Đạo và Đời

Chúa hiện ra với các môn đệ

Wednesday, 15/04/2020 - 07:48:02

Các cửa phòng nơi các môn đệ họp đều được đóng kín, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến được với họ.


(Getty Images)

 

Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

​Trong những ngày của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta có dịp nghe lại những câu chuyện Tin Mừng khác nhau về sự kiện Chúa Giêsu sống lại. Mỗi câu chuyện như một ống kính ghi lại những chi tiết khác nhau để giúp các tín hữu hiểu rõ hơn. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa hiện ra với các môn đệ của Ngài khi họ đang họp với nhau trong phòng đóng kín vì sợ người Do Thái.

​Trước hết bài Tin Mừng cho biết cả hai lần Chúa hiện ra đều vào ngày thứ nhất trong tuần. Đối với người Do Thái, ngày sabbath của họ là ngày thứ Bảy của chúng ta, và ngày thứ nhất trong tuần là ngày Chúa Nhật, ngày chúng ta mừng kính Chúa sống lại. Ngay từ thế kỷ đầu các tín hữu sơ khai đã gọi ngày thứ nhất trong tuần là Ngày của Chúa. Từ đó Giáo Hội đã chọn Ngày của Chúa để cử hành Thánh Lễ mừng kính Chúa sống lại. Khi đức tin được truyền bá tại Việt Nam, cha ông chúng ta đã chuyển dịch cụm từ này rất chính xác, gọi Ngày của Chúa là Chúa Nhật. Nhiều sách vở gọi là Chủ Nhật, nhưng chính xác phải là Chúa Nhật. Khi sử dụng chữ và nghĩa chính xác, các Kitô hữu đã nói lên sự thật, tuyên xưng niềm tin, và loan truyền việc Chúa sống lại.

​Điểm thứ hai bài Tin Mừng đã đề cập đến đó là các cửa phòng nơi các môn đệ họp đều được đóng kín, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến được với họ. Các cánh cửa đã được đóng kín là vì các môn đệ sợ người Do Thái tới bắt, nhưng những cánh cửa này còn có tác dụng đặc biệt khác là minh chứng thân xác phục sinh Chúa Giêsu đã được biến đổi, khác với thân xác trước khi Ngài chịu chết. Ngài không hiện ra như hình bóng vì hình bóng được ví như ma hiện về, nhưng Ngài hiện ra với thân xác còn nguyên vẹn. Nếu không, Ngài đã chẳng kêu Tôma, “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy.”

Không ai có thể va chạm đượchình bóng, nhưng chỉ có thể va chạm vào thân xác có xương thịt. Điều lạ ở đây là mặc dù thân xác Chúa Giêsu vẫn còn bằng xương bằng thịt, nhưng gỗ đá không thể cản trở được Ngài. Do vậy Giáo Hội gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác vinh hiển.

​Điểm thứ ba là lời chúc bình an của Chúa. Trong cả hai lần hiện ra, lời đầu tiên Chúa nói với các môn đệ: “Bình an cho các con.” Shalom – Peace – Bình An, là chữ người Do Thái thường dùng để chào nhau khi gặp cũng như khi chia tay để chúc cho nhau sức khỏe, thịnh vượng và mọi chuyện tốt đẹp. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu, điểm chính của lời Ngài chúc bình an vượt lên trên những gì con người chúc cho nhau. Chúa phán, “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14:27).

Đối với người thế gian, bình an là được sống trong thái hòa với sức khỏe tốt, vật chất đầy đủ, và mọi chuyện may mắn, nhưng đối với Chúa Giêsu, bình an của Ngài vượt lên trên những gì thế gian tìm kiếm. Điều này có nghĩa là cho dù phải sống trong bách hại và mất hết tất cả những gì cần thiết cho một cuộc sống bình thường, người môn đệ Chúa vẫn cảm thấy bình an. Đây là bình an mà chúng ta cần có trong mọi hoàn cảnh, và đây cũng là bình an chúng ta lãnh nhận trong mỗi Thánh Lễ khi linh mục chủ tế nói: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.”

​Điểm sau cùng là Chúa ban quyền tha tội cho các môn đệ của Ngài. Điểm cần lưu ý ở đây là Chúa không ban quyền này cho mọi người trong đám đông dân chúng, nhưng Ngài chọn riêng nhóm môn đệ của Ngài để thổi hơi trên các ông và truyền cho các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Các Tông Đồ sau này cũng không truyền lại quyền tha tội này cho bất cứ ai, nhưng chỉ truyền lại cho các giám mục và các linh mục, mà chúng ta quen gọi là “Hội Thánh tông truyền,” được truyền lại từ các Tông Đồ.

​Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô đã đem lại cho các tín hữu niềm hy vọng vững vàng vào sự sống và sự sống lại, cùng nhiều ân sủng cần thiết cho đời sống đức tin. Chúng ta hân hoan mừng Chúa sống lại với tâm tình cảm tạ tri ân và nỗ lực loan truyền tin mừng phục sinh cho mọi người.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT