Thế Giới

Cây olive 3,000 năm vẫn ra trái

Thursday, 07/11/2019 - 07:48:13

Việc định tuổi những cây olive cổ đại rất khó vì đa số chúng đều bị rỗng một phần thân cây, theo hãng ATA Agac, công ty quản lý vườn olive.


Các khoa học gia vật lý nguyên tử đang lấy mẫu của rễ cây olive và sau đó khám phá cây đã có từ 3,000 năm. (Anadolu Agency)

THỔ NHĨ KỲ - Nhờ phương pháp xác định tuổi bằng cách đo sự phát quang, các nhà khoa học đã tìm ra thời điểm trồng cây olive cổ thụ với chu vi thân lên đến 12.5 mét. Cây olive Ata Agac, nghĩa là "cổ thụ,” được trồng ở mảnh đất từng là nghĩa địa của người La Mã, nay thuộc vườn olive ở Mugla's Milas, miền tây Thổ Nhĩ Kỳ. Chu vi thân cây là 12.5 mét, tương đương cây olive già nhất thế giới hiện nay, Ano Vouves, đang mọc trên đảo Crete, Hy Lạp, đã sống khoảng 3,000 tới 4,000 năm.
Việc định tuổi những cây olive cổ đại rất khó vì đa số chúng đều bị rỗng một phần thân cây, theo hãng ATA Agac, công ty quản lý vườn olive.
"Các chuyên gia thường tính tuổi cây bằng cách lấy gỗ từ giữa thân cây để phân tích đồng vị carbon 14. Nếu không có mẫu gỗ lấy từ vòng tuổi đầu tiên hình thành giữa thân cây, phương pháp định tuổi bằng carbon 14 sẽ không chính xác. Cây olive cổ thụ bị mất gỗ và không thể tính tuổi bằng cách này,” ATA Agac cho biết.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Ankara đã lấy mẫu đất từ rễ cây và sử dụng phương pháp định tuổi bằng sự phát quang. Phương pháp này đo năng lượng photon mà một vật thể phát ra. Từ đây, các nhà khoa học sẽ tìm ra thời điểm sau cùng vật thể này tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. “Chúng tôi thu thập mẫu vật từ 7 phần rễ khác nhau và nhận thấy cây olive này được trồng cách đây 3,000 năm,” Giáo sư Niyazi Meric, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Cây olive Ata Agac vẫn tiếp tục ra trái. Hãng ATA Agac cho biết, có rất nhiều cây olive cổ đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, và hãng này đang chuẩn bị lập một dự án nhằm khẳng định tầm quan trọng của chúng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT