Hoa Kỳ

Chính phủ Trump siết chặt hơn visa diện nhân viên tay nghề cao

Thursday, 21/09/2017 - 07:55:51

Thông thường, một khi bị Sở Di Trú bác đơn xin visa và yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng, các hãng tuyển dụng nhân viên nước ngoài và luật sư phải cung cấp thêm hồ sơ để chứng minh nhu cầu nhân viên của họ, và tính hợp lệ của nhu cầu này, để xin lại visa. Quá trình làm lại hồ sơ này sẽ làm tăng chi phí cho hãng tuyển dụng.

Người nước ngoài đang càng lúc càng khó xin được visa làm việc tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính phủ Trump đang tiếp tục siết chặt diện visa H-1B, dành cho người lao động có tay nghề cao. Số liệu từ Sở Di Trú cho thấy, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 8, cơ quan này đã đưa ra 85,000 yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng, gọi tắt là RFE, đối với các đơn xin visa H-1B, tăng 45% so với cùng thời kỳ trong năm ngoái. Tổng số đơn xin visa H-1B trong giai đoạn này cũng tăng gần 3% so với năm 2016.
Một khi bị nhận yêu cầu RFE, quá trình xét duyệt visa sẽ bị trì hoãn thêm nhiều tháng. Visa H-1B vẫn thường bị chỉ trích là gây thiệt hại cho người lao động Hoa Kỳ, vì giao công việc cho những nhân viên lương thấp đến từ nước ngoài. Ngược lại, các hãng công nghệ, trường đại học, và bệnh viện, lại cho rằng diện visa này giúp họ tìm được các chuyên gia cho các vị trí cần chuyên môn cao, mà đôi khi khó tìm được người phù hợp tại Hoa Kỳ. Visa H-1B cho phép người lao động nước ngoài, thường là có bằng cử nhân trở lên, được làm việc 3 năm tại Hoa Kỳ. Các hãng điện toán như Microsoft, Amazon, Google, Apple, Intel, Oracle, và Facebook, là những hãng sử dụng visa H-1B nhiều nhất trong năm 2016.
Thông thường, một khi bị Sở Di Trú bác đơn xin visa và yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng, các hãng tuyển dụng nhân viên nước ngoài và luật sư phải cung cấp thêm hồ sơ để chứng minh nhu cầu nhân viên của họ, và tính hợp lệ của nhu cầu này, để xin lại visa. Quá trình làm lại hồ sơ này sẽ làm tăng chi phí cho hãng tuyển dụng.

Một số tiểu bang cho tăng tiền bảo hiểm Obamacare
Một số tiểu bang đã buộc phải cho phép tăng mức phí của các dịch vụ bảo hiểm y tế Obamacare bán ra trong năm sau, trong bối cảnh tương lai của đạo luật y tế Affordable Care Act vẫn còn bất định. Các nhà lập pháp tiểu bang phải quyết định mức phí bảo hiểm của các dịch vụ Obamacare 2018 vào thứ Tư, theo hạn chót của liên bang. Trong khi đó, các nhà lập pháp Cộng Hòa tại Thượng Viện vẫn đang cố gắng tổ chức bỏ phiếu, để xóa bỏ phần lớn đạo luật Affordable Care Act, còn gọi là Obamacare.
Các tiểu bang bao gồm Kentucky, Mississippi, và Virginia, đã cho phép các hãng bảo hiểm lớn được tăng mức phí trung bình lên cao hơn 25% so với mức phí năm 2017. Việc tiền bảo hiểm tăng nhiều như vậy được các hãng dịch vụ đổ lỗi cho tình trạng lưỡng lự, không chắc chắn của chính phủ liên bang. Mối lo lắng hiện nay của các tiểu bang là không rõ chính phủ có còn tiếp tục trả tiền chia sẻ chi phí giảm giá hay không. Số tiền chia sẻ chi phí này được trả cho các hãng bảo hiểm, để họ tiếp tục giảm giá bảo hiểm cho các khách hàng thu nhập thấp.
Phòng ngân sách Quốc Hội CBO từng ước tính, việc ngừng trả tiền chia sẻ chi phí sẽ khiến giá bảo hiểm tăng khoảng 20%, đối với các chương trình bảo hiểm ở mức trung bình. Ngày 27 tháng 9 sắp tới sẽ là hạn chót để các hãng bảo hiểm quyết định nên bán các chương trình bảo hiểm Obamacare ở đâu. Trong nhiều tháng qua, đã có nhiều hãng bảo hiểm tuyên bố rút lui khỏi thị trường bảo hiểm Obamacare, khiến các tiểu bang phải vội vã tìm các hãng bảo hiểm mới thay thế.

Vũ khí laser bắn rơi 5 máy bay drone khi thử nghiệm
Quân đội Hoa Kỳ hôm thứ Tư công bố video sử dụng hệ thống vũ khí laser Athena của tập đoàn Lockheed Martin, bắn hạ thành công 5 máy bay không người lái (UAV) Outlaw trong một cuộc thử nghiệm tại thao trường White Sands ở New Mexico. Video được quay từ tháng 8, nhưng đến nay mới được công bố. Trong video, các UAV trúng đạn và bốc cháy ở phần đuôi trước khi rơi xuống đất do mất kiểm soát.
Theo Lockheed Martin, Athena sử dụng công nghệ kiểm soát chùm tia laser hiện đại và hệ thống laser sợi quang, được gắn trên các phương tiện quân sự mặt đất. Hệ thống vũ khí được sử dụng trong cuộc thử nghiệm có công suất lên đến 30 kilowatt, bằng một nửa công suất của hệ thống laser năng lượng cao mạnh nhất thế giới mà quân đội Hoa Kỳ cũng mới tiếp nhận.
Vào tháng 4, một xe bọc thép Stryker được trang bị pháo laser (MEHEL) cùng các thiết bị cảm biến của Lục quân, cũng bắn hạ thành công một UAV tại bãi thử Fort Sill. Bộ Quốc Phòng gần đây coi việc phát triển vũ khí năng lượng cao là ưu tiên quan trọng, bởi việc vận hành vũ khí này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho quân đội. Với nguồn năng lượng thích hợp, vũ khí laser sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng hết đạn như các loại súng cối và pháo thông thường.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT