Đạo và Đời

Chúa Giêsu động lòng thương

Thursday, 30/07/2020 - 06:25:26

Tin Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê giết chết làm chấn động cả miền Galilêa.


Câu chuyện phép màu Chúa Giêsu ban phát thức ăn cho hơn 5,000 người được họa sĩ Giovanni Lanfranco vẽ vào khoảng thời gian từ năm 1620 đến 1623, tức là 400 năm trước đây. (Miracle of the Bread and Fish / Wikipedia)



Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Tin Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê giết chết làm chấn động cả miền Galilêa. Có thể vì lý do này mà bài Tin Mừng ngày hôm nay kể lại là Chúa Giêsu đã lui vào nơi hoang địa vắng vẻ để tránh sự dòm ngó của Hêrôđê, nhưng Ngài chưa kịp lánh mình hay nghỉ ngơi thì rất đông đảo dân chúng, trên 5,000 người, kéo đến tìm Ngài. Lập tức, bất chấp mọi nguy hiểm và mệt mỏi, Ngài đã chữa lành cho họ và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ ngày hôm đó. Lý do duy nhất: Ngài thương xót họ.

Theo bản văn Hy Lạp, chữ “thương xót - σπλαγχνίζομαι – splagchnizomai” diễn tả một cảm xúc thương xót rất mãnh liệt, nói lên sự quặn thắt của ruột gan khi nhìn thấy những hình ảnh đáng thương tâm. Đó là cảm xúc của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy đám đông đến tìm Ngài. Nhu cầu trước mắt của họ trong lúc này là được chữa lành và được cho ăn. Chúa Giêsu hiểu được điều đó, nên Ngài đã lập tức chữa lành cho nhiều người cho đến chiều tối, và sau đó Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn no nê. Điểm đáng lưu ý ở đây là, khi biết được họ đang đau yếu và đói khát, Chúa đã rao giảng bằng chính việc làm chứ không bằng lời nói. Đây là bí quyết mà những nhà truyền giáo sau này đã học được nơi Chúa Giêsu.

Một nhà truyền giáo người Ấn Độ, tên là Premanand, đã viết trong cuốn hồi ký của ông: “Cũng như những ngày xa xưa, thông điệp mà chúng ta muốn gửi đến cho những người lương giáo là Thiên Chúa hằng quan tâm và yêu thương con người.” Ông muốn nói, trong sứ vụ truyền giáo, chúng ta không nên từ chối bất cứ ai vì lý do bận rộn, hay cảm thấy họ phiền toái.

Premanand nói tiếp, “Kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy rằng khi nào mà tôi, hay bất cứ một cộng sự viên truyền giáo, hay một linh mục Ấn Độ nào tỏ vẻ mệt mỏi, thiếu nhẫn nại, hay không có đủ thời giờ, hay phải bỏ đó vì đã đến giờ ăn hay nghỉ ngơi, thì ngay lập tức chúng tôi đã mất đi những người chúng tôi đang phục vụ, và chẳng bao giờ họ trở lại nữa” (W. Barclay). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không bao giờ đánh mất cơ hội quan tâm lo lắng cho dân chúng. Ngay cả khi cần phải được nghỉ ngơi hay bảo toàn lấy tính mạng, Ngài không hề cảm thấy phiền toái.

Ngoại trừ những tình cảm dành cho người thân trong gia đình, không biết có được bao nhiêu người theo Chúa Giêsu có được cảm xúc như Ngài khi nhìn thấy những nỗi thống khổ của nhân loại. Có phải tại vì thế giới này có quá nhiều người đói khổ, và chúng ta đã chấp nhận cho đó là điều thường tình trong xã hội? Vào thời Chúa Giêsu, hoàn cảnh cũng không khá hơn, nhưng Ngài không hề dửng dưng khi nhìn thấy họ. Ngài đã thương xót họ. Họ không phải là những phiền phức Chúa gửi đến cho chúng ta, nhưng họ chính là hình ảnh của Thiên Chúa giúp chúng ta có điều kiện thể hiện tinh thần bác ái để trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

Một trong những thách đố hàng đầu của Giáo Hội nói chung, và cho mỗi người chúng ta nói riêng, là lo cho những người nghèo khổ và đau yếu bệnh tật. Ngó nơi đâu chúng ta cũng thấy có người cần giúp đỡ. Dĩ nhiên chúng ta không thể giúp hết được tất cả mọi người với khả năng hạn hẹp của mình, nhưng điều quan trọng là chúng ta có cảm xúc gì khi thấy hoàn cảnh đáng thương của họ. Cảm xúc biết xót thương người sẽ thúc đẩy chúng ta hành động trong bác ái, như Chúa Giêsu ngày xưa đã nêu gương cho chúng ta.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT