Người Việt Khắp Nơi

Cô giáo Đinh Bảo Hân được cựu học sinh viết báo ca ngợi

Monday, 14/06/2021 - 08:28:23

"Tôi biết là không thể nào mà tôi đạt được đến đây nếu không có lớp La Tinh của cô Đinh Hân"

Marissa Garcia: "Tôi biết là không thể nào mà tôi đạt được đến đây nếu không có lớp La Tinh của cô Đinh Hân"




Cô giáo Đinh Bảo Hân dạy môn La Tinh tại Garden Grove High School. (Thanh Phong/ Viễn Đông)




Bài THANH PHONG

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đạo đức “kính Chúa, yêu người,” Đinh Bảo Hân là con thứ hai trong số bốn chị em của ông bà Đinh Phúc Hậu (cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức) và Vũ Tân Liên. Gia đình cư ngụ tại thành phố Garden Grove, Nam California và thuộc giáo xứ Saint Columban.

Năm Bảo Hân lên lớp 9, đúng ra cô phải theo học trường Rancho Santiago nhưng Bảo Hân lại thích được học ở Garden Grove High School, mà muốn được học tại trường này chỉ có cách cô phải học môn ngoại ngữ La Tinh (Latin). Các thầy, cô giáo và cả bố mẹ cô đều cho biết tiếng La Tinh khó học lắm, sao không học tiếng Tây Ban Nha (Spanish) có dễ hơn không?

Nhưng Bảo Hân quyết tâm, dù khó đến mấy cũng sẽ cố gắng học, cô quan niệm cái gì khó mà mình vượt qua được mới là người thành công. Với quyết tâm như vậy, cô xin vô trường Trung Học Garden Grove và chấp nhận học tiếng La Tinh. Sau khi tốt nghiệp trung học, Bảo Hân vào trường Đại Học UCI cũng vẫn chọn môn La Tinh, và sau đó tốt nghiệp Sư Phạm, trở thành một cô giáo cho trường mình đã học bốn năm trung học và là nơi có nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.

Trở lại Trường Trung Học Garden Grove trong vai trò cô giáo dạy sinh ngữ. Đáng lẽ Bảo Hân dạy tiếng Anh, nhưng trong trường có một nữ giáo viên dạy tiếng La Tinh cho Bảo Hân trước đây, bà bảo Hân, “Tôi sắp về hưu rồi. Tôi nghỉ thì không có ai muốn dạy môn này nữa nên tôi muốn Hân dạy tiếng La Tinh cho các em.” Bảo Hân suy nghĩ một lúc rồi chấp nhận vừa dạy tiếng Anh vừa dạy tiếng La Tinh từ đó cho đến hôm nay, và với khả năng, kiến thức và nhất là với tấm lòng thương mến học sinh như những đứa con của mình, Bảo Hân đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi đã và đang theo học tại các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ như MIT, Harvard.

Trước năm 1975, học sinh Việt Nam từ Cà Mau ra đến Bến Hải đều rất kính trọng và biết ơn Thầy, Cô giáo của mình và luôn coi thầy, cô là những người Thầy đã giáo dục mình nên người, thế nên có nhiều cựu học sinh sau khi đã giữ các chức vụ quan trọng về quân sự cũng như hành chánh, có dịp là về thăm Thầy, Cô của mình, và điều đó không ai ngạc nhiên vì các em được đào tạo trong chế độ văn hóa nhân bản, dân tộc và khai phóng.

Ngược lại, ở Hoa Kỳ hay các nước phương Tây người ta quan niệm dạy học là một nghề như mọi ngành nghề khác, làm để lãnh lương nuôi bản thân và gia đình nên chuyện một cựu học sinh nay đang học tại đại học Harvard viết thư thăm, viết báo ca ngợi, cám ơn cô giáo của mình là chuyện hiếm có. Và chuyện hiếm có đó đã xảy ra với cô giáo Đinh Bảo Hân, không những làm cho Bảo Hân và gia đình hãnh diện, vui mừng mà cũng mang lại tiếng thơm lây cho cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại.

Tuy đã là cô giáo nhiều năm nhưng Bảo Hân còn khá trẻ và theo truyền thống đạo đức gia đình, khi tiếp chuyện với chúng tôi, Bảo Hân rất lễ phép gọi chúng tôi là “bác” và xưng “cháu.” Mặc dù sinh trưởng và lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng nhờ sự giáo dục của gia đình, Bảo Hân nói tiếng Việt lưu loát, và đặc biệt không bao giờ bỏ lễ Chúa Nhật.

Bảo Hân cho biết, “Cháu dạy môn La Tinh tại trường Trung Học Garden Grove từ năm 2008. Học trò của cháu có khoảng trên 10 em đang học ở Harvard, ở trường MIT (Massachusett Institute of Technology) một trường còn khó hơn cả Harvard. Các em nay đều là sinh viên đại học ở những trường danh tiếng như vậy, nhưng thường xuyên điện thoại hỏi thăm cháu.

“Mới đây các em trở về và cùng với rất đông các em học tiếng La Tinh với cháu đã kéo đến thăm cháu. Ngày cháu lập gia đình cũng như ngày mới sanh cháu bé, các em đều đến chúc mừng rất đông làm cháu hết sức cảm động. Cháu luôn coi các em như những đứa con trong gia đình và luôn yêu mến, quý trọng các em.


Marissa Garcia, sinh viên trường Harvard, cựu học sinh của cô Đinh Hân. (Hình Marissa Garcia cung cấp)


“Mới đây có em Marissa Garcia là học sinh cũ của cháu hiện em đang học ở Harvard. Với tư cách một Tổng Biên Tập của tờ Harvard Independent, Marissa Garcia mới đây viết một bài đăng trên tờ báo đó và một đồng nghiệp của cháu dịch sang tiếng Việt, cháu đưa để bác xem qua.”

Bài báo viết: “Khi tôi đến trường Harvard vào mùa thu năm đầu tiên đại học thì tôi đã thấy nó rất lạ, và làm cho tôi bỡ ngỡ. Đa số bạn học mặc những áo len từ trường tư thục mà họ mới tốt nghiệp, những nơi mà môn tiếng La Tinh không phải là đặc quyền, mà là một tiêu chuẩn. So với trường công lập, tôi nhanh chóng khám phá là trường công Garden Grove High School đã đặt tôi vào một lợi thế trong môn La Tinh, và nó đã cho tôi sự tự tin mà tôi cần để thích ứng với quan hệ xã hội của Liên Đoàn Ivy League.

“Thế rồi, mùa thu năm đầu đại học, thay vì ghi danh vào lớp Pháp Văn, tôi chọn lớp La Tinh. Cứ cách hai ngày tôi lại đến đường Quincy và ngồi trong giảng đường Sever và bị thu hút vào tác phẩm Metamorphoses bởi nhà văn Ovid. Tôi đã tham gia trong cuộc đối thoại sống động về những bản dịch thích hợp nhất, với ý định của tác giả đã viết cách đây hai ngàn năm.

“Đây là bài tập mà tôi thấy rất tự tin nhờ chương trình La Tinh của cô Đinh Hân tại Garden Grove High School. Những cuộc thảo luận đã làm tôi nhớ lại trong lớp của cô Đinh Hân, khi tôi cũng đã dịch bài của nhà văn Ovid. Ký ức này làm tôi nhớ nhóm bạn cùng lớp độc đáo xưa mà cô Đinh Hân đã tạo ra trong bốn năm trung học. Những bạn thân nhất của tôi ở bậc trung học đều từ lớp La Tinh. Điều này không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng đó là nhờ phương pháp giảng dạy đặc biệt của cô Đinh Hân.

“Trong khi tôi cảm thấy bất an trong những lớp khác thì lớp La Tinh lại giúp tôi an tâm thích nghi với đại học. Dù tôi chỉ lấy lớp La Tinh cho hai khóa học vào năm đầu nhưng La Tinh đã không bao giờ bỏ tôi. Nó đã hiện lên khắp mọi nơi. Lĩnh vực nghiên cứu chính của tôi bao gồm ngành Sinh Thái Học (ecology) và Khoa Học Môi Trường (environmental science), trong đó tôi phải học về Phân Loại Học (taxology) và Sự Phát Sinh Loài (phylogenies).

“Tôi đã trở nên quen thuộc với những tên La Tinh của nhiều sinh vật trong vương quốc động vật. Khi bạn cùng lớp đại học của tôi gặp nhiều khó khăn, thì tôi cảm thấy những tên La Tinh đã khắc sâu vào trong trí nhớ của tôi. Tại sao? Tại vì tiếng La Tinh thật sự là một ngôn ngữ. Đáng lẽ là các từ đa âm tiết này làm tôi nản chí, nhưng kinh nghiệm của tôi đã làm cho những danh từ này trở nên quen thuộc, và kết quả là tôi đã tiến tới trong việc trở thành nhà khoa học. Mùa thu sắp tới, tôi sẽ bắt đầu chương trình Tiến Sĩ.

“Lúc viết cho tờ báo Harvard Independent, tôi đã để ý là tôi có thể viết với nhiều nghị lực nhờ văn phạm mà tôi đã học trong lớp La Tinh. Khi tôi lên chức Tổng Biên Tập, óc tôi tự động nhớ lại những bài văn phạm của cô Đinh Hân. Theo tôi, tiếng La Tinh và tiếng Anh là hai ngôn ngữ bổ túc cho nhau. Hiểu tiếng La Tinh đã làm cho cách truyền thông bằng tiếng Anh mạnh mẽ hơn. Nhờ chương trình La Tinh của cô Đinh Hân và sự cải thiện cách viết của tôi, tôi đã được đóng góp vào nhiều cơ quan của chính phủ như NOAA (Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia). Bây giờ tôi đã tốt nghiệp đại học và chuẩn bị vào chương trình Tiến Sĩ. Tôi biết là tôi không thể nào đạt được đến đây nếu không có lớp La Tinh của cô Đinh Hân.”

Sau khi nghe tin chương trình dạy tiếng La Tinh tại trường Garden Grove sẽ bị hủy bỏ , bắt đầu năm học sau, trường sẽ không có lớp La Tinh cấp I cho các học sinh, cô Marissa Garcia đã tỏ ra thất vọng và viết tiếp, “Trong bốn năm vừa qua trường Harvard, tôi đã suy nghĩ kỹ về giá trị của hệ thống giáo dục công lập, nhất là sau khi biết các bạn học khác học trong các trường tư thục họ phải chi một số tiền lớn để tìm đến một đường đi khá hơn. Họ là những học sinh Garden Grove phải cạnh tranh, vì các trường tư đó sẽ tiếp tục có những lớp La Tinh mà nếu trường Garden Grove High School không làm như thế thì không những trường mà các học sinh cũng phải thụt lùi về phía sau.


“Tôi khuyên các bạn trẻ đừng ngại khó. Sự khó khăn trong học vấn là điếu tất nhiên. Đại Học sẽ có nhiều thử thách. Nếu bạn muốn nâng cao tinh thần kiên cường về việc học, và chuẩn bị sẵn sàng cho bậc đại học, chính tiếng La Tinh là con đường mà các bạn nên chọn. Các người quản lý cho trường và Học Khu đừng bị mắc lừa bởi cái ý niệm là tiếng La Tinh không tiện lợi, là một ngôn ngữ đã chết.

“Tại sao? Tiếng La Tinh là cơ bản sự thành công của tôi và những bạn học khác cũng có cùng một niềm tin đó. Tiếng La Tinh đã giúp tôi sẵn sàng cho trường Harvard và cũng giúp tôi học kịp với các bạn khác. Nó đã làm tôi trở thành nhà khoa học giỏi hơn và cũng làm tôi trở thành nhà báo khá hơn. Tôi cũng đã trở thành con người tốt hơn. Dù tiếng La Tinh không phải là một ngôn ngữ thường dùng để được gọi là có khả năng song ngữ nhưng nó có nhiều quyền lợi.

“Tôi tin rằng chương trình La Tinh của cô Đinh Hân là hành trình xứng đáng nhất trong việc học hành của tôi. Tôi vẫn không thể tin được là tôi được hưởng miễn phí chương trình này. Đó là điều phi thường của trường công lập. Hãy kiên nhẫn và cứng rắn - perfer et obdura - và tin tưởng vào tiếng La Tinh, là một việc đầu tư có giá trị dài hạn.

“Tôi không nghĩ là tỷ lệ tham gia thấp là nột lý do chính đáng để hủy bỏ một chương trình đã có nhiều thập niên trước đây. Trái lại, tôi có thắc mắc về những áp lực từ bên ngoài đã khiến tỷ lệ tham gia thấp. Đa số các trẻ em mười bốn tuổi, và các phụ huynh chưa biết đến giá trị và những lợi ích của chương trình La Tinh của cô Đinh Hân. Chúng ta phải tìm cách nào để thay đổi vấn đề này. Cám ơn cô giáo Đinh Hân của tôi.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT