Văn Nghệ

Chuyện dài chữ nghĩa

Thursday, 17/03/2022 - 08:34:30

“Tôi có dịp được ông Đỗ Văn Phúc cho đọc tập tiểu luận này; tôi thấy được ý muốn không những làm...


Trang bìa cuốn “Chuyện Dài Chữ Nghĩa, Nói và Viết Tiếng Việt Trong Sáng” của Đỗ Văn Phúc


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - “Tôi có dịp được ông Đỗ Văn Phúc cho đọc tập tiểu luận này; tôi thấy được ý muốn không những làm trong sáng tiếng Việt mà còn cố gắng giữ lại những giá trị của tiếng Việt đang bị đánh mất.”

Trên đây là nhận xét của Tiến Sĩ Phan Quang Trọng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, khi đọc cuốn “Chuyện Dài Chữ Nghĩa, Nói và Viết Tiếng Việt trog Sáng” của tác giả Đỗ Văn Phúc.

Viễn Đông cũng vừa nhận được cuốn sách trên do tác giả gửi tặng. Mặc dù cuốn sách chỉ dầy 125 trang nhưng là cả một công trình tham khảo, nghiên cứu, sưu tập công phu của tác giả. Một cuốn sách được coi như cuốn Cẩm Nang cho những ai còn ngần ngại, lo sợ không chắc viết hay nói đúng sai, nhất là cho những người hành nghề truyền thông (truyền hình, truyền thanh và báo chí) để nói và viết chữ Việt trong sáng.

Theo dõi tin tức trên truyền hình, nghe Radio tiếng Việt hay đọc báo Việt ngữ tại hải ngoại, nhiều người trong chúng ta rất bực mình khi phải nghe các xướng ngôn viên, phóng viên dùng những ngôn từ mà nhiều người cho là “ngôn từ của Việt Cộng.” Tác giả Đỗ Văn Phúc ngay từ bài đầu tiên ông đã khẳng định “Thật ra thì không có ngôn từ nào là của Việt Cộng cả. Ngôn từ là di sản văn hóa chúng ta thụ hưởng từ tiền nhân từ hàng ngàn năm qua, sau khi đã gạn lọc và thêm thắt qua tiến trình sinh hoạt, giao tiếp với thế giới bên ngoài. Chỉ có vấn đề sử dụng ngôn từ một cách trong sáng, đúng đắn, hợp lý hay không mà thôi.”

Sau khi giải nghĩa hai chữ ngôn và từ, tác giả cho biết: Ngôn, từ, tự, văn phạm là do con người tạo ra, nên cũng có thể do con người thay đổi do sự thay đổi môi trường sống và sự tiến hóa chung. Sự đúng sai trong cách dùng chỉ có tính cách tương đối và chủ quan. Ví dụ: trước 1975, mười bảy triệu người miền Nam dùng hai chữ “đơn giản” nghe quen thuộc; thì mười chín triệu người miền Bắc lại dùng chữ “giản đơn” và họ cũng cho rằng xuôi tai. Gạt qua một bên tình cảm chính trị mà có thể làm sự đánh giá của chúng ta sai lệch đi, thì ai, cơ quan nào, là người có thẩm quyền phân xử chữ nào đúng, chữ nào sai?

Như thế, bất cứ những lời nào, chữ nào nói ra từ miệng người Việt đều là ngôn, từ chung của Việt Nam. Những người có thẩm quyền trong chế độ Cộng Sản không sáng chế thêm chữ mà chỉ sử dụng sai chữ do sự thiếu hiểu biết và cẩu thả của họ. Thật là khó chấp nhận khi nghe hay đọc các chữ: cụm từ, chùm thơ, chùm ảnh, tốp ca trong khi tiếng Việt tại miền Nam có hàng chục chữ khác nhau để diễn tả một tập hợp tùy theo trường hợp. Người miền Nam nói một cụm cây, một chùm nho, một bó lúa... hay một tập thơ, một xấp ảnh, một ban hợp ca... nghe thật đơn giản, trong sáng và dễ hiểu biết bao.

Tác giả cũng nêu các bản tin mà một số báo chí hải ngoại trích từ báo phát hành tại Việt Nam mà ông đã đọc: “Cái bánh chưng vĩ đại (được vào sách Kỷ Lục) này do bà Nguyễn Thị X. thể hiện.” Đúng ra phải dùng chữ “thực hiện” hay đơn giản dùng chữ “làm.” Hay “Ca sĩ X. ăn mặc ấn tượng.” Đúng ra phải nói “Cách ăn mặc của ca sĩ X. gây một ấn tượng tốt.” Một câu trích dẫn khác “Ca sĩ Thu Hương hát rất đỉnh” thật tối nghĩa! Cũng câu này nếu người miền Nam dùng, chúng ta sẽ nói “cô này hát hay tuyệt vời.”

Người Việt miền Nam trước 1975 mỗi khi diễn tả sự bực tức của mình thường dùng chữ “bực bội hay bứt rứt nghe đơn giản, dễ hiễu trong khi người Việt Nam Cộng Sản thích dùng chữ “bức xúc” cũng như chữ “sự cố” thay vì chữ “trục trặc” người Việt trước 1975 quen dùng, cũng như chúng ta nói: Lâu đài nguy nga, núi non hùng vĩ, căn phòng tráng lệ, công trình quy mô, cảnh sắc huy hoàng, buổi tiệc linh đình... thì người Cộng Sản lại dùng chữ “hoành tráng” rất tối nghĩa, và còn rất nhiều những ngôn từ khác được tác giả trích dẫn để thấy rằng “Miền Nam chúng ta kế thừa một nền văn hóa cổ truyền, nhân bản và hữu lý. Ngôn từ dùng trong đại chúng hay văn học đều có lề luật, dù nó được thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sinh hoạt xã hội.

Sau năm 1975, từ miền Bắc tràn vào miền Nam nhiều từ ngữ, cách dùng chữ, đặt câu quái dị. ... Từ khi có việc giao thương, qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng sự phát triển truyền thông, những người từ Việt Nam mới qua sau này đã du nhập vào cộng đồng hải ngoại những ngôn từ quái dị mà đã có nhiều người Việt tị nạn bắt đầu tiêm nhiễm. Hiện nay đọc trên đa số báo chí hải ngoại, chúng tôi rất buồn khi thấy hiện tượng này tràn lan. Một số đài truyền hình và báo chí đã dùng những từ ngữ quái dị trên là do việc các đài, báo này tuyển mộ các nhân viên từ Việt Nam qua. Ngôn ngữ Việt Nam biến thể một cách đáng báo động. Nếu không ngăn chặn thì rồi đây, chúng ta sẽ nghe hàng ngày những cách nói quái dị đó. Thế là một lần chạy từ bắc vào nam, một lần nữa từ Việt Nam ra hải ngoại, nay chúng ta đang bị chúng đuổi theo đến tận xứ sở tự do. Vì thế nhiệm vụ của bất cứ người Việt nào cũng là bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ truyền thống.

Trong 125 trang sách, tác giả đã nêu ra một vài thí dụ về những cách dùng nên tránh mà người Việt Nam trong nước đang dùng như:

Tình hình “căng” lắm. Thay vì tình hình căng thẳng lắm. Không nên nói “Cấp trên đã “quyết” thay vì nói cấp trên đã quyết định. Không nên nói “Việc này để bên Bộ Nội Vụ “quản” thay vì”.. để Bộ Nội Vụ quản lý.” Không nên nói “Ai cũng muốn sống “chất” thay vì nói “Ai cũng muốn cuộc sống đầy đủ.” Người Việt Nam Cộng Sản thích đảo ngược chữ và bỏ bớt chữ. Thí dụ chúng ta nói bảo đảm họ nói đảm bảo; chúng ta nói đơn giản, họ nói giản đơn. Chúng ta nói chu đáo họ nói chuẩn chu. Chúng ta nói Nó làm ăn vất vả lắm, họ nói Nó làm ăn “vất” lắm. Chúng ta nói Tiểu Bang California, họ nói Bang California. Vừa ăn bớt chữ nhưng lại vừa thêm chữ cho dư thừa; thí dụ: Ăn món Bún Bò Huế ngon lắm luôn. Thêm chữ luôn làm chi cho dư thừa?

Sau ba bài về: Chuyện Chữ Nghĩa - Những Cách Dùng Chữ Sai Nên Tránh - Cách Viết Chữ Hoa – Bài số 4 “Cách Dùng Các Dấu Căn Bản Trong Câu (trong bài này, tác giả hướng dẫn cách dùng chữ, nhóm chữ, mệnh đề, đọan văn, các dấu chấm (.), hai chấm (:), dấu phẩy (,) dầu trích kép (“...”) đơn (...), dấu ngoặc ( ), dấu than (!), dấu hỏi (?), dấu ba chấm (...), dấu gạch ngang (-) rất chi tiết. Qua bài thứ 5 giải thích chữ “Giải mã” hay Giải thích, Giải độc? Bài số 6 Luận về hai chữ Tri thức và Trí thức. Bài số 7 Nói chuyện Tác Phẩm và Tác Quyền. Bài số 8 nói về Tượng và Tượng Đài, Bài số 9: Huyền thoại, huyền sử! Tại sao người ta sính dùng chữ này? Bài số 10: Chia Sẻ hay Chia Xẻ?

Cũng trong cuốn sách trên, tác giả cho biết nhiều lần ông đã lên tiếng về tình trạng thoái hóa của tiếng Việt trong nước, và nhắc nhở những người quốc gia tại hải ngoại, nhất là các nhà văn, nhà báo phải cẩn thận khi chuyển tin, sao chép tin từ trong nước, hay là khi viết bài vở, phải dò kỹ, thật kỹ để không lọt những từ ngữ kỳ quái này vào. Ở trong nước thì khó trách vì gần hết 90 triệu người họ nghe, đọc và nói quen rồi. Lâu dần, nó trở thành tiêu chuẩn mà chúng ta đành bất lực. Nhưng khi còn gần ba triệu người ở hải ngoại mà đại đa số hấp thụ văn hóa Việt Nam chính thống, chúng ta phải kiên quyết bảo lưu văn hóa của chúng ta. Chúng ta phải hết lòng, không buông tay bỏ cuộc.

Quý vị nào cần có cuốn sách trên xin liên lạc tác giả (512) 437-1193.
Email: md46usa@gmail.com.
Website: www.michaelpdo.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT