Đạo và Đời

Chuyên gia Ấn Độ muốn tìm nguồn gốc của tượng Phật Naga ở Odisha

Wednesday, 12/07/2017 - 06:45:31

Ông Behera nói, “Cần phải có những cuộc nghiên cứu sâu hơn, để xác định xem các bức tượng Phật Naga có được tạc ở Odisha hay không.


Tượng Phật Naga tại Ratnagiri ở Odisha (The Asian Age)


BHUBANESWAR - Việc khám phá mới đây tìm thấy tượng Phật Naga, từ khu vực Banapur ở tỉnh bang Odisha, miền đông Ấn Độ, đã khiến cho các nhà nghiên cứu muốn thực hiện thêm những cuộc nghiên cứu sâu hơn nữa, để xác định xem việc tôn sùng những tác phẩm điêu khắc Phật Giáo này có phổ biến trong tỉnh bang hay không thời xa xưa, hay là các bức tượng ấy được đưa tới đó từ những vùng khác của đất nước. Giáo sư Anam Behera của Đại Học Utkal, Bhubaneswar và sinh viên của ông là Dakhineswar Jena đã khám phá tượng này.

Không chỉ ở Ấn Độ, mà tượng tương tự còn được tìm thấy ở các quốc gia như Miến Điện, Trung Hoa, Lào và Thái Lan, nơi đó Đức Phật được mô tả trong tư thế tọa thiền, được che chở bởi một mãng xà vương có nhiều đầu, được mô tả trong thần thoại Ấn Độ Giáo là Shesh Nag. Trong văn chương Phật Giáo, những bức tượng Phật được rắn nhiều đầu che chở đều được gọi là tượng Phật với thần rắn Naga.

Giáo sư Nicuseha Sahoo là một nhà nghiên cứu từng tìm thấy nhiều địa điểm Phật Giáo trong quận Jajpur của Odisha. Theo ông Sahoo cho biết, ba bức tượng Phật Naga được tìm thấy ở Odisha có phải đã được tạc bởi những nhà điêu khắc ở Odia, hay là được mang đến đó từ những vùng khác trong nước. Trong số ba bức tượng, có hai bức ở Ratnagiri trong quận Jajpur, và một bức ở quận Bolangir.

Ông Behera nói, “Cần phải có những cuộc nghiên cứu sâu hơn, để xác định xem các bức tượng Phật Naga có được tạc ở Odisha hay không. Theo như tôi biết, các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Khảo Sát Khảo cổ Học Ấn Độ (ASI) và Bảo Tàng Viện Quốc gia, để nghiên cứu thêm về bức tượng.”

Nhiều sử gia tin rằng các tượng Phật Naga xuất phát từ Ấn Độ, sau đó theo sự lan truyền của Phật Giáo, những tượng Phật Rắn Naga độc đáo này bắt đầu xuất hiện ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Miến Điện. Tại nước này nghệ thuật Phật Giáo phát triển dưới sự bảo trợ của nhiều vị vua Miến Điện.

Các tượng Phật Naga cũng được xem là một trong những hiện vật Phật Giáo hiếm nhất trên toàn thế giới, vì những tượng Phật loại này không thông thường như các tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, nhiều nhà sưu tập nghệ thuật Phật Giáo và những người sưu tầm đồ cổ trên khắp thế giới đều coi các pho tượng Phật Naga là những viên ngọc quý trong các bộ sưu tập cá nhân của họ.

Ông Peter Vredeveld, một nhà nghiên cứu ở Hòa Lan từng nghiên cứu sâu rộng về điêu khắc Phật Giáo, cho biết “Naga” trong Ấn Độ Giáo và Phật Giáo là một từ ngữ tiếng Phạn để chỉ một vị thần hóa dạng một con rắn to, đặc biệt là rắn hổ mang vua nhiều đầu để che chở người tu hành. Ông Vredeveld nói, “Truyền thống về Naga là điều thông thường trong tất cả các nước Phật Giáo ở Á Châu. Tại nhiều quốc gia, khái niệm Naga đã hòa nhập với các truyền thống địa phương về nhiều con rắn lớn và khôn ngoan.”

Theo nhà nghiên cứu này cho biết thêm, Naga Phật Giáo có hình thù của một con rắn hổ mang, thường được mô tả với một cái đầu, nhưng đôi khi với nhiều cái đầu.

Theo Giáo sư Sahoo, Thần Rắn Naga che chở Đức Phật khi ngài ngồi thiền định được gọi là Mucilanda hoặc Muchalinda. Tiến sĩ Sahoo nói thêm, “Theo Phật giáo, Mucilanda hoặc Muchalinda được cho là đã bảo vệ Đức Phật khỏi những yếu tố như mưa và bão, sau khi ngài đạt được giác ngộ.” Những biểu tượng ảnh tượng của nền văn hóa dân gian Phật Giáo này được gọi là các pho tượng Phật Naga.
(Theo bài viết của Akshaya Kumar Sahoo trên báo The Asian Age)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT