Thể Thao

Chuyện dài vụ tham nhũng FIFA và vai trò của Chủ Tịch Sepp Blatter

Thursday, 28/05/2015 - 11:59:43

“Đây là một tổ chức lớn do đó mà tôi không thể kiểm soát hay theo dõi từng người một. Nó cũng như ngoài xã hội, có kẻ ngay và người gian; người gian phạm pháp thì sẽ bị bắt.”

Bài THANH NGUYỄN

ZURICH - Chuyện tham nhũng kéo dài từ trên 20 năm nay trong nội bộ của tổ chức bóng đá thế giới FIFA đã nổ bùng vào rạng sáng ngày thứ Tư tuần này, khi cảnh sát thường phục của Thụy Sĩ đột nhập vào khách sạn loại 5 sao Bauer au Lac tại thành phố Zurich bên Thụy sĩ để bắt giữ bảy nhân vật cao cấp của tổ chức này trong số rất nhiều viên chức khác kéo nhau về đấy để chuẩn bị cho đại hội thường niên của FIFA vào ngày thứ Sáu 29/5 để bầu chức vụ Chủ Tịch.
Đương kim Chủ Tịch Sepp Blatter, 79 tuổi, là người Thụy Sĩ, được bầu vào nhiềm kỳ bốn năm đầu tiên năm 1998. Người tranh cử duy nhất với Blatter kỳ này là hoàng thân Ali Bin Hussein của xứ Jordan mà dư luận chung cho là khó thắng vì ông Blatter đã có sẵn cả một “hạ tầng cơ cở” trong cũng như ngoài tổ chức để - dựa trên yếu tố tương quan quyền lợi qua lại- bảo đảm cho thế lực của mình .


               Biểu ngữ với hàng chữ lên án Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter: “Thôi thế là Blatter hết còn giở trò!”



Những nguồn tin ban đầu về vụ bắt giữ vào ngày hôm qua không mấy thống nhất. Có báo đưa tin 6 người bị bắt, có báo lại nêu ra con số 7; và cũng có nguồn tin đưa con số đó lên 14, tính luôn cả số người không chỉ bị bắt giữ từ khách sạn nói trên. Điều đó cũng dễ hiểu bởi lực lượng cảnh sát Thụy Sĩ khi thi hành phận sự đã ra tay kín đáo vào lúc tờ mờ sáng, báo chí chưa kịp hay tin, và khi biết tin kéo đến thì cảnh sát không cho đến gần hiện trường. Và những kẻ bị bắt thì được cảnh sát lấy những tấm vải trắng trùm lên người, không cho người ngoài nhận diện ra ai với ai.
Cuộc bắt giữ hàng loạt này là kết quả của những cuộc điều tra song sành, có phối hợp giữa hai ngành tư Pháp Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Đích thân Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, bà Loretta Lynch, ra trước hệ thống truyền hình và báo chí để nói rõ về “chiến dịch” bắt giữ này thì cũng đủ chứng tỏ là vụ việc thuộc loại “tầm cỡ” như thế nào.
Một số những tay chủ chốt trong vụ tham nhũng này khi tiến hành công việc làm ăn phi pháp của họ dưới hình thức tống tiền, nhận hối lộ như điều kiện để bỏ phiếu cho nước nào được “trúng thầu” trong những vụ tổ chức bóng đá thế giới kiểu World Cup thì đều là trên đất Mỹ và tiền nong chuyển vận trá hình dưới dạng này hay dạng khác cũng đều qua hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ. Nhưng khi đảm nhiệm những chức vụ của họ với FIFA thì họ “làm việc” bên Thụy Sĩ. Bởi thế mà đã có kế hoạch để ngành tư pháp của Thụy Sỉ giải giao những can phạm đó qua cho ngành Tư Pháp Hoa Kỳ.
Những thông tin được đúc kết lại sau một ngày hết sức sôi nổi là như sau
- Chín viên chức cao cấp của FIFA cùng với bốn giới chức đầu não của bốn công ty quản lý về thể thao đã bị bắt giữ do tình nghi là có nhận hối lộ tổng cộng lên $100 triệu Mỹ kim.
- Các cơ quan hữu trách bên Úc yêu cầu điều tra Jack Warner, một cựu viên chức cao cấp của FIFA trong việc nhận $500,000 Mỹ kim tiền hối lộ.
- Chính giới bên Anh yêu cầu Thủ Tướng David Cameron tạo áp lực để đòi Blatter từ chức. Trong khi đó thì Vladimir Putin bên Nga chỉ trích Hoa Kỳ đã nhúng tay vào chuyện ngoài thẩm quyền pháp lý của nước mình.
- Chủ Tịch Michel Platini của UEFA – là nhánh của FIFA ở Âu Châu- đề nghị Blatter từ chức trong một cuộc nói chuyện riêng với nhau nhưng ông Blatter từ chối.
- Thoạt đầu thì UEFA đề nghị dời ngày bầu cử Chủ Tịch FIFA nhưng nay không đòi hỏi như vậy nữa mà tuyên bố sẽ ủng hộ ông hoàng Ali Bin Hussein của Jordan.
- Các đại công ty từ cả bao nhiêu năm nay bảo trợ tiền của cho những giải bóng đá thế giới này hay giải bóng đá quốc tế kia để quảng cáo chào hàng cho sản phẩm của mình (chẳng hạn như cầu thủ Argentina trong kỳ World Cup ở Brazil năm 2014 phải mặc áo có phù hiệu của hãng giày Nike) thì từ hôm qua đến nay đã nhất loạt lên tiếng cảnh cáo về những việc làm sai trái trong nội bộ của FIFA, gây ảnh hưởng bất lợi đến công việc làm ăn của họ. Những đại công ty bảo trợ là cỡ như Coca Cola, Samsung, hãng xe Huyndai, hãng bia Budweiser, Heineken, các hệt thống truyền hình thường tiếp vận các giải bóng đá quốc tế v.v..

Một ví dụ về mặt hối lộ và tầm cỡ của nó

Trong kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi , một số nước bỏ thầu để đứng ra tổ chức. Maroc có tên trong giới bỏ thầu. Một chức sắc cao cấp của FIFA, ông Blazer, cựu Tổng Thư Ký của CONCACAF – liên hiệp hội bóng đá Bắc, Trung Mỹ và vùng biển Caribbean- nắm trong tay 1 lá phiếu. Tay này qua Maroc. Phía Maroc đề nghị ông tạm nhận cho số tiền $1 triệu Mỹ kim để bỏ phiếu cho Maroc trúng. Trong khi đó thì Maroc không biết là tay Jack Warner, cũng nắm 1 lá phiếu trong tay, cựu Chủ Tịch của CFU – Caribbean Football Union- đã được Nam Phi chịu chi cho $10 triệu Mỹ kim. Giải World Cup năm 2010 được tổ chức tại Nam Phi.
Nga và Qatar trúng thầu cho World cup năm 2018 và 2022. Anh và Hoa Kỳ đều bỏ thầu. Hoa Kỳ không trúng thầu với 1 phiếu sai biệt! Thua cả một nước nhỏ nhưng giàu có về dầu mỏ là Qatar, một nước không hề có hệ thống sân đấu cho các trận banh quốc tế.
Trước tình hình này, Sepp Blaterr hôm thứ Năm ra đọc diễn văn khai mạc tại hội nghị thường niên của FIFA. Tóm gọn nội dung bài diễn văn của ông ta là như sau: “Đây là một tổ chức lớn do đó mà tôi không thể kiểm soát hay theo dõi từng người một. Nó cũng như ngoài xã hội, có kẻ ngay và người gian; người gian phạm pháp thì sẽ bị bắt.”
Cho đến giờ này vẫn chưa có sự cáo buộc chính thức nào về phía Hoa Kỳ cũng như Thụy Sĩ đối với ông Blatter tuy dư luận vẫn nhất quán ở chỗ là khó mà Blatter không có mắc míu gần xa gì đến ngần ấy vụ tham nhũng trầm trọng trong hàng ngũ FIFA. Blatter hẳn cũng biết rõ cái thế của mình vào giờ phút này, và trước những câu hỏi “xách mé” của phóng viên báo chí thì ông ta không thể có thái độ “giận dữ” thực tâm hay ngụy tạo. Bởi thế mà sau khi ông ta đọc bài diễn văn khai mạc hôm nay ở Zurich trước đại hội thường niên của FIFA, một phóng viên hỏi ông ta: “Đã đến lúc từ chức rồi phải không Ông Chủ Tịch?” thì ông ta trả lời: “How are you?” (Anh mạnh giỏi chứ?).
Vấn đề là nếu nghĩ rằng tình hình này mà ông ta không được tái đắc cử thì e là “ngây thơ”! Bởi đó là cả một hệ thống với quyền lợi có sắp xếp, có “ăn chia” với nhau cả. Có ngây thơ lắm thì mới nghĩ là hàng ngũ cao cấp trong tổ chức FIFA bấy nay “không biết tí gì,” “không nghi ngờ tí gì” về tất cả những hiện tượng tham nhũng như đã được nêu. Tất cả những người bỏ lá phiếu để bầu Chủ Tịch đều thừa biết rằng thay đổi Chủ Tịch có nghĩa là địa vị của mình cũng sẽ bị thay đổi. Bởi thế mà nếu như Blatter có được tái đắc cử thì giới chuyên môn sẽ chẳng mấy ai ngạc nhiên. (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT