Điện Ảnh, Nghệ Thuật

CD và tuyển tập nhạc "Duyên" của nhạc sĩ Trần Kim Bằng

Friday, 16/10/2015 - 10:54:19

“Những ca khúc của Bằng đều có thông điệp rõ ràng, trong đó ngoài những kỷ niệm về tình yêu, còn nói lên cãm nghĩ chung của người tị nạn tha phương, hay trang trải chút tấm lòng với bà con bên nhà, quê nhà ...

Bài BĂNG HUYỀN

Chuỗi thanh âm ngân vang, giai điệu không chút gò bó, nhiều tiết nhịp được lặp đi lặp lại thể hiện nguồn cảm xúc tuôn chảy, văng vẳng dịu dàng như vọng về từ sâu thẳm một miền kí ức, êm ả, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết. Những câu chữ nhịp nhàng như thơ, ca từ dung dị mà đầy tính triết lí, ý nghĩa nhân văn, sâu sắc về tình yêu, tình người, về khát vọng, mơ ước một cuộc sống đẹp.

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng




Ca từ quyện vào trong giai điệu, tạo nên sự hài hòa độc đáo cho từng ca khúc trong CD “Duyên”, kèm theo tuyển tập nhạc 17 ca khúc cũng mang chung tựa đề “Duyên” của nhạc sĩ Trần Kim Bằng, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc về con người, đất nước, quê hương, cuộc sống xung quanh, có cả huyền sử về chuyện tình bi thương Trọng Thủy- Mỵ Châu khi cả hai phải lựa chọn giữa tình riêng và nợ nước.
Đây là món quà giá trị đối với những người yêu nhạc mà bài viết này xin được giới thiệu đến độc giả, để hình dung rõ nét hơn, đủ đầy hơn về người nhạc sĩ này.

Vài nét về nhạc sĩ Trần Kim Bằng và cơ duyên đến với âm nhạc

Nhạc của Trần Kim Bằng dù mới được phổ biến trong cộng đồng người Việt tại quận Cam vài năm nay, nhưng ít nhiều đã được người nghe biết đến qua trang web https://trankimbang.wordpress.com/, hoặc qua mạng YouTube.

Năm 2013, 2014, tác giả cũng đã tổ chức buổi ra mắt CD và tuyển tập nhạc của mình tại hội trường Việt Báo, nhà hàng Emerald Bay có rất đông người tham dự và những ai thường đến nghe nhạc tại chợ đêm Phước Lộc Thọ vào dịp hè 2014, 2015 chắc hẳn cũng biết đến người nhạc sĩ này và một số ca khúc của ông vì bản thân tác giả và các thành viên ban hợp ca Duyên cũng đã có mặt vài lần tại chợ đêm, để hát những sáng tác của Trần Kim Bằng tặng khán giả của sân khấu ca nhạc ngoài trời tại đây.


Nhạc sĩ Trần Kim Bằng (với guitar), Ca sĩ Lê Kỳ Hương và The 3 Cherries trên sân khấu Emerald Bay Restaurant 2014.


Rất kiệm lời khi giới thiệu về mình, nhạc sĩ Trần Kim Bằng cho biết “sinh trưởng tại Sài Gòn. Biết gảy guitar nhờ học từ các bạn trong xóm. Hoạt động âm nhạc nhiều hơn sau khi vượt biên sang Hoa Kỳ từ năm 1981. Sinh hoạt văn nghệ với bạn hữu tại Quận Cam từ 1986 đến 1996. Sáng tác nhạc đầu tay, viết về tình yêu từ năm 1988. Cho đến nay đã có nhiều ca khúc với nhiều thể loại sáng tác theo dòng cảm hứng mỗi lúc.”

Về cơ duyên đưa Trần Kim Bằng đến với việc sáng tác nhạc, nhạc sĩ Trần Kim Bằng kể: “Có lần hãng cắt bớt việc nên Bằng đi học trở lại, lúc ghi danh chọn 1 lớp về nhạc lý, sau đó thấy thích nên học thêm, nhờ vậy nắm vững được ít nhiều về quy luật sáng tác.

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng (hàng đầu, ở giữa) và toàn ban hợp ca "Duyên" trên sân khấu Emerald Bay Restaurant 2014


“Khoảng thời gian học nhạc này, những khi ngồi chờ vô Lab làm bài tập (Lab hay Music Lab là phòng thâu âm thanh của khoa âm nhạc), tôi thường được thưởng thức những bản nhạc Mỹ xa xưa, thời 40, 50 hay 1960 từ radio phát thanh của building khoa nhạc.

“Nhạc xưa mà hầu như bài nào nghe cũng mê mẩn vì âm điệu và lời nhạc tuy mộc mạc nhưng rất lãng mạn, riết rồi ảnh hưởng chăng?.

“Có lần, dựa theo điệu "Swing" vui tươi, nhí nhảnh của họ, Bằng viết được bài "Xuân Vui", bản nhạc hoàn chỉnh với những nốt nhạc đầu tiên nhằm diễn tả về ngày Tết vui của người Việt Nam mình. Lúc đầu chưa có đặt lời (lyric), chỉ có giai điệu (melody).

“Nhân lúc nghỉ "break" bèn đưa cho thầy cô dạy về piano coi ra sao? Họ xem qua rồi người đàn, người đệm (duet) trên piano rất lả lướt. Lúc đó trong lớp nhạc học sinh Mỹ có, Mễ có, Á đông, nhiều sắc dân, ai nghe cũng muốn lắc lư theo điệu "swing"! Thầy cô cho là "good score", có lẽ họ cũng vui vì bản nhạc âm điệu Mẽo lại do học trò Mít viết, vì vậy khuyến khích mình nên tiếp tục học hỏi, tìm hiểu thêm về lịch sử nhạc Hoa Kỳ.

“Nhân dịp này cũng xin được nói lên lời cám ơn các vị thầy cô hồi đó, nhất là giáo sư Ms. Cartledge dạy về Music Theory of Santa Ana College, giáo sư Tom và con trai Tom Junior của trường Golden West College, khi Bằng học bổ túc thêm sau này, đã giúp rất nhiều trong việc đào sâu thêm kiến thức nhạc và kỹ thuật hòa âm trên computer.”




Nhạc sĩ Trần Kim Bằng (Calvin Le's studio)


Nét độc đáo của dòng nhạc Trần Kim Bằng

Theo nhạc sĩ Trần Kim Bằng, mỗi khi đặt bút sáng tác một ca khúc, ông thường dựa vào chuỗi hợp âm nền, tạo melody trước, thấy ưng thì gạn lọc và so sánh coi nếu bị trùng, sau khi ưng ý thì đặt lời nhạc. Phần sau (lyric) mới là khó. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngược lại, vì lúc nào đó chợt cảm nhận được một câu văn, thơ, thấy hay thì dựa vào đó mà chế biến thêm ra, như bài "Duyên Sầu".

Đây là ca khúc được tác giả dựa theo ca dao Việt Nam, trên nền giai điệu rộn ràng, nhịp nhàng, đều đặn, tạo nên nét lạ cho ca khúc, với lời ca “Đường xa xa lắm ai ơi, nhờ ai trao mối duyên tươi, một người mười tám đôi mươi, vừa đẹp vừa tươi như mình. Tình duyên hai đứa thương nhau, tình trao e ấp đôi câu, tình như nắng ấm ban đầu, ngàn hoa xôn xao khoe màu…”



Nhạc sĩ Trần Kim Bằng (ngoài cùng bìa phải đang ôm đàn guitare đệm nhạc) cùng nhóm hợp ca "Duyên" hát tại Chợ Đêm Phước Lộc Thọ.

Trả lời cho câu hỏi của người viết: “Ông có chịu ảnh hưởng nhạc sĩ “thần tượng” nào khi đến với việc sáng tác không? Nếu có, thì xin ông chia sẻ những thần tượng hoặc 1 thần tượng ấy đã giúp Trần Kim Bằng ra sao trong quá trình sáng tác? Trải qua theo thời gian, đến nay ông đã vượt qua được “cái bóng” của thần tượng hay chưa?

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng chia sẻ: “Giới nghe nhạc của người Việt mình cũng lạ, gu thưởng thức không chỉ nhạc Việt mà nhạc Anh, Pháp, Trung Hoa, Mexico, đa quốc gia... thậm chí sau Hồng Kông thì nay xuất hiện nhạc phim bộ Nam Hàn, nói chung họ đều thích nghe.

“Từ đó tạo ra nhu cầu và xuất hiện những ca sĩ Việt trình bày nhạc ngoại quốc rất hay. Vì Bằng có sinh hoạt ban nhạc [Trần Kim Bằng có thể chơi được nhiều nhạc cụ, nhưng sở trường là guitar, sinh hoạt trong ban nhạc The I-Band gồm những người bạn yêu nhạc giống như ông lập ra] nên phải mổ xẻ và tập dợt hầu như đủ mọi âm vực khác nhau nên cũng... mê những bản nhạc quốc tế nổi tiếng. Hồi nhỏ thì nhiều thần tượng nước ngoài lắm, chỉ cần nghe 1 bài hay là nhạc sĩ và ca sĩ đó trở thành thần tượng, tuy nhiên thần tượng cũng hay thay đổi! Bây giờ trưởng thành, gạn lọc lại chỉ thích nghe loại nhạc Jazz, Blues thấm thía.
“Bài "Phố Cũ" của Bằng chịu ảnh hưởng từ giòng nhạc thần tượng này. Sự thâm trầm, nỗi đớn đau, chịu đựng vì thân phận của người nô lệ da đen, dai dẳng từ bao đời được thể hiện tuyệt vời qua âm thanh, đặc biệt tiếng kèn trumpet đầy mê hoặc...

“Về những nhạc sĩ Việt Nam của miền Nam và sau này khi ra hải ngoại, tất cả đều là thần tượng. Bằng được ru lớn lên qua những nhạc phẩm của họ. Nhạc Trần Kim Bằng cũng được một số fan nhận xét là giống nhạc của miền Nam thời gian trước 1975. Như vậy thì chắc là chưa vượt qua được "cái bóng" các thần tượng, tuy vẫn cố gắng tìm lối đi riêng cho mình.”

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng khiêm tốn tự nhận nhạc của mình vẫn chưa vượt qua được "cái bóng" các thần tượng. Nhưng theo cảm nhận của người viết, dòng nhạc của Trần Kim Bằng với những hình tượng âm nhạc tuyệt đẹp, có những nét độc đáo làm nên màu sắc âm nhạc của riêng ông. Đó chính là sự giản đơn, gần gũi, chân thực của ca từ, và giai điệu, nhịp phách, âm sắc của bài hát có lúc như buông lơi, có lúc như được sắp xếp chặt chẽ nhưng không hề có tính công thức cứng ngắc.

Những ca khúc chất chứa nỗi buồn mênh mang tha thiết như “Duyên Biệt”, “Duyên Vắng”, “Duyên Tan”, “Duyên Mộng”, “Chuyện Tình Mình”… nhưng người nghe không nhìn thấy sự bi ai, không thống thiết, sầu khổ. Mà cùng với sự đều đặn của ca từ, tính nhịp nhàng của giai điệu nhân lên dần ở cái cách lặp đi lặp lại một đoạn nhạc chứa đầy cảm xúc sâu lắng cho toàn bộ tác phẩm, phác họa nên những nỗi buồn trong từng ca khúc.

                                                              Sách nhạc và CD "Duyên"


Buồn đó nhưng không mất đi niềm vui sống, mà nỗi buồn chỉ như một điều ngẫu nhiên trong đời, vương vất đó nhưng rồi cũng sẽ trôi đi.

Những khúc ca “Duyên”

Nói về hoàn cảnh ra đời của một loạt những khúc ca Duyên, gồm Duyên biệt, Duyên sầu, Duyên mộng, Duyên tan, Duyên vắng và thông điệp của tác giả qua loạt ca khúc này, nhạc sĩ Trần Kim Bằng cho biết: “"Duyên" tức là ..."Duyên"(danh từ) và chữ theo sau nó bổ túc cho rõ nghĩa thêm...

“Những ca khúc "Duyên" với nội dung qua lời nhạc chỉ ra sự chia ly, tan tác, nỗi hẩm hiu, những gì không trọn vẹn. Mỗi "Duyên" đều có những cám cảnh mà Bằng là chứng nhân rồi ghi lại. Duyên Tan thì ngay tựa bài đã cho người nghe hiểu ngay mối tình tan vỡ. Duyên Biệt là hình ảnh cuộc tình đã tàn nhưng sau chia ly sao mãi còn ray rức. Duyên Mộng với những trăng sao ...

“Đặc biệt ca khúc Duyên Sầu thì nhắc lại kỷ niệm sinh hoạt văn nghệ nơi trường học năm nào... Ban tổ chức yêu cầu đóng góp tiết mục, riêng Bằng phụ trách ráp một số câu ca dao và dân ca cho thành 1 liên khúc, kể chuyện mối tình học sinh từ bắt đầu quen nhau cho tới khi xa nhau, soạn rồi thâu nhạc nền để các anh chị diễn hoạt cảnh... vui. Tiết mục ý nhị sau này gợi ý cho Bằng đúc kết lại thành ca khúc Duyên Sầu.”

“Hiện nay, Bằng có khuynh hướng thích viết nhạc về quê hương hơn là viết về tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên tùy cảm hứng mỗi lúc, cái gì đến thì thuận theo tự nhiên.”

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng chia sẻ thêm: “Nói thêm chút về "Duyên", trong cách dùng chữ thì chữ "Duyên" mình ên giải quyết được vấn đề khi sáng tác, vì chỉ xài có 1 nốt nhạc mà ai cũng hiểu thay vì dài giòng văn tự giải thích hay ...tốn kém nhiều nốt nhạc để diễn tả 1 tình trạng. Đó là nói về phần kỹ thuật đặt lời. Ví dụ: Ca khúc Duyên Vắng, có câu

“Duyên vắng lạnh khi trao ước thề (6 nốt nhạc)
Thay vì: Cuộc tình vắng vẻ, lạt lẽo từ khi trao ước thề...
(Ý hai câu giống nhau nhưng câu sau phải thêm nhiều nốt, xem chữ có vần không, rồi luật cân phương...)

Những sáng tác hướng về quê hương Việt Nam

Hầu hết ca khúc của Trần Kim Bằng đều được ông viết lời, chỉ có ca khúc "Con Có Một Tổ Quốc” 1,2, và 3 là được dựa theo lời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Nói về điều đặc biệt này, nhạc sĩ Trần Kim Bằng giải thích: “Trong bài thơ "Con Có Một Tổ Quốc" của Đức Hồng Y Thuận trong cuốn sách khiêm tốn nhỏ bé "Đường Hy Vọng", Ngài không nói đến lý do bị tù đày nhưng nhắc nhở chúng ta lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước. Điều này làm Bằng xúc động. Nhân lúc ngồi trên piano làm bài tập thực hành thêm về các thể loại nhạc trong đó có nhạc về ngũ cung (pentatonic), bèn thử lời thơ của ngài trên những note đen thì thấy rất hợp và... như có Đức Hồng Y ngồi kế bên hổ trợ.

“Bản nhạc hoàn thành rất nhanh. Nhanh là vì mình không phải đặt lời. Thêm nữa bài thơ khi đọc lên đã có âm điệu nhạc trong đó nên cứ nương theo các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng mà hát. Có thể nói Bằng chỉ là người sắp xếp, dùng âm thanh ghi lại cảm hứng, tấm lòng yêu tổ quốc của ngài thể hiện qua bài thơ này.”

Không chỉ phổ nhạc từ bài thơ "Con Có Một Tổ Quốc" của Đức Hồng Y Thuận, tiếng lòng của người con xa quê hướng về Việt Nam bên kia bờ đại dương trong các sáng tác của nhạc sĩ Trần Kim Bằng còn có những ca khúc được ông đặt lời và viết nhạc như "Dân Oan Nước Tôi", "Tôi Đi Trên Phố", "Ai Người Tri Kỷ", “Ngày Tự Hào”…

Qua những tác phẩm này, tác giả đã góp phần khơi lại ngọn lửa nóng trong tim của những người tị nạn Việt Nam nơi hải ngoại để tiếp tục tranh đấu cho một Việt Nam tươi sáng, thật sự Tự Do, Nhân Quyền và Độc Lập.

Những tác phẩm này không hẳn là những bài nhạc đấu tranh mang tính chất hùng ca, nhưng ít nhiều tác giả đã thể hiện sâu đậm tình yêu của mình với quê hương dân tộc, là tâm tư nguyện vọng của người con xa quê luôn khắc khoải với tương lai đất nước.
Tâm sự về những sáng tác đặc biệt này, nhạc sĩ Trần Kim Bằng cho biết:

“Nhạc viết cho quê hương mang hoài bão lớn hơn. Nhờ có internet nối kết những tin tức xốn xang từ quê nhà nên khi đủ lửa là phụ tay, nói lên cho mọi người hiểu được nỗi oan ức của người dân. Dùng lời ca, tiếng hát, gióng lên tiếng nói giùm cho họ. Luôn mong mỏi có thể đóng góp phần nào trong việc kêu gọi công bằng và tự do. Ca khúc "Dân Oan NướcTôi", "Tôi Đi Trên Phố" bắt nguồn từ đó.

“Loại nhạc này cần nhiều biến tấu cho sinh động, phù hợp với hiện tượng xảy ra. Phần điệp khúc bài "Dân Oan Nước Tôi" sau khi hợp ca, mọi người còn phải réo lên, gào lên, vang vọng khắp nơi. Các anh chị trong nhóm "Duyên" lúc thâu chung đã có thêm sáng kiến vừa la, vừa gõ nồi niêu xoong chảo cho ồn ào, thích hợp với không gian những người dân đang la hét, biểu tình phản đối, trong khi phiên khúc kể lể những nỗi oan. Có đoạn Bằng chuyển sang ngâm thơ, nhằm tạo cho người nghe cảm thêm nhiều nỗi chua xót!

“Về ca khúc "Ai Người Tri Kỷ", mục đích khơi lại những hình ảnh lịch sử oai hùng, gương bất khuất của tiền nhân dựng và giữ nước, coi như một chút gì đền đáp công lao thầy cô dạy sử cũ của mình khi còn đi học.
“Riêng nhạc phẩm "Ngày Tự Hào" thì khá ồn ào trên một vài diễn đàn tranh luận, ca khúc được chú ý vì có nhiều thay đổi trong cấu trúc, không theo dàn bài thông thường.

“Sáng tác này ghi lại biến cố lịch sử, khi các bạn trẻ trong nước ào ạt xuống đường biểu tình tại Sài Gòn, Hà Nội, bày tỏ chính kiến cách đây vài năm. Để cho thêm đặc sắc, có khuynh hướng đề nghị trình bày bài này qua dạng hợp xướng, nhưng dùng hòa âm theo lối nhạc Rockin' của nhóm Pink Floyed, một ban nhạc được cho là góp phần không nhỏ trong việc thay đổi, đưa đến thống nhất nước Đức trong thế kỷ trước.”
“Nói tóm lại, những nhạc phẩm Bằng viết về quê hương đều cố gắng chuyển tải sự đau khổ trộn lẫn phẫn nộ, nỗi thiết tha mong mai ngày quê hương tươi sáng, và luôn kèm theo những hình ảnh hào hùng trong sử Việt nhằm mục đích nhắc nhở.”

Khi người viết thắc mắc: “Rất nhiều nhạc sĩ muốn nổi danh hơn, họ rất cần những ca sĩ đang nổi tiếng trên thị trường thể hiện tác phẩm của họ, vậy còn ông?

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng khiêm tốn đáp: “Đây là câu hỏi nhưng cũng là góp ý. Xin cám ơn và trả lời là Bằng chỉ thực hiện trong khả năng của mình, với suy nghĩ đóng góp chút lời ca tiếng hát cho đời vui, nên không theo nguyên tắc chung, là phải đặt nặng những nhu cầu như vậy.

“Tuy nhiên cũng đã có được 1 CD "Duyên", ra mắt đôi, ba lần ở quận Cam. Một số hợp ca cũng được anh chị em thân hữu góp tay, thâu, thực hiện movie clip rồi đưa lên you tube. Đời thế là vui và hạnh phúc lắm rồi.”

Người viết hỏi tiếp: “Ông nghĩ gì về nhạc Việt Nam hải ngoại và trong nước, những năm gần đây và triển vọng của nó? Riêng những sáng tác của ông, ông tự đánh giá vị trí của nó ra sao trong vườn hoa nghệ thuật tại hải ngoại này?”

Nhạc sĩ Trần Kim Bằng bày tỏ: “Theo Bằng, dù chỉ thuần túy là loại nhạc viết cho giải trí, lúc nào cũng cần sự liên tục. Tương đối ít khi nghe những bản nhạc mới, nhất là loại nhạc thính phòng với chút cầu kỳ. Nơi hải ngoại này về mặt ca sĩ không thiếu. Nhìn vào những cuộc thi tài năng mới mỗi năm, kể cả cho các em nhỏ do các trung tâm tổ chức, có khá nhiều thí sinh tham dự. Sau phong trào Karaoke thì các chương trình hát cho nhau nghe hiện cũng đang nở rộ, nhiều giọng ca độc đáo, xuất sắc lộ diện. Điều này cho thấy nhiều lạc quan nhưng đa số chỉ quẩn quanh trong dòng nhạc cũ.

“Hiếm khi thấy họ hát nhạc mới, phải chăng vì tốn nhiều công sức tập luyện? Số lượng ca sĩ đông đảo như vậy so với lãnh vực nhạc, có vẻ thiếu cân xứng!

“Những ca khúc mới chưa đủ nhiều? Hay nhiều nhưng vẫn chưa được phổ biến khắp nơi? Cần thêm sự tiếp tay nồng nhiệt từ phía truyền thông? Còn ở trong nước thì gần đây nghe nói có một số show diễn khá ồn ào nhưng cũng chỉ trình bày đa số những ca khúc của miền Nam trước 1975. Tóm lại, đây chỉ là vài suy nghĩ khá chủ quan của Bằng, vì đây là việc dành riêng cho những người phê bình âm nhạc, cần phải có nhiều dữ liệu.

“Về nhạc của Bằng xin được tùy vào khán thính giả, giới thưởng ngoạn nhận xét.”
Bày tỏ thêm về những tâm tình để mọi người hiểu hơn về mình và nỗi niềm của mình với âm nhạc, nhạc sĩ Trần Kim Bằng chia sẻ:

“Dân Việt ở hải ngoại ít hơn so với người trong nước, nên sự thưởng ngoạn âm nhạc cũng là số ít. Nhìn chung dòng nhạc cũ hiện vẫn được hát nhiều hơn nhạc mới sáng tác sau này. Bằng hy vọng người Việt cả trong và ngoài nước cũng nên nghe, hát những ca khúc mới để khuyến khích những người viết nhạc, và cho có sự tiếp nối.

“Đa số nhạc mới trong hoàn cảnh hiện nay chỉ được loay hoay phổ biến qua những trang mạng, blog, face book hay you tube... Bằng biết có nhiều nhạc sĩ âm thầm viết nhiều bản nhạc rất hay, không thua gì những bài nổi tiếng ngày xưa. Sẽ được đánh giá cao, để đời nếu có sự lắng nghe, và ưa thích thì nên tiếp tay chia sẻ, giới thiệu cho nhau. Phong trào nhạc phổ thơ cũng đáng trân trọng vì tốn nhiều tâm huyết, nhiều bài nghe qua rất mượt mà, phải khâm phục.

“Những ca khúc của Bằng đều có thông điệp rõ ràng, trong đó ngoài những kỷ niệm về tình yêu, còn nói lên cãm nghĩ chung của người tị nạn tha phương, hay trang trải chút tấm lòng với bà con bên nhà, quê nhà ...

“Có ai đó đã nói mỗi tác phẩm âm nhạc cũng như những người con của mình được sinh ra để mang lại chút gì, góp vui hay giải sầu cho đời sống thì Bằng cũng chỉ mong như vậy. Trong tâm tình đó, xin được chia sẻ với khán thính giả, độc giả của báo Viễn Đông. Đặc biệt đến phóng viên và quý báo đã có nhã ý dành cho cuộc phỏng vấn này. Xin cám ơn mọi người.”

Qúy độc giả muốn thưởng thức những sáng tác của nhạc sĩ Trần Kim Bằng có thể vào
Trần Kim Bằng You tube Playlist:

https://www.youtube.com/watch?v=FIlhrI-qAvU&list=PLkmQqmm3cCEkUjX7_C4tH9D4WlLJQ1GoN
Hoặc trang web https://trankimbang.wordpress.com/
Muốn liên lạc với tác giả: xin gửi về địa chỉ email trankimbang@gmail.com
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT