Gỡ Rối Tơ Lòng

Chồng không muốn có con, vợ buồn khổ, làm sao giải quyết?

Friday, 01/07/2016 - 11:14:42

Khi chúng cháu còn đi học thì chồng cháu luôn khuyến khích cháu ngăn ngừa có con sợ sẽ làm ngăn cản việc học của hai đứa. Đến khi học xong, chúng cháu làm đám cưới anh cũng nói không nên có con vội để học cho xong chuyên khoa.

Chồng không muốn có con; vợ càng ngày càng lớn tuổi, niềm ước mơ có con càng mạnh thêm. (Getty Images)


Vô hậu
Thưa bác, ngày xưa cháu thường nghe mẹ cháu nói người đàn bà độc ác thì Trời không cho có con. Những người ấy gọi là người vô hậu.

Cháu không biết cháu có phải là một người ác đức không, nhưng mà cháu biết rằng cháu không thuộc loại người vô hậu vì hồ sơ y tế của cháu hoàn toàn bình thường nhưng cháu không thể có con.
Có thể nói rằng cháu được sinh ra dưới một ngôi sao tốt. Gia đình đàng hoàng, bố mẹ cháu đều có học và vì có ít con cho nên chị em cháu cũng đều được học hành tới nơi tới chốn. Anh lớn cháu làm giáo sư đại học, còn cháu có bằng bác sĩ chuyên khoa về ung thư. Cháu lấy chồng cùng nghề. Chồng cháu chuyên khoa về ung thư con nít.

Những điều người ngoài thấy rằng may mắn, hạnh phúc hình như lại không mang ý nghĩa ấy trong cuộc đời của cháu. Khi chúng cháu còn đi học thì chồng cháu luôn khuyến khích cháu ngăn ngừa có con sợ sẽ làm ngăn cản việc học của hai đứa. Đến khi học xong, chúng cháu làm đám cưới anh cũng nói không nên có con vội để học cho xong chuyên khoa.

Bây giờ mọi sự đã xong, tuổi cháu cũng khá lớn, 38 tuổi, cháu có nhắc đến chuyện sinh con thì anh nói anh không muốn có con. Vì nghề nghiệp, hàng ngày anh phải tiếp xúc với những gia đình có con nhỏ đau ốm, anh thấy cầm lòng không đặng. Anh thấy cuộc đời thật đầy đau khổ, sinh con ra làm gì để chúng sẽ phải gánh chịu tất cả mọi đau thương ở đời. Nếu chẳng may chúng bị bệnh nan y thì chúng sẽ khổ sở biết bao nhiêu, mà cha mẹ những đứa bé con có bệnh còn đau khổ hơn gấp ngàn lần. Vì vậy anh không muốn sinh con để chúng chịu mọi cảnh khổ ở đời.

Nghe anh nói vậy cháu thật không biết đằng nào mà cãi lại vì cháu cũng ở trong nghề, cũng nhìn thấy những cảnh thương tâm như anh. Nhưng mà cháu rất muốn có con. Đâu có phải đứa bé nào sinh ra cũng đau ốm, bệnh tật? Rất nhiều đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh thông minh. Anh trả lời, đồng ý là như thế, nhưng có gì bảo đảm là con mình sinh ra sẽ thuộc dòng khỏe mạnh. Đâu có phải cha mẹ thông minh thì sinh con thông minh, cha mẹ khỏe mạnh thì sinh con khỏe mạnh, và cha mẹ thành công thì con cái không bao giờ thất bại. Đó là một sự rủi ro mà anh ấy không muốn thử.

Cháu nghe anh nói chỉ biết khóc và làm thinh. Anh làm cho cháu cũng sợ theo. Nhưng mà mỗi lần hội họp gia đỉnh thấy các anh chị em có con nhỏ cháu thèm và buồn vô tận. Anh biết cháu buồn cho nên lại càng chiều chuộng cháu nhưng cháu đâu có cần những món nữ trang hay xe hơi sang trọng anh mua cho cháu. Cháu chỉ muốn có con. Mẹ chồng cháu cũng đành bó tay luôn và chỉ luôn miệng mắng anh là thằng gàn. Nhiều lúc cháu không biết phải quyết định ra làm sao nữa.
Bác có ý kiến gì không ạ?

Bà Ba Phải trả lời:
Đây không phải là lần đầu tiên bác nghe thấy cái lý luận này, mà bác đã từng nghe nhiều rồi. Không phải là đàn ông mới nghĩ thế mà cũng có một số đàn bà nghĩ như vậy. Bác thấy rằng có một số cha mẹ bình thường những cũng không muốn có con. Không hiểu là vì họ lười và ích kỷ, hay là họ tin vào cái lý luận này.

Nhưng một khi chồng cháu đã không muốn có con mà cháu lại muốn có thì đó là một điều khác biệt quá lớn giữa hai người. Chỉ có cách là một người chịu thua thiệt, bỏ qua ý muốn của mình mà theo người kia thì mới có thể sống với nhau. Nhưng trong trường hợp này, hạnh phúc có còn được duy trì thì cũng không toàn vẹn vì lúc nào trong lòng người chịu thua vẫn cứ có một ám ảnh là mình bị quá thiệt thòi và trong đời sống, chắc chắn sẽ có những lúc sẽ đem câu chuyện này ra làm đề tài tranh luận.

Như vậy cuộc sống hôn nhân sẽ có những trận bão tố bất thường. Có thể lúc đầu, tình yêu còn nồng ấm, cho nên giông bão chỉ thổi qua rồi mặt trời lại sáng chói, nhưng lâu dần ai cũng cảm thấy bị bực bội, bị giằng co bởi cái vấn đề không thể giải quyết này. Bác nói vậy không phải là bác có ý muốn khuyên cháu bỏ chồng. Nhưng bác chỉ muốn báo động cho cháu biết cái chuyện bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng cháu là một vấn đề rất lớn, khó mà tự nó biến đi.

Bây giờ, bác có một ý kiến này. Không ai chịu hoàn toàn thua thiệt, phải đồng ý với người kia, nhưng hai bên cần phải tìm cách dung hòa thì mới có thể giải quyết được. Mỗi bên phải nhân nhượng đối phương một chút, để hai bên cùng cảm thấy ý muốn của mình được tôn trọng.

Cái điều mà chồng cháu dựa vào để thuyết phục cháu không có con là anh làm ở nhà thương nhi đồng, nhìn thấy những đứa trẻ bị bệnh nan y. Chẳng những chúng khổ đau mà cha mẹ chúng còn khổ đau hơn thế, vì vậy tại sao lại đưa một sinh vật non nớt vào đời để chúng có cơ hội chịu đau thương như thế. Đó là một lý do rất vững theo bề ngoài.

Nếu chúng ta mổ sẻ sâu rộng trên phương diện nhân sinh và siêu hình thì lý do này chưa chắc đã đúng lắm đâu. Nhưng bác cháu mình không có thẩm quyền để đào sâu hơn nên chỉ áp dụng sự hiểu biết thông thường mà thẩm định thôi. Chồng cháu không muốn có con vì anh không muốn chịu trách nhiệm về những bệnh tật, khổ đau, thất bại mà đứa con anh đưa vào đời sẽ bị gánh chịu sau này.

Nay nếu anh không phải là người đưa đứa nhỏ đó vào đời mà là ngưòi khác đưa – nghĩa là người khác sinh ra chúng – chúng vào đời mà ngay cả những phương tiện cần thiết tối thiểu cũng không có. Ngoài cái sức khỏe thông thường ra, bố mẹ chúng không cho chúng một phương tiện vật chất hay tinh thần gì cần và đủ để có thể sống một cuộc đời bình thường chứ đừng nói đến lớn lên sẽ có thể thành công trong cuộc sống.

Bác muốn nói đến những đứa con nhà nghèo, những đứa trẻ bị cha mẹ vứt vào thùng rác hay bỏ ngoài đầu đường cho ruồi bu, kiến đốt. Có những đứa trẻ sống trong trại nuôi trẻ mồ côi hay đầu đường xó chợ, chúng vẫn có thể tự lực cánh sinh và thành công trong cuộc đời, mặc dù chỉ là một số ít ỏi. Bây giờ cháu sẽ đồng ý với anh là cháu cũng không muốn lãnh cái trách nhiệm đưa con người vào đời nhưng cháu có thể giúp cho những đứa trẻ - hay nói cho rõ hơn - một vài đứa trẻ - đã bị những bố mẹ vô trách nhiệm mang vào đời rồi bỏ rỏi mặc chúng tự lo liệu.

Bây giờ cháu nuôi chúng và cho chúng tất cả những nhu cầu cần thiết để có thể sống một cuộc đời đầy đủ, có mọi phương diện để thành công, hoặc trở nên một hữu ích cho xã hội. Như vậy chẳng cũng tốt lắm hay sao? Ý bác muốn nói cái sự nhượng bộ của cháu là cháu đồng ý không gánh cái trách nhiệm mang một đứa trẻ vào đời, nhưng cháu muốn đem những phương tiện dồi dào mà cháu có sẵn cho những đứa trẻ chẳng may đã bị bố mẹ sinh ra rồi bỏ rơi.

Liệu cháu có thể coi một đứa trẻ không cùng huyết thống với mình như con ruột không? Cháu có thể nuôi con nuôi và cũng vẫn yêu thương như con đẻ không? Nếu cháu và chồng cháu thỏa thuận được thì bác thấy vấn đề của cháu mới được giải quyết. Còn nếu cháu cứ không có ý kiến mà chỉ khóc lóc đau khổ một mình thì bác sợ hôn nhân của cháu xây dựng trên một nền tảng không vững chắc một chút nào.
Ở vào cái tuổi của cháu sinh con cũng đã không dễ dàng rồi mà nhất là chồng cháu không đồng ý thì chẳng ai có thể bắt buộc anh ấy cả. Bác chúc cháu can đảm lên để đấu tranh cho quyền lợi của cháu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT