Thể Thao

Chuyện vé 2 trận chung kết Champions và Europa League

Saturday, 07/05/2016 - 08:25:37

Nguy cơ của đám khủng bố đâu chưa thấy; hẵng cứ bàn đến ngọn lửa hừng hực khí thế trong lòng các “fans” thuộc hai phe cái đã! Mà chung cuộc thì tất yếu phải có bên thắng bên thua, bên hoan ca, bên cay đắng hờn căm! Tốt hơn cả là chỉ nên cho “cái đám ồn ào đó” vào ít ít vậy!


Sân St Jakob Park tại Basel bên Thụy Sĩ, nơi sẽ có trận chung kết Europa League giữa Liverpool với Sevilla ngày 18 tháng Năm. (Mike Hewitt/ Getty Images)

 

Sân San Siro ở Milan, Ý, nơi Real Madrid với Atletico Madrid sẽ đấu chung kết Champions League ngày 28 tháng Năm. (Gary M Prior/ Getty Images)

 

Chuyện vé 2 trận chung kết Champions và Europa League

Bài THANH NGUYỄN

Đấu đá với nhau xong xuôi ở mấy trận bán kết giải UEFA Champions và Europa League thì ngày 28/5 Real Madrid sẽ đấu với Atletico Madrid tại sân San Siro ở Milan bên Ý, và trước đó ngày 18/5 Liverpool sẽ đấu với Sevilla ở sân St Jakob Park tại thành phố Basel bên Thụy Sĩ.

Những ai ở ngoài Âu Châu có tính đến hai nơi đó để xem tận mắt, nghe reo hò tận tai hay không thì chưa biết sao, chỉ biết là giới ghiền bóng đá Âu châu, cho dù không nhất thiết phải là dân giàu, thì người ta đã trù tính trước là có chung kết hai trận đó thể nào cũng phải đi xem cho bằng được, bất cần biết trước ai sẽ đấu với ai. Còn đối với dân những nước có đội mình tham chiến thì khỏi phải nói; tức trong trường hợp hai trận chung kết sắp tới đây là dân Anh và dân Tây Ban Nha.

Nhưng dù là dân Anh hay Tây Ban Nha một cách chung chung đi nữa thì cũng chả có nhằm nhò gì so với đám người có “thẻ chứng minh” trong người là thuộc thành phần “fans” của các đội sẽ ra trận. “Giấy tờ chứng minh” nói đây không phải cái kiểu đăng ký mình là cảm tình viên của đội này hay đội kia rồi được giới quản lý câu lạc bộ bóng đá của đội đó người ta đóng dấu thị thực! “Fans” có nghĩa là ai nấy đều có vé vào cổng nơi sân đấu đội mình ủng hộ, và đã mua đứt cho trọn mùa bóng trong năm!

“Fans” có nghĩa là “sống chết với đội mình ủng hộ” một cách cụ thể, dứt khoát “dấn thân” như vậy! Và mấy chữ “sống chết” thì không thuộc loại mỹ từ, nói cho kêu với tính cách tượng trưng. Trong lịch sử bóng đá cận và hiện đại; những vụ “fans” của đội này choảng nhau với “fans” của đội kia gây bao nhiêu thương vong từ Bắc xuống Nam bán cầu thì từ lâu đã hết còn là “chuyện lạ bốn phương”!

Kênh truyền hình “beIN Sports” có ông “phóng viên chiến trường” kỳ cựu là Ray Hudson; từng là cầu thủ trung vệ bên Anh. Thỉnh thoảng giữa các trận banh được tiếp vận thì người ta lại thấy đoạn phim có ông xuất hiện để giải thích thế nào là một”fan” của bóng đá! Kèm theo câu nói “Chúng tôi là ‘fans’ vì khi đội chúng tôi chiến thắng thì chúng tôi cảm thấy được thơm lây, cảm thấy mình như được thêm uy tín”; kèm theo đấy là đoạn phim với đám “fans” phất cờ, vung tay vung chân, xoạc mổm ra hò hét sau một bàn thắng của “đội mình”!

Kèm theo câu “Khi đội mình thua thì chúng tôi đau khổ, thất vọng ” là đoạn phim một cậu thanh niên nhìn ra sân ngơ ngác, mồm mếu máo, nước mắt ràn rụa sau một bàn thắng của địch! Năm sáu câu và năm sáu đoạn phim minh họa như thế, rồi đến khung hình cuối cùng với ông Hudson mặt nghiêm nghị, nhìn thẳng vào khán giả đang theo dõi đoạn phim mang tính cổ động đó, kết luận :”Vì vậy mà chúng tôi là các “fans”!

Không một huấn luyện viên bóng đá nào mà không biết đến tác dụng của một trận banh đấu tại “sân mình” với đám “fans” của mình gào thét hỗ trợ về mặt tinh thần. Không một huấn luyện viên nào không biết là khi đấu ở sân người thì đám “fans” của đội kia chúng hò hét thiếu điều dọa nạt mình là đội khách đến cỡ nào!

Những điều vừa nêu là nhằm dẫn đến sự việc này: Đối với trận chung kết Champions League, Real Madrid với Atletico Madrid mỗi đội chỉ được dành cho 18,000 vé để họ phân phối cho các “fans” của mình. Còn đối với trận chung kết Europa League thì Liverpool và Sevilla mỗi đội chỉ được phân phối 10,236 vé cho việc ấy.

Và đấy là những số liệu mới được cập nhật; chưa biết từ đây đến đấy, với sự phản kháng của các đội vừa kể thì mấy con số đó có tăng thêm được tí nào hay không! Đội nào cũng phản đối vì lẽ đơn giản nhất là có đội nào cỡ lớn như vậy mà không có trên 30,000 “fans” theo nghĩa “Đội đâu ta đó”?

Chẳng hạn như trong trận chung kết giải nội bộ F.A. Cup hồi tháng Hai đầu năm, chung kết một trận nội bộ trong nước không thôi mà đã có đến 30,000 “fans” của Liverpool kéo nhau đến sân Wembley ở London để xem! Bây giờ bảo chung kết một trận quốc tế mà chỉ có vé cho 10,236 “fans” thì ai đi ai ở đây? Các đội Sevilla, Real Madrid và Atletco Madrid có “điên người” với số vé như UEFA phân phối thì cũng trên tình thần y hệt như vậy!

Ông huấn luyện viên người Đức Jurgen Klopp, tất nhiên là một người dày dạn kinh nghiệm với những vụ như thế này, đã xoay ra giải quyết bằng con đường ... triết lý! Ông nói, “Xưa giờ tôi có cái tính là đối với việc gì mình không thể tác động vào được thì tôi không hơi đâu nghĩ đến cho nhọc xác! Quý vị cứ việc qua Basel mà mua vé. Cảnh vật bên đó đẹp lắm, qua đến đấy mà không mua vé được thì đi vòng vo vãn cảnh cũng là cái hay”!

Thế nhưng tổ chức UEFA thì họ đã nghiêm chỉnh cảnh giác bốn đội sẽ vào chung kết ở hai giải đó là “Chớ có nên xúi dại cho người ta qua đây rồi mua vé. Chúng tôi tổ chức rất chặt về mặt an ninh trật tự”!

Tình hình như hiện nay bên Âu châu mà đề cập đến các mặt an ninh sân đấu khi có hàng chục nghìn người đi xem thì ai cũng biết là giới tổ chức người ta nghĩ đến chuyện gì. Nhưng cạnh đó là mặt kinh doanh của vấn đề. UEFA người ta còn phải tính phân phối tổng số vé ra sao để giải quyết các mặt quan hệ làm ăn của họ, các đầu mối có vé trong tay để bán ra cho đại chúng. À mà cứ nói về vé không thôi, chưa đả động gì đến mấy chữ “bao nhiêu tiền?” là coi bộ không xong!

Một cái vé hạng “rẻ tiền nhất,” ở những hàng ghế tuốt trên cao nơi mỗi đầu sân, được xếp vào loại 3 cho trận chung kết Europa League tại sân bên Basel là sơ sơ $1,174 Mỹ kim mà giờ này thì chắc 100% là đã được bán hết sạch! Sân St Jakob Park ở Basel có chừng 37,500 chỗ.

Cũng loại ghế như vậy, nhưng xếp hạng 4 vì sân San Siro cho trận chung kết Champions League rộng hơn, 80,000 chỗ, thì giá “rẻ nhất” là $1,813, mà giờ này nhắm chừng cũng đã cạn! Giá vé được phân phối cho bốn câu lạc bộ bóng đá sẽ dự tranh hai trận chung kết thì tất nhiên không như vậy, và giá các đội phân phối cho các “fans” của mình thì cũng không cao cỡ đó. Bởi thế mà UEFA cần “có chỗ làm ăn” chứ phải không nào?

Thế nhưng người đọc cho đến đây hẳn đã nhìn ra một trong những khía cạnh then chốt mà chả có giới tổ chức một trận bóng đá quốc tế nào dám coi thường! Khía cạnh đó gắn liền với vấn đề “sống chết với trận đấu” của các “fans” như đã được phác họa ở trên!

Tạm gạt qua một bên những mặt tài chính, kinh doanh vốn dĩ là cốt yếu của vấn đề, thì người ta đối diện ngay với câu hỏi sau đây: Có giới tổ chức một trận banh loại quốc tế tầm cỡ nào như hai giải nói đây mà muốn đối phó với cảnh quá nửa số khán giả đi xem là các “fans” của hai đội kình địch nhau trên sân?

Đối với chung kết Europa League thì ”kịch bản “ đó là cỡ 25,000 “fans” của hai phe nơi sân 37,500 chỗ; đối với Champions Leaue thì là cỡ 45,000 “fans” thuộc hai phe nơi sân 80,000 chỗ? Nguy cơ của đám khủng bố đâu chưa thấy; hẵng cứ bàn đến ngọn lửa hừng hực khí thế trong lòng các “fans” thuộc hai phe cái đã! Mà chung cuộc thì tất yếu phải có bên thắng bên thua, bên hoan ca, bên cay đắng hờn căm! Tốt hơn cả là chỉ nên cho “cái đám ồn ào đó” vào ít ít vậy! Thay vì “càng đông càng vui” thì tốt hơn cả là “càng ít càng an toàn”!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT