Đạo và Đời

Chúng ta cần một nền giáo dục về đạo đức

Wednesday, 15/11/2017 - 08:05:30

Hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta được định hướng chính yếu về phía các giá trị vật chất và việc đào tạo sự hiểu biết. Nhưng thực tế dạy chúng ta rằng chúng ta không đến với lý trí thông qua một mình sự hiểu biết mà thôi. Chúng ta nên nhấn mạnh nhiều hơn vào các giá trị nội tâm.

 

Bài DALAI LAMA

Khi nói rằng "Nước Mỹ Trên Hết," tổng thống Hoa Kỳ đã làm cho các cử tri vui mừng. Tôi có thể hiểu điều đó. Nhưng từ viễn tượng toàn cầu, lời phát biểu này không có ý nghĩa gì cả. Ngày nay mọi sự đều có liên quan với nhau.



Thực tại mới là mỗi người đều tùy thuộc với mọi người khác. Hoa Kỳ là một quốc gia dẫn đầu thế giới tự do. Vì lý do này, tôi kêu gọi tổng thống nước Mỹ hãy suy nghĩ nhiều hơn nữa về các vấn đề toàn cầu. Không có những biên giới quốc gia nào cho việc bảo vệ khí hậu hoặc nền kinh tế toàn cầu. Cũng không có ranh giới tôn giáo nào cả. Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng chúng ta chính là những con người sống trên hành tinh này. Cho dù chúng ta có muốn hay không, chúng ta phải sống chung với nhau thôi.

Lịch sử cho chúng ta biết rằng khi người ta chỉ theo đuổi quyền lợi quốc gia riêng, thì sẽ có xung đột và chiến tranh. Điều này là thiển cận và hẹp hòi. Nó cũng không thực tế và đã lỗi thời. Sống chung với nhau như anh chị em là cách thức duy nhất để có hòa bình, từ bi, chánh niệm và thêm công bằng.

Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng chúng ta chính là những con người sống trên hành tinh này. Cho dù chúng ta có muốn hay không, chúng ta phải sống chung.

Tôn giáo có thể đến một mức độ nào đó giúp vượt qua sự chia rẽ. Nhưng một mình tôn giáo thì sẽ không đủ. Nền đạo đức thế tục toàn cầu hiện giờ là quan trọng hơn so với các tôn giáo cổ điển. Chúng ta cần một nền đạo đức toàn cầu có thể chấp nhận cả người tin lẫn người không tin, kể cả những người vô thần.
Niềm ao ước của tôi là, tới một ngày nào đó, nền giáo dục chính thức sẽ chú ý đến việc giáo dục tâm hồn, dạy tình thương, từ bi, công lý, tha thứ, chánh niệm, khoan dung, và hòa bình. Việc giáo dục này là cần thiết, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông và đại học. Tôi muốn nói đó là việc học tập về mặt xã hội, cảm xúc và đạo đức. Chúng ta cần một sáng kiến toàn cầu cho việc giáo dục trái tim và tâm trí trong thời hiện đại này.

Hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta được định hướng chính yếu về phía các giá trị vật chất và việc đào tạo sự hiểu biết. Nhưng thực tế dạy chúng ta rằng chúng ta không đến với lý trí thông qua một mình sự hiểu biết mà thôi. Chúng ta nên nhấn mạnh nhiều hơn vào các giá trị nội tâm.

Thái độ bất khoan dung dẫn đến hận thù và chia rẽ. Con cái chúng ta cần phải lớn lên với ý tưởng rằng đối thoại, chứ không phải bạo lực, là cách thức tốt nhất và thiết thực nhất để giải quyết xung đột. Các thế hệ trẻ có trách nhiệm lớn lao để bảo đảm rằng thế giới trở thành một nơi bình yên hơn cho mọi người. Nhưng điều này có thể trở thành hiện thực chỉ khi nào chúng ta giáo dục, không những bộ não mà còn trái tim. Các hệ thống giáo dục tương lai nên nhấn mạnh nhiều hơn vào việc tăng cường các khả năng của con người, chẳng hạn như tâm hồn nồng ấm, một cảm ù thức về sự đồng nhất, nhân đại và tình yêu thương.
Tôi thấy càng ngày càng rõ ràng hơn rằng sự an lạc tinh thần của chúng ta không lệ thuộc vào tôn giáo, mà dựa trên bản chất con người bẩm sinh của chúng ta - mối thiên hướng tự nhiên của chúng ta hướng về điều thiện, từ bi và quan tâm chăm sóc người khác. Bất kể chúng ta có thuộc về một tôn giáo hay không, tất cả chúng ta đều có một nguồn mạch căn bản và nhân văn một cách sâu sắc của nền đạo đức bên trong chính chúng ta. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng căn bản đạo đức chung này.

Đối lập với tôn giáo, đạo đức được đặt nền tảng trong bản tính con người. Thông qua đạo đức, chúng ta có thể làm việc để duy trì sự sáng tạo. Sự thấu cảm là nền tảng cho việc sống chung của con người. Tôi tin tưởng rằng việc phát triển con người là dựa vào việc hợp tác chứ không phải là cạnh tranh. Khoa học cho chúng ta biết điều này.
Chúng ta phải học để biết rằng nhân loại là một đại gia đình. Tất cả chúng ta đều là anh chị em: về mặt thể chất, tinh thần, và cảm xúc. Nhưng chúng ta vẫn tập trung chú ý quá nhiều vào những nét khác biệt của chúng ta, thay vì vào những điểm chung của chúng ta. Rốt cuộc, mỗi người chúng ta đều được sinh ra theo cùng một cách thức và chết đi theo cùng một cách thức như nhau.

(Bài này được trích từ một bài dài hơn được Đức Đạt Lai Lạt Ma viết chung với ký giả truyền hình Franz Alt trong sách mới của họ mang tựa đề "An Appeal to the World: The Way to Peace in a Time of Division" (Lời Kêu Gọi Thế Giới: Con Đường Dẫn Tới Hòa Bình Trong Thời Chia Rẽ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT