Người Việt Khắp Nơi

Chợ trời Golden West gần Little Saigon vào mùa hè có gì vui?

Sunday, 24/07/2016 - 11:32:00

Khoảng 1 giờ trưa, thấy chỗ vựa bán hải sản đã dọn dẹp sạch sẽ, chỉ còn một người đàn ông ngồi không, hỏi thăm thì được biết ông tên Đỗ Mai, ông đã bán hết hàng, đang ngồi chờ cho tới hết giờ để đi về, vì quy định của office là sau 2 giờ rưỡi người bán mới được rời khỏi chợ.

Bài THỦY NGÂN

Người ta đi chợ trời với rất nhiều lý do, vì muốn tìm mua đồ cổ độc lạ để kinh doanh, mua phụ tùng hoặc đồ đã qua sử dụng rẻ bèo, hoặc đơn giản vừa đi bộ tập thể dục vừa ngắm nghía bà con đi chợ. Chợ trời Golden West đáp ứng hết tất cả những lý do trên.

Người đi chợ trời thường đẩy những giỏ hàng như thế này để tiện mua sắm và đi lại. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Tọa lạc trong khu vực bãi đậu xe khá lớn của trường đại học cộng đồng Golden West, hầu như không người buôn bán ở đây nhớ rõ nó đã có từ lúc nào, chỉ biết là lâu năm lắm rồi. Hàng hóa ở đây lúc nào cũng đầy áp với đủ mọi chủng loại, giá cả đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Nên vào hai ngày cuối tuần nơi đây đông đúc và náo nhiệt. Nhất là vào mùa hè, khi các em học sinh được nghỉ học, các gia đình thường rủ nhau đi chơi. Chợ trời cũng là địa điểm thú vị thích hợp cho cả gia đình.


Thượng vàng hạ cám món gì cũng có thể tìm thấy ở chợ trời. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Vào một sáng hè Chủ Nhật giữa tháng Bảy 2016, không khí trong chợ cũng nhộn nhịp hơn hẳn nên các gian hàng cũng tấp nập hơn. Những gian hàng của người Việt ở đây cũng rất đa dạng từ quần áo, đồng hồ, làm chìa khóa, nước uống bánh kẹo, cây kiểng…

Vợ chồng cô Sáu bán cây kiểng chia sẻ, “Tụi tôi bán ở đây được bốn năm. Cái này mình mua, mình lấy của người ta, mình chỉ bán lại thôi. Cô chỉ được bán ngày Chủ Nhật là được chỗ, còn ngày thứ Bảy cô không có chỗ, cô phải get in line, nếu ra office người ta nói hết chỗ là cô phải dìa, còn bữa nào có chỗ thì bán, hổng có được cố định. Ngày Chủ Nhật thì mua từng tháng. Tháng này cô được ngồi đây, có thể tháng sau cô ngồi chỗ khác.

“Ở đây thượng vàng hạ cám đều bán được hết. Có những cái cây bán được ngàn mấy như cây sa-pô-chê mà có chừng năm bảy trái là ngàn mấy không à. Cô thì cũng già rồi tiền hưu sống hông đủ thì ra kiếm thêm chút đỉnh cho đủ (cười), ở đây cũng vui.


Chú Đỗ Mai đang ngồi ở gian hàng hải sản đã dọn dẹp xong xuôi, chờ hết giờ để đi về. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


“Chủ yếu bán cây ăn trái xoài, mít, sa-pô-chê, trái cây vùng nhiệt đới, khách mình chủ yếu người Á châu. Việt Nam mua nhiều lắm, hầu hết bán cho người Việt. Cô tới đây lúc 6 giờ, cô kết thúc lúc 2 giờ rưỡi. Mùa nào cũng vậy, đó là giờ office nó quy định, mình không được ra trước 2 giờ rưỡi, bán có hết cây đi nữa cũng lên xe nằm ngủ chờ tới giờ mới được về. Thường là mùa hè bán được, tại mùa đông lạnh, cây Á châu mình trồng nó khó.”

Ông Hải chủ gian hàng bán dụng cụ câu cá và đồ nghề linh tinh cho biết, “Chú bắt đầu bán từ năm 2000, mới có mười mấy năm hà (cười), hồi đầu bán quần áo nhưng bán chậm quá. Bán làm ăn chỉ có từ tháng Sáu đến tháng 10 là ngon nhất. Từ tháng 10 tháng 12 bán đồ Noel đồ Tết. Từ đây đến đó mình bán đủ thứ đồ hằm bà lằng người ta xài.


Gian hàng bán dụng cụ câu cá và những đồ nghề linh tinh như bánh xe nhỏ, ốc vít… nên đa số khách tìm đến đây đều là đàn ông. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


“Mình bán đủ thứ. Khách người Việt Nam, Mễ, Mỹ đủ thứ người hết. Chú bán một chỗ thôi, dời đi nhiều người ta không có biết, bán cái nào ta xài rồi người ta biết tốt người ta tới mua. Chú bán cả hai ngày cuối tuần luôn. Chú bán bánh xe nhỏ nhỏ người ta cần cho giường tủ đồ để người dọn dẹp cho gọn, còn cái này cần câu để câu cá.”

Khoảng 1 giờ trưa, thấy chỗ vựa bán hải sản đã dọn dẹp sạch sẽ, chỉ còn một người đàn ông ngồi không, hỏi thăm thì được biết ông tên Đỗ Mai, ông đã bán hết hàng, đang ngồi chờ cho tới hết giờ để đi về, vì quy định của office là sau 2 giờ rưỡi người bán mới được rời khỏi chợ.

Đang rảnh nên ông Mai cũng vui vẻ nói thêm, “Phải 2 giờ mình mới lấy lều dọn đồ được, rồi mình phải chờ thêm khoảng gần 2 giờ 15 mình mới ra được. Buổi sáng nếu ngày thứ Bảy nó mở cửa cho vô lúc 5 giờ. Sớm lắm, như vậy mình phải thức dậy lúc 4 giờ mình mới sửa soạn kịp. Nếu như khoảng 20 phút nữa tới 4 giờ, mình thức dậy có ăn sáng chút đỉnh rồi mình chạy lại đây. Chú ở cũng xa. Chú ở Anaheim.”
Về hàng hải sản được bán, chú Mai nói, “Cái này là hàng đánh bắt từ bên Mễ, có tàu bên đó, nó (chủ) chở về bỏ cho bán sỉ một mớ nào rồi, chừa lại một ít cho bán lẻ. Nó đem về đây, chú đứng bán ăn công thôi, ví dụ như một ngày ăn một trăm đồng hay là bao nhiêu thôi. Có một người đàn bà bán phụ chú ở đây, bả về trước rồi. Nó thuê cố định ở đây, một cái line từ đây qua đây cũng bốn mươi mấy đồng. Cố định luôn, không có đi get in line, bốc thăm gì hết. Nó bán từ đó đến nay cũng hai năm mấy.
“Bán chủ yếu là cá, có khi có cua, cua đá, có khi có cua nhện con bự bự, cua nhện thì (bây giờ) chưa tới mùa đó. Thường thường ít nhất khoảng 12 giờ đến 1 giờ (bán xong). Hôm nay hết sớm tự vì bán ngày thứ Bảy rồi, hôm nay còn lại ít mau hết. Có bữa bán cũng còn nhiều, về phải đông lạnh, tuần tới đem ra bán rẻ. Tại nói đông lạnh cũng không ngon bằng nó đang tươi.


Chồng cô Sáu đang vui cười trước gian hàng cây kiểng của vợ, hỏi tên thì ông ngại không chịu nói với lý do ông đi làm, chỉ ra phụ vợ mấy bữa. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


“Khách thì khoảng bảy giờ 7 giờ mấy là có. Tự vì mấy người đi mua cá người ta cũng muốn đi trước để có cá ngon. Khách người Việt Nam nhiều, với người Mỹ thì mua loại cá yellow tail, cá ngộ, người Nhật, Đại Hàn thì nó mua cá ngộ ăn sống. Cá đó tươi lắm. Cá ngộ con bự thì mắc tiền 5 đồng một pound, còn cá yellow tail thì 4 đồng một pound. Mùa hè người ta mua nhiều, mùa đông thì ít thôi. Mùa đông thì có cua đồ nhiều.
“Mình làm cái này thì cực hơn người ta, mấy cái bàn mấy cái thùng mình chất, rồi nữa về phải rửa lại không thôi cá nó hôi. Nên mình chất làm sao để mình xuống dễ. Xe của chủ luôn, mình chỉ bán thôi. Chú làm cỡ 9 đến 10 tiếng.”
Gặp ba ông chú cùng sống ở thành phố Westminster đang vừa đi vừa rôm rả nói cười, chúng tôi cũng chạy lại bắt chuyện
Phóng viên(Pv): “Chào mấy chú, mấy chú đi nãy giờ hết chợ chưa?”
Ông Trần Phương: “Ừ, cũng gần gần hết rồi, còn một gian hàng nữa là hết.”
Pv: “Mấy chú mua được cái gì chưa?”
Ông Lê Phùng: “Tui mua được mấy đôi vớ.” Vừa nói vừa chỉ vô trong bịch.
Ông Khanh Nguyễn: “Mấy dĩa phim.”
Ông Trần Phương: “Mua mấy cái lon uống nước ngọt.”
Pv: “Mấy chú thấy chợ trời này như thế nào?”
Ông Trần Phương: “Ờ, thì cũng vui.”
Ông Nguyễn Khanh nhà ở đường Bolsa: “Hỏi ông này nè (chỉ ông Phương), ổng rành chợ trời lắm, tuần nào ổng cũng đi.”
Pv: “Ồ tuần nào mấy chú cũng đi?”
Ông Trần Phương: “Đi tập thể dục, đông vui mà.”
Pv: “Mấy chú tuần nào cũng rủ nhau đi?”
Ông Trần Phương: “Có khi đi một mình, có khi gặp thì rủ nhau đi.”
Pv: “Chú có đặc biệt ưng ý với món hàng nào ở đây không?”
Ông Trần Phương: “Đi chơi thôi, món nào rẻ vừa túi tiền thì mình mua.”
Kết thúc phần thăm hỏi, phóng viên có nhã ý chụp hình ông chú thì chỉ có 2 ông chịu cho chụp, còn ông chú Trần Phương mắc cỡ từ chối.
Chợ trời ở Golden West thu hút nhiều người vì nơi đây miễn phí vào cổng, miễn phí đậu xe. Và đặc biệt khi mua đồ ở chợ trời, người mua được thoải mái trả giá. Một việc không hề có ở trong Costco, Target, Walmart hay các chợ Việt Nam, những nơi mà giá cả đều đã được ấn định sẵn.
Đi chợ và trả giá đôi khi làm cho người Việt nhớ đến những ngôi chợ ngày xưa ở Việt Nam. Và tất nhiên ai giỏi trả giá sẽ có thể rinh về được món đồ với giá rất hời. Nhưng điều đó hiếm bởi người ta hay nói, “Chỉ có người mua lầm, người bán không bao giờ lầm.”


Một cô người Việt Nam đang thử nón, một cái nón kiểu ở chợ trời có giá $6 nhưng nếu vào những trung tâm mua sắm phải trên mắc gấp đôi ba lần. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Nhưng có sao đâu, miễn thuận mua vừa bán, đôi bên cũng có lợi. Người bán có lợi nhuận người mua có món hàng mình ưng ý với giá rẻ, ai cũng vui vẻ.


Từ trái là ông Lê Phùng và ông Nguyễn Khanh. Họ và ông Trần Phương cũng sống ở Westminster cùng nhau dạo chơi trong chợ trời. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT