Hôn Nhân, Cuộc Sống

Cha mẹ coi chừng vô tình làm hư con cái

Monday, 29/01/2018 - 10:23:22

Cách chuyên gia về tâm lý giáo dục đã nêu ra những điều mà nếu cha mẹ nào đang mắc phải cần nên lưu ý để sửa vì tương lai của con cái.

Bài ĐOAN TRANG

Cách hành xử của bố mẹ có ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của con. Đôi khi, chính những cách hành xử của cha mẹ là nguyên nhân khiến trẻ càng ngày càng hư.
Đúng vậy, chính cách hành xử của cha mẹ có tác động đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Việc dạy con trở nên ngoan ngoãn, vâng lời sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bố mẹ hợp tác, tôn trọng và khuyến khích lẫn nhau khi nuôi dạy con cái.
Cách chuyên gia về tâm lý giáo dục đã nêu ra những điều mà nếu cha mẹ nào đang mắc phải cần nên lưu ý để sửa vì tương lai của con cái.


Không biết hôn con nhiều quá có làm con hư không đây? (Getty Images)

Chiều hư

Để thể hiện tình thương yêu với con trẻ, nhiều cha mẹ tiết kiệm cho mình, nhưng lại chiều con đến mức “muốn gì được nấy.” Cách “chiều hư” trẻ kiểu này khiến các bé hình thành cách sống chỉ biết “nhận” mà không muốn “cho.” Với cách sống như thế, đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành một người ích kỷ, khó hòa hợp với cuộc sống rất cần những tấm lòng tha nhân.
Cha mẹ tranh cãi trước mắt con cái: Những hành động tiêu cực như đôi co cùng người khác ở nơi công cộng, tranh chấp với người thân trong gia đình, cãi nhau với đồng nghiệp trước mặt con trẻ đều vô tình tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của bé. Hậu quả của các hành động trên sẽ khiến con bạn cáu gắt, hay tìm cách tranh chấp với người khác, thậm chí có xu hướng bạo lực. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ nên chú ý giữ bình thản, học cách điềm tĩnh trong cư xử, tránh để con trẻ hiểu lầm rằng chỉ cãi nhau, đánh nhau mới giải quyết đươc mâu thuẫn.
Ngoài ra, sống trong một gia đình thường xuyên xung đột vì những chuyện lặt vặt, trẻ dần sẽ trở thành một người chấp nhặt, nóng nảy. Người xưa có câu "gia hòa, vạn sự hưng,” có nghĩa là gia đình hòa thuận thì muôn việc đều sẽ tốt đẹp. Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái chính là tạo cho các bé một mái nhà hòa thuận, đầm ấm.

Cha mẹ cũng nên tránh có những phản ứng khác nhau trong việc nuôi dạy con trẻ. Phong cách nuôi dạy con khác nhau có thể khiến cha mẹ có những phản ứng trái ngược nhau về cùng một vấn đề khi nuôi dạy con. Nếu một người mẹ tỏ ra quá nghiêm khắc, người cha có thể phản ứng bằng cách không đồng tình với quan điểm của người mẹ để khiến tình hình trở nên dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trò "người tốt, người xấu" sẽ khiến trẻ cư xử không tốt khi mắc lỗi. Nếu bạn và vợ/chồng bạn không đồng tình về cách cách nuôi dạy con cái, cả hai nên trao đổi và cùng nhau đặt ra những quy tắc trong gia đình để đảm bảo hai người sẽ đều hành xử một cách nhất quán.

Không tôn trọng người lớn tuổi

Cha mẹ là tấm gương sáng để con trẻ noi theo. Nếu trong nhà có một “tấm gương mờ,” nhân cách của trẻ rất dễ phát triển lệch lạc. Nếu cha mẹ có thái độ thiếu tôn trọng người lớn, không kính trọng cha mẹ của mình, con cái cũng sẽ cư xử với bạn theo cách này. Do đó, các bậc cha mẹ không chỉ cần giáo dục con cái biết “kính trên, nhường dưới,” mà bản thân cũng phải là một tấm gương “kính già, yêu trẻ” để con cái noi theo.

Làm sai, nói bậy: Những thói quen vô tình của cha mẹ như vượt đèn đỏ, không chấp hành những quy định nơi công cộng,... cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thế giới con của trẻ. Hành vi không chấp hành luật lệ hay kỷ luật khi không có người giám sát dần sẽ trở thành thói quen của trẻ, khiến các bé trở nên ương ngạnh, khó bảo và cũng làm sai theo.
Ngoài ra, hàng ngày nếu trẻ nghe được những lời than phiền và hay nói xấu của cha mẹ, trẻ sẽ trở thành người thiếu lòng bao dung. Cách hành xử này vô tình sẽ gieo vào lòng trẻ thói đổ lỗi, trách móc, oán giận người khác, hành xử không quang minh chính đại. Vì vậy, mỗi khi có ý định buông lời than phiền, trách móc, hãy tích cực nghĩ cách giải quyết vấn đề và đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này không chỉ giúp bạn trở thành người bao dung, rộng lượng, mà còn giúp ích cho tương lai của con cái bạn.

Không nhận sai, hay tự phụ

Khác với người Mỹ, có không ít các bậc cha mẹ là người Việt Nam không bao giờ nói câu “xin lỗi” đối với con trẻ, vì nghĩ rằng người lớn không phải xin lỗi trẻ con, dù cho đó là lỗi của mình. Hành động này của cha mẹ hoàn toàn có thể tác động tới nhận thức của con cái, biến trẻ trở thành người thiếu trách nhiệm. Những người sở hữu cá tính “tự phụ” thường xuyên coi nhẹ thành công của người khác, thậm chí chẳng bao giờ chịu thừa nhận việc bản thân mình không bằng họ. Nếu lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ hoặc người thân mang tính cách này, trẻ sẽ dần dần hình thành quan điểm tự cho mình là trung tâm, không có chí tiến thủ.

Hay hỏi câu: Con thương ai nhất?

Đôi khi cha mẹ cố gắng hết sức để trở thành người cha, hoặc người mẹ yêu thích của trẻ, nên hay “thử lòng” con bằng câu hỏi “Con thương ai nhất trong nhà?” Mong muốn ấy của họ có thể khiến họ cư xử thiếu chừng mực, thậm chí những cố gắng của họ để đổi lấy sự ủng hộ và yêu quý của con cái mình có thể làm hư chúng. Cố gắng để con cái yêu quý bạn hơn có thể gây phản tác dụng. Con bạn sẽ chỉ muốn bạn bỏ qua những quy tắc. Bạn cần đặt cho trẻ những nguyên tắc rõ ràng, những giới hạn và kỷ luật phù hợp. Nghĩa là sẽ có những lúc chúng chẳng thích bạn chút nào.
Trong việc nuôi dạy con, cha mẹ cũng nên tránh những bất đồng quan điểm, hoặc nếu có cũng đừng cho trẻ biết và chỉ nên tranh luận moat cách riêng tư.  Sẽ là không tốt khi để cho con cái thấy cha mẹ tranh cãi xem điều gì là tốt nhất với chúng. Đó là khi cha hoặc mẹ nói "Con cần được chơi iPad nhiều hơn, sao lại cấm con? " hoặc "Hãy để con chơi trong nhà chứ đừng đưa nó ra công viên nhiều như thế!.” Thể hiện rằng mình thiếu tôn trọng quan điểm của chồng/vợ. Hãy cho con bạn thấy rằng bạn tôn trọng ý kiến của cha/mẹ trong việc nuôi dạy chúng. Nếu bạn không đồng tình với một phương pháp kỷ luật, hãy thể hiện sự chung lòng khi nói chuyện với con.

Thông đồng với trẻ

Trong gia đình, cha hoặc mẹ hay có thái độ thông đồng với trẻ, để kéo chúng về phía mình. Ví dụ người vợ biết chồng không cho mua nhiều đồ chơi cho con, nhưng vì thấy con quá thích những món đồ chơi ấy, nên thông đồng với con, mua đồ chơi và dặn con “Đừng nói với bố”; hoặc khi con làm sai điều gì đó, người chồng sợ con bị la, mà dặn rằng “Đừng cho mẹ biết.”

Tất cả những cách hành xử trên thật ra đền không giúp cải thiện được tình hình, và là một cách cư xử không lành mạnh. Các bậc cha mẹ nên có trách nhiệm như nhau với con cái của mình. Khi một trong hai người cha hoặc mẹ bắt đầu thông đồng với một đứa trẻ, các vấn đề khác trong gia đình sẽ có thể nảy sinh. Hãy hợp tác với nhau trong việc nuôi dạy con cái, và đừng nên làm gì đó khiến con trở thành đồng minh để chống lại chính cha, hoặc mẹ của chúng.
(Familyshare, Free to Choose Network)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT