Hoa Kỳ

Chile tiếp tục biểu tình, có liên quan tới “Chiếm Đóng Wall Street”?

Saturday, 15/10/2011 - 07:39:45

Những cuộc biểu tình nổ ra trong năm nay ở Trung Đông và Bắc Phi dường như đã làm dấy lên những cuộc biểu tình khác trên khắp thế giới...

Bạch Vân/Viễn Đông

SANTIAGO, Chile – Những cuộc biểu tình nổ ra trong năm nay ở Trung Đông và Bắc Phi dường như đã làm dấy lên những cuộc biểu tình khác trên khắp thế giới, trong khi đó những cuộc biểu tình ở Mỹ đang đem lại động lực cho các nước khác, như ở Chile.
Tuy nhiên, dù không rõ ràng hoàn toàn liên quan tới quyền tự do dân chủ theo nghĩa chính trị hoặc tài chánh, các nhà hoạt động tại Chile đã kéo nhau xuống đường, từ tháng 4 năm 2011, hăng hái đòi hỏi một nền giáo dục miễn phí từ chính phủ đang cầm quyền. Theo ông Patricio Navia, một giáo sư chính trị học người Chile, có phân nửa trong tổng số các học sinh tiểu học và trung học ở Chile đi học tại những trường, trong đó chính phủ cấp tài chánh căn bản để cho học sinh chọn trường học (voucher school). Những trường loại này là do tư nhân điều hành và nhận được những khoản tiền trợ cấp như thế của chính phủ, dành cho tất cả những học sinh nào theo học tại đây. Tuy nhiên, phụ huynh cũng phải đóng một phần học phí, nghĩa là các học sinh được vào trường nào còn tùy theo cha mẹ kiếm được bao nhiêu tiền.
Vào hôm 4-8-2011, cách một tuần sau khi các học sinh trung học bắt đầu tham gia tuyệt thực phản đối, GS. Navia nói với Democracy Now!: “Điều ấy chỉ tạo ra những mức bất bình đẳng chênh lệch rất lớn đang tồn tại ở Chile”. Ông nói tiếp rằng những sinh viên đại học đi biểu tình đang đòi chính phủ phải cung cấp cho họ một nền giáo dục có phẩm chất tốt hơn, cũng như cấp phát cho họ những khoản tiền vay để đi học, sao cho họ có thể trả nổi tiền học mà không phải mắc nợ quá nhiều. GS. Navia nói: “Trong tổng số các sinh viên, có chừng 70 phần trăm là những sinh viên đại học thuộc thế hệ đầu tiên vào đại học. Họ tượng trưng cho một giấc mơ, giấc mơ Chile, mơ ước được tiến thân lên cao hơn trong bậc thang xã hội”.

* Vài nét lịch sử Chile
Chile là một quốc gia nằm trong khu vực Nam Mỹ Châu, bên bờ biển Thái Bình Dương. Trước khi thực dân Tây Ban Nha đặt chân đến đây trong thế kỷ thứ 16, những người thổ dân Mỹ Châu thuộc bộ tộc Mapuche và Inca đã cư ngụ trên miền đất này. Chile tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào ngày 12-2-1818, mặc dù mãi cho tới năm 1844, thì nền độc lập Chile mới được công nhận.
Hiện nay, Chile được coi như là một nước dân chủ và phát triển về mặt kinh tế. Nhưng vẫn có một mức chênh lệch cao về lợi tức trong số dân hơn 17 triệu người.
Trong năm 1973, xảy ra một cuộc đảo chánh được Hoa Kỳ ủng hộ, lật đổ Tổng Thống Salvador Allende, và thiết lập một chế độ độc tài quân sự tại Chile, kéo dài cho đến năm 1990. Cố Tổng Thống Allende đã ấn định một chương trình hành động kiểu chủ nghĩa xã hội ở Chile, tịch thu mọi thể chế tư nhân hóa và biến thành tài sản công cộng.
Dưới chế độ độc tài của Tướng Augusto Pinochet, hàng ngàn người đã bị sát hại, và hàng chục ngàn người bị hành hạ tra tấn. Những nhà cách mạng phải bỏ trốn ra khỏi nước, mặc dù có những cuộc biểu tình và nổi dậy khi dân chúng đòi hỏi nền dân chủ.
Việc tư nhân hóa nền giáo dục là một trong những thay đổi lớn nhất do Tướng Pinochet thực hiện trong chế độ độc tài của ông.
Đến cuối thập niên 1980, Chile bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do, và hiện nay được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ Châu. Nhưng dù vậy, sự phồn vinh này phải trả một cái giá, khi những người biểu tình tố cáo tình trạng bất bình đẳng trong nền giáo dục, vốn là phương thức phổ cập kiến thức.
Tri thức lại chính là sức mạnh.

* Sức mạnh thông qua biểu tình phản kháng
Những cuộc biểu tình ở Chile đã biến thành bạo động, khi hầu hết những sinh viên đại học và học sinh trung học đi biểu tình trên khắp Chile đã bị cảnh sát chống bạo loạn tấn công, vì họ đang biểu tình mà không được chính phủ cho phép. Những cuộc biểu tình hăng say này đã gây cảm hứng cho các giáo chức, phụ huynh, các thành viên nghiệp đoàn và những nhà chính khách, khiến cho họ cũng tham gia cùng với sinh viên học sinh.
Vào hôm 5-10-2011, chính phủ Chile gặp gỡ những người biểu tình để thảo luận và thương lượng. Tuy nhiên, những cuộc thương thảo này không được các sinh viên học sinh ưa thích, vì chính phủ chỉ đề nghị tăng thêm những phần học bổng cấp cho những người Chile nghèo. Nữ lãnh tụ sinh viên Camila Vallejo nói với báo Huffington Post rằng đề nghị của chính phủ sẽ không thích hợp, vì những đồng tiền của giới đóng thuế vẫn sẽ rơi vào tay những trường tư thục.
Từ sau những cuộc thảo luận ấy, cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám biểu tình. Trong khi phần lớn các cuộc biểu tình đều là những cuộc tuần hành hòa bình, thì cũng có những người biểu tình cực đoan hơn, trên đầu trùm mặt nạ, cầm đá ném vào cảnh sát, cũng như dựng lên những chướng ngại vật bốc cháy trên đường phố.
Nhiều người đã bị bắt, trong đó có một số ký giả, thường dân, cũng như có các viên chức cảnh sát đã bị thương. Ít nhất có một thiếu niên thiệt mạng.
Theo những cuộc thăm dò công luận cho biết, có 89 phần trăm dân chúng Chile ủng hộ những người biểu tình, trong khi ấy có 22 phần trăm ủng hộ chính phủ. Chính phủ đang xem xét việc kết án những người biểu tình ba năm tù giam, vì đã chiếm đóng các trường học và những nơi công cộng khác.
Để có được một cuộc cải cách giáo dục, những người biểu tình cảm thấy rằng chính phủ cần phải chi tiền nhiều hơn cho giáo dục, và tăng mức thuế đánh vào giới giàu có, tương tự như những lời kêu gọi mà người ta nghe thấy trong những cuộc biểu tình “Chiếm Đóng Wall Street” tại Hoa Kỳ.

* Chiếm Đóng Wall Street có liên quan với Chile?

Vào hôm 6-10-2011, bà Naomi Klein, một nhà báo và tác giả, nói với Democracy Now! rằng những cuộc biểu tình Chiếm Đóng Wall Street (Occupy Wall Street) rõ ràng là có liên quan với những cuộc biểu tình ở Chile, vì cả hai đều chống đối tình trạng các công ty chiếm lĩnh thế giới. Cũng giống như ở Chile, nhiều thành phần như sinh viên, học sinh, các liên đoàn giáo chức, nghiệp đoàn lao động, và những nhóm khác, đã tham gia biểu tình Chiếm Đóng Wall Street, và đã đụng độ bạo động với cảnh sát.
Bà Klein nói: “Đây là điều làm thay đổi xã hội, xảy ra vào lúc người ta bất ngờ nhất. Ở đâu có tiền bạc, thì biểu tình đi theo đến những địa điểm ấy”. Bà nói tiếp rằng những vấn đề chung quanh các cuộc biểu tình vượt ra khỏi khuôn khổ những mối quan ngại về tài chánh, vì còn là những vấn đề đạo đức nữa. Bà nói: “Các nhóm ưu tú sử dụng những thời buổi kinh tế khủng hoảng để đẩy mạnh việc hoàn tất những cải tổ cơ cấu của xã hội một cách cực đoan, vì những lợi ích của giới ưu tú”. Bà nói thêm rằng cả thế giới đang chờ đợi các công dân Mỹ tham gia vào cuộc tranh đấu này. Bà Klein kết luận rằng Hoa Kỳ tập trung quá nhiều vào những kỳ bầu cử hai năm một lần, đến nỗi toàn bộ sức lực có thể được dùng vào một phong trào phản kháng đều bị cạn kiệt. Bà Klein nói rằng rốt cuộc người ta ý thức được rằng họ cần phải xây dựng những phong trào xã hội bền vững.
Có nhiều thành phố trên khắp thế giới đang tổ chức những cuộc biểu tình “Chiếm Đóng” của họ, liên đới với những cuộc biểu tình Chiếm Đóng Wall Street ở Hoa Kỳ.
Vào hôm 15-10-2011, nhóm “Occupy Orange” (Chiếm Đóng Quận Cam) đã tổ chức một cuộc biểu tình ở bên ngoài Tòa Thị Sảnh Irvine. Một đám đông hơn 300 người biểu tình, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, hô vang khẩu hiệu: “Các ngân hàng được cứu thoát, chúng ta thì bị kẹt cứng” (“Banks got bailed, we got nailed”).
Ông Ronny Chavez, một kỹ sư bị thất nghiệp, nói với nhật báo Viễn Đông: “Chúng tôi chán ngán qua rồi”. Ông nói thêm rằng ông tới đấy để phản đối lãnh vực tài chánh, nhưng cũng có một số người chỉ tham gia biểu tình để tạo ra tình trạng vô chính phủ. Ông nói: “Ít nhất họ đang đứng lên để làm một chuyện gì đó”.

* Ý tưởng để suy gẫm
Giữa lúc những cuộc biểu tình Chiếm Đóng Wall Street đang mở rộng thêm, để bao gồm nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, liệu cộng đồng sẽ tham gia hay không vào những cuộc biểu tình “Chiếm Đóng” được tổ chức tại Quận Cam? - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT