Đạo và Đời

Chúa Giêsu đi trên mặt biển

Thursday, 06/08/2020 - 06:16:37

Bài Tin Mừng ngày hôm nay chứa đựng khá nhiều biểu tượng kỳ bí trong Thánh Kinh.


Tranh cổ nói về câu chuyện Chúa Giêsu đi trên biển để đến con thuyền của các môn đệ của ngài, và ông Peter đã liều lĩnh bước ra biển để gặp Chúa và bị chìm trước khi được Chúa cứu. (Icon by Dahlia Herring)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG
Bài Tin Mừng ngày hôm nay chứa đựng khá nhiều biểu tượng kỳ bí trong Thánh Kinh. Những biểu tượng này được khéo léo lồng vào trong câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển để làm sáng tỏ uy quyền của Thiên Chúa trong thiên nhiên vũ trụ, đồng thời cũng nói lên ơn quan phòng của Ngài dành cho Giáo Hội. Trong khuôn khổ của một bài suy gẫm vắn gọn, chúng ta cùng tìm hiểu bốn hình ảnh tiêu biểu sau đây.

Trước hết là biển cả. Đối với người Do Thái, biển cả luôn là hình ảnh đáng sợ hãi bởi vì ở nơi đó sóng gió và bão tố thường xuyên xảy ra. Cho đến ngày hôm nay, con người vẫn chưa thể khắc phục được sức mạnh của biển cả. Sách Tin Mừng cũng kể lại rằng, một lần kia thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ đã bị sóng gió đánh dữ dội làm cho con thuyền ngả nghiêng khi các ngài đang đi ngang qua biển hồ (Mc 4:35-41).

Hình ảnh thứ hai là con thuyền. Ngay từ những thế kỷ đầu, hình ảnh của con thuyền được dùng để mô tả Giáo Hội, và có khá nhiều tranh ảnh mô tả con thuyền Giáo Hội đang cố vượt sóng để hướng về bến bờ là quê trời. Đó là lý do tại sao khi những ngôi thánh đường được xây cất, người ta đã cho xây theo kiến trúc của một con thuyền. Lòng nhà thờ được tiếng La Tinh gọi “navis,” có nghĩa là con thuyền. Khi nhà thờ hay Giáo Hội mang hình ảnh của một con thuyền, điều này nói lên Giáo Hội mang sứ mạng bảo vệ cho tất cả mọi người bên trong thuyền được bằng an trên con đường về bến quê trời.

Hình ảnh thứ ba là “canh tư đêm tối.” Thời xưa người ta chia thời khắc ban đêm ra làm bốn canh: canh một (6:00 – 9:00); canh hai (9:00 – 12:00); canh ba (12:00 – 3:00); và canh tư (3:00 – 6:00). Canh tư là khoảng thời gian đêm tối chuyển giao từ thời khắc tối nhất qua hừng đông. Kinh nghiệm của những người đi biển thời xưa cho biết những con sóng lớn thường xảy ra vào canh tư.

Hình ảnh sau cùng là Chúa Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ của Ngài. Thực ra với uy quyền của một Thiên Chúa, Chúa Giêsu không cần phải đi trên nước mới có thể tới được thuyền của các môn đệ. Ngài có thể hiện đến với các ông trong tích tắc bất cứ lúc nào. Hơn nữa Chúa lại muốn đi trên biển vào thời khắc tối nhất và nguy hiểm nhất của ban đêm, và đúng vào lúc các thuyền của môn đệ đang “ở giữa biển, bị sóng đánh chập chờn,” nên điều này trước hết nói lên uy quyền siêu phàm của Ngài vượt lên trên hết tất cả mọi đe dọa của thiên nhiên. Trong khi con người chưa thể khắc phục được sức mạnh của biển cả và hoàn toàn bất lực trước nhiều sóng to gió lớn, Chúa Giêsu có thể thanh thản bước đi trên mặt biển. Sức mạnh của biển cả không làm gì được Ngài bởi vì Ngài là chủ tể của mọi biến chuyển trong vũ trụ. Một điểm quan trọng khác đó là, cho dù con thuyền Giáo Hội ở bất cứ nơi đâu, Chúa đều để mắt trông coi; những gì xảy ra cho con thuyền, Chúa đều biết; và khi con thuyền cần đến sự trợ giúp của Ngài, Chúa xuất hiện và dẹp tan mọi đe dọa và sợ hãi. Câu chuyện kể lại là, khi Chúa Giêsu lên tới thuyền, “thì gió liền yên lặng.”

Toàn bộ câu chuyện Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng không một sức mạnh nào ở trong vũ trụ, hay ngay cả những sự dữ con người gây ra có thể sánh được với uy quyền của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa muốn chúng ta vững dạ an lòng là trong mọi hoàn cảnh, Ngài luôn để mắt trông coi mọi biến chuyển xảy ra cho Giáo Hội. Có thể chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, như các môn đệ không nhìn thấy Ngài hoặc chỉ nhìn thấy Ngài mờ mờ như một bóng ma, nhưng Ngài luôn ở bên để bảo vệ chúng ta và Giáo Hội của Ngài. 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT