Sức Khỏe

Chứng hôi miệng

Friday, 27/04/2018 - 11:16:23

Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ các mảnh thực phẩm và mảng bám khỏi răng, giúp kiểm soát hơi thở hôi.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Ai trong chúng ta cũng từng gặp và nói chuyện với một người bị chứng hôi miệng, hoặc chính chúng ta cũng có lúc cảm thấy hơi thở mình không được thơm tho cho lắm, nhất là sau khi ăn hay ngay lúc ngủ dậy.
Không biết thì thôi nhưng khi ý thức được rằng mình bị chứng hơi thở hôi, người bị có thể cảm thấy lúng túng và trong một số trường hợp, có thể cảm thấy lo lắng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ta thấy trên các kệ bán hàng tràn ngập kẹo cao su, bạc hà, nước súc miệng và các sản phẩm khác được tạo ra để chống lại bệnh hơi thở hôi. Nhưng đa số những sản phẩm này chỉ là những biện pháp tạm thời vì chúng không giải quyết được nguyên nhân của bệnh.

Triệu chứng

Mùi hôi miệng có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguồn gây ra bệnh hoặc nguyên nhân. Một số người lo lắng quá nhiều về hơi thở của họ mặc dù họ bị ít hoặc không có mùi hôi miệng, trong khi những người khác có hơi thở hôi mà lại không tự biết vì rất khó để tự đánh giá hơi thở của mình. Nếu nghi ngờ mình bị chứng hôi miệng, nên yêu cầu một người bạn thân hoặc người thân xác nhận các câu hỏi về hơi thở của bạn.
Nếu bị xác định là có hơi thở hôi, bạn hãy kiểm soát thói quen vệ sinh răng miệng của mình. Hãy thử thay đổi lối sống, chẳng hạn như luôn đánh răng và lưỡi sau khi ăn, sử dụng chỉ nha khoa và uống nhiều nước.
Nếu hơi thở hôi vẫn còn sau khi thực hiện những thay đổi như trên, hãy đến gặp nha sĩ của bạn. Nếu nha sĩ nghi ngờ là có một tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra hôi miệng cho bạn, nha sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây ra mùi hôi.

Nguyên nhân

Hầu hết hơi thở hôi bắt đầu từ trong miệng của bạn, và có nhiều nguyên nhân. Chúng bao gồm:
 Vệ sinh răng miệng kém. Nếu bạn không đánh răng và dùng chỉ răng (floss) hàng ngày, các mảnh thức ăn còn lại trong miệng sẽ gây ra hơi thở hôi. Một màng bám dính không màu từ vi trùng (plaque) sẽ được tạo thành trên răng của bạn. Nếu không được chải đi, mảng bám này có thể gây kích ứng nướu và cuối cùng sẽ tạo thành các túi chứa mảng bám giữa răng và lợi (viêm nha chu). Lưỡi của bạn cũng có thể chứa vi trùng gây ra mùi hôi. Răng giả không được làm sạch thường xuyên hoặc không vừa vặn có thể chứa các vi trùng và các mảnh thức ăn gây mùi hôi.

 Khô miệng. Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ những mảnh thức ăn dư gây ra mùi hôi. Một tình trạng gọi là chứng khô miệng (xerostomia) có thể gây ra hơi thở hôi vì việc sản xuất nước bọt bị giảm. Khô miệng tự nhiên xảy ra trong thời gian ngủ, dẫn đến "hơi thở buổi sáng", và nặng hơn nếu bạn ngủ mở miệng. Khô miệng mãn tính có thể là do có vấn đề ở tuyến nước bọt và một số bệnh khác.

 Nhiễm trùng trong miệng. Hôi miệng có thể gây ra bởi các vết thương sau khi giải phẫu miệng, chẳng hạn như nhổ răng, hoặc do sâu răng, bệnh nướu răng hoặc vết loét miệng.

 Các tình trạng miệng, mũi và cổ họng khác. Hơi thở hôi có thể xuất phát từ các mảnh đá nhỏ có trong hạch cổ (tonsils) và được bao phủ bởi vi trùng gây mùi hôi. Nhiễm trùng hoặc viêm mãn tính ở mũi, xoang hoặc cổ họng, có thể đóng góp vào chảy mũi phía sau (post nasal drips), gây ra hơi thở hôi.

 Thức ăn. Sự phân hủy các mảnh thức ăn trong và xung quanh răng có thể làm tăng vi trùng và gây ra mùi hôi. Ăn vài loại thực phẩm như hành, tỏi và gia vị cũng có thể gây ra hơi thở hôi. Sau khi bạn tiêu hóa các loại thực phẩm này, chúng sẽ nhập vào mạch máu của bạn, được mang vào phổi và ảnh hưởng đến hơi thở của bạn.

 Những sản phẩm thuốc lá. Hút thuốc gây ra mùi hôi miệng khó chịu. Người hút thuốc lá và người nhai thuốc lá cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh nướu răng, một nguồn gây ra hơi thở hôi khác.
 Thuốc. Một số loại thuốc có thể gián tiếp tạo ra hơi thở hôi bằng cách gây ra khô miệng. Những thuốc khác có thể được tiêu hóa trong cơ thể và phóng ra các hóa chất mang trong hơi thở của bạn khiến có mùi hôi.
 Nguyên nhân khác. Bệnh tật, như một số bệnh ung thư, và các tình trạng như rối loạn chuyển hoá (metabolic), có thể gây ra mùi hôi đặc biệt do các hóa chất mà chúng tạo ra. Trào ngược dạ dày mãn tính (GERD) có thể có liên quan đến hơi thở hôi. Hơi thở hôi ở trẻ nhỏ có thể do một vật lạ, như một mẩu thức ăn, kẹt trong lỗ mũi.

Chẩn đoán

Nha sĩ của bạn có thể ngửi hơi thở từ miệng và từ mũi để đánh giá mức độ mùi hôi. Vì phần sau của lưỡi thường là nguồn gốc của mùi, nha sĩ của bạn cũng có thể cạo ra và đánh giá mùi của nó.
Có những máy dò tinh vi có thể xác định được các chất gây ra hơi thở hôi, nhưng không phải nơi nào cũng có được máy này.

Điều trị

Để giảm hơi thở hôi, hãy giữ cho đừng bị sâu răng và tránh nguy cơ bệnh nướu. Nên luôn giữ vệ sinh răng miệng tốt. Các điều trị khác có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu hơi thở hôi của bạn được cho là do tình trạng sức khoẻ nào đó, nha sỹ sẽ giới thiệu bạn với bác sĩ chính của bạn.

Đối với các nguyên nhân liên quan đến sức khoẻ răng miệng, nha sĩ của bạn sẽ làm việc với bạn để giúp bạn kiểm soát tình trạng đó tốt hơn. Các biện pháp nha khoa có thể bao gồm:

 Điều trị bệnh răng. Nếu bạn bị bệnh nướu răng, bạn có thể được giới thiệu đến chuyên gia về nướu răng (periodontist). Bệnh nướu răng có thể làm nướu răng bị kéo khỏi răng, tạo nên những túi chứa đầy vi trùng tạo mùi hôi. Đôi khi cần làm sạch răng một cách chuyên nghiệp mới loại được những vi trùng này. Nha sĩ của bạn cũng có thể khuyên bạn nên thay thế các thủ thuật phục hồi răng không đúng cách khiến tạo ra một vùng sinh sản cho vi trùng.

 Thuốc rửa miệng và kem đánh răng. Nếu hơi thở hôi của bạn là do sự tích tụ của vi trùng (mảng bám) trên răng, nha sĩ của bạn có thể đề nghị dùng thuốc rửa miệng giết vi trùng. Nha sĩ của bạn cũng có thể đề nghị một kem đánh răng có chứa chất kháng sinh để diệt vi trùng gây ra mảng bám.

Tự chữa

Để giảm hoặc ngăn ngừa hơi thở hôi:
 Đánh răng sau khi ăn. Giữ bàn chải đánh răng ở chỗ làm để sử dụng sau khi ăn. Chải bằng kem đánh răng có chứa chất fluoride ít nhất hai lần một ngày, nhất là sau bữa ăn. Kem đánh răng có chất kháng sinh đã được chứng minh là làm giảm mùi hơi thở hôi.

 Dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ các mảnh thực phẩm và mảng bám khỏi răng, giúp kiểm soát hơi thở hôi.

 Đánh lưỡi của bạn. Lưỡi của bạn chứa nhiều vi trùng, vì vậy đánh lưỡi có thể làm giảm mùi hôi. Những người có lưỡi phủ lớp trắng do vi trùng phát triển quá mức (do hút thuốc lá hoặc khô miệng) có thể nên dùng bàn nạo lưỡi hoặc sử dụng bàn chải đánh răng có kèm bộ phận nạo lưỡi.
 Rửa sạch răng giả hoặc dụng cụ răng. Nếu bạn có cầu răng hay răng giả, hãy rửa sạch chúng ít nhất một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của nha sĩ. Nếu bạn có một miếng giữ răng hoặc miếng bảo vệ miệng, hãy làm sạch nó trước khi đưa nó vào miệng. Nha sĩ của bạn có thể giới thiệu sản phẩm làm sạch tốt nhất.
 Tránh miệng khô. Để giữ ẩm miệng, tránh hút thuốc lá, và uống nhiều nước - không phải là cà phê, nước ngọt hoặc rượu, là những thứ có thể dẫn đến khô miệng hơn. Nhai kẹo cao su hoặc nút kẹo (không có đường) để kích thích ra nước bọt. Đối với chứng khô miệng mãn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn có thể kê toa mua nước bọt nhân tạo hoặc một loại thuốc uống kích thích nước bọt.
 Điều chỉnh cách ăn uống của bạn. Tránh các thực phẩm như củ hành và tỏi có thể gây hôi miệng. Ăn nhiều chất ngọt cũng có liên quan đến hơi thở hôi.
 Thường xuyên thay bàn chải đánh răng mới. Nên thay bàn chải đánh răng của bạn khi nó bị sờn, khoảng ba đến bốn tháng một lần, và chọn bàn chải đánh răng có lông mềm.
 Khám răng miệng định kỳ. Thường xuyên gặp nha sĩ của bạn - thường là hai lần một năm - để kiểm tra và làm sạch răng hoặc răng giả của bạn.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT