Hoa Kỳ

CDC khuyến cáo về dịch salmonella liên quan đến gà tây

Monday, 12/11/2018 - 07:26:01

Gà tây nên được rã đông từ từ trong tủ lạnh thay vì để trên bàn hoặc trong sink. CDC cũng cho biết, việc cho thú nuôi ăn thịt sống sẽ dễ khiến cả chủ lẫn thú nuôi bị bệnh.

Trong lúc dịp lễ Thanksgiving đang đến gần, Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh CDC đã kêu gọi người dân Hoa Kỳ nên cẩn thận khi xử lý thịt gà tây sống. Ít nhất 1 người đã chết và 164 người khác nhiễm bệnh trong đợt dịch Salmonella có liên quan tới thịt gà tây, theo CDC. Đợt dịch bệnh được thông báo lần đầu tiên vào tháng 7, và hiện đã lây lan cho người dân tại 35 tiểu bang, bao gồm New York, Texas, California, Illinois, và Minnesota.
Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa rõ nguồn gốc của đợt dịch bệnh, và cũng chưa có hãng sản xuất nào được xác định có liên quan đến sự việc. Theo CDC, một số bệnh nhân nói rằng họ đã ăn nhiều sản phẩm từ gà tây thuộc nhiều nhãn hiệu, tại các địa điểm khác nhau. Theo thông cáo của CDC, dòng vi khuẩn salmonella gây bệnh đã được xác định trong các mẫu thịt gà tây sống làm thức ăn cho thú nuôi, các loại thịt gà tây sống, và cả các con gà tây nuôi tại nông trại. “Dòng salmonella này xuất hiện trong các con gà tây và trong các sản phẩm thịt sống, cho thấy vi khuẩn có thể đã lây lan rộng trong ngành chăn nuôi gà tây,” CDC nói.
Vi khuẩn salmonella này thường sẽ gây các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, và đau thắt bụng. Đa số người bệnh đều sẽ tự hồi phục, nhưng trẻ nhỏ và người già sẽ có nguy cơ cao hơn. Để tránh bị nhiễm salmonella, CDC khuyên mọi người “phải nấu chín kỹ gà tây để giết các vi khuẩn có hại. Các loại thịt gà tây cần được nấu đến 165 độ F, và đồ ăn dư khi hâm lại cũng phải đạt nhiệt độ này.” Sau khi nấu thịt gà tây, CDC cũng khuyên phải rửa tay và đồ dùng nhà bếp bằng nước ấm và xà-bông. Gà tây nên được rã đông từ từ trong tủ lạnh thay vì để trên bàn hoặc trong sink. CDC cũng cho biết, việc cho thú nuôi ăn thịt sống sẽ dễ khiến cả chủ lẫn thú nuôi bị bệnh.

Tình bạn giữa lừa và đà điểu
SOUTH CAROLINA – Một con lừa và một con emu (một loại đà điểu) đã trở thành những người bạn thân thiết sau khi chúng được giải cứu từ một trang trại bỏ hoang ở South Carolina. Theo Tổ chức giải cứu động vật Carolina Waterfowl Rescue (CWR), đà điểu cái tên Diane và lừa đực tên Jack được cứu từ một trang trại bỏ hoang ở Kershaw, South Carolina. Kể từ khi về sống trong cơ sở chăm sóc, đà điểu Diane và lừa Jack gần như không rời nhau. Bà Jennifer Gordon, nhân viên của CWR, cho biết tổ chức này đang tìm người sẵn lòng nhận nuôi cả hai con vật.
Được biết, đôi bạn Jack và Diane sống trong cùng một trang trại với một số con chó, mèo, và gà, nhưng người chủ đã biến mất từ tuần trước. CWR giải cứu tất cả vật nuôi ở trang trại và nhận thấy đà điểu Diane và lừa Jack rất gắn bó với nhau. Bà Gordon đoán rằng chúng đã ở bên nhau nhiều năm. Khi các nhân viên tách chúng ra hai chuồng khác nhau, đà điểu Diane trở nên hoảng loạn trong khi lừa Jack bắt đầu than khóc. Lừa Jack thậm chí còn tấn công những con lừa khác, bao gồm một con mon men đến gần đà điểu Diane.
Tình bạn khác loài rất hiếm gặp ở nơi hoang dã, nhưng lại xuất hiện khá nhiều trong môi trường nuôi nhốt. Đầu năm nay, video về đôi bạn sư tử và chó đã thu hút nhiều chú ý. Cả hai được giải cứu từ một căn chung cư ở Mexico và sống chung ở trung tâm chăm sóc động vật

Nấm công nghệ sinh học có khả năng tạo ra điện
NEW JERSEY - Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm ra phương pháp sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường, bằng cách dùng nấm và vi khuẩn. Các nhà khoa học tại Viện công nghệ Stevens ở tiểu bang New Jersey đã gắn một nhóm vi khuẩn cyanobacteria có khả năng tạo ra năng lượng lên trên một cây nấm trắng (button mushroom) bình thường bằng công nghệ in 3D, cùng với các mạch điện.
Cyanobacteria rất thường thấy trên mặt đất và đại dương, đặc biệt chúng có thể biến ánh sáng thành năng lượng thông qua quá trình quang hợp. Do vi khuẩn này không thể sống lâu trên các bề mặt nhân tạo, hai nhà nghiên cứu là Manu Mannoor và Sudeep Joshi đã sử dụng cây nấm để tối ưu hóa môi trường sống cho Cyanobacteria bao gồm dinh dưỡng, nhiệt độ và độ ẩm. Kết quả, Cyanobacteria sống lâu hơn so với khi ở trên các bề mặt khác, tạo ra cây nấm sinh học (bionic mushroom).
Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu của họ cho thấy khả năng "thiết kế cộng sinh” giữa các sinh vật và chất liệu không có sự sống, được mô tả là hai thế giới khác biệt. "Những gì chúng tôi làm là sử dụng công nghệ in 3D đa chất liệu để kết hợp các thuộc tính 'thông minh' của vi sinh vật và vật liệu nano không có sự sống,” ông Mannoor viết. Nghiên cứu mới, vừa được công bố tuần trước, có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng sạch trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng. Tuy nhiên, một cây nấm sinh học nêu trên chỉ tạo ra lượng điện nhỏ. Các nhà khoa học đang tìm cách kết nối nhiều cây nấm với nhau để đủ thắp sáng một chiếc đèn nhỏ. Ngoài ra, họ cũng nghiên cứu cách để nấm sinh học sản xuất dòng điện công suất cao hơn, hữu dụng hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT