Tiêu Thụ

Chọn lựa đầu tư trong quĩ hưu 401 K (bài 2)

Saturday, 16/08/2014 - 03:00:00

Bài trước chúng ta đã bắt đầu nói đến cách thức đầu tư trong quĩ hưu 401 K. Để đáp ứng nhu cầu của người đầu tư bình dân, các chuyên viên tài chánh đã “tạo ra” các Mutual Funds, rồi phân hạng chúng theo mức độ rủi ro. Hai sáng kiến này đã đơn giản hóa vấn đề chọn lựa đầu tư khá nhiều. Nhưng cuối cùng chúng ta – và chính chúng ta

Eric Trần



Phân phối vốn liếng ra 3 khu vực, tùy theo hoàn cảnh.
 
Bài trước chúng ta đã bắt đầu nói đến cách thức đầu tư trong quĩ hưu 401 K. Để đáp ứng nhu cầu của người đầu tư bình dân, các chuyên viên tài chánh đã “tạo ra” các Mutual Funds, rồi phân hạng chúng theo mức độ rủi ro. Hai sáng kiến này đã đơn giản hóa vấn đề chọn lựa đầu tư khá nhiều. Nhưng cuối cùng chúng ta – và chính chúng ta, chứ không phải ai khác – là người phải chọn lựa.

Chọn lựa đầu tư tức là quyết định đưa tiền của mình vào ngành nào, lãnh vực nào. Việc chọn lựa cũng được gọi là mua và những thứ chúng ta mua như Stocks, Mutual Funds... cũng được gọi là “sản phẩm”, hoặc đầy đủ hơn là “sản phẩm tài chánh”. Những nơi bán các sản phẩm đó cũng được gọi là thị trường, là chợ.

Tham gia quĩ hưu 401 K, chúng ta phải đi vào một “thị trường” nhất định do chủ hãng của mình giới thiệu, được đặt dưới sự quản lý của một công ty chuyên về tài chánh. Công ty này có quyền tìm các mặt hàng để bày bán, và công nhân trong hãng chỉ được mua hàng tại cái “chợ” mà chủ hãng đã giới thiệu cho mình thôi. Mặc dầu bị hạn chế, nhưng mỗi ngôi chợ cũng có cả hằng trăm mặt hàng, đủ để cho chúng ta rối mắt, nếu là người thích chọn lựa thì cứ tha hồ chọn mệt nghỉ.

Hai câu hỏi tự đặt

Nhưng không giống như khi chọn lựa một sản phẩm hữu hình, như miếng thịt, bó rau, cái xe hơi, cái kềm, cái búa… vốn là những vật thể hiển hiện trước mắt, sự chọn lựa đầu tư là cân đo giữa rủi ro và lợi ích tiềm tàng trong tương lai. Để giúp chúng ta đánh giá sản phẩm trước khi mua, công ty quản lý “chợ” cũng trình bày những đặc tính căn bản của mỗi sản phẩm, chẳng hạn nó đã có từ bao lâu, và lời lỗ ra sao trong trong thời gian qua. Cách bày hàng thật hấp dẫn và rõ ràng, nhưng không loại trừ được yếu tố rủi ro. Bởi vì, những sản phẩm đã từng đưa lại mức lời cao trong quá khứ không chắc có duy trì được tiến độ tốt đẹp ấy trong tương lai. Một mặt khác, với những sản phẩm có mức lời thấp, cũng không ai chắc rằng nó không thể bốc lên trong vài tháng nữa. Đó là sự may rủi, một yếu tính gắn liền với đầu tư. Sự may rủi làm chúng ta ngần ngại, nhưng cũng chính nhờ nó mà cuộc chơi thêm hào hứng.



Khéo léo đầu tư, quĩ hưu 401 K là nguồn lợi tức phụ thêm, giúp đời sống thoải mái hơn khi về hưu
Như vậy, chúng ta phải chọn mua sản phẩm nào? Các cố vấn chuyên nghiệp cho rằng có 2 câu hỏi căn bản bạn phải tự hỏi và trả lời cho chính mình:

1. Thời gian còn bao lâu (time horizon): Bạn có thể đầu tư trong bao nhiêu năm? 5 năm? 10 năm? Hay 20 năm? Càng có nhiều thời gian, sản phẩm của bạn càng có nhiều cơ hội vượt lên trên sự thăng trầm của may rủi, để từ đó tích lũy một thành quả hấp dẫn. Ngược lại, nếu không còn nhiều thời gian mà lỡ ra giá trị sản phẩm tuột dốc, nó sẽ không còn cơ hội phục hồi, thì tốt nhất bạn nên chọn những thứ “ăn chắc mặc bền”, lợi lộc không bao nhiêu, nhưng bảo đảm vốn liếng không thâm thủng.

2. Khả năng chịu đựng rủi ro (risk tolerance) đến mức nào: Muốn biết khả năng chịu đựng, chúng ta hãy tiên liệu những trường hợp bất như ý. Hãy tự đặt những câu hỏi: Nếu tháng sau, sản phẩm của mình mất giá trị tới 20%, 50%, thậm chí 60% , cuộc đời mình sẽ ra sao? Còn sống được không? Gia đình có tan nát không?.... Nếu sẵn sàng chấp nhận xui xẻo, bạn có thể đầu tư vào những sản phẩm nhiều rủi ro nhưng hứa hẹn lợi lộc lớn. Và ngược lại, chỉ nên đầu tư vào những sản phẩm an toàn.

Phân phối đầu tư

Phân phối đầu tư (Asset Allocation) là ứng dụng sự khôn ngoan và kinh nghiệm rút ra từ câu chuyện sau: Một cô thôn nữ đội rổ trứng gà ra chợ bán, cô nghĩ tới lúc bán được tiền, cô sẽ mua thêm một đàn gà nhiều con hơn, có tiền cô sẽ nuôi heo, từ heo cô sẽ nuôi bò, rồi từ từ sẽ có một đàn bò, và làm chủ cả một trang trại…. Nghĩ tới đó, cô vui mừng nhẩy cẩng lên, quên rằng trên đầu đang đội một rổ trứng, khiến những trái trứng rơi xuống, vỡ nát. Thế là đi đời cả đàn gà, đàn heo, đàn bò và trang trại.

Từ đó, cổ nhân có lời khuyên: Đừng đặt hết mọi trái trứng vào cùng một rổ.

Câu này áp dụng vào đầu tư có nghĩa là: Phải phân chia vốn liếng của mình ra, và đầu tư vào nhiều khu vực khác nhau. Tùy theo thời gian dành cho đầu tư, các cố vấn tài chánh đề nghị phân phối vốn liếng như sau:

1. Nếu chấp nhận rủi ro cao và còn nhiều thời giờ đầu tư, bạn có thể dành 10% cho các sản phẩm thuộc khu vực “Cash Equivalent”, 10% cho khu vực Fixed Income, và 80% cho khu vực “Equity” (xin tham khảo bài tuần trước về ý nghĩa của từng khu vực)

2. Nếu không thể chấp nhận rủi ro, vì không còn thời giờ nữa, bạn nên chia vốn liếng của mình làm 3 phần đều nhau: 33.33% cho Cash Equivalent, 33.33% cho Fixed Income, và 33.33% cho Equity.

Trên đây chỉ là một gợi ý căn bản. Công ty quản lý 401 K của bạn có thể còn đưa ra những đề nghị chi tiết hơn, ứng với từng hạng tuổi. Với sự hướng dẫn của công ty quản lý và những tiêu chuẩn định hướng, rổ trứng của chúng ta chắc chắn sẽ dẫn đến những viễn cảnh tươi sáng: Không có cả trang trại bò thì ít ra cũng được một đàn heo…, chứ không đến nỗi tan nát như rổ trứng của cô thôn nữ đâu.
Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT