Thế Giới

Cô bé tị nạn được tặng một chiếc xe đạp. 24 năm sau, cô tìm ân nhân để tạ ơn

Sunday, 18/08/2019 - 05:45:34

Họ nhanh chóng tranh thủ thời gian để sắp xếp một cuộc gặp với cô Babakar, người dự định sẽ quay trở lại London trong vài ngày tới.


Ông tặng xe đạp và cô Mevan Babakar trong buổi hội ngộ ngày 13 tháng 8, 2019. (Mevan Babakar)

LONDON - Trong phần lớn cuộc đời của Mevan Babakar, ký ức về một chiếc xe đạp hoàn toàn mới và người đàn ông bí ẩn đã tặng nó cho cô khi cô là một đứa trẻ 5 tuổi trong một trung tâm tị nạn, đã diễn ra như những họa tiết trong tâm trí.

Cô Babakar, nay đã 29 tuổi, cho biết món quà hào phóng từ một người đàn ông mà cô không thể nhớ tên đã ảnh hưởng lớn đến thời thơ ấu của cô. Vào hôm thứ Ba, ngày 13 tháng 8, cô bất ngờ được hội ngộ với người đàn ông có khuôn mặt mang máng trong ký ức cô hơn hai thập niên.

Và cơ hội gặp gỡ đáng giá ngàn vàng này đã bắt đầu qua phương tiện xã hội Twitter.
Cô từng viết trên Twitter để tìm ân nhân tặng xe đạp: “Tôi là một đứa trẻ tị nạn 5 tuổi trong thập niên 90 và người đàn ông này làm việc tại một trại tị nạn gần Zwolle ở Hòa Lan, vì lòng tốt, ông ấy đã mua cho tôi một chiếc xe đạp. Tâm hồn năm tuổi của tôi ngập tràn sự vui mừng.” Cô Babakar đăng câu này trên Twitter, mong được cộng đồng mạng giúp cô tìm ông ấy.

Bức ảnh cô chia sẻ, là một bức ảnh chụp mờ về người đàn ông đó, mà mẹ cô đã giữ, là một trong số ít đồ đạc họ có từ thời điểm tị nạn đó. Khi ông đưa cho cô chiếc xe đạp, cô nói, nó đã tạo ra một ảnh hưởng lâu dài.

“Tôi nhớ cảm giác lúc đó thật đặc biệt. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng đây là một điều lớn lao để nhận, tôi thậm chí có xứng đáng với điều lớn lao này không?” cô Babakar nói.

“Cảm giác này trở thành nền tảng cho giá trị bản thân của tôi khi lớn lên.”
Cô và cha mẹ đã thoát khỏi Iraq sau khi Saddam Hussein đàn áp tàn bạo đối với người thiểu số Kurd vào đầu thập niên 1990, trong đó gồm cả một vụ tấn công bằng khí độc vào một ngôi làng gần nhà của họ.
Hành trình tị nạn đưa họ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Nga, nơi cha cô đã ở lại để làm việc trong bốn năm tiếp theo, và cuối cùng đến trại tị nạn ở Hòa Lan, nơi cô Babakar và mẹ cô sống một năm trước khi định cư ở London.

Cô Babakar đã dùng thời gian nghỉ phép từ công việc điện toán của mình ở London vào mùa hè này để tìm lại hành trình của mình trước đây, và đã đến thăm thành phố Zwolle ở Hòa Lan, để dành vài ngày cố gắng ghép lại những ấn tượng rải rác của cô về thời gian ở đó.

 “Nó như một tiếng tích tắc trong tâm trí bạn,” cô nói về những ký ức bắt đầu xuất hiện trở lại. “Đó là một cảm giác rất lạ.”

Lúc ở đó, cô ấy đã viết một bài đăng trên Twitter mà cô ấy mô tả như là một “nỗ lực cuối cùng” để tìm hiểu thêm về người đàn ông đã có thiện cảm với cô và mẹ cô, và tặng cho cô chiếc xe đạp.

Trong vài giờ sau khi tin nhắn được gởi đi, ông Arjen van der Zee, một người tình nguyện cho một trang tin tức phi lợi nhuận ở Zwolle, đã nhìn thấy bức ảnh và nhận ra người đàn ông trong bức ảnh.

“Tôi nhìn vào bức ảnh và ngay lập tức biết ông này, người tôi đã làm việc cùng ở tuổi đôi mươi,” ông van der Zee nói. “Tôi biết ông ấy là một người rất hào phóng, dễ cảm động và đầy nhiệt tình.”

Nhưng có một trở ngại, ông van der Zee chỉ có thể nhớ biệt danh của người đàn ông, chứ không biết tên. Vì vậy, ông đã tìm đến các đồng nghiệp cũ trên Facebook, những người có thế biết tên người đàn ông kia. Và cuối cùng ông van der Zee đã liên lạc được với gia đình của người đàn ông qua mạng xã hội, và hai ông đã liên lạc với nhau.

“Ông ấy giật mình nói với tôi rằng ông ấy nhớ cô Mevan và mẹ cô,” ông van der Zee kể lại. “Ông ấy nói rằng ông luôn nói với vợ mình rằng, nếu có người ông ấy muốn gặp lại trong đời thì đó là Mevan và mẹ cô.”

Họ nhanh chóng tranh thủ thời gian để sắp xếp một cuộc gặp với cô Babakar, người dự định sẽ quay trở lại London trong vài ngày tới.

Tối hôm sau, cô Babakar đã được đứng trước mặt người đàn ông mà cô đi tìm, ông Egbert. Ông chỉ cho báo chí biết tên đầu, muốn giấu tên họ vì lý do riêng tư. Ông ấy nói rằng chiếc xe đạp chỉ là một cử chỉ nhỏ, nhưng ông ấy rất vui vì nó đã đưa cô Babakar trở lại cuộc sống của ông ấy.

Cô Babakar nói cô đoán rằng ông ấy cũng ngạc nhiên không kém cô.
“Nó giống như việc gặp lại một người thân trong gia đình mà bạn không gặp trong một thời gian dài. Đây là điều thật sự rất đáng quý.”

Hai người đã cùng nhau xem những bức ảnh cũ và chia sẻ những câu chuyện về trung tâm nơi cô và mẹ cô sống như những người tị nạn, và Egbert cho cô Babakar xem bộ sưu tập hoa lan của ông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT