mất mát từ sự lạm dụng trả hàng không lương thiện, kể cả việc “mượn sản phẩm để dùng xong việc” rồi trả lại, một mặt khác, chúng ta không muốn họ thắt lại cái tập tục tốt đẹp “cho phép trả lại sản phẩm nếu thực sự không ưng ý, hoặc sản phẩm hư hại quá sớm….” Chúng ta cũng không muốn vì những mất mát do những khách hàng không lương thiện, lạm dụng tập tục “trả hàng” gây ra, mà chủ hàng nâng giá sản phẩm, đặt thêm gánh nặng trên vai giới tiêu thụ chân chính. Muốn duy trì một thị trường lành mạnh có lợi cho cả người bán lẫn người mua, điều cần thiết là giới tiêu thụ không nên lạm dụng lòng tin của giới chủ để làm những điều mất đạo đức, thậm chí bất hợp pháp mà rốt cuộc sự thiệt hại lại đè lên chính vai của mình.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT