Sức Khỏe

Chứng tim đập nhanh

Friday, 01/11/2019 - 07:10:12

Thường thì ta không hề biết tim mình đang đập ra sao. Trái tim cứ âm thầm làm việc và ta cứ ngang nhiên sống. Chỉ khi nào trái tim ta trở chứng đập thật nhanh hay thật chậm...

Thường thì ta không hề biết tim mình đang đập ra sao. Trái tim cứ âm thầm làm việc và ta cứ ngang nhiên sống. Chỉ khi nào trái tim ta trở chứng đập thật nhanh hay thật chậm, lúc đó ta mới biết đến nó vì cảm nhận được nhịp đập (trống ngực) hay bị xỉu khi tim đập quá chậm. Tim người lớn thường đập từ 60 tới 100 nhịp mỗi phút khi người ấy ngồi chơi hay làm việc nhẹ nhàng. Khi tim đập nhanh hơn con số này khá nhiều thì gọi là chứng tim đập nhanh. Chứng này xẩy ra khi các trung tâm điện của tim bị trở ngại khiến chúng phóng ra những kích thích điện quá nhanh làm tim đập nhanh hẳn lên.

Hệ thống điện của tim

Trái tim có 4 ngăn: 2 tâm nhĩ (trái và phải) bên trên và 2 tâm thất (trái và phải) bên dưới. Nhịp đập của trái tim được phát ra từ một trung tâm điện nằm ở tâm nhĩ phải gọi là sinus node. Trung tâm này phát ra một kích thích điện cho mỗi nhịp đập. Từ sinus node, luồng điện lan ra khắp 2 tâm nhĩ làm bắp thịt tâm nhĩ co thắt bóp máu xuống tâm thất. Luồng điện này sau đó tới một trung tâm điện khác nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất gọi là AV node. Trung tâm này làm chậm lại luồng kích thích điện để tâm thất nở ra nhận máu từ tâm nhĩ xuống. Khi luồng điện tới tâm thất thì bắp thịt tâm thất sẽ co thắt bóp máu đến các mạch máu lớn nối liền với tim rồi đi khắp cơ thể.

Triệu chứng

Tim đập quá nhanh sẽ làm việc bơm máu đi bị cản trở và các bộ phận của cơ thể bị thiếu oxygen, gây ra những triệu chứng sau:
- Chóng mặt
- Thở dồn dập
- Đầu nhẹ hẫng
- Mạch nhẩy nhanh
- Hồi hộp, nghe tim đập thình thịch
- Đau ngực
- Xỉu

Một số người lại không bị triệu chứng gì cả và chỉ biết mình bị chứng tim đập nhanh khi đi khám tổng quát hoặc đo tâm điện đồ.
Khi nhận ra mình bị chứng tim đập nhanh vì những triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đi khám để được định bệnh và chữa trị. Hơn thế nữa, nếu bị xỉu, khó thở hay đau ngực quá vài phút, cần đến phòng cấp cứu của bệnh viện hay gọi số khẩn cấp 911 ngay.

Nguyên nhân

Chứng tim đập nhanh xẩy ra khi có một chuyện gì đó làm hư hại hệ thống phát điện khiến cho tim hoạt động bất thường, thí dụ như:
- Mô tế bào tim bị hư hại vì bệnh
- Đường phát điện bị bất bình thường ngay từ lúc mới sinh
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh cao huyết áp
- Hút thuốc lá
- Uống rượu quá nhiều
- Uống cà phê quá nhiều
- Bị phản ứng thuốc
- Dùng ma túy quá nhiều
- Bất thường của các chất điện giải hay khoáng chất cần thiết cho hệ thống phát điện của tim
- Bệnh cường tuyến giáp trạng

Trong vài trường hợp, không một nguyên nhân nào được tìm thấy.

Ai dễ bị chứng tim đập nhanh

- Những tình trạng khiến tim bị quá sức hay bị hư hại đều có thể làm tăng nguy cơ bị chứng tim đập nhanh: bệnh tim, cao máu, hút thuốc, uống rượu nhiều, uống cà phê nhiều, ma túy, bị stress hay lo lắng nhiều. thay đổi lối os61ng hoặc uống thuốc đều đặn có thể làm giảm nguy cơ bị tim đập nhanh.
Những yếu tố khác dễ làm tim đập nhanh:
- Tuổi già
- Gia đình có người bị bệnh tim hay bị tim thất nhịp

Biến chứng

Biến chứng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loại tim đập nhanh nào, nhanh cỡ nào, thời gian tim đập nhanh, và bệnh nhân có bệnh tim nào không. Biến chứng gồm có:
- Cục máu đông đưa đến tai biến mạch máu não hay heart attack.
- Tim không bơm máu đi đầy đủ
- Té xỉu nhiều lần
- Chết bất thình lình do tâm thất đập quá nhanh hay rung.

Chữa trị

Việc chữa trị chứng tim đập nhanh rất phức tạp và tùy theo nguyên nhân, gồm có:
- Thủ thuật vagal: bác sĩ có thể chỉ bạn cách làm thủ thuật này khi tim bị đập nhanh. Thủ thuật vagal tác dụng lên dây thần kinh vagus làm tim đập chậm lại, gồm có ho, rặn như khi đi cầu và chườm nước đá lên mặt.
- Thuốc chích hay uống
- Kích tim
- Giải phẫu
- Chữa những bệnh tim có sẵn
Bệnh nhân nên có sẵn “kế hoạch hành động” khi cơn tim đập nhanh xẩy ra. Nói chuyện với bác sĩ của mình về kế hoạch này: khi nào nên làm thủ thuật vagal, khi nào cần gọi bác sĩ và khi nào nên đến phòng cấp cứu

Phòng ngừa

Muốn phòng ngừa chứng tim đập nhanh, cần áp dụng những cách làm giảm nguy cơ bệnh tim:
- Vận động thể lý thường xuyên và ăn uống lành mạnh
- Giữ mức cân trung bình lành mạnh
- Giữ mực cholesterol và huyết áp trong mức bình thường bằng cách uống thuốc đều dặn và ăn uống lành mạnh
- Ngưng hút thuốc lá, uống rượu và cà phê giới hạn, không dùng ma túy
- Giảm mức stress bằng cách thư giãn, tập yoga, thiền
- Đi khám tổng quát thường xuyên, nói cho bác sĩ biết những dấu hiệu bệnh của mình

Nếu đã bị bệnh tim, nên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đều đặn để ngừa chứng tim đập nhanh:
- Uống thuốc theo đúng lời dặn của bác sĩ
- Nói cho bác sĩ biết ngay khi có sự thay đổi triệu chứng bệnh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT