Thế Giới

Chàng từ Virginia gặp nàng từ Iraq, rồi gia nhập quân khủng bố ISIS

Monday, 21/03/2016 - 10:40:27

“Tôi đã có một quyết định tệ hại là đi với cô gái tới Mosul. Lúc tôi quyết định đi, tôi đã không suy nghĩ sáng suốt.” Anh nói như vây khi nhắc tới thành phố ở miền bắc Iraq đang nằm dưới sự kiểm soát của những kẻ cực đoan Hồi Giáo Quốc.

Trong tuần qua, lực lượng chống ISIS đã bắt được một chiến binh Mỹ theo quân Hồi cực đoan. Anh này được xem là một công dân Mỹ đầu tiên bị bắt trong cuộc chiến chống ISIS.


Trong một cuộc phỏng vấn được chiếu trên một đài truyền hình của người Kurd tại Iraq, thanh niên này đã giải thích rất mơ hồ, không nói rõ chi tiết, về lý do tại sao anh đã rời Hoa Kỳ và gia nhập quân Hồi Giáo Quốc ISIS chống lại Mỹ và Tây Phương, gieo rắc nỗi sợ kinh hoàng cho người Iraq và Syria, chưa kể những người ngoại quốc bị xử tử tại Trung Đông.

Bằng lái xe của Mohamad Khweis được chiếu trên đài truyền hình của người Kurd.



Tuy vậy, qua cuộc phỏng vấn của đài Kurd, người được nghe thanh niên này giải thích về sự mở đầu cho một câu chuyện dài rất ly kỳ mà chẳng bao lâu đổi hướng vào trong lãnh địa tai họa. Anh đã gặp một cô gái Iraq. Anh gợi ý rằng chính cô này đã dẫn anh đi lầm đường lạc lối.

Mohamad Jamal Khweis, 26 tuổi, một người lớn lên tại tiểu bang Virginia, trong tuần qua đã đầu hàng lực lượng người Kurd Iraq. Anh nói rằng anh không còn mang ảo tưởng về nhóm chiến binh ISIS nữa.

“Tôi đã có một quyết định tệ hại là đi với cô gái tới Mosul. Lúc tôi quyết định đi, tôi đã không suy nghĩ sáng suốt.” Anh nói như vây khi nhắc tới thành phố ở miền bắc Iraq đang nằm dưới sự kiểm soát của những kẻ cực đoan Hồi Giáo Quốc.

Khweis là công dân Mỹ đầu tiên bị bắt giam bởi các đồng minh của Hoa Kỳ, sau khi mạo hiểm đi vào lãnh địa tự xưng là nước Caliphate của Hồi Giáo Quốc. Các chiến binh của nhóm này đã chiếm giữ những vùng đất rộng lớn của Syria và nước láng giềng Iraq.

Trong một cuộc phỏng vấn dài 17 phút với đài truyền hình Kurdistan24, Khweis kể lại sơ lược câu chuyện lưu trú lạ thường của anh. Bề ngoài anh có vẻ chân thành, nhưng phần duy nhất có thể kiểm chứng được trong câu chuyện của anh là đoạn chót: việc anh đầu hàng các lực lượng người Kurd Iraq. Còn những chi tiết khác thì khó biết được trong lúc này.

Mặc áo T-shirt màu xám và quần màu nâu khi xuất hiện trên màn ảnh, Khweis có vẻ bình tĩnh và nói tiếng Anh lưu loát. Một lá cờ của sắc dân Kurd được dùng làm phông cho cuộc phỏng vấn, dường như diễn ra trong một văn phòng.

Khweis tự mô tả anh là một linh hồn bất hạnh, bị vùi dập trong một cơn lốc của các biến cố, trở thành con mồi cho tính tò mò, ngẫu hứng thất thường, và tất nhiên cho cô gái ấy, người không được nêu tên. Tuy nhiên, anh không có vẻ cay đắng. Anh đã thoát ra được và còn sống, không giống như nhiều tình nguyện viên ngoại quốc khác từng đến với ISIS trong những cuộc hành trình tương tự.

Động cơ thúc đẩy anh anh theo ISIS vẫn còn lờ mờ. Anh nói với người phỏng vấn rằng anh không đặc biệt theo tôn giáo, và hiếm khi đi nhà thờ Hồi Giáo ở quê nhà tại Hoa Kỳ. Khweis nói rằng anh nổi giận về việc bị nhồi sọ tôn giáo, được áp đặt bởi những người mà anh tham gia.

Anh nói, “Sống ở Mosul là điều khá khó khăn. Bạn biết đấy, không giống như các nước Tây Phương. Ở đó rất nghiêm ngặt. Không có hút thuốc... Tôi thấy cuộc sống khó khăn cho mọi người ở đó.”

Khweis không hề nói về việc anh cầm súng vì Hồi Giáo Quốc. Anh chẳng nhắc gì cả về việc được huấn luyện hoặc chiến đấu, mặc dù những người ngoại quốc được lực lượng chiến binh này tuyển mộ đều thường được đưa ra tiền tuyến, thường là những kẻ tấn công tự sát.

Theo một số ước tính, có hơn 200 công dân Hoa Kỳ đã đến tham gia chiến đấu với Hồi Giáo Quốc ở Syria và Iraq. Số lượng này thua xa số lượng hàng ngàn người Âu Châu, và có thể là hàng chục ngàn người Ả Rập, Nga, Pakistan, và những người khác, đã tham gia “thánh chiến” tại Syria và Iraq.

Đối với các giới chức an ninh Hoa Kỳ, các công dân Mỹ đặt ra một mối đe dọa đặc biệt, bởi vì họ có khả năng trở vào Hoa Kỳ mà không cần kiểm tra visa hoặc lý lịch.

Hiện thời Khweis đang bị người Kurd Iraq giam giữ, xét về mặt lý thuyết anh có thể phải đối diện với những cáo buộc tham gia một tổ chức khủng bố, nếu anh trở về Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn, Khweis nói bằng một giọng đơn điệu, và đôi khi nghe ra giống như một du khách lạc bước hơn là một tù binh. Anh giải thích rằng vì bị phân tâm chia trí mà anh đã đi lạc đường trong một cuộc dạo chơi. Thỉnh thoảng, anh nở một nụ cười nhẹ nhàng.

“Mọi thứ đã không mang lại kết quả tốt đẹp. Tôi không nhìn thấy chính mình sống trong môi trường đó.” Anh giải thích về quyết định từ bỏ ISIS của anh,

Khweis nói rằng gia đình anh gốc gác từ vùng Palestine, nhưng đã sống tại Hoa Kỳ trong gần ba chục năm. Anh học trung học và đại học ở Virginia, học khoa tư pháp hình sự trong trường đại học. Anh đi nhà thờ Hồi Giáo nhưng không đều đặn. “Thỉnh thoảng có dự buổi cầu nguyện vào ngày thứ Sáu,” anh nói.

Theo Khweis cho biết, vào giữa tháng 12, 2015, anh đến London, sau đó tới Amsterdam. Anh không cho biết lý do tại sao. Kế đó, anh đi Thổ Nhĩ Kỳ. Đâylà lộ tuyến trung chuyển cho hàng ngàn chiến binh đổ xô vào Syria, từ khi cuộc chiến bùng nổ ở đó vào năm 2011.

Anh nói, “Tôi đã gặp một cô gái Iraq ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã dành thời gian ở bên nhau.”
Anh không bao giờ nói cụ thể hai người có liên quan hệ tình cảm hay không. Anh cũng không tiết lộ tên của cô gái, mặc dù anh có cho biết cô ấy từ Mosul. Thành phố này từng là một thành lũy của những người thuộc đảng Baath trung thành với cựu lãnh tụ Saddam Hussein của Iraq. Trong tháng 6 năm 2014, các chiến binh Hồi Giáo Quốc tràn ngập Mosul, và từ đó đến nay kiểm soát thành phố lớn thứ hai này của Iraq. Cuộc sống ở Mosul vẫn là một bí ẩn đối với thế giới bên ngoài.

Khweis nói rằng cô gái Iraq mà anh gặp có một người chị trước đây kết hôn với một chiến binh Hồi Giáo Quốc. Theo anh giải thích, người chị này đã giúp sắp xếp cho hai người đi tới Syria từ Gaziantep. Thành phố này ở miền nam nước Thổ đã trở thành một trung tâm cho những người Syria lưu vong.

Một chiếc taxi chở họ đến biên giới Syria. Hai người gặp một liên lạc viên. Sau đó họ đi bộ nửa giờ đồng hồ, trước khi gặp “những người Daesh,” theo anh cho biết. Daesh là một từ ngữ viết tắt trong tiếng Ả Rập để chỉ Hồi Giáo Quốc. Khweis và cô gái chia tay.

Khweis nói, “Tôi đi với những người Daesh, còn cô ấy thì lên một chiếc xe khác.” Không rõ anh có bao giờ gặp lại cô ấy hay không.

Những người đón tiếp Khweis đưa anh và những người ngoại quốc khác đi từ nhà này sang nhà kia. Mọi người đều phải nộp passport và thẻ căn cước của họ, theo anh cho biết. Tất cả đều được đặt biệt danh. Khweis bây giờ là “Abu Omar.” Anh nói rằng anh chưa bao giờ gặp một người Mỹ.

Theo Khweis cho biết, chẳng bao lâu anh và những người ngoại quốc khác gia nhập đều cuối cùng đến thành phố Raqqah của Syria. Hồi Giáo Quốc coi Raqqah là thủ đô nước Caliphate của họ. Nhưng vào một ngày trong tháng Giêng, một chiếc xe van chở anh và những người khác đi trên một chuyến đường bộ trong 10 giờ đồng hồ đến Mosul, ở phía bên kia biên giới Iraq. Họ được đưa đến “một chỗ rộng lớn, giống như là nơi thờ phượng,” do “mấy người Nga phụ trách,” theo anh cho biết.

Khweis nói, “Đó là khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo. Có một giáo sĩ Hồi Giáo dạy sharia cho chúng tôi.” Sharia là giáo luật Đạo Hồi. Anh nói, “Tôi không đồng ý với ý thức hệ của họ. Đó là khi tôi quyết định tôi cần phải tẩu thoát.”

Anh hỏi những người xung quanh, và có người gợi ý anh nên liên lạc với “những người Kurd,” để làm một phương tiện chạy trốn. Người Kurd là những người cư ngụ tại miền bắc Iraq do lực lượng Kurd kiểm soát, nằm giáp biên giới dài hàng trăm dặm lãnh thổ bị Hồi Giáo Quốc chiếm giữ.

Anh nói, “Tôi muốn đi sang phía người Kurd, vì tôi biết rằng họ là tốt với người Mỹ.”
Với sự giúp đỡ từ bạn bè, anh đi tới giới tuyến người Kurd, ở gần thành phố Sinjar của Iraq, mới đây đã được người Kurd chiếm lại từ Hồi Giáo Quốc.

Khweis nói, “Khi tôi gặp với những người Kurd, họ đối xử với tôi rất tốt. Tôi vui mừng vì tôi đã làm quyết định đó.”

Anh sẽ có lời khuyên nào dành cho những người Mỹ như anh?
Anh nói, “Thông điệp của tôi cho người Mỹ là cuộc sống ở Mosul thực sự, thực sự là tệ. Những người đang kiểm soát Mosul không đại diện cho Đạo Hồi. Tôi không coi họ là những người Hồi Giáo tốt.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT