Người Việt Khắp Nơi

Cô gốc Việt bị sét đánh, được cứu sống nhưng còn phấn đấu để được hồi phục hoàn toàn

Sunday, 29/07/2018 - 06:46:20

Gia đình anh của Alice cuống quýt chạy lên bãi biển Isle of Palms cùng với một đám người khác chạy trốn cơn bão sắp tràn tới. Anh Seth Baird, bạn trai lâu năm của Alice Trần, mang thùng nước đá trở lại chiếc xe của họ.




Alice Trần và em gái Heaven (Hình cung cấp cho báo Post and Courier)
 
Trong tuần qua, nhật báo Charleston Post and Courier tại tiểu bang South Carolina đã đăng một bài viết khá dài và tỉ mỉ, về sự việc một cô gái gốc Việt bị sét đánh tưởng đã chết trên bãi biển. Anh bạn trai Mỹ và gia đình từ tiểu bang Tennessee đến South Carolina nghỉ mát từng đau buồn, tưởng cô gái đã qua đời. Nay, tuy đang hồi phục, nhưng cô gái vẫn cần sự trợ giúp rất nhiều để có thể rời bệnh viện. Dưới đây là bài viết của Jennifer Berry Hawes đăng trên báo Post and Courier ngày 26 tháng 7, 2018, về câu chuyện thương tâm của cô Alice Trần xảy ra trên đảo nghỉ mát Isle of Palms.

Alice Trần, 23 tuổi, ngồi tắm nắng ấm khi những đám mây bắt đầu che phủ trên không trung. Mưa lâm râm sa xuống mịt mờ. Bầu trời tối sầm lại và chẳng bao lâu mưa trút xuống ầm ầm.

Gia đình anh của Alice cuống quýt chạy lên bãi biển Isle of Palms cùng với một đám người khác chạy trốn cơn bão sắp tràn tới. Anh Seth Baird, bạn trai lâu năm của Alice Trần, mang thùng nước đá trở lại chiếc xe của họ.

Alice Trần và bé Heaven, đứa em gái 9 tuổi của cô, còn nán lại trên bãi cát. Sau kỳ nghỉ hè thì Alice sẽ bắt đầu học một chương trình vệ sinh nha khoa khi trở về nhà ở Tennessee trong sáu tuần lễ. Cô đã lập kế hoạch cho chuyến đi này để dành thời gian với gia đình, và cô rất mong muốn được tận hưởng ngày nghỉ này, 7 tháng Bảy, trên bãi biển.
 

Alice Trần và Seth Baird (Hình cung cấp cho báo Post and Courier)

Khi anh Seth quay lại, mưa làm anh ướt đẫm. Sấm vang ầm ầm. Sét đánh lóe sáng khi anh tới chỗ Alice và em gái cô ở trong nước biển.

Anh nhắc nhở cô bạn gái và em của cô, “Thời tiết xấu rồi, về đi thôi.”
Alice đáp, “Thâ là tiếc nếu mình đã lái xe tới tận đây rồi mà không được tận hưởng bãi biển.”
Ngay sau đó, một tiếng sấm nổ vang làm tan vỡ bầu trời.

Bé Heaven nhắm mắt lại trước một vụ nổ chói lòa khi sét đánh xuống nước. Còn anh Seth thì đầu óc tối mù. Sau đó là sự yên tĩnh. Lặng thinh.

Cho đến khi Heaven hét lên. Tiếng la to thấu vào tai Seth làm anh tỉnh lại. Anh nếm nước muối mặn. Mưa quất xuống đầu anh. Ngoi đầu lên khỏi mặt nước, anh quay mặt về phía Heaven.

Cô bé chỉ trỏ cuống cuồng. Cách xa chừng vài t hước, đang ngửa mặt lên trong nước, cô Alice đã trôi nổi. Mái tóc dài đen láy của cô lòa xòa trên nước biển quay cuồng. Cô không cử động.
 
Alice Trần cùng các em trong bức hình đăng trên mạng gây quỹ GoFundMe.

Với những ý nghĩ mơ hồ, lòng lo lắng, đôi chân run rẩy, anh Seth trườn về phía cô. Xốc nách Alice, anh kéo cô tới phía bãi cái. Sóng xô đẩy anh vào bờ. Cát trôi tuột dưới chân.

Khi hai cánh tay mạnh mẽ của anh ta yếu lả đi, đầu Alice chúc xuống. Nước chảy vào miệng cô.
Anh hét lên cho bé Heavan, “Tới chỗ cái túi mà lấy điện thoại! Gọi 911 gấp!”
Heaven dạt ra xa. Cuộc chạy đua để cứu mang Alice Trần bắt đầu diễn ra.
Dồn hết sức lực khi người đã yếu đi, trong tiếng sóng gầm mưa rú, anh Seth hét lên, “Cứu chúng tôi với!”

Bãi biển còn một gia đình đang chơi football ở đằng xa, hai người đàn ông phóng lẹ trên bãi biển về phía Seth và giúp kéo Alice lên trên cát.

Seth bấm vào cổ tay mảnh mai để bắt mạch. Không thấy gì cả.
Mắt cô trợn ngược.

Một trong hai thanh niên ấy hỏi, “Bạn có biết làm hô hấp nhân tạo CPR không?”
Một năm trước đó, Seth có dự một lớp CPR thông qua công việc của anh là một kỹ sư cơ khí - đây là thủ tục cho những người phụ trách điện áp cao. Anh không bao giờ tưởng tượng rằng anh cần đem kiến thức đó ra dùng trong thực tế, và anh nhớ được rất ít.

Tuy nhiên anh nhớ lại rằng việc ép ngực là phần quan trọng nhất.
Đặt lòng bàn tay của anh trên xương ức dưới của Alice, Seth ấn mạnh nhiều lần liên tiếp. Một người đứng bên cạnh hà hơi vào miệng cô. Khi cánh tay Seth run rẩy vì kiệt sức, anh và người đó đổi chỗ.
Trong lúc họ làm như vậy, Heaven tìm được máy điện thoại di động của Alice trong chiếc túi xách đi chơi bãi biển của họ. Nhấn vào mấy con số, em Heaven không thể lọt qua được mật mã. Người ngoài kia chạy đến giúp em.
 

Bãi biển Isle of Palms tại South Carolina (Getty Images)

Lúc đó là 2 giờ 54 chiều. Một toán nhân viên cứu thương đã tình cờ có mặt cách đó bốn khu nhà đáp ứng với một cú điện thoại khác, khi những chiếc radio của họ phát tín hiệu với trường hợp mới khẩn cấp hơn, ở nơi này.

Một người lái chiếc Tahoe trên bãi biển chạy về phía hai thanh niên đang làm CPR. James Brashear và đồng đội của ông đã đậu chiếc xe cứu thương lại, chụp lấy dụng cụ và chạy nhanh xuống dải cát dài.
Họ xúm lại xung quanh anh Seth.

Một người nói, “Được rồi, anh bạn. Có chúng tôi đây.”
Seth lùi lại. Những người cứu thương đầu tiên nhận lãnh công việc.
Alice không có mạch nhảy, không có nhịp tim đập. Cô bị ngừng tim. Brashear ngồi phía đầu cô, hướng dẫn toán y tế.

Đứng quẩn quanh cách đó mấy thước, bé Heaven khóc nức nở. Một viên chỉ huy đến bế em đưa lên chiếc xe pickup của ông. Cô bé không cần phải ở đó để nhìn, nếu người chị không qua khỏi.

Các nhân viên y tế gây sốc cho Alice bằng máy khử rung tim. Họ nhét một ống thở xuống cổ họng.
Với từng giây trôi qua, Seth cảm thấy tiếng tích tắc chậm chạp của sức sống Alice vơi đi, cho đến khi có người la to, “Tôi thấy có mạch nhảy rồi!”

Những người đàn ông đưa Alice lên một tấm ván kê lưng và khiêng cô tới chiếc xe cứu thương đang chờ sẵn.
Tình trạng của cô lúc đó: bất ổn và nguy kịch.
Brashear đứng cạnh Seth ở cửa sau của xe cứu thương.
Ông hỏi, “Anh có muốn đi theo không?”
Seth muốn, nhưng anh đành lắc đầu. Anh không thể bỏ bé Heaven ở lại đó một mình.
Cửa xe cứu thương đóng lại.
Giao thông bị tắc nghẽn ở cả hai lộ tuyến bên đảo Isle of Palms, khi những người đi chơi bãi biển lánh nạn trước trận bão đang đến. Cảnh sát tới giúp cho xe cứu thương rời khỏi đảo, để có thể làm chuyến đi dài 17 dặm tới phòng cấp cứu của bệnh viện Medical University Hospital và phòng chấn thương mức độ cao nhất của khu vực.
Đi theo sau trong một chiếc xe cứu thương khác, Heaven đắp chăn ngồi với Seth, ôm chặt một con chó nhồi bông. Đứa trẻ từng bị chấn động giờ đã bình tĩnh lại. Seth cố che giấu nỗi sợ hãi của anh.
Khi cuối cùng họ đến nơi, các nhân viên của Bệnh Viện Nhi Đồng MUSC thấy rằng Heaven, mặc dù bị chấn động mạnh, có vẻ ổn về mặt thể lý. Seth từ chối điều trị. Anh cần tìm Alice.
Vẫn còn dính đầy cát và mặc quần bơi, anh vội vã đến phòng cấp cứu người lớn, nơi có người dẫn anh tới một căn phòng.
Bên trong, một vị tuyên úy bệnh viện đang chờ đợi.
Seth hoảng sợ: Alice chết rồi sao?
Stan Trần, anh của Alice, và gia đình anh quây quần với anh. Bà Mary Phan, người mẹ đau buồn của Alice cũng ở đó. Người mẹ gốc Việt này vừa mới đi mua thực phẩm để chuẩn bị một bữa ăn gia đình tuyệt vời vào tối hôm đó. Thay vì vậy, cả nhóm đều chờ đợi trong bầu không khí im lặng căng thẳng, cho đến khi một nhóm bác sĩ vội vàng bước vào, làm căn phòng càng chật hơn.
Alice còn sống, nhưng cô bị đau nặng. Cho đến lúc đó, cô không hồi đáp bất cứ mệnh lệnh nào của bác sĩ. Họ không biết mức độ tổn thương não, nếu có, mà cô đang phải chịu đựng.
“Chỉ có thời gian mới cho biết mà thôi.”
Alice nằm trong một nhóm người rất hiếm, có xác suất sống sót của một trong số 1 triệu người bị sét đánh trong một năm.

Những người thân yêu và toán y tế của Alice Trần không biết cô ta phải bị tổn thương não tới mức độ nào, vì cô còn ở mãi trong một cơn hôn mê được gây ra bằng y khoa, để duy trì chức năng nào còn lại của cơ thể.

Tin mừng: Sau khi bị ngừng tim trên bãi biển, nhịp tim của Alice đập mạnh. Một tia chớp của sấm sét có thể chứa từ 100 triệu đến 1 tỷ volt, rõ ràng là đủ để làm rung chuyển nhịp điện của tim và gây ra chứng ngừng tim, một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nơi những người bị sét đánh.
Bác sĩ Todd Gandy, một chuyên gia về phổi, giải thích rằng ông cần chuyển Alice vào một đơn vị chăm sóc đặc biệt, nơi cô được đưa vào tình trạng hôn mê gây ra bằng phương pháp y khoa. Họ sẽ làm lạnh cơ thể của cô, để giúp bảo tồn và phục hồi chức năng của não.
“Tất cả các bạn có muốn đến gặp cô ấy không?”
Trong không khí ảm đạm, các thân nhân đứng theo một hàng và đi theo toán y tế đến một căn phòng, nơi Alice Trần nằm giữa một bãi đầy những ống và máy móc. Những mớ cát đọng trên tóc cô và bao phủ người cô. Một ống thở được đút xuống cổ họng cô. Những dây chuyền tĩnh mạch mọc ra từ cánh tay cô.
Seth bước tới cạnh giường, rồi cúi xuống và hôn cô, ngay trên gò má. Anh luôn luôn được cho biết rằng thính giác là cảm giác cuối cùng ra đi.

Anh thì thầm, “Anh yêu em.”
Tuy nhiên họ không thể nán lại lâu. Toán y tế cần phải chạy đua với mạng sống mong manh của Alice.
Khoảng một năm trước đó, MUSC đã bắt đầu dùng một phương pháp hạ thân nhiệt mới, làm lạnh nhiệt độ cốt lõi của cơ thể bệnh nhân được làm hồi sinh từ chứng ngừng tim hoặc những chấn thương ở đầu, để duy trì chức năng não bộ. Việc đó đòi các bác sĩ phải đút một ống thông lớn vào trong cổ hoặc háng của bệnh nhân, để cho nước có thể làm mát máu của họ khi nước đi qua.
Trong trường hợp của Alice, bác sĩ Gandy đút ống thông vào chân phải. Trong 24 giờ, ông làm giảm thân nhiệt cốt lõi xuống còn chỉ hơn 93 độ F, năm độ thấp hơn so với mức bình thường.
Trong phòng chăm sóc đặc biệt của cô, các y tá phải uyển chuyển giữa việc làm mát và gây mê cơ thể. Một bà kỹ thuật viên đã chải mái tóc dài rối bù của Alice, và bện tóc lại để bà có thể dán các điện cực vào da đầu của Alice. Những người khác phủi cát ra khỏi người cô.
Sau 24 giờ, toán y tế bắt đầu làm cho cô ấm lên từ từ.

Trong lúc họ làm việc, gia đình của Alice dời từ một ngôi nhà thuê tới một khách sạn gần bệnh viện, để họ có thể thay phiên ngồi bên cạnh giường cô. Mỗi ngày họ đón nhận mọi tin tức mà các y tá và bác sĩ của cô có thể cung cấp.

Mỗi ngày nhóm y tế nói, “Sẽ cần thời gian.”
Trong ba ngày, Alice nằm trong cơn hôn mê được tạo ra bằng phương pháp y khoa, một máy giúp cho cô thở. Các điện cực được theo dõi để phát hiện những cơn co giật. Thuốc an thần được tiêm vào tĩnh mạch. Một cái niền cổ lớn màu xanh lá cây giữ yên đầu cô. Một chiếc áo choàng bệnh viện màu trắng, với những ngôi sao và những mặt trăng, phủ lên thân thể mỏng manh và bất động của cô.
Em Heaven trèo vào lòng anh Seth. Bé gái 9 tuổi này khóc suốt đêm, ban ngày thì lo sợ rằng chị của em có thể không bao giờ thức dậy nữa.

Heaven hỏi, “Có phải là lỗi của chúng ta hay không khi chúng ta quyết định ở lại?”
Câu hỏi ám ảnh cả nhóm.

Seth trả lời cẩn thận.
Anh trấn an, “Heaven thân thương, không phải lỗi của em đâu. Em là người hùng.”
Anh nhắc Heaven rằng em đã hét đánh thức anh trong nước sau khi họ bị sét đánh, và em đã tìm ra được máy điện thoại để gọi 911, giống như anh đã nói với em làm, mặc dù Heaven rất sợ hãi. Đúng, Seth đã không thể nói cho Heaven nghe rằng họ nên rời khỏi bãi biển, hoặc cho biết câu chuyện thương tâm của họ sẽ trở thành một cảnh báo cho những người khác không  liều mang khi có sấm sét.
Các y tá từ từ giảm bớt thuốc an thần của Alice. Cách duy nhất để thẩm định chức năng não của cô là tương tác với cô ấy – và điều đó có nghĩa là đánh thức cô ấy dậy và coi thử cô có thể tự thở đủ mức hay chưa, để gỡ máy thở ra.

Gia đình Alice vào đầy trong phòng cô, háo hức chờ đợi việc thẩm định này.
Toán y tế bắt đầu với 30 phút theo dõi để coi Alice có bắt đầu tự sức thở và hít vào đủ tốt hay không. Cô đã làm như thế, nhưng các bác sĩ vẫn lo lắng. Chất lỏng đang tích lũy trong cơ thể của cô vì thận cô bị đau yếu.

Họ đợi thêm 24 giờ nữa.
Sang ngày hôm sau, Alice lại tự thở được. Tuy nhiên, hơi thở của cô nhanh khi tắt máy thở, và nhịp tim cô đập mau. Huyết áp của cô tăng lên. Một bác sĩ tháo ống trong cổ họng, nhưng ra lệnh dùng dưỡng khí, lo lắng rằng cô có thể cần trở lại với máy thở.

Tuy nhiên, khi thuốc an thần vơi đi, Alice vẫn tự thở lấy được. Cô cố mở mắt ra. Cô trở đầu. Cô gật đầu. Cô cử động tay chân. Ít dấu hiệu sâu bên trong bộ não bị thương, ít nhất một cái gì đó của cô vẫn còn.
Bà Mary Phan cầu nguyện bên cạnh giường của con gái mỗi ngày, đặt một bức ảnh Đức Phật lên trán Alice khi bà cầu nguyện.

Seth, một người Thiên Chúa Giáo, cũng cầu nguyện và bám chặt niềm hy vọng rằng Alice vẫn có thể nghe tiếng anh nói. Anh kể lại những kỷ niệm yêu thương về mối quan hệ từ bốn năm nay của họ. Anh trông mong đưa cô về nhà, để chơi game và đi ăn ở các nhà hàng mới, điều mà cô ưa thích. Họ sẽ làm điều đó một lần nữa, anh hứa như vậy.

Một ngày nọ, anh đặt máy điện thoại ở gần đầu cô, và mở một ca khúc. Đó là bài “I Like Me Better” do ca sĩ Lauv hát.

Không biết tôi là ai, nhưng vẫn biết rằng tôi vẫn tốt đẹp bao lâu bạn ở đây với tôi...
Anh hỏi, “Em có nghe được bài này không?”.
Alice gật đầu. Trái tim anh nhảy lên. Đó là bài hát của họ.
“Em có thể nhận ra bài này không?”

Cô lại gật đầu.
Alice ở trong cơ thể đó, anh cảm thấy chắc chắn. Chặng cuối cùng của cuộc chạy đua tiếp sức là chặng của cô để giành lấy chiến thắng. Tuy nhiên đó sẽ là chặng khó khăn nhất, và cô sẽ cần phải trở thành người quyết chí nhất trong những người tranh tài.

Khi ra khỏi tình trạng hôn mê, Alice vẫn còn bối rối. Thận của cô vẫn còn phải chiến đấu. Cô có thể cần lọc máu. Nhịp tim cô nhảy vọt. Huyết áp của cô tăng cao.

Với giọng yếu ớt, cô rên rỉ, “Mẹ ơi, con đau.” Ngực cô thoi thóp do sự chấn thương CPR.
Một hôm cô thức dậy đủ tỉnh táo để hỏi bà Mary Phan, “Tại sao mẹ đưa con vào đây?”
Ký ức dài hạn của cô hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng cô không nhớ gì về việc đi tới thành phố Charleston, không nhớ gì về bãi biển, không nhớ gì về chuyện bị sét đánh.
Bà Mary hỏi cô nhiều câu. Tổng thống là ai?
“Obama.”

Nhà hàng nào họ vừa mới đi để ăn mừng sinh nhật của cô?
Alice không thể nhớ được.
Sau nhiều ngày trôi qua, các chuyên gia vật lý trị liệu cho Alice ngồi lên trên giường. Khi họ giúp cô ngồi vào một cái ghế mềm bên cạnh giường, đầu cô gục xuống. Đầu gối cô cong lại. Cô nhăn nhó vì đau đớn.
Mỗi ngày họ lại kéo cô ra khỏi giường. Mỗi ngày Alice có thể giúp họ thêm một chút.
Gần 12 ngày sau khi tim của Alice ngừng đập, y tá chính của cô đến làm việc theo ca. Stephanie Pettiet nhận ra ngay một điều: Bà có thể nghe thấy giọng địa phương Tennessee của Alice. Ở nơi mà trước đây Alice nghe ra có vẻ yếu đuối, thường lẫn lộn, cô có vẻ còn hơn thế nữa. Thậm chí cô còn nhớ những chi tiết mà Seth vừa nói với cô về chuyện xảy ra trên bãi biển.
Alice cũng muốn đi bộ.

Cô nhấn mạnh, “Tôi phải trở về trường.”
Alice đã làm công việc của một phụ tá nha khoa, và tham gia một chương trình vệ sinh nha khoa rất khó được nhận vào. Các lớp học đã bắt đầu trong năm tuần. Cô cần phải về nhà.
Y tá Stephanie gọi một chuyên gia vật lý trị liệu giúp Alice ra khỏi giường. Mặc dù đau lưng và ngực, Alice tự mình bước với một khung dựa bằng kim loại băng qua phòng cô và qua cánh cửa. Stephanie theo sát với một chiếc ghế. Bà Mary theo sau cầm một chiếc máy camera.
Alice bước đi trên suốt hành lang, khoảng 30 thước.

Sau hai tuần ở phòng chăm sóc đặc biệt, cô được chuyển tới phòng bệnh viện bình thường. Cô không ở đó lâu. Alice rời hẳn bệnh viện MUSC vào cuối ngày Chủ Nhật, 22 tháng Bảy, túc là 15 ngày sau khi xảy ra biến cố. Cô ngồi xe lăn, được phủ tấm chăn bệnh viện, khi gia đình cô đã rối rít cảm ơn các bác sĩ và y tá đã cứu cô.

Trong bảy giờ lái xe về nhà tới Knoxville, hầu như cô chỉ ngủ, một điều giúp cho anh Seth đỡ lo. Anh dừng xe ở nhà lúc 2 giờ 30 sáng, và giúp cô đi vào trong nhà. Cô sà vào giường cô. Ngày hôm sau, cô tự tắm, kỳ cọ và gội rửa mái tóc đen dài.

Ký ức ngắn hạn của cô vẫn là một thử thách trong những ngày tới. Các lớp học của Alice bắt đầu trong một tháng, và cô quyết tâm chuẩn bị sẵn sàng để dự lớp học
Một cuộc chạy đua mới với thời gian đã bắt đầu.

Người thân cũng đã mở một trang gây quỹ trên GoFundMe để trợ giúp Alice Trần.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT