Gỡ Rối Tơ Lòng

Chồng không muốn trò chuyện với vợ bị mất thính giác

Friday, 23/02/2018 - 08:20:05

ồng đầu ấp tay gối mà giờ đây đối xử với tôi còn tệ hơn người xa lạ. Tôi không biết mình phải làm gì nữa. Tôi cảm thấy mình bị tách rời khỏi xã hội, và cuộc hôn nhân của chúng tôi bắt đầu lạt như nước ốc. Xin cô Ba cho tôi một lời khuyên quý giá. Cảm ơn cô Ba.


Bà bị điếc, khiến ông không kiên nhẫn để nói chuyện khi nghe bà lúc nào cũng hỏi lại “Hả. Hả, ông nói gì?” (Getty Images)

Cô Ba thân mến,

Tôi là MQ, một phụ nữ lớn tuổi sống ở miền nam California. Tôi bị mất thính giác, cô Ba à. Tôi sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ, vì thế chương trình bảo hiểm cũng không được tốt lắm. Chi phí hàng tháng cho máy trợ thính tương đương với chi phí hàng tháng cho một chiếc xe hơi, vì vậy tôi cố gắng hết sức và cương quyết không làm gì cả đối với việc mất thính giác. Những người quen biết rõ chuyện tôi "điếc," họ thường nói to cho tôi nghe, hoặc khều khều lên vai lên tay, nếu họ muốn tôi chú ý nghe họ nói. Thậm chí người lạ cũng chịu khó lặp lại nếu nghe tôi "Hả" "Hả" hoặc nói thật to nếu tôi thú nhận mình bị "điếc."
Vấn đề là ông chồng của tôi, thưa cô Ba. Ổng không muốn nói to cho tôi nghe, hoặc từ chối làm mọi hành động thiện chí để cải thiện việc giao tiếp của chúng tôi. Ổng còn dọa rằng không bao giờ nói chuyện với tôi nữa, vì ổng quá ngán ngẩm khi phải nhắc đi nhắc lại một điều gì đó. Nhiều lần tôi nói với ổng là "anh nói nhỏ quá, em không nghe," ổng vẫn cứ thì thào thì thầm như muốn chọc giận tôi. Còn không thì ổng hét lên muốn bể cái trần nhà. Ổng làm như tôi muốn bị điếc, hoặc làm như việc mất thích giác là lỗi của tôi.
Cô Ba ơi, ông chồng đầu ấp tay gối mà giờ đây đối xử với tôi còn tệ hơn người xa lạ. Tôi không biết mình phải làm gì nữa. Tôi cảm thấy mình bị tách rời khỏi xã hội, và cuộc hôn nhân của chúng tôi bắt đầu lạt như nước ốc. Xin cô Ba cho tôi một lời khuyên quý giá. Cảm ơn cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Thưa chị MQ ở miền nam California thân mến, tôi hiểu được cảm giác "bị tách rời" của chị. Theo tôi nghĩ, chồng của chị - hoặc ổng không thích - hoặc ổng không chấp nhận việc chị bị điếc - do đó ổng muốn trừng phạt chị vì điều đó. Ổng không thích ý nghĩ rằng "vợ người ta nghe gì cũng dạ, còn vợ mình nghe gì cũng hả, hả." Điều mà ổng đang làm với chị, các chuyên gia tâm lý gọi là ngược đãi tình cảm.
Tôi xin chị cùng ổng đi tới một bác sĩ chuyên về tai, để bác sĩ kiểm tra xem mức độ mất thính giác của chị là bao nhiêu. Ổng phải có mặt để có thể nghe bác sĩ chuyên khoa giải thích. Chị nhớ hỏi bác sĩ xem có thiết bị trợ thính nào giá rẻ, để không ảnh hưởng tới ngân sách gia đình, chị nhé. Thân chúc chị lấy lại niềm tin đã mất.

--

Phụ nữ 70 vẫn nhớ thương người tình của hơn 50 năm trước
Cô Ba thân mến,
Năm tôi 17 tuổi, nghĩa là cách đây hơn 50 năm, tôi có đính ước với một người lính Cộng Hòa. Sau đó, tôi phá bỏ lời đính ước vì mẹ tôi không đồng ý. Lúc đó tôi còn nhỏ quá, trẻ quá, không học vấn, không nghề ngỗng, không tiền bạc, và cũng chưa một lần dám cãi lời mẹ nữa. Quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" sai lầm quá, cô Ba ơi! Tôi phải trả giá cho hơn 50 năm chỉ vì không dám cãi lời mẹ. Tôi lấy chồng theo sự lựa chọn của mẹ, nhưng trái tim tôi, trong hơn 50 năm qua, vẫn ấp ủ hình ảnh của người lính Cộng Hòa đó. Nửa đêm giật mình tỉnh giấc, tôi nghĩ tới ảnh.
Trong tất cả các giấc mơ mà tôi có thể nhớ được, giấc mơ nào cũng có ảnh trong đó. Nhiều lần tôi nhớ ảnh tới mức nước mắt trào ra, và tức ngực khó thở. Tôi vẫn còn yêu ảnh quá, cô Ba ơi, nhưng biết làm sao đây?! Từ khi biết ảnh cũng đang có mặt ở nước Mỹ, nhưng ở tiểu bang khác, tôi phải kiềm chế lắm mới không tìm cách liên lạc với ảnh để xin lỗi ảnh. Mong cô Ba cho tôi một lời khuyên, cũng đừng cười người phụ nữ 70 tuổi lẩm cẩm này.

Cô Ba trả lời:
Thân chào chị HH, người phụ nữ chung tình nhất mà tôi từng biết. Thú thật, tôi không có cây đũa thần nào có thể vung lên mà giúp chị xua đuổi nỗi nhớ nhung và hối tiếc của chị. Tuy nhiên, tôi có thể giúp chị nhận ra rằng những kỷ niệm của chị về người lính Cộng Hòa của hơn nửa thế kỷ trước là từ quan điểm của một thiếu nữ 17, chưa có kinh nghiệm sống về cuộc đời. Từ quan điểm đó, chị lý tưởng hóa những điều có thể rất cách xa thực tế.
Bởi vì những tư tưởng này trở nên ám ảnh chị trong suốt hơn 50 năm qua, chị nên tới gặp và nói chuyện với một chuyên gia về sức khoẻ tâm thần có giấy phép. Đừng tự hành hạ mình về một điều không bao giờ có thật, và rõ ràng là trái tim của chị bị tổn thương một cách không hợp lý. Hy vọng chị quyết định tới gặp một chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Thân mến.

-
Chủ nhà có quyền không cho người mắc bệnh mộng du thuê phòng không?
Cô Ba thân mến,
Tôi làm chủ một ngôi nhà rộng lớn có bốn phòng ngủ, vì vậy tôi quyết định cho thuê bớt hai phòng, và có hai người ở trọ. Người thứ nhất trả tiền sòng phẳng và đúng hạn, không trễ một tháng nào. Người này tính tình vui vẻ, thỉnh thoảng còn giúp tôi dọn dẹp sân vườn. Người thứ nhì ở trọ được bốn tháng nay, chưa khi nào trả tiền đúng hạn, và luôn luôn biến mất khi nhìn thấy tôi chà rửa driveway hoặc làm cỏ nơi sân trước.
Tôi sẽ không than phiền về người thứ nhì nếu anh ta đừng mắc bệnh mộng du, vì anh ta nói với tôi như vậy. Ban đêm, anh ta mở cửa đi đâu không biết. Có những buổi sáng, tôi nhìn thấy cửa trước hoặc của garage mở toang. (Chú thích: Cửa garage ăn thông vào một căn phòng trong nhà.) Không chỉ có vậy, anh ta còn "tấn công" vào tủ lạnh của gia đình chúng tôi. Hôm sau thì bảo là không nhớ đã làm gì. Tôi thực sự bực mình khi thấy phần thực phẩm (mà chúng tôi chuẩn bị để sáng hôm sau mang đi làm) bị ăn sạch bách. Tôi nói chuyện với anh ta rất nhiều lần về chuyện này, nhưng anh ta một mực kêu rằng không thể kiểm soát được bệnh mộng du. Lẽ ra anh ta nên nói với tôi về điều đó trước khi ký tên vào hợp động thuê căn phòng.
Thưa cô Ba, người mắc bệnh mộng du có phải là người bị khuyết tật không? Nếu tôi không đồng ý cho anh ta thuê phòng tiếp sau khi hết hạn, tôi có bị kiện là phân biệt đối xử không? Rất mong cô Ba giúp cho một lời khuyên. Trân trọng.

Cô Ba trả lời:
Anh "chủ nhà đau khổ" ở Wisconsin thân mến, vì cửa trước mở toang vào một số buổi sáng, tôi tưởng anh nên nghĩ tới việc lắp đặt một số camera giám sát an ninh. Thiết bị không cần đắt tiền, chỉ cần ghi lại khoảnh khắc người ở trọ này mở cửa vào ban đêm là được. Mộng du và ăn trong khi ngủ có thể được xem là triệu chứng của căn bệnh rối loạn giấc ngủ, hoặc có thể nguyên nhân là do uống một loại thuốc ngủ nào đó. Nếu người ở trọ này bảo là không biết gì hết, anh nên cho anh ta xem đoạn băng video giám sát, đồng thời khuyên anh ta nên tới một bác sĩ chuyên chữa trị rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, vì anh ta không trả tiền đúng hạn, hoặc căn bệnh mộng du của anh ta gây nguy hiểm cho gia đình anh, anh có quyền từ chối cho anh ta kỳ hợp đồng thuê phòng tiếp theo. Lời khuyên của tôi là anh nên tìm tới một luật sư để hỏi cách từ chối cho đúng luật pháp. Thân chúc anh thành công.

--
Con dâu không thích mẹ-của-chồng-cũ nuông chiều cháu nội tuổi teen
Cô Ba thân mến,
Thông thường, con dâu hay than phiền mẹ chồng không ngó ngàng tới mấy đứa nhỏ nhà mình. Còn tôi lại than phiền bà-mẹ-của-ông-chồng-cũ quá nuông chiều đứa con gái mới 14 tuổi của tôi. Tuần nào con bé cũng được bà nội dẫn đi mua sắm. Tôi rất biết ơn bả chuyện đó, nhưng đồng thời cũng "rủa thầm" bả điều đó, vì bả mua cho nó những thứ không phù hợp với tuổi teen.
Con bé mới học lớp Chín, và trường trung học của nó sắp tổ chức buổi tiệc có khiêu vũ để tất cả học sinh cùng "ăn Tết" với học sinh châu Á. Tôi hứa hẹn sẽ dẫn nó đi Phước Lộc Thọ mua sắm cuối tuần. Nhưng trước khi tôi thu xếp thời gian để có thể rảnh nguyên một buổi "ăn chơi" cùng con gái, thì bà-mẹ-của-ông-chồng-cũ "dớt" nó đi mất, và mua cho nó cái áo đầm giá tới $300! Hai bà cháu bí mật mua chiếc áo đầm vì biết rằng tôi sẽ không đồng ý. Nó mới 14 tuổi, mới học lớp Chín, cần gì phải mặc chiếc áo $300 đi dự tiệc nơi sân trường?
Con gái tôi vuốt giận tôi bằng cách hứa rằng nó sẽ không mặc chiếc áo đầm đó vào trường, nhưng nó muốn để dành chiếc áo cho Tết sang năm hoặc Tết sang năm nữa. Tôi phải làm sao đây khi con gái tôi bắt đầu thích ăn diện theo bà nội của nó? Xin cô Ba giúp cho một lời khuyên. Chân thành cảm ơn cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Chào cô TL ở Westminster. Cô đã giải thích cho con gái cô biết rằng cái áo đầm đó quá nhiều tiền so với tuổi của cháu, và khuyên cháu đừng tập thói quen tiêu xài của bà nội. Vấn đề không phải ở cháu bé, mà ở bà-mẹ-của-ông-chồng-cũ của cô. Tôi nghĩ cô là mẹ cháu, ý muốn của cô cần phải được tôn trọng. Cô nên nói chuyện với bà-mẹ-của-ông-chồng-cũ một lần nữa, cảnh cáo rằng nếu bả muốn làm hư con gái cô, bả sẽ không bao giờ được gặp con gái cô nữa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT