Đời Sống Việt

Cha mẹ chuộng con gái hay con trai?

Saturday, 29/10/2011 - 08:10:20

Theo thống kê về những cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam trong nước và người nước ngoài, từ năm 1990 đến 2007, ở Đài Loan và Nam Hàn, đàn bà Việt Nam là nhóm cô dâu người ngoại quốc đông thứ 2 sau Trung Quốc

Anvi Hoàng/Viễn Đông

SÀI GÒN - Theo thống kê về những cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam trong nước và người nước ngoài, từ năm 1990 đến 2007, ở Đài Loan và Nam Hàn, đàn bà Việt Nam là nhóm cô dâu người ngoại quốc đông thứ 2 sau Trung Quốc. Ước tính trong 10 năm qua có khoảng 110 ngàn cô dâu Việt Nam ở Đài Loan và 25 ngàn ở Nam Hàn (1).
Sự thành hình của khuynh hướng kết hôn này một phần là do mạng lưới liên lạc được tạo ra qua các liên hệ về kinh doanh giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á trong 20 năm qua, do sự phát triển của ngành kỹ nghệ kết hôn quốc tế, do tỉ lệ phụ nữ độc thân cao ở các nước trong khu vực, và áp lực cao buộc đàn ông Đông Á phải lấy vợ bằng mọi giá.
Nhiều người lý luận rằng, ở Việt Nam dư đàn bà, để họ đi lấy chồng ở nước ngoài cũng là điều tốt thôi, có gì mà lo. Thì cũng được thôi. Nhưng điều đáng nói ở đây là một sự thay đổi sẽ dẫn đến một dây chuyền những thay đổi khác mà không ai có thể đoán trước được, mà người Việt Nam trong nước sẽ là những người phải đối phó với kết quả hoặc hậu quả của những dây chuyền thay đổi này. Ở đây, đặc biệt là những biến đổi đáng kể về mặt xã hội cũng như kết cấu của quan hệ giới tính và quan hệ quyền lực trong gia đình và trong thị trường kết hôn.



Con gái “lên ngôi” - ảnh: Lê Thị Tất (gửi cho Viễn Đông)

* Con gái lên ngôi?

Theo bài nghiên cứu phát hành năm 2011 về vấn đề di cư vì lý do kết hôn thực hiện ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, nơi có tỉ lệ đàn bà lấy chồng người Đài Loan hoặc Nam Hàn cao, việc các cô con gái gởi tiền về nhà biến họ thành những người có quyền lực trong gia đình. Các phụ nữ này trước khi di cư không có tiếng nói ở trong nhà. Nay, mặc dù ở xa, họ vẫn có thể quyết định nhiều chuyện quan trọng trong gia đình ở quê hương như xây nhà, mua đất, mua các vật dùng trong nhà, chuyện học hành, sức khỏe, hôn nhân của những người khác trong nhà (1).
Mặc dù chị hoặc em gái của họ ở nhà phải gánh nhiều việc nhà hơn, nhưng những phụ nữ trẻ độc thân còn ở quê nhà cho rằng người chị/em lấy chồng ở ngoại quốc là khuôn mẫu cho họ noi theo. Họ cũng mơ ước một cuộc sống hiện đại như chị/em họ (1).
Nhiều cha mẹ nay thấy con gái lấy chồng giàu sang, “sung sướng”, lại có thể phụ giúp gia đình thì cũng bày tỏ ước muốn thích có con gái hơn là con trai. Đây chỉ là một số ít người trong cộng đồng ở Thốt Nốt, Cần Thơ (1). Nếu thống kê cả nước thì chưa biết ra sao. Nhưng với đà phụ nữ di cư vì hôn nhân ngày càng tăng, tương lai này không phải là không thể xảy ra. Lúc đó, sau mấy ngàn năm “nựng” con trai, bây giờ cha mẹ đổi sang “chiều chuộng” con gái. Các cán cân của quan hệ quyền lực, quan hệ giới tính trong gia đình, và tỉ lệ giới tính sẽ lệch hẳn sang hướng ngược lại. Những biến đổi xã hội nào sẽ xảy ra đây? Liệu đàn ông con trai Việt Nam sẽ nói gì, làm gì, suy nghĩ ra sao?

* Nghịch lý con gái – con dâu, và những áp lực trong xã hội Việt Nam
Không những vị trí và quyền lực của người con gái di cư trong gia đình tăng nhiều, cha mẹ họ cũng có nhiều “quyền lực” hơn trong việc “mặc cả” hôn nhân ở địa phương. Bởi vì với đà di cư vì hôn nhân này, con gái trẻ, đẹp, độc thân ở Thốt Nốt bắt đầu hiếm lần. Các cô gái trẻ và cha mẹ họ có thể “mặc cả” đối với các gia đình chú rể người địa phương và đòi của hồi môn nhiều hơn để chuẩn bị cho cuộc sống sau này cho con gái họ. Vì kết hôn trở nên “khan hiếm và mắc mỏ” hơn, ở Thốt Nốt, Cần Thơ này, đàn ông trẻ không có việc làm, hoặc không nhiều tiền đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm vợ rồi. Nhiều người phải tìm con gái ở những vùng khác, thường là ở những vùng nghèo hơn nơi họ đang ở (1).
Một thực tế buồn cười là trong khi các gia đình gả con gái cho đàn ông nước ngoài, họ lại không tìm được con dâu cho con trai của họ (1). Nghịch lý này là một hậu quả trực tiếp lên xã hội Việt Nam do việc đàn bà di cư vì hôn nhân. Từ đây gánh nặng hôn nhân trên vai những người đàn ông Việt Nam ít tiền sẽ càng tăng cao.
Một mặt, phải nói rằng, thực tế kết quả nghiên cứu là có thật, nhưng mỗi người tùy theo nhận thức cá nhân sẽ giải thích, nhìn nhận và đánh giá kết quả đó như thế nào. Ví dụ, trừ những trường hợp có tình yêu thực sự, nếu các cô gái trẻ đẹp vì muốn một đời sống vật chất cao mà lấy chồng nước ngoài thì họ đã phạm một sai lầm về tình cảm.
Mặt khác, một vấn đề thực tế mà người Việt trong nước phải đối phó là: gởi tiền về cho gia đình có thể là chuyện tốt, nhưng lại vô tình tạo ra những thói quen sử dụng tiền bạc vô trách nhiệm cho những người nhận tiền mà không phải đi làm để kiếm tiền. Mức sống ở một số nơi sẽ tăng cao một cách giả tạo. Lạm phát giá cả hàng tiêu thụ và nhà cửa sẽ phát sinh nếu đà ăn xài này cứ tiếp tục. Những thay đổi như thế thì cả xã hội phải gánh vác.

* Gánh nặng hai vai của cô dâu di cư

Các cô dâu di cư có thể vô tình tạo ra những áp lực về mặt xã hội kể trên, nhưng trong quá trình di dư, có một loại áp lực khác đối với người trong cuộc mà ít ai nghĩ tới hoặc nhận ra: đó là vai trò kép của các cô dâu di cư. Theo truyền thống Việt Nam, cha mẹ lớn tuổi thường trông cậy ở con trai nhiều hơn là con gái. Vì vậy, con trai sau khi lấy vợ vẫn có trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ già, còn con gái sau khi lấy chồng thì được nhẹ gánh trong vấn đề này. Tuy nhiên, cha mẹ lại kỳ vọng những người con lập gia đình ở nước ngoài phụ giúp gia đình trong nước về mặt tài chính, không kể là con trai hay con gái. Vì vậy, người con gái di cư có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ về mặt tài chính, đôi khi còn nặng hơn người con trai có vợ mà ở Việt Nam. Đây là gánh nặng thứ nhất của người con gái di cư (2).
Họ không than phiền về trách nhiệm này. Ngược lại, họ cho rằng bây giờ không ở gần cha mẹ và không chăm sóc cho cha mẹ hàng ngày được thì ít nhất họ có thể gởi tiền về hàng tháng như là một hành động bày tỏ tình thương đối với cha mẹ. Trớ trêu thay, sau khi lấy chồng, họ đồng thời cũng là người vợ di cư và phải mang gánh nặng thứ hai với tư cách là vợ và con dâu ở ngoại quốc (2).
Về phía mình, những người chồng của các cô dâu di cư lý luận rằng con gái lấy chồng rồi thì không có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ ruột nữa và không việc gì phải gởi tiền về nhà thường xuyên. Ngoài ra, bản thân họ là con trai trong gia đình, do đó hai vợ chồng họ có trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ chồng (2). Vậy cho nên, các cô dâu di cư, chưa biết sướng khổ tới mức nào, đều phải tìm cách cân bằng hai gánh nặng trong vai trò con gái di cư và người vợ di cư.
Chưa biết đàn ông Việt Nam có ganh tỵ hay không khi cha mẹ chuộng con gái hơn con trai, nhưng trước mắt, người con gái di cư đã đỡ đần bớt trách nhiệm tài chính cho họ rồi. Hiện tại thì chắc là không thể vừa ôm hầu bao vừa la làng được rồi. Về phần cha mẹ, có lẽ nếu biết con gái di cư phải gánh vác nhiều như vậy thì chắc cũng không muốn có con gái nhiều hơn là con trai đâu.



Con Việt Nam? Nam Hàn? Đài Loan? - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Một Việt Nam đa chủng trong tương lai?
Theo tin của tạp chí The Economist, với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, chiều hướng di cư sang Mỹ hoặc Anh, Pháp, v.v., có phần giảm, nhưng luồng di cư ở các khu vực khác thì không giảm đi, thậm chí sẽ gia tăng giữa và tới các nước Châu Á (3). Do đó, không cần có đầu óc “khoa học viễn tưởng” ta cũng có thể thấy rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại, dòng máu con rồng cháu tiên có sự pha trộn đáng kể.
Người Việt Nam lâu nay vẫn lấy chồng lấy vợ ở nước ngoài, nhưng là đi sang Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ. Số người này, hoặc con cháu họ, quay về lại Việt Nam sống hoặc làm việc không đáng kể. Nay, vì sự cách biệt giữa Việt Nam và các nước ở Châu Á không phải quá xa, với đà phát triển của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khuynh hướng di cư quốc tế, việc con rể người Đài Loan hoặc Nam Hàn và các con lai sau này sẽ di cư sang sống ở Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam là chuyện có thể xảy ra. Lúc đó, dân số người Việt gốc X sẽ tăng. Cơ cấu xã hội Việt Nam sẽ thay đổi nhiều vì xã hội trở nên phức tạp hơn khi phải đối phó với nhiều sắc dân khác nhau. Nhưng chuyện đó sẽ xảy ra như thế nào thì phải chờ thời gian trả lời mới được. Đây sẽ là một tương lai thú vị cần được quan sát kỹ.

Ghi chú:
(1) Daniele Belanger, Tran Giang Linh. “The impact of transnational migration on gender and marriage in sending communities of Vietnam”. Current sociology 59.1 (2011): 59-77.
(2) Thai Cam Hung. “The Dual Roles of Transnational Daughters and Transnational Wives: Monetary Intentions, Expectations, and Dilemmas”. Forthcoming in Global Networks.
(3) http://www.economist.com/node/21526777

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT