Người Việt Khắp Nơi

Chia sẻ chút cảm nghiệm sau khi bị dính Covid-19

Monday, 08/11/2021 - 07:13:11

Tôi đã may mắn vượt qua dịch bệnh Covid -19, được xét nghiệm lại và kết quả cho biết “âm tính,”...


Ký giả Thanh Phong


Bài THANH PHONG

Tôi đã may mắn vượt qua dịch bệnh Covid -19, được xét nghiệm lại và kết quả cho biết “âm tính,” tình trạng sức khỏe đã hồi phục nên xin chia sẻ chút cảm nghiệm để ai bị dính Covid có chút kinh nghiệm đối phó.

Gia đình tôi gồm vợ chồng và một cháu gái đều đã chích ngừa hai mũi Pfizer. Sau khi đi làm phóng sự tang lễ ca sĩ Phi Nhung tại Chùa Huệ Quang vào ngày thứ Ba, 12 tháng 10, 2021 sức khỏe tôi vẫn bình thường không có gì thay đổi, vẫn ngồi nhà viết bài phóng sự gửi ra tòa soạn và không hề nghĩ gì về Covid vì yên tâm đã chích hai mũi vác xin Pfizer.

Nhưng hai ngày sau đó, tối thứ Năm, 14 tháng 10, tôi bắt đầu ho liên tục, ho suốt đêm nhưng thở vẫn bình thường. Ho liên tục khiến ngực tôi như muốn vỡ toang, rất đau, vừa ở ngực vừa đau ở phần bụng. Vợ tôi lấy thuốc Tylenol cho uống chờ sáng hôm sau đi bác sĩ gia đình. Sau khi uống Tylenol, cơn ho liên tục tạm ngưng, chỉ thỉnh thoảng mới ho một lần nhưng vẫn rất đau ở ngực và bụng.

Sáng thứ Sáu tôi đến gặp bác sĩ gia đình. Sau khi nghe tôi kể bệnh, bác sĩ đặt ống nghe trước ngực, nghe sau lưng, đo áp huyết, đo nồng độ oxy, ông hỏi tôi, “Từ 1 đến 10 chú đau ở số mấy?”

Tôi đáp, “Thưa bác sĩ số 10.”

Sau đó bác sĩ phán, “Tim, phổi chú rất tốt, ốc-xy đầy đủ, chú không dính dáng gì tới Covid hết, đừng có lo. Ho có thể là do chú bị dị ứng và ho nhiều khiến bắp thịt chú bị dãn, chú về uống Tylenol dần dần sẽ hết.”
Nghe bác sĩ nói vậy tôi cũng an tâm ra về, vẫn không nghĩ mình dính Covid 19. Qua ngày Thứ Bảy, 16 tháng 10, một người bạn tốt, xưa nay bà thường tặng tôi quà bánh, sách báo và cả những lon đồ hộp Food Bank. Hôm nay nghe tôi bị đau, bà mang đến một thùng giấy carton trao cho vợ tôi và nói, “Chị nói anh uống hết mấy chai nước và đọc hết các sách báo trong này là khỏe liền à.” Rồi bà ra về.

Tôi nằm trong nhà rất mệt nên không ra tiếp người bạn này nhưng tôi nghe rất rõ câu bà nói với bà xã tôi. Vợ tôi mang thùng quà vào nhà, trong đó có mấy chai thuốc khử trùng để rửa tay, một ít các bịch sữa nhỏ xíu , loại sữa người ta hay đổ vào ly cà phê, nhưng đây là sữa để làm bánh. Tôi thấy ba bốn chai nhỏ bề cao chừng một gang tay, ngoài vẽ hình lá cây Alovera. Tôi nghĩ, chắc bà bạn này cho mình uống nước Alovera cho mau khỏe. Thế là cầm một chai, chẳng coi kỹ, mở nắp cho vào miệng uống một ngụm, chừng một muỗng cà phê, sao thấy quá đắng, tôi nghĩ mình từng uống Alovera đâu có đắng thế này nên mới cầm chai lên coi lại. Chết cha rồi! Đây là chai thuốc khử trùng để rửa tay, lau tay ngừa Covid.

Tôi sợ quá, nghĩ là mình đã uống nhầm thuốc độc nên rất lo. Người tôi bắt đầu nóng ran và từ từ khó thở. Vợ tôi thấy vậy lo quá kêu người con rể bên cạnh chở đi nhà thương Fountain Valley mang theo chai thuốc khử trùng đã uống một chút.

Đến bệnh viện, sau khi coi chai thuốc, cô y tá cho biết, đây chỉ là Alcohol, không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên người y tá trực kêu xuất trình thẻ đã chích ngừa hai mũi Pfizer họ mới làm thủ tục nhập viện.

Ngồi chờ ờ ngoài hành lang khá lâu, người rất mệt vì đau và lo sợ. Khoảng 25 phút sau có nhân viên ra kêu tên đưa vào thử máu, họ đưa ra hai chai nhỏ và 5 ống lấy máu, mỗi chai lấy phân nửa máu còn 5 ống kia lấy đầy luôn. Một nhân viên dùng cây que nhỏ thọc vào lỗ mũi thử Covid. Lấy máu và thử Covid xong lại ra ngoài ngồi chờ, rồi lại có người ra gọi tên đưa vào đi chụp hình tim, phổi. Chụp xong lại ra ngoài ngồi chờ, chừng 15 phút sau lại có người ra đưa vào một căn phòng kín mít, ngoài bốn bức tường còn xung quanh có thêm một lớp nilong dầy.

Tôi được nằm trên giường để y tá vào cắm dây nhợ lên người chuyền vào máy. Sau đó, họ chở tôi trên băng ca đến một cái máy chụp đặc biệt. Nằm trên giường họ đẩy tôi vào trong một cái ống, tôi có cảm giác như mình đang vào phi thuyền để đi thám hiểm vũ trụ. Đẩy vào, kéo ra hai lần rồi họ kéo tôi ra ngoài. Một y tá đến cho biết tôi dính Covid -19. Thế là nhờ người bạn mang chai thuốc khử trùng đến, tôi uống nhầm nên mới phát giác mình bị Cô Vít 19 tuổi chiếu cố.

Bốn nhân viên mặc đồ bảo hộ trùm từ đầu đến chân đẩy tôi ra khỏi cửa chính bệnh viện. Một chiếc xe Ambulance chờ sẵn. Họ đẩy tôi lên xe, hai người lên ngồi canh chừng tôi, một người làm tài xế và một cô ngồi trên cabin. Xe chuyển bánh, chạy rất chậm đưa tôi đến một building cao năm, sáu tầng lầu, nằm riêng biệt phía sau bệnh viện.

Bốn nhân viên đẩy tôi vào thang máy lên lầu 3, đưa tôi vào phòng 342. Phòng này có hai giường, tôi nằm giường mang số 342A. Một ông Mễ già đang nằm trên giường 342B thở oxy. Nhìn người bệnh nằm thoi thóp trên giường, mắt nhắm nghiền, tiếng máy thở kêu ầm ầm, bác sĩ, y tá ra vào tấp nập khiến tôi bồi hồi lo lắng, không biết số phận mình ra sao?

Người y tá trực hôm đó là một cô gái Mễ rất dễ thương, cô ta bảo tôi cần gì cứ gọi cô. Tối hôm đó cô mang cho tôi một phần ăn, một ly nước trà nóng và một ly sữa. Rồi một bác sĩ Việt Nam vào hỏi thăm tôi, bác sĩ giới thiệu ông là BS Hoàng Lê. Ông nói, “Sau khi tôi coi các kết quả chụp hình phổi, tim, bụng, kết quả thử máu thì thấy tim, phổi ông tốt, không có vấn đề gì, ốc xy trong đầu ông đầy đủ nên tuy có dính Covid nhưng không sao, ông cứ yên tâm. Tuy nhiên, chỉ có phần bụng ông bị viêm, nên tôi sẽ cho y tá truyền nước biển và thuốc vào cho ông để chống viêm chứ không cần chữa Covid. Ông cứ yên tâm ngủ qua đêm nay. Nếu ngày mai, tình trạng khá hơn tôi sẽ cho ông về.”

Tôi mừng quá, cám ơn bác sĩ và kèo nài, “Thưa bác sĩ, tôi bị Covid nhẹ mà nằm chung với ông Covid nặng thế này tôi sợ quá, vả lại tiếng máy thở ốc xy cứ kêu liên tục thế này, tôi không thể ngủ được. Bác sĩ vui lòng đổi cho tôi qua một phòng có một giường tôi cám ơn bác sĩ.”

Ông bác sĩ trả lời “Được,” rồi ông ra khỏi phòng.

Tôi nghĩ chắc ông trả lời cho qua để mình vui. Không ngờ hai tiếng sau, bốn nhân viên vào phòng đem ông Mễ thở máy ra khỏi phòng. Một nữ nhân viên vào thu dọn tất cả vật dụng trên giường ông Mễ đó cho vào thùng rác và xịt thuốc khử trùng rồi trải tấm drap mới tinh. Tôi mừng thầm và cầu xin đừng có ai vào nằm trên giường đó nữa. Lời cầu xin của tôi được nhận lời.

Toàn bộ building này chỉ dành cho người bị Covid nên không ai được vào thăm kể cả vợ con. Tôi nằm trên giường trong căn phòng rộng rãi, yên tĩnh nhưng không ngủ được vì suy nghĩ lung tung. Tôi dùng điện thoại liên lạc với vợ, con nên cũng yên tâm phần nào.

Một cô y tá khác thay phiên trực. Cô này là người Việt, cô vào cạnh giường tôi và giới thiệu, “Tôi là y tá Duyên, nhưng ở đây người ta gọi tôi là June.” Cô vui vẻ nói, “Số ông may mắn lắm đó, ông được chính bác sĩ Hoàng Lê, bác sĩ đứng đầu tập thể các bác sĩ tại bệnh viện Fountain Valley trực tiếp chỉ đạo chữa trị cho ông đấy.”

Nghe vậy tôi rất mừng, nhớ lại vừa qua chính vị bác sĩ này đã đến thăm và nói cho tôi biết tôi bị Covid nhẹ nhờ đã chích hai mũi Pfizer nhưng bị viêm phần bụng và đã giúp tôi được thỏa mãn nhu cầu nằm một mình. Cô y tá này cho biết cô làm ở đây hơn 20 năm rồi và thỉnh thoảng khi nói chuyện, cô hay chêm thêm Kinh Thánh, tôi hỏi thì ra cô là tín hữu Tin Lành. Cô bảo tôi, “Mọi sự đều do Thiên Chúa an bài, con người mình nhỏ bé, chẳng thể làm được việc gì nếu không trông cậy, phó thác vào quyền năng Thiên Chúa.”

Là tín hữu Công Giáo, tôi cũng tin tưởng như cô y tá đã tin tưởng vào Chúa. Nhiều người Công Giáo thường ao ước, trước khi lâm chung được gặp một Linh Mục để xưng tội, xức dầu thánh và nhờ linh mục ban các bí tích sau hết cũng như phép lành của Chúa cho họ. Đối với các bệnh khác thì ước ao đó không có gì khó, chỉ cần người nhà mời linh mục đến, nhưng với bệnh nhân Covid thì vô phương, vì linh mục cũng không được vào phòng bệnh nhân, nên người tín hữu Công giáo nào nghi mình bị Covid thì hãy liệu lo cho phần linh hồn trước kẻo đến lúc bị đưa vào khu cách ly này thì không còn làm gì được.

Ngoài ra, nhiều người Công Giáo ngoan cố, khi bị bệnh người ta khuyên bảo mình ăn năn thống hối, xưng tội thì trả lời liền, “Đợi khi gần chết tôi ăn năn cũng chưa muộn.” Thực tế, khi đã thập tử nhất sinh rồi, chân tay rã rời, sức lực cạn kiệt, thở không nổi còn làm sao đọc kinh, cầu nguyện nổi nữa nên khi còn tỉnh táo phải lo cho phần hồn, vì như Chúa đã phán, “Sự chết đến như kẻ trộm. Nếu chủ nhà biết ngày giờ kẻ trộm đào ngạch khoét vách nhà mình thì không để chúng vào nhà được.”

Sau khi y tá Duyên rời khỏi phòng, một chuyên viên lấy máu bước vào để lấy máu tiếp. Cô này cũng người Việt, đẹp và vui tính. Cô vừa lấy máu vừa hỏi tôi, “Cô nằm bên giường kia là vợ chú hả.”

Tôi hết sức ngạc nhiên, vì không thấy nhân viên bệnh viện đưa ai vào phòng này, nhưng cũng trả lời “Không, vợ tôi đâu có sao mà vô đây.”

Cô đó nói, “Thường thường hễ một phòng hai giường một nam một nữ thì cả hai là vợ chồng nên tôi mới hỏi chú.”

Vì hai giường ngăn cách bằng tấm màn che bằng vải dầy, bên này không trông thấy người nằm giường bên kia nên tôi vẫn ngạc nhiên. Đợi cô chuyên viên lấy máu ra khỏi phòng, tôi bước xuống giường đi qua ngó xem có ai nằm giường bên kia không. Chiếc giường trống trơn, tấm drap trải vẫn thẳng nếp chứng tỏ không có người nằm. Tôi nghĩ hay là cô chuyên viên kia nhìn thấy ma nằm trên đó nên tưởng người thật mà hỏi tôi. Tôi định khi cô trở lại sẽ hỏi cho ra lẽ nhưng tôi không gặp lại cô lần nào nữa.

Người y tá thứ ba trực là một cô gái ngưới Á Đông tôi quên tên, cô này không vui tính như cô Mễ hay hai cô Việt Nam. Chiều hôm sau cô ta mang đến cho tôi tin vui “Go home,” rồi trao cho tôi hồ sơ, một toa thuốc trụ sinh bảy viên uống mỗi ngày một viên và dặn về nhà chỉ cần cách ly 10 ngày. Cô hỏi có cần cô mang xe đẩy tôi ra cửa bệnh viện không?

Tôi đáp, “Không cần, tôi đi được.” Thay đồ, trả lại đồ nhà thương, tôi hăng hái đi bộ ra cửa sau một đêm và hai ngày nằm bệnh viện; vợ và con gái tôi đã chờ sẵn chở tôi về. Có điều lạ là người con rể chở tôi đến nhà thương, vịn vai tôi đưa tôi vào các phòng để thông dịch nhưng anh không hề bị lây nhiễm.

Về nhà hàng ngày vợ tôi nấu ba nồi nước xông với lá xả cho ba người, uống Tylenol, sức khỏe tôi hồi phục dần, mười ngày sau chỉ còn mất ngủ và ăn không ngon nhưng sau đó tất cả trở lại bình thường và sau 15 ngày, tôi đi xét nghiệm lại, kết quả “âm tính.”

Trong suốt thời gian bị dính Covid, ngoài vợ, con tận tình săn sóc, tôi còn được bác sĩ chủ nhiệm, ông chủ bút và nhân viên báo Viễn Đông gọi phone thăm hỏi, đặc biệt có Hòa Thượng Viện Chủ Thích Nhật Minh và Ni Sư Thích Nữ Minh Từ, trụ trì chùa Hương Tích nghe tin cũng gọi điện thoại hỏi thăm và chúc lành; các niên trưởng Võ Ý, Hồ Đắc Huân, Phan Tấn Ngưu đều gọi điện thoại động viên “Bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan, chích hai mũi rồi không có gì phải sợ, chịu khó xông và uống thuốc bác sĩ dặn.”

Các bạn thân như anh Thanh Huy, Phan Đại Nam, chị Kiều Mỹ Duyên, Văn Lan, anh Vũ Long Sơn Hải cũng thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi, anh chị Phan Đại Nam còn xin Đức Ông Phạm Quốc Tuấn làm lễ cầu nguyện cho chúng tôi. Dược sĩ Trần Thu Hằng (chủ nhân ba dược phòng Trần 1, 2, 3) khi biết tin cũng gọi điện thoại hỏi thăm và dặn dò rất kỹ, “Con virus này nó rất thích hợp môi trường lạnh, nên chú chớ uống nước lạnh, phải uống nước ấm, ăn đồ lỏng và hâm lên cho nóng, mỗi ngày xúc miệng bằng nước muối.” Người dược sĩ này có tấm lòng và lương tâm nghề nghiệp khiến tôi xúc động.

Mặc dù một thời gian trong người rất mệt không muốn nói, nhưng mỗi lần điện thoại reo, nghe tiếng người thân trong gia đình, tiếng các vị lãnh đạo tinh thần và bạn bè, thân hữu hỏi thăm, mình cảm thấy được an ủi vô cùng khiến tinh thần bớt căng thẳng và bệnh tình cũng nhờ đó thuyên giảm.

Đến nay, là người tín hữu Công Giáo, tôi xin Tạ Ơn Chúa, Đức Mẹ và Các Thánh đã bầu cử, cám ơn vợ, con đã săn sóc và cảm tạ hai vị lãnh đạo tôn giáo cùng tất cả người thân, bạn bè, thân hữu đã quý mến cầu nguyện, thăm hỏi, động viên tinh thần để tôi vượt qua cơn đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường, đồng thời xin chia sẻ chút cảm nghiệm để mong giúp một chút kinh nghiệm cho người nào chẳng may dính Covid như tôi được an tâm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT