Đạo và Đời

Cho người già bệnh (Kỳ 3)

Wednesday, 17/10/2018 - 07:54:46

Thứ hai là phải dứt tâm oán thù. Nếu ôm tâm oán thù thì khi nhắm mắt chúng ta sẽ theo nghiệp oán thù, đền đền trả trả không có ngày cùng. Nghĩa là mình thù người, sanh ra gặp lại nhau rồi hại nhau, đau khổ chồng chất không biết đến đâu cho hết. Vì vậy chúng ta phải dứt tâm oán thù.


Một tăng sĩ đang chăm sóc con chó, trong khi con khỉ ngủ trên cổ ngài. Bố thí tình thương cho muôn loài sẽ giúp chúng ta không bị đọa vào đường khổ lúc lâm chung. (Getty Images)


Bài HT THÍCH THANH TỪ

Tiếp theo, tôi sẽ nói về những điều cấm kỵ của người khi sắp lâm chung. Những điều cấm kỵ là những điều không nên làm khi chúng ta biết đạo lý.

Một là lúc sắp lâm chung cấm kỵ không nên sân giận. Dù cho có điều gì trái ý cũng phải bỏ qua để lo cho cái chết của mình, không nên sân giận làm gì. Nếu sân giận thì chúng ta sẽ đọa vào cõi dữ làm những con vật hung dữ khó thể tránh khỏi. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là phải dứt tâm oán thù. Nếu ôm tâm oán thù thì khi nhắm mắt chúng ta sẽ theo nghiệp oán thù, đền đền trả trả không có ngày cùng. Nghĩa là mình thù người, sanh ra gặp lại nhau rồi hại nhau, đau khổ chồng chất không biết đến đâu cho hết. Vì vậy chúng ta phải dứt tâm oán thù.

Thứ ba là tâm yêu mến con cháu, tiếc của cải, v.v.. Đó là mối hiểm họa, nghĩa là vì yêu tiếc mà đôi khi bị trầm luân hay là trở lại làm những con vật không tốt.

Trong sử ba mươi ba vị Tổ có kể về một vị Tăng Ấn Độ. Một hôm ngài đi khất thực ngang qua nhà ông trưởng giả, nhưng ông trưởng giả đi khỏi. Trong nhà có con chó chạy ra sủa rất to. Ngài nhìn nó và quở, “Ngươi vì bệnh tiếc của mà trở lại làm chó, đã không biết còn sủa om sòm!”

Nghe nói như vậy con chó buồn bỏ ăn. Ông trưởng giả về, thấy con chó cưng của mình bỏ ăn, ông liền hỏi lý do và được người nhà kể lại rằng hồi sớm mai có một vị Sa Môn đi ngang, nó thấy liền sủa. Rồi không biết ông ấy nói gì với nó, từ đó nó buồn, bỏ ăn. Ông hỏi vị Sa Môn ấy ở đâu và tìm gặp được ngài.
Với tâm rất sân hận, ông hỏi, “Hồi sáng ông nói gì mà con chó của tôi nó buồn đến bỏ ăn?”
Ngài bảo, “Ông đừng nóng, để tôi nói cho ông nghe. Con chó đó là cha của ông.”
Ông càng tức hơn, hỏi, “Tại sao con chó đó lại là cha tôi?”

Ngài nói, “Nếu ông không tin ta, ông hãy về tìm ngay giữa giường nơi cha ông khi xưa ngủ mà bây giờ là chỗ con chó hay nằm đó, ông đào xuống sẽ thấy một ché vàng. Vì khi cha ông chết không kịp trối trăn lại với ông, nên bây giờ tiếc của mới sanh trở lại làm chó để giữ của. Nếu không tin ta, ông hãy về đào lên sẽ thấy!”
Khi ấy vị trưởng giả không còn lớn tiếng với Tổ nữa, mà trở về đào chỗ Tổ chỉ. Quả nhiên ông thấy có một ché vàng. Ông liền chạy tới xin Tổ cứu cha ông. Tổ khuyên trưởng giả nên đem của đó bố thí để cha ông hết nghiệp. Trưởng giả nghe lời Tổ dạy liền đem ché vàng bố thí. Sau đó con chó chết.
Như vậy, vì yêu tiếc của nên trở lại làm chó để giữ của. Đó là điều đáng sợ. Nên ở đây tôi nhắc ba điều cấm kỵ trước khi lâm chung, Phật tử phải nhớ đừng bao giờ để xảy ra. Tôi lặp lại, điều thứ nhất là tâm sân giận; điều thứ hai là tâm oán thù; và điều thứ ba là tâm yêu tiếc, tức yêu con tiếc của. Nhớ, đừng có ba tâm đó mới khỏi đọa vào con đường khổ. Có ba tâm đó là nguy hiểm.

(Còn tiếp kỳ 4: Nếu khi sắp lâm chung mà khởi tâm thiện thì sẽ được điều lành, điều tốt. Tâm thiện là tâm gì?)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT