Bình Luận

Chuyện không nhỏ

Monday, 16/03/2020 - 06:53:56

Chuyện không nhỏ là chuyện trẻ con -chuyện của 700,000 đứa trẻ -từ 4 tuổi, học lớp mẫu giáo cho đến 17, 18 tuổi học lớp 12- tại Khu Học Vụ Los Angeles


Hai người đang đi ngang qua trường trung học Hollywood High đã đóng cửa tại Hollywood, California hôm thứ Hai, ngày 16 tháng Ba, 2020. (Frederic J. Brown/ AFP via Getty Images)


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Chuyện không nhỏ là chuyện trẻ con -chuyện của 700,000 đứa trẻ -từ 4 tuổi, học lớp mẫu giáo cho đến 17, 18 tuổi học lớp 12- tại Khu Học Vụ Los Angeles (Los Angeles Unified School District Board of Education ).
Tổ chức LAUSD (Los Angeles Unified School District) vừa quyết định đóng cửa trường, cho đám trẻ đông ngót triệu đứa học trò đó nghỉ học để tránh nguy cơ lây lan của con vi khuẩn coronavirus.
Quyết định đó dĩ nhiên là đúng, vì chuyện mà mọi người đều biết là con vi khuẩn coronavirus giết người bằng cách lây lan; người này bệnh, tiếp xúc với người khác là tạo môi trường lây lan -một thành hai.
Nếu người bệnh là một cậu hay một cô học sinh của học vụ LAUSD thì đó là môi trường lý tưởng cho lây lan - một cậu học trò bệnh lây cho một lớp; 20 cô cậu học trò của lớp học đó lây cho một trường, rồi con vai-rút coronavirus ngự trị trên khắp mọi trường trong học khu LAUSD -rộng đến 700 dặm vuông.

Gần 1 triệu cô, cậu học sinh này nghỉ học vào những ngày bố, mẹ phải đi làm dĩ nhiên cũng lại là chuyện không nhỏ, và những “chuyện không nhỏ” đó không chỉ giới hạn vào việc thiếu sự giám thị của người lớn -thầy, cô giáo; mà còn mở rộng đến dấu hỏi đau lòng: “Không đến trường thì cơm đâu mà ăn?” Những chữ “cơm đâu mà ăn”, đã Việt Nam hóa vấn đề, vì học trò trường Mỹ không ăn cơm -kể cả những búp bê gốc Việt.
Vấn đề là đa số những bậc phụ huynh của gần 1 triệu đứa học trò nhỏ đó không có khả năng cho con ăn no và đủ dinh dưỡng 7 ngày mỗi tuần.
Một cán bộ trẻ đang phục vụ trong ngành giáo dục, cậu Nick Melvoin, viết lên tình trạng đáng lo đó, gửi cho tờ nhật báo The New York Times và được tờ báo đó đăng nguyên văn.

Tôi xin dịch lại một đoạn dưới đây:
“Tuần này -với tư cách là một thành viên của Los Angeles Unified School District Board of Education, tôi (cậu Melvoin) bỏ phiếu đồng ý để LAUSD tuyên bố tình trạng khẩn trương. Hôm thứ Sáu, chúng tôi đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa hệ thống trường học đang ngày ngày dạy dỗ gần 700,000 học sinh, sống rải rác trên một diện tích rộng 700 dặm vuông; thời gian đóng cửa là hai tuần.
“Chúng tôi phải vật lộn với hai cuộc khủng hoảng để đi đến quyết định đó. Cuộc vật lộn thứ nhất là trận đại dịch (pandemic) mà quý vị thấy hàng ngày trên trang nhất của mọi tờ nhật báo. Và cuộc vật lộn thứ nhì -cũng không kém cấp bách- là cảnh nghèo túng của học trò; cảnh nghèo túng đó khiến hệ thống giáo dục này đang nỗ lực thêm để gánh vác vai trò của một mạng lưới an sinh xã hội.
“Chúng tôi phải cân nhắc cả hai yếu tố đó trong quyết định bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhiều gia đình, và nhiều công nhân phục vụ trong hệ thống học vụ LAUSD.

“Nếu chúng tôi đóng cửa trường, liệu học trò có gì ăn không? Và chúng ở đâu trong những giờ đáng lẽ chúng ngồi trong lớp học? Bố, mẹ chúng có thể đem chúng đến sở làm hay họ đành ở nhà chăm sóc con, bỏ việc, bỏ lương?”
...
Câu hỏi Melvoin đặt ra “Nếu chúng tôi đóng cửa trường, liệu học trò có gì ăn không?” cậu không tự đặt với lương tâm cậu, mà công khai nêu lên giữa hệ thống học vụ LAUSD; và hôm nay, khi Nữu Ứoc và nhiều thành phố khác cũng phải áp dụng biện pháp “đóng cửa trường học” -biện pháp chẳng đặng đừng đó khiến nhiều viên chức giáo dục cũng nêu lên vấn đề ba bữa ăn mỗi ngày của trẻ con.
Điều này có nghĩa là cuộc sống đắt đỏ đến mức người đàn ông chủ gia đình đi làm mà đồng lương không đủ nuôi vợ, nuôi con. Tôi chỉ nói đến giả thuyết một người làm nuôi một gia đình, trường hợp thông thường của nhiều quốc gia -kể cả Nam Việt trong những năm chiến tranh.
Công nhân Nữu Ước cũng nghèo như công nhân Los Angeles; thị trưởng Nữu Ước Bill de Blasio còn phải đối đầu với những khó khăn lớn hơn, vì hệ thống trường học tại Nữu Ước có tới 1,700 trường học, trong tổng số học sinh, có đến 750,000 đứa sống dưới mức nghèo được luật pháp ấn định, 10% không có nhà ở (homeless).
Viên chức thành phố nêu lên vấn đề, “Người dân New York cần bình tâm để nhìn nhận một sự thật là thị trưởng và thống đốc coi các trường công lập, về cơ bản, là trung tâm chăm sóc ban ngày quan trọng giữ con cho công nhân.”

Trường học không còn chuyên nhất lo việc giáo dục nữa, mà là nhà giữ trẻ và nuôi chúng ăn uống miễn phí.
Chi tiết quan trọng là bố mẹ chúng không đủ khả năng tiền bạc để lo cho chúng no, đủ như trường học.
Vấn đề đó là trách nhiệm của chính phủ, trách nhiệm ấn định đồng lương tối thiểu cho người công nhân đủ khả năng mướn nhà, mua thực phẩm, và chu toàn mọi chi phí khác trong gia đình; và công nhân là một trong hai vế cộng hưởng lợi tức quốc gia.

Chính sách phân chia lợi tức đó định nghĩa hai chế độ tư bản và cộng sản -cả hai cùng quá đáng. Chỉ tính riêng về tiện nghi sinh sống thì người công nhân Mỹ vẫn sung túc hơn người công nhân Nga hoặc công nhân Tầu, mặc dù họ chỉ được chia một tỉ lệ lợi tức rất nhỏ.
Trở lại với dịch coronavirus, Nữu Ước và những thành phố khác cũng đang phải tính đến chuyện nuôi học trò trong lúc đóng cửa trường học; nói cách khác hàng trăm triệu đứa trẻ đó vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn chịu cái nguy cơ lây lan bệnh coronavirus!
Như vậy thì đóng cửa trường học để làm gì?
Con nhà nghèo phải chịu khó đi học, lây bệnh coronavirus cũng chết, mà đói cũng chết.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT