Đạo và Đời

Chữ Xả trong Từ Bi Hỷ Xả

Wednesday, 04/05/2016 - 08:26:37

Lòng Từ nuôi dưỡng sức sống trong con người. Cho nên càng có lòng Từ thì càng có nhiều sức sống. Sống với lòng Bi thì ta càng che chở, khiến người khác cảm thấy như có bóng mát, cảm thấy muốn nương tựa vào ta hơn. Từ Bi là những thứ mà ma quỷ không thể có được, chỉ bồ tát mới có.

Hôm nay thầy xin nói đến đề tài chữ Xả trong Từ bi hỷ xả.
1/Chúng ta nhắc lại sơ sơ, chữ Từ chỉ sự hiền lành, dễ thương, tánh tình nhẹ nhàng của một con người tu luyện và lúc nào cũng hòa nhã; chữ hòa làm trọng tâm của mọi sinh hoạt. Chữ Từ ở đây có thể thể hiện như một vườn đầy hoa đầy sức sống, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng. Lòng Từ là tấm lòng có thể được nuôi dưỡng cho nên chúng ta mới gọi là từ phụ hay từ mẫu. Tình thương rất nhẹ nhàng, ấm cúng của người cha, người mẹ, nuôi dưỡng chúng ta

Lòng Bi là sự biểu hiện của tình thương. Trong lúc lòng Từ là tánh tình dễ thương, nhẹ nhàng, thì lòng Bi thể hiện tình thương cho ra sự ấm áp như một cây cổ thụ cho ra những tàng cây rộng lớn đầy bóng mát. Khi nói cây cổ thụ, chúng ta không ám chỉ một cây đã nhiều tuổi, mà muốn nói tới sự cao lớn của cây. Cây to như vậy biểu hiệu cho lòng Bi, một tình thương đùm bọc, khiến những người đứng dưới tàng cây đó cảm thấy được che chở.

Lòng Từ Bi giống như một vườn đầy hoa có các cây rất to lớn khiến ta cảm thấy có sự nhẹ nhàng, có bóng mát. Nếu chỉ là vườn hoa không thôi, thì vẫn còn nắng; nhưng bây giờ là có cây cao bóng mát nên tự nhiên rất hài hòa. Từ và Bi đi với nhau giống như vườn hoa có những cây rất to lớn vô cùng. Chúng ta ai cũng muốn cuộc sống của mình có thể đem tới cho người khác những nụ cười, đồng thời ta cũng muốn có một sự đùm bọc che chở cho những người sống chung quanh ta, khiến họ cảm thấy được sự che chở đó, họ muốn gần gũi ta hơn. Cũng như những người thấy có cây lớn, muốn nằm dưới cây đó, muốn ngồi thiền dưới cây đó, muốn trải khăn ra ngồi picnic ăn uống dưới bóng cây.

Lòng Từ nuôi dưỡng sức sống trong con người. Cho nên càng có lòng Từ thì càng có nhiều sức sống. Sống với lòng Bi thì ta càng che chở, khiến người khác cảm thấy như có bóng mát, cảm thấy muốn nương tựa vào ta hơn. Từ Bi là những thứ mà ma quỷ không thể có được, chỉ bồ tát mới có.

Kế tiếp là Hỷ. Hỷ là một sự giải thoát tuyệt đối. Ta bị kẹt vào đâu mà cần giải thoát? Đặc tính của Hỷ là làm cho ta không bị kẹt vào bất kỳ đâu trong cuộc sống. Lúc nào và ở đâu ta cũng có một niềm vui tự tại. Hỷ là đặc tính độc đáo nhất trong bốn yếu tố Từ Bi Hỷ Xả. Hỷ không phải là lúc nào cũng cười, mà có một sự tự tại giải thoát bên trong. Lúc nào ta cũng có niềm vui, thật sự là niềm vui bên trong. Có một sự Lưu Xướng bên trong làm ta cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng. Lúc nào, chỗ nào, nơi nào ta cũng không dễ nổi giận, không sinh ra cáu kỉnh hay nạt nộ, mà ta cảm nhận được cái Hỷ. Cái Hỷ đó tới một mức độ khác thì là Lạc. Hỷ là ở bên trong, dâng lên; còn Lạc là bắt đầu lan tỏa cho chúng sinh bên ngoài để họ cảm nhận được niềm vui. Thí dụ ban Pháp Lạc là cho Pháp làm cho ta cảm thấy có niềm vui. Chữ Hỷ và Lạc là hai trạng thái hơi khác nhau một chút, nhưng đều ở trong tâm thức được giải thoát.

Khi ta hoàn toàn giải thoát thì lúc nào cũng có niềm vui. Nếu không giải thoát thì lúc nào cũng khổ. Khổ là gì? Là sự đóng mạch của niềm vui tự tại trong ta. Khi khổ, ta thường kẹt vào những quan hệ, những bế tắc làm ta quên đi niềm vui sẵn có và tự tại tuyệt đối của bản tánh của mình.

Làn sao đạt tới Hỷ? Chữ thứ tư là Xả vừa là một phương tiện để đạt tới Hỷ, vừa là phương tiện đạt tới Từ, vừa là phương tiện đạt tới Bi, nhưng đồng thời nó cũng là bản thể của tâm thái đặc biệt.

Trong nhà Phật, chữ Xả này là Renunciation, có nghĩa là khước từ, buông bỏ, buông thả ra, phủ nhận. Nhưng có chỗ khác dịch là Equanamity, là một sự bình lặng, bình thản, không nổi lên sự tham muốn sân hận; tâm thái lúc nào cũng ở trung đạo. Giải thích như vậy cũng chưa nói được trọng tâm của chữ Xả.

Nếu coi cách viết của người Trung Hoa, chữ Xả gồm có chữ Thủ cộng với chữ Xá tức một bên là bàn tay đang cầm, một bên là cái nhà. Chữ Xá này rất hay, có nghĩa là cái nhà, mà cũng có nghĩa là tự xưng mình. Nét viết của chữ Xá gồm trên có mái nhà giống như chữ Nhân, ở dưới là cái lưỡi, bộ phận dùng để phát âm. Cái lưỡi có nhiệm vụ đem tất cả chân khí của ngũ tạng vô trong cái lưỡi. Cái lưỡi là cả cuộc sống của ngũ tạng, chơn khí trong người của chúng ta. Dưới chữ Nhân mà có cái lưỡi, có nghĩa là âm thanh hay Mental Sphere, vũ trụ của tư duy, quan trọng cỡ nào. Con người mà thiếu vũ trụ tư duy thì đâu thể gọi là con người được. Hồi xưa họ viết chữ Nhà này để nói tới vũ trụ tư duy, nói tới con người, cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống có tư duy, nếu không cũng chỉ giống như cuộc sống của con vật mà thôi. Con người chúng ta có cả một xã hội, có tư duy, có sự sáng tạo nghệ thuật, văn hóa. Bên trong chữ này là hình ảnh cả một vũ trụ, vũ trụ của tư duy, tư tưởng, tâm linh. Nếu chúng ta đừng nghĩ đó là cái lưỡi mà nghĩ rằng đây là hình ảnh cái nhà, có bề mặt nhà, có hai người ở trong đó. Chữ Khẩu, cái miệng tạo nên cái lưỡi rõ ràng tạo nên chỗ để họ sống với nhau. Ta chỉ nhìn hình thôi chớ không nhìn cái chữ, sẽ thấy đây là hình ảnh cái nhà rất ấm cúng, có hai người như vợ với chồng. Họ nối liền với nhau. Bên dưới có chữ Khẩu mà chúng ta gọi là phạm vi sống của hai người, tạo thành một cái nhà, một gia đình, từ đó sanh ra con cái, cháu chắt. Nhưng tối thiểu đơn vị sống trong cái nhà đó có hai người, một người chồng một người vợ, hòa hợp với nhau.

Có nhiều bác suy nghĩ sâu hơn một chút thì thấy đó là cái nhà của mình, thân thuộc về vũ trụ, tâm tình, tư duy, tư tưởng. Như vậy một bên là cánh tay, một bên là cái nhà, chữ này dùng để nói lên chữ Xả. Người ta thường nói rằng chữ Thủ này mượn âm của chữ Xá để đọc ra Xả. Tại sao mượn chữ Xá mà không mượn chữ khác? Ở đây ý nói là cánh tay mình làm gì với cái nhà đó. Nếu tay mà ôm nhà thì tay phải nằm phía dưới. Nhưng ở đây tay không nằm dưới cái nhà. Nếu tay mà chấp trước vào cái nhà, thì tay phải như cái chảo, nằm phía trên. Nếu tay không quan trọng, nhà quan trọng thì tay nằm bên tay phải. Không, ở đây tay lại nằm bên trái, nói tay quan hệ với cái nhà như thế nào.

Có 10 quan hệ. Nói 10 để cho đúng với tinh thần kinh Hoa Nghiêm.

1/Trình bày: Quan hệ đầu tiên của chữ Xả, trong cái tay với cái nhà, có nghĩa là ta trình bày, diễn đạt. Cánh tay đưa ra, mở ra như giới thiệu người nào. Việc này chúng ta gọi là show up, cho người ta thấy. Chữ Xả đầu tiên mà chúng ta hay thấy diễn tả sự hiển hiện. Cho nên các bác đừng nghĩ rằng chữ Xả là buông ra. Không. Tay ta đưa ra để giới thiệu, trình bày, thí dụ giới thiệu con gái, con trai mình, giới thiệu căn nhà của mình. Chữ Xả đầu tiên với cánh tay đưa ra là để giới thiệu quan hệ giữa ta và cái nhà, là ta đưa tay ra trình bày.

2/Cho ra: Tay ta không cầm cái nhà mà là cho ra, ta buông ra.

3/ Bố thí: Bố thí có nghĩa là người trên cho người dưới. Cho ra thì ta cho người ngang hàng với ta.

4/Cúng dường: là dâng lên cho người cao hơn ta. Thí dụ cúng dường chư Phật.

5/ Cống hiến thân mạng ta cho một công việc gì.

6/ Khai mở: Ta mở cửa căn nhà ra. Chữ Xả còn có nghĩa là khai mở. Chữ Xả không những có ý nghĩa là cho ra, bố thí, cúng dường,mà còn có ý nghĩa là khai mở, nghĩa là trình bày, giới thiệu. Vì sao khai mở? Vì cái nhà này lúc trước đóng, nay ta mở ra.
Các bác, nó có phạm trù lớn lắm chớ không phải chỉ một ý nghĩa. Chúng ta vẫn thường nghĩ Xả là vất, đâu nghĩ rằng Xả là cúng dường đâu. Đàng này là ta trân trọng cúng dường. Nhưng Xả là vất đi cũng là một ý nghĩa.

7/ Vất đi những gì không cần thiết. Ta vất đi vì không ai cần. Ta vất đi cái gì? Thí dụ rác rưởi, những chuyện trong quá khứ trong lòng vì không thể giữ mãi được. Nhưng những chuyện quá khứ này đôi khi làm ta trĩu nặng thì phải trút bỏ.

8/Trút bỏ: chữ Xả còn có ý nghĩa là trút bỏ. Ta bỏ ra, trút ra, không còn gì nữa và ta nhẹ đi. Sau khi vất đi rồi thì ta sạch sẽ, không còn trĩu nặng nữa. Sau khi khai mở rồi thì ta không còn đóng nữa. Sau khi trình bày rồi thì tất cả đều rõ ràng. Nhiều khi chúng ta nói:”Thôi chuyện đó xả đi” tức là ta nói ra hết, ta xả hết. Hay là ta vừa có người thân vừa ra đi, trong lòng ta nặng trĩu vô cùng, bây giờ ta xả ra tức là trút bỏ hết nỗi buồn

9/Buông có nghĩa là ta đang trong trạng thái nắm giữ gì đó, bây giờ ta buông ra. Đây là một trạng thái rất hay. Con người chúng ta lúc nào cũng dễ dàng chấp, chấp đủ thứ tức là người có thành kiến. Bây giờ ta buông. Buông thành kiến, không còn trụ vào thành kiến nữa. Thí dụ thành kiến “Trọng Nam Khinh Nữ” ở trong văn hóa của thời đại cũ của chúng ta rất bình thường. Nhưng nếu ở trong một văn hóa khác, chúng ta thấy chuyện này không bình thường. Cho nên chúng ta phải buông đi những thành kiến. Nó không phải là rác rưởi, nhưng dùng không được thì ta buông. Nếu chấp chước thì ta nên buông ra.

10/Ngừng lại hay thôi: Xả là thôi, ngừng lại không làm nữa. Chuyện đó coi như đóng sổ, không làm nữa, thôi. Cho nên chữ Buông và chữ Thôi chỉ khác nhau ở một điểm. Buông là hành động ta đang chấp, bây giờ ta mở tay ra cho rớt xuống. Thôi là tâm ta đang trong đà tiến tới, bây giờ tự nhiên ta tỉnh ngộ ra.

Xả là cả một nghệ thuật sống rất cao, đòi hỏi một sự nhận tri, nhận biết từ chính mình. Ta biết mình chấp thì ta mới buông. Ta biết là mình đang lao đầu vào chỗ sai thì ta mới ngừng lại. Đó là tự tri tự giác. Trong cuộc sống có những gánh nặng mà ta cứ tiếp tục theo đuổi, ta bị người khác phê bình một câu là liền đóng tâm lại. Ta đâu biết rằng trạng thái đóng cần được khai mở. Ta muốn an ủi người đang thất tình một câu, nhưng không được vì người ấy đang mang một gánh nặng, mà lời nói của ta không thể hiệu lực. Quan hệ của ta với chính ta mà ta nhận tri được thì mới trút bỏ được.

10 định nghĩa mà thầy vừa cho các bác, ai cũng hiểu, nhưng làm sao mà làm? Đòi hỏi một sự nhận tri nhận biết hay còn gọi là tự tri tự giác rất cao. Ví dụ thấy một người đang nghèo, ta muốn cho, nhưng những người đi chung quanh ta không muốn ta tới cho tiền. Muốn cho thì ta phải làm đúng lúc đúng thời, lúc nào nên làm, chỗ nào nên làm. Bên trong ta biết là cần làm bởi nếu không biết lúc nào cần làm thì ta sẽ chẳng bao giờ làm.
Xả là một sự tự giác cao. Nói cách khác, nếu nhìn từ chơn tâm mà ra thì chơn tâm này giống như không khí, hoàn toàn trống vắng. Bây giờ tự nhiên trong khoảng không gian đó, ta đem gạch, đem cát, đem xi măng xây thành một căn nhà, bên trong bỏ đủ thứ đồ đạc và nói “Đây là cái nhà của tôi, là chỗ tôi sống”. Nhưng thực sự chơn chính của cuộc sống là không gian vô tận. Bây giờ Xả là thế nào? Là ta gỡ từng viên gạch, từ từ bỏ ra từng cục đá, cục xi măng để cuối cùng ta trở lại sự thông thoáng của cái không gian vô tận. Xả có nghĩa là trở về với không gian vô tận đó. Cao hơn một chút, ta có thể nói Xả là ngay trong căn nhà vật chất đầy đồ đạc đó, ta tìm được một không gian vô tận.

Như vậy Xả có hai trình độ. Trình độ thứ nhứt là trình độ hữu vi hữu tác, là trình độ bắt đầu cho người tu tập, phải buông đi những ảo tưởng, bỏ đi những chấp trước, những tánh hư thói xấu, không làm những chuyện khiến ta đau khổ, không nói những câu khiến người khác buồn. Những gì ta đã làm sai, nay không làm nữa. Xả ở trình độ này đòi hỏi một sự tự giác rất cao để có thể làm được những việc đó. Giống như căn nhà đã xây rồi, nay ta gỡ từng viên gạch ra để trở về không gian vô tận.

Trình độ cao hơn một chút thì khi dỡ nhà ta vẫn nhận biết được không gian vô tận ở ngay trong căn phòng của ta. Không gian trong căn phòng này và không gian ngoài trời kia là một, là không gian vô tận. Không khí vẫn là một, là vô tận vô biên. Ta nhìn đồ vật trong căn phòng này thì ta kẹt vào đồ vật. Ta nhắm mắt lại tĩnh lặng để thấy rằng ta đang ở trong căn nhà không gian vô tận. Đó tức là ta đang tu tới mức độ xả thứ nhì.
Mức xả thứ nhì gọi là vô vi, vô tướng. Ở mức độ xả thứ nhất là hữu vi hữu tướng, có động tác ta phải buông ra, phải cho ra, phải bố thí, phải cúng dường, phải khai mở. Phải làm đủ tất cả hành động để làm cho cái nhà của ta biến mất. Giai đoạn Xả thứ nhì gọi là vô hình vô tướng, có nghĩa là vô tác vô vi. Ta không cần làm gì cả ma chỉ nhận tri cái bản tánh hoàn toàn tự tại vô biên, như cái nhà vô lượng vô biên, không có ngăn chận, chia cắt.

Do đó cuộc sống của chúng ta là cuộc sống đặc biệt bởi vì ta phải tìm cho ra cái nhà chân chính của mình. Chữ Xả rất hay, có bàn tay và cái nhà. Ta làm chi với cái nhà đó? Sự nhận tri như thế nào? Nếu ta nhận tri được cái nhà vô biên vô tận, cái nhà bát nhã của ta, thì ta đâu có buông làm chi. Ta với cái nhà là một. Nhưng nếu cái nhà mà ta đang sống cùng, là thân xác này, thì ta cần phải buông. Lúc lâm chung, việc khó nhất là ta có thể buông được cái thân xác này hay không. Vì ta sẽ trở lại tìm cái nhà này. Đó là điều kinh khủng nhất trong cuộc sống của ta: ta không nhận tri, tìm mái ấm của mình mà nhận rằng cái thân này là mái ấm, hoặc những quan hệ giữa vợ hay chồng mình, con mình, những người mà ta thương, ta ghét hoặc ta thù, ta tri nhận và ta trở về mái ấm đó.

Nhưng nếu ngay bây giờ, trong cuộc sống, ta buông xả, vất đi, ngừng lại hay nói đúng hơn, ta trút bỏ những gánh nặng, vất đi những gì không cần thiết, buông ra những chấp trước, những thành kiến và những vật chất và nhìn lại quá trình đi ngược lại với nhân quả, tập cho ra những bố thí, cúng dường thì làm sao? Ta sẽ thấy được một tâm thức hoàn toàn trốn vắng, rỗng rang, không. Cái không đó chính là hệ quả mà cũng chính là bản thể của chữ Xả này.

Nhiều khi chúng ta rất gần gũi với sự giác ngộ chứ không cần tu rất nhiều, rất lâu. Chỉ trong một tích tắc, trong nháy mắt thôi, nếu ta buông được những gì mình chất chứa lâu thì tự nhiên giây phút đó là giây phút tự tri tự giác của mình, nhận ngay ra sự tĩnh lặng vô biên. Nếu không ta cứ nghĩ phải tu 30 năm mới được. Chữ Xả xuất hiện ngay lập tức. Nếu ta cho ra và nhận tri được đây là ta cho ra, nhận tri được là chẳng có người nhận người cho, chỉ là hành động hoàn toàn từ trong tĩnh lặng, từ trong cái Không. Đừng nghĩ tới cái nhà mà nghĩ tới cái không khí. Đừng nghĩ tới chuyện hữu hạn, cảm nhận là vô biên thì tự nhiên các bác sẽ hành cái Xả ngay bây giờ, lúc này và trong mọi lúc, trong mọi quan hệ. Chúng ta không bị kẹt trong hữu hạn. Xả là một hy vọng lớn tuyệt đối làm cho ta trực nhận được chơn không, trực nhận được bản thân của mình. Nó cũng không phải là câu chuyện mà bác cần phải tu 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm hay 100 năm. Không, nó trực hệ ngay với những người có sơ tâm. Tức là vừa mới hiểu Phật pháp là bác có thể làm ngay được, nhận ngay được.

Làm sao? Bác cho ra, cúng dường, bố thí bằng sự tự tri tự giác của mình. Tự tri là nhận biết được một việc tĩnh lặng trong lòng, khi ta làm những chuyện đó. Khi ta nói rằng trút bỏ gánh nặng, thì ngay lúc trút bỏ đó, ta cảm nhận được một sự tĩnh lặng vô biên, một cảm nhận yên bình vô hạn. Đó chính là Xả, thưa các bác.
Đó chính là trạng thái chơn không. Ta phải cảm nhận nó ngay. Khi ta vừa làm hành động cho ra, thì ngay lúc đó ta cảm nhận được. Cảm nhận đó chính là sự giác ngộ. Giác ngộ này chính là Xả. Hy vọng qua quá trình Từ Bi Hỷ Xả này, các bác thấy rằng khả năng của chúng ta để có lòng thương, có được sự hiền từ nhẹ nhàng, có được niềm vui giải thoát, và có được sự trực nhận chơn không, lúc nào cũng hiện hữu trong người chúng ta. Chúng ta biết nó sẵn có nên không tìm ở bên ngoài, cũng đừng nghĩ rằng phải cần lâu ngày dài tháng, mà có thể làm được ngay bây giờ, trực nhận ngay bây giờ. Nếu ta càng làm quen thì càng mau càng dễ. Lúc nào ta cũng cảm nhận được sự tự tại ngay chớ không phải lâu xa gì cả.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT