Chuyện Nước Pháp

Chuyện nước Pháp: Chân dung 11 ứng cử viên tổng thống

Monday, 27/03/2017 - 10:05:38

Sau khi đã qua giai đoạn khó khăn nhất là thu thập chữ ký ủng hộ của những công chức cao cấp như các vị đô trưởng hay tỉnh trưởng khắp nơi trên nước Pháp, 11 vị này lại phải khai báo gia sản.

Bài NGỌC DIỄM

Tuần lễ vừa trôi qua đã có danh sách đầy đủ 11 ứng cử viên tranh nhau cuộc chạy đua vào điện Élysée. Con số lẻ này có gì khác lạ so với kỳ bầu cử lần trước vào năm 2012? Năm ấy, 10 nhân vật xuất hiện sau khi được ủy ban Cố Vấn Lập Hiến đồng ý tuyển chọn hội đủ điều kiện ra tranh cử với ba nữ và bảy nam. Chúng ta xem xét kỹ sẽ thấy hơn một nửa số người đã quen mặt lại xông ra chính trường thêm một lần. Đó là các khuôn mặt của bà Marine Le Pen, 48 tuổi, đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu, bà Nathalie Arthaud, 46 tuổi, đảng Nữ Lao Động Đấu Tranh, Jean Luc Mélenchon, 65 tuổi, Mặt Trận Phe Tả, Nicolas Dupont, Aignan, 55 tuổi, Đảng Cộng Hoà Vùng Dậy; Philippe Poutou, 49 tuổi, Tân Đảng Chống Tư Bản; và Jacques Cheminade, 75 tuổi, Đoàn Kết và Tiến Bộ.


Trưởng lão: 75 tuổi, tiểu đệ: 39 tuổi, và hai phụ nữ tứ tuần. 


Tổng cộng là sáu khuôn mặt cũ nhưng vẫn còn mới nếu dân chúng Pháp không xem lại tài liệu năm xưa. Họ mau quên quá khứ vì hiện tại mới là điều quan trọng hơn tất cả. Những vị tai to mặt lớn còn lại là François Fillon, 62 tuổi, phe Hữu Đảng Cộng Hòa; Benoit Hamon, 49 tuổi, đảng Xã Hội phe Tả;
Emmanuel Macron; 39 tuổi, xem như thuộc đảng phái chính trị độc lập vô tả vô hữu nhưng có phong trào riêng mang tên “Tiến Bước,” François Asselineau, 58 tuổi, đảng độc lập Dân Chủ Cộng Hòa; Jean Lassalle, 61 tuổi, đảng phó Phong Trào Dân Chủ. Làm một con toán nhỏ, chúng ta tính được tuổi trung bình của 11 ứng cử viên tổng thống năm nay là 55. Như vậy, vị trẻ tuổi nhất chính là ông Emmanuel Macron với đảng Tiến Bước, cái tên thật đúng với hành vi thông thường của người tràn đầy sinh lực, nhưng cụ già gân 75 cái xuân xanh Jacques Cheminade vẫn dũng cảm muốn ra gánh vác trách nhiệm to tát!

Sau khi đã qua giai đoạn khó khăn nhất là thu thập chữ ký ủng hộ của những công chức cao cấp như các vị đô trưởng hay tỉnh trưởng khắp nơi trên nước Pháp, 11 vị này lại phải khai báo gia sản. Họ phải ghi bằng cách viết tay điền vào hơn 10 trang giấy đầy đủ hồ sơ khai báo của cải hiện có do Hội Đồng Tối Cao chủ nhiệm. Đây là những viên thanh tra giữ chức chứng minh đời tư trong sạch của những nhân vật muốn lên làm người cao cấp nhất chính phủ là Tổng Thống.

Bản kết quả được thông báo vào ngày 22 tháng 3 vừa qua và đã khiến báo chí nêu lên vài câu hỏi. Sở dĩ có những điểm lạ lùng xuất hiện là vì đặc biệt không có sự kiểm soát những gì đã khai trong hồ sơ ứng cử viên. Hội Đồng Tối Cao nói trên dựa vào danh dự cá nhân chân thật khi khai trình gia sản riêng tư hay đứng chung tên với vợ (hoặc chồng) kể cả nợ nần nếu có mà thôi!     

Câu thắc mắc đầu tiên đưa ra cũng lại là liên quan đến vị nạn nhân bị ám sát chính trị còn sống nhăn ra đó: ông François Fillon (bài viết kỳ trước trong tiết mục này). Dân chúng chỉ còn nước lắc đầu chán ngán cho ông ta đã nổi tiếng tham tiền và đồ vật sang trọng đắt giá như xe hơi, đồng hồ, quần áo vua chúa. Than ôi, ông “thành thật” khai là sở hữu chủ của hai chiếc đồng hồ đại xịn không dễ gì có được trị giá lần lượt là 15 và 12 ngàn đồng Tây. Thật đúng là lạy ông tôi ở bụi này, nhà báo lại xúm nhau bươi móc chuyện cũ do ông nói bị tờ báo Con Vịt Buộc ghi là ông được quà tặng tới ba chiếc đồng hồ nặng ký như vậy năm 2016! Quà tặng do một nhà sản xuất nhãn hiệu Thụy Sỹ lừng danh quốc tế (Rebellion Predator). Khi đó, François Fillon có giải thích là vì họ hợp gu với nhau trong thú vui thích xem đua xe siêu vận tốc và xe sang ngoài đời cùng đồng hồ giá cực đại nên bạn biếu không.

Qua tới ngài trẻ nhất trong số các ứng cử viên tranh tài thao lược để lên ngôi vua: Emmanuel Macron. Ông khai bán sách và một căn nhà thuộc loại chung cư có nhiều tầng, còn gọi là tòa cao ốc (khác với nhà riêng xây cất kiểu cọ sang trọng thường nằm ở ngoại ô hay trung tâm thành phố hiếm hoi hơn rất đắt đỏ). Tiền sách và tiền nhà tổng cộng lại rất nhiều nhưng nó đã bốc hơi đâu không biết, chỉ còn vài trăm ngàn khai báo so với con số triệu thu được. Vì sao sai số lớn quá? Câu trả lời của phe ông Emmanuel Macron là dùng để trả nợ tứ bề.

Vị giàu nhất trong số 11 người là Nghị Sĩ Dupont-Aignan trong vụ đi máy bay đến Toulouse bị chận lại vì khủng tặc gây náo loạn ở phi trường Orly vừa qua. Ông này có bất động sản trị giá trên 2 triệu đồng Âu kim bao gồm ba căn nhà thuộc loại chung cư ở Paris và một ngôi nhà riêng ở vùng ông làm nghị sĩ (Essonne). Vị nghèo nhất là bà Nathalie Arthaud với Nữ Lao Động Tranh Đấu. Tiền trong sổ tiết kiệm của bà dưới 10 ngàn đồng và bà ở căn nhà chung cư diện tích 48 thước vuông ở Paris.

Chuyện khai báo tài sản nói trên chỉ có lần đầu tiên vào năm 2013 sau khi ông François Hollande đắc cử Tổng Thống năm trước đó 2012. Vì sao nó trở thành tiền lệ quan trọng (cần có cùng lúc sau 500 chữ ký đại biểu của dân ủng hộ) từ nay trở đi trong các cuộc vận động tranh cử? Đó là do vụ lôi thôi tai tiếng của Cahuzac mà ra (scandale). Ông này là Bộ Trưởng đại diện Bộ Ngân Sách đã dấu nhẹm sự việc mình có của cải tồn kho ở nhà băng Thụy Sỹ ngay dưới trào Hollande vừa lên ngai được một năm. Không phải Con Vịt Buộc tố cáo mà là tờ Mediapart trẻ tuổi tài cao. Tờ báo có bằng chứng ghi âm cuộc trò chuyện của ông Jérôme Cahuzac nói với một cộng sự viên về chuyện ông phải dẹp sổ sách (account) ngân hàng này đi.

Ông đánh nước cờ sai lầm bằng cách thưa kiện tờ báo đưa bằng chứng giả mạo. Tòa án phải cho mở cuộc điều tra và cuối cùng mọi sự được đưa ra ánh sáng công lý. Vị bộ trưởng từng là bác sĩ giải phẫu đã phạm pháp hẵn hòi khi dấu nhẹm tiền của (bị toà án phạt tội rửa tiền và trốn thuế) không khai báo với ty Thuế Vụ. Tổng Thống Hollande lúc đó đã mời ông từ chức ngay. Ông bị án ba năm tù thật thụ sau khi thú nhận tội lỗi và xin chống án.

Vụ tai tiếng này gây chấn động tâm lý quần chúng đã từng bầu cử cho phe Tả lên ngai. Vì vậy để vớt vát thể diện, ngài Hollande ra nhiều điều luật chống tham nhũng của công, có sổ sách nắm giữ trương mục ngân hàng ma nhằm trốn thuế v.v. sau khi tham khảo phiên họp của Hội Đồng Cố Vấn của tất cả các vị Bộ Trưởng. Điều luật quan trọng số 1 là thành lập ủy ban Quyền Lực Tối Cao về sự trong sạch cá nhân khi được nhân dân bầu cử lên (Haute Autorité pour la Transparence de la Vie Publique HATVP).

Ủy ban có sáu vị phụ trách thuộc thẩm quyền tòa phá án, tòa thanh tra ngân sách và ban cố vấn quốc gia. Chủ tịch là người do các Bộ Trưởng họp lại chọn đưa lên. Đây là điểm son của trào lưu do Tông-Tông Hollande để lại vì nó còn cấm nhiều điều không hợp lý khác nữa như kiêm nhiệm nhiều chức vụ và lãnh tiền đền bù kếch xù nếu mất chức Bộ Trưởng.

Tất cả số liệu hiện nay khai ra của 11 ứng cử viên tổng thống đều có thể được xem xét trên mạng, nó sẽ còn được giữ lại cho đến khi bầu cử xong xuôi vào giữa tháng 5 năm nay. Cũng thế, một trạm thông tin tư nhân (Website) xin tiền ủng hộ từ người đọc vì họ liệt kê đầy đủ con số hàng mấy chục nhân vật tài đức (?) bỏ cuộc tranh đua vì điều kiện rất khó khăn. Chẳng hạn, bà Marine Le Pen đã khai báo mang nợ 4 triệu đồng vay mượn để “đầu tư” cho dự án làm tổng thống. (ntnd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT