Bình Luận

Cháy nhà hàng xóm

Monday, 29/01/2018 - 10:39:37

Trước kia, chính phủ Miên thường từ chối, không nhận những người bị trục xuất trở về, nhưng mới đây dưới áp lực của Hoa Kỳ, họ đã phải nhận; Việt Nam ký thỏa thuận với Mỹ năm 2008 để nhận lại người Việt đến Mỹ sau năm 1995.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Câu châm ngôn “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” có trách người gốc Việt chúng ta không quan tâm đến số phận của 92 người gốc Miên đang bị chính phủ Mỹ trục xuất trở về nguyên quán hay không?
Câu hỏi không dễ trả lời, vì có nhiều yếu tố phức tạp ngăn trở -dù chúng ta có thiện chí muốn giúp họ.
Trước nhất hãy tìm hiểu vấn đề -qua cái tin ông chánh án liên bang Cormac Carney văn vẻ tuyên phán, “Chính phủ thiếu thành thật khi cho rằng trong ngần đó năm được phép sống và làm việc trên đất Mỹ mà những người này không ôm ấp một kỳ vọng sẽ được phép ở lại vĩnh viễn tại Hoa Kỳ.”
 

Chánh án liên bang Cormac Carney bênh vực 92 người Miên bị trục xuất về nguyên quán.


Những người Miên bị trục xuất về nguyên quán.

Là một vị chánh án, ông không nói lý, nói luật, mà lại nói chuyện tâm lý, tình cảm, đòi chính phủ Mỹ phải nghĩ đến cái kỳ vọng của những người Miên phạm pháp, bị trục xuất về cố quốc lần thứ nhì. Lý do khiến ông Carney phải làm chuyện ngược đời có thể là vì những người bị trục xuất có tiền án, nên ông phải đem tình nhân loại, chứ không đem lý luận hay pháp luật ra bênh vực họ được.

Tránh nhược điểm của họ, ông tuyên án không cho chính phủ “lập tức” trục xuất họ, mà phải để họ có thì giờ nêu lên những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến những bản án cũ của họ, và quyết định trục xuất mới của chính phủ.

Dĩ nhiên chính phủ không hài lòng với bản án “mua thời gian” cho những người bị trục xuất; viên chức chính phủ nói đáng lẽ ông Carney phải từ chối đơn khiếu nại của những người đã có tiền án. Carney gọi lập luận của chính quyền là vô cảm, rồi giữ nguyên án lệnh “tạm đình chỉ” cuộc trục xuất, để nạn nhân có thời giờ khiếu nại.

Báo chí Mỹ tìm cách giúp người gốc Miên bằng cách trình bày cuộc sống vô tội, lương thiện của họ qua những góc cạnh nho nhỏ, dễ thương như giới thiệu chó Sashimi, của anh Kim Nak Chhoeun; anh chạy giặc Khờ Me Đỏ từ năm mới lên 6; năm nay anh 42.
Khuôn mặt lương thiện của anh, và vẻ dễ thương của con Sashimi cũng mua chuộc được cảm tình của nhiều người Mỹ.
 

Anh Kim Nak Chhoeun và con Sashimi

Một nhân vật dễ thương khác -cậu bé Shawn Ly 2 tuổi- cậu hỏi mẹ cậu, cô Victoria Martinez, “Where is Daddy?” Bà mẹ trẻ chưa biết phải trả lời con như thế nào, thì đứa bé đã hỏi tiếp, “When is Daddy coming home?” Đứa bé nói tiếng Anh giỏi hơn mẹ, giỏi hơn cả ông bố vì có quốc tịch Mỹ -cái ưu thế khiến nó không bao giờ phải khổ như bố vì nạn trục xuất.

Bố nó có thể không bao giờ còn về gặp nó nữa, vì anh Sreang Ly đang bị giam trong khám đường của ICE (Immigration and Customs Enforcement -Sở Di Trú và Quan Thuế).

 

Anh Sreang Ly

Cái tội của anh Ly là cất giữ một khẩu súng; nhưng cái tội lớn hơn là anh không phải người Norway -người da trắng được Tổng Thống Trump chấm cho di dân vào Mỹ.
Cô luật sư Laboni Hoq, trưởng phòng tranh tụng của Hội Nhân Quyền tại Los Angeles, nói, “Nhiều người tưởng chỉ có người Latino mới bị trục xuất; thật ra nạn trục xuất đe dọa mọi người di dân. Chúng ta không thể nín thinh, chờ đến phiên mình."
 

Luật sư Laboni Hoq

Cô Hoq giải thích, “Trục xuất là một nhu cầu chính trị của tổng thống; ông ta cần trục xuất nhiều di dân, vì trong lúc ứng cử, ông hứa với cử tri như vậy.”

Tổ hợp luật Sidley Austin LLP đang đâm đơn kiện chính phủ giam giữ bất hợp pháp những người di dân Miên, và đòi phải trả tự do ngay cho họ. Vụ kiện đưa đến kết quả là chánh án Carney ký án lệnh tạm ngưng cuộc trục xuất để ông có thời giờ nghiên cứu, xét xử.

Phát ngôn viên của ICE -ông Brendan Raedy- trả lời các phóng viên truyền thông là ông không có gì để tuyên bố trong lúc vụ án đang tiến hành.

Nhưng anh Posda Tuot không tránh né, vừa khóc anh vừa nói với mọi người là em bà con của anh -anh Kim Nak Chhoeun- bị giam giữ từ tháng Mười năm ngoái. Anh bảo những người đứng quanh anh, "Không thể ngồi yên đó mà chờ đến lượt mình; cộng đồng Á Châu chúng ta cần cảnh giác là chúng ta cũng là những người di dân, và cũng có thể bị trục xuất. Chúng ta đã yếu thế, mà thiếu đoàn kết lại càng yếu hơn."


Anh Posda Tuot vừa khóc vừa nói

Luật sư Sean Commons, thuộc tổ hợp Sidley Austin, nói ông biết nhiều người Miên khá thành công và trở thành thành viên cộng đồng giúp đỡ người đồng hương; nhưng rồi họ cũng bị bắt mất biệt.
Commons nói người Miên không hung dữ mà cũng không có ý định bỏ trốn, phải cho họ tại ngoại trong lúc điều tra. Đa số có vợ, con, có bố, mẹ; tại sao lại không cho gia đình họ đoàn tụ.
Ông mô tả là trên 200 người đang bị giam giữ khiến cộng đồng người Miên kinh hoàng, lúc nào cũng khiếp sợ.

Trước kia, chính phủ Miên thường từ chối, không nhận những người bị trục xuất trở về, nhưng mới đây dưới áp lực của Hoa Kỳ, họ đã phải nhận; Việt Nam ký thỏa thuận với Mỹ năm 2008 để nhận lại người Việt đến Mỹ sau năm 1995.

Hôm thứ Ba, 23 tháng 1, ông James Schwab, phát ngôn nhân của ICE tuyên bố, “Luật quốc tế ấn định là quốc gia nào cũng phải nhận lại những công dân của họ bị trục xuất ra khỏi các nước khác; Hoa Kỳ vẫn thường tiếp nhận những công dân Mỹ bị bất cứ nước nào trục xuất.”


ICE đang gây khiếp sợ trong cộng đồng người tị nạn.

Hiện đang có khoảng 95 người gốc Việt bị giữ trong các trại giam của ICE; ông Schwab từ chối không trả lời truyền thông về con số người gốc Việt và gốc Miên bị trục xuất trong năm 2017.
Vấn đề bị trục xuất đối với người gốc Việt tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên tương quan giữa những nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam, vẫn đòi hỏi chúng ta có thái độ tương trợ, tương lân.
Đừng thản nhiên bình chân như vại trong lúc đám cháy “trục xuất người Miên” đang gây khiếp sợ cho cộng đồng người gốc Miên sống trong thị trấn sơn cước Modesto, chỉ có 312,842 cư dân, và cách San Francisco 92 dặm về hướng Đông.
Bầu ơi, thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT