Đạo và Đời

Cho người già bệnh (Kỳ 2)

Wednesday, 10/10/2018 - 07:55:24

Chúng ta thấy rằng cả đời Devadatta đã tạo những nghiệp ác nhưng khi sắp lâm chung ông đã có tâm thức tỉnh, hối cải. Vì vậy, sau này khi nghiệp ác hết, ông sanh về cõi lành và được tu hành chớ không mất luôn chủng duyên lành.


Sư Ông Trúc Lâm, tức Thiền Sư Thích Thanh Từ, trong hình không rõ ngày và nguồn. (Facebook)

Bài HT THÍCH THANH TỪ

Trong nhà Phật có nói đến Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp này rất mạnh, có công năng đưa chúng ta tới chỗ tốt hay chỗ xấu khi chúng ta sắp lâm chung.

Trước hết nói Cận Tử Nghiệp của người làm ác. Nếu người khi gần chết khởi tâm ác liền chuyển cả sự tu hành hay công đức trước của mình, liền sanh vào chỗ không tốt.

Trong kinh có kể: Một người tu ngoại đạo đạt đến định Phi Phi Tưởng, nếu người đó chết sẽ được sanh về cõi trời Phi Phi Tưởng. Nhưng khi gần chết gặp chút nghịch duyên, ông nổi giận, bực tức lên rồi chết. Sau khi chết ông sanh làm con chó sói. Như vậy, từ quả vị cõi trời Phi Phi Tưởng mà chuyển làm một con vật xấu xa, đủ cho ta thấy Cận Tử Nghiệp nguy hiểm như thế nào. Cận Tử Nghiệp là nghiệp gần lúc chết. Nếu khởi niệm ác thì nó sẽ dẫn chúng ta sanh vào cõi ác, cõi dữ.

Do đó chúng ta thấy trong cõi người cũng như trong các loài thú, có những người, hoặc những con thú sanh ra một thời gian ngắn liền chết. Chúng ta không hiểu tại sao. Nếu là duyên làm người hoặc làm thú thì phải ở lâu cho mãn kiếp người, kiếp thú, tại sao chỉ một thời gian ngắn thì đi. Đó là lý do để thấy rằng những người ấy lẽ ra không phải sanh chỗ như thế, nhưng vì Cận Tử Nghiệp ác mạnh nên phải sanh chỗ đó.
Thời gian ngắn sau chết, sanh lại chỗ khác theo Tích Lũy Nghiệp, tức là nghiệp chứa đựng lâu dài lúc trước của họ. Vì vậy sức mạnh của Cận Tử Nghiệp đưa đẩy người ta sanh vào chỗ không đúng sở nguyện của mình, chỉ vì cơn nóng giận hoặc khởi những niệm ác lúc sắp lâm chung mà ra như vậy. Đó là tôi nói trường hợp Cận Tử Nghiệp ác.

Kế đến là Cận Tử Nghiệp thiện, tức người gần chết khởi niệm lành. Lúc sắp lâm chung khởi niệm lành liền sanh về cõi lành, dù cho Tích Lũy Nghiệp của họ ác, nhưng nhờ khi sắp chết khởi niệm thiện nên chuyển sang sanh cõi lành. Do sức mạnh của Cận Tử Nghiệp làm cho Tích Lũy Nghiệp mờ đi, nhưng không phải mất. Nghĩa là người ấy phải theo Cận Tử Nghiệp một thời gian. Khi nào Cận Tử Nghiệp hết thì họ mới trở lại Tích Lũy Nghiệp.

Nên nhớ nghiệp tích lũy là nghiệp quan trọng mà chúng ta chứa từ thuở nhỏ cho đến lớn trong đời sống. Giả sử chúng ta chứa điều lành, điều tốt đầy đủ, nhưng giờ chót bị Cận Tử Nghiệp ác lôi đi thì phải trả hết nghiệp cận tử đó rồi mới trở lại với nghiệp tích lũy lành, được quả lành, chớ không phải mất hẳn. Nên lúc sắp lâm chung chúng ta phải dè dặt tối đa, không nên khởi những tâm niệm ác.

Trong kinh nói người phạm hai tội trong năm tội ngũ nghịch là ông Devadatta (Đề bà đạt đa), đức Phật thọ ký khi chết ông phải đọa địa ngục. Do đó lúc sắp lâm chung ông hối hận hướng về Phật chắp tay xin sám hối. Sau này đức Phật kể lại cho ngài Ananda nghe rằng ông Devadatta tuy bị đọa địa ngục vì tội ngũ nghịch, nhưng vì sắp chết ông biết hối hận sám hối với Phật, nên sau khi hết đọa địa ngục ông được trở lại làm người gặp Phật pháp tu hành, cuối cùng cũng chứng quả thành Phật.

Chúng ta thấy rằng cả đời Devadatta đã tạo những nghiệp ác nhưng khi sắp lâm chung ông đã có tâm thức tỉnh, hối cải. Vì vậy, sau này khi nghiệp ác hết, ông sanh về cõi lành và được tu hành chớ không mất luôn chủng duyên lành. Nên biết Cận Tử Nghiệp lành có thể giúp người bị khổ lâu dài chuyển thành khổ ngắn, không còn lâu dài nữa.

Thêm một chuyện nữa.
Có một vị tiên ở cõi trời ba mươi ba. Ông biết mình hết phước và sắp chết. Do có thiên nhãn, ông biết mình sẽ sanh làm con của một trưởng giả ở nhân gian và sau kiếp làm con ông trưởng giả ông thì sẽ bị đọa địa ngục. Hoảng sợ quá, ông khóc rống lên, kêu la cầu cứu.
Khi đó trời Đế Thích đến hỏi, “Vì sao ông khóc kêu cứu như vậy?”
Ông trình bày chỗ thấy của mình. Trời Đế Thích liền khuyên ông nếu muốn được cứu phải qui y Tam Bảo.
Ông hỏi, “Qui y Tam Bảo là sao?”
Trời Đế Thích nói, “Qui y Tam Bảo là qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.”
Ông hỏi, “Bây giờ Phật ở đâu?”
“Hiện giờ Phật đang thuyết pháp ở vườn Trúc tại xứ Nalanda.”
Ông than, “Bây giờ tôi sắp chết làm sao đến đó để qui y được.”
Trời Đế Thích bảo, “Không sao, chỉ cần ông chắp tay hướng về chỗ Phật đang thuyết pháp nói to lên thế này, Con tên … xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Xin Phật cứu con, xin Phật độ con. Ông nói như vậy ba lần.”

Nghe vậy ông liền quì gối chắp tay hướng về vườn Trúc Nalanda, nói ba lần, “Con xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Xin Phật độ con.” Sau khi nói ba lần như vậy rồi, ông liền chết.
Quả thật sanh xuống trần gian ông làm con trưởng giả. Khi con ông trưởng giả lớn lên, một hôm gặp đức Phật khất thực ngang qua nhà. Thấy Phật, ông liền phát tâm muốn đi tu. Sau đó ông được Phật độ tu hành chứng quả Arahan (A la hán).

Qua đó, chúng ta thấy chỉ cần Cận Tử Nghiệp hướng về Tam Bảo mà sau này khỏi đọa địa ngục, còn được xuất gia và tu hành giải thoát. Như vậy Cận Tử Nghiệp rất là quan trọng. Nếu chúng ta không biết, để Cận Tử Nghiệp chuyển thành ác sẽ đưa tới cõi ác. Nếu chúng ta biết, dù trước kia có làm ác, nhưng nhờ Cận Tử Nghiệp thiện thì sẽ đưa tới cõi lành. Do đó người Phật tử chân chánh phải nhớ, phải biết rõ tầm quan trọng của Cận Tử Nghiệp.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa phủ nhận Tích Lũy Nghiệp là nghiệp do chúng ta chứa chất từ khi mới sanh ra cho tới già. Nếu chúng ta làm điều lành nhiều thì gọi đó là Tích Lũy Nghiệp thiện; làm điều ác nhiều thì gọi là Tích Lũy Nghiệp ác. Nếu Tích Lũy Nghiệp thiện, và lúc sắp lâm chung không khởi niệm ác, thì con đường thiện nhất định sẽ đến với chúng ta.

Còn nếu Tích Lũy Nghiệp thiện nhưng khi sắp lâm chung khởi niệm ác thì con đường thiện của chúng ta phải bị quanh co, có khi nó dẫn mình tới chỗ dữ. Ngược lại, nếu Tích Lũy Nghiệp ác nhưng sắp lâm chung khởi niệm thiện thì con đường ác lý đáng chúng ta phải chịu nhưng giờ đây chuyển sang con đường lành.
Nên biết Cận Tử Nghiệp rất mạnh, rất đáng sợ. Quí vị nào tuổi đã lớn, hoặc hay bệnh hoạn nên dè dặt tối đa, không nên tạo ảnh hưởng lớn gây cho chúng ta những đau khổ sau này. Đó là tôi nói về sức mạnh của Cận Tử Nghiệp.

(Đón đọc kỳ 3 thứ Năm tuần tới: Những điều cấm kỵ khi sắp lâm chung)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT